.TRẦN THỊ TRÂM
Tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương của nhà văn Phùng Văn Khai (Nxb Hội Nhà văn, 2019) có độ dài 454 trang, chia làm 18 chương, xoay quanh nhân vật Ngô Quyền, kể về giai đoạn lịch sử nước nhà từ năm 923 đến năm 939, một thời kì quan trọng và có nhiều biến động.
Mở đầu là sự kiện: Năm 923, tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ, con trai Khúc Thừa Dụ, bị nhà Nam Hán bắt giam, đất nước mất chủ quyền, Dương Đình Nghệ nổi dậy lãnh đạo nhân dân chống giặc phương Bắc giành quyền tự chủ. Tháng 7 năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ đoạt chức và chủ trương dựa vào ngoại bang để giữ ngôi vị. Té nước theo mưa, Hán đế Lưu Cung lập tức phong chức Giao vương cho con trai Lưu Hoàng Tháo, sai y mang mười vạn binh thuyền sang chinh phục và cai trị An Nam. Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, lập nên một kì tích: bẻ gãy hoàn toàn ý đồ đồng hóa dân tộc Việt, biến nước Việt thành một quận huyện của Trung Hoa, chấm dứt mười thế kỉ đô hộ của các triều đại Hán - Đường. Năm sau (939), Ngô Quyền lên ngôi, lập nên nhà nước phong kiến đầu tiên, tạo ra một dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử nước nhà, mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập tự chủ.
Khảo tác phẩm từ góc nhìn thể loại, ta thấy, tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương của Phùng Văn Khai thành công chủ yếu ở các mặt sau:
Thứ nhất, với thái độ khách quan, tác giả đã làm sống lại một cách chân thật và sinh động tinh thần thời đại, dựng lại diện mạo lịch sử nước nhà thế kỉ thứ X, mà tâm điểm là cuộc đại chiến quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, “vô cùng lớn lao, cổ kim chưa từng thấy” (trang 403). Dĩ nhiên, so với thời Lý, nhất là thời Trần thì đây là một giai đoạn lịch sử xa hơn, nhất là tư liệu lịch sử còn lại rất thưa thớt. Đó là một thách thức không nhỏ đối với người viết.
Có thể nói, khát vọng độc lập, lòng tự hào dân tộc, giá trị nhân văn là tư tưởng xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm. Điều này được biểu hiện trước hết ở lời đề từ cuốn sách: Đằng giang tự cổ huyết do hồng. Đó là lời đáp trả đanh thép của sứ thần Giang Văn Minh (người cùng quê Đường Lâm với Ngô Quyền) khi vua Minh có thái độ ngạo mạn, xem thường nước Việt. Diện mạo của lịch sử được thể hiện qua cách lựa chọn loại hình tiểu thuyết cổ điển chương hồi, qua những tên chương ấn tượng, đăng đối, dễ nhớ, đưa bạn đọc trở lại những năm tháng lịch sử cách đây hơn 1000 năm; qua lối kể chuyện theo thời gian tuyến tính mộc mạc, liên tiếp những chuyển đoạn kiểu “Đây nói tiếp…”, “Lại nói về”.
Khát vọng độc lập, lòng tự hào dân tộc và diện mạo, không khí lịch sử còn thể hiện ở lời hịch truyền thống thiết và hào sảng (các trang 229 và 352). Ở cách miêu tả khí thế ba quân đất Việt: “Trong tiếng chiêng trống ầm ầm, tiếng ngựa hí voi gầm long trời lở đất”, “Cờ xí ngợp trời, chiêng trống dồn vang, bốn mặt quân Ái Châu, Đằng Châu sát khí xung thiên xông thẳng về phía quân Hán hò reo chém giết” (trang 135, 136). Nhất là nghệ thuật miêu tả trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng hùng khí ngất trời, khiến Giao vương Lưu Hoàng Tháo tử vong, toàn bộ các chiến thuyền cùng binh hùng tướng mạnh của Bắc triều bị tiêu diệt làm người đọc không khỏi liên tưởng đến trận Xích Bích đã thiêu cháy và nhấn chìm 80 vạn quân Tào trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (trang 360, 373). Qua sự khiếp sợ và tâm phục khẩu phục của binh tướng giặc: “Ta chinh chiến đã nhiều chưa thấy quân nào dũng mãnh thiện chiến như giặc cỏ ở đây” (lời đại tướng Trần Bảo, trang 136), “Binh lính phương Nam mạnh mẽ oai phong” (trang 80). Ở lớp ngôn từ cổ kính: hiền huynh, Dương huynh, Đinh mỗ, thống suất, giáo hóa, tầm tang, ngu ý, mạt tướng, gia nhân, gia tướng, gia phụ, gia thần, Quyền nhi, Khúc chúa, nhạc phụ, vân vi, lão hủ… Và rất nhiều thành ngữ, tục ngữ: núi đao biển lửa, tiên lễ hậu binh, rắn mất đầu, ngọa hổ tàng long, vững như bàn thạch, gan hùm mật gấu, nước vỡ bờ, ăn tươi nuốt sống, kinh thiên động địa, khom lưng quỳ gối, man di mọi rợ, chứng nào tật ấy, nước xa không cứu được lửa gần, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, gan óc lầy đất, quốc gia hưng vong thất phu hữu trách…
Thứ hai, bằng sự kết hợp giữa tư duy dân gian, lối kể chuyện truyền thống (yếu tố thần kì, người anh hùng toàn bích, chỉ quan tâm tới những ưu điểm, quan hệ gắn bó với nhân dân, lấy dân làm gốc) và tư duy bác học, cách viết văn hiện đại (lối vào truyện trực tiếp, tốc độ nhanh; những trận đánh miêu tả hay, kĩ càng, khoa học; cách lí giải nguyên nhân Kiều Công Tiễn giết chủ và đầu hàng giặc; xây dựng thành công hình tượng nhân vật trung tâm Ngô Quyền, người anh hùng kiệt hiệt, tài đức, văn võ song toàn, suốt đời vì nhân dân mà đánh giặc).
Giống như mọi anh hùng dân tộc, người anh hùng họ Ngô có mối quan hệ máu thịt với nhân dân, tôn trọng nhân dân, biết huy động sức mạnh toàn dân, tạo ra được sự đoàn kết toàn dân. Trước những quyết sách quan trọng (cho kẻ phản chủ Kiều Công Tiễn được chôn cất; tổ chức trận thủy chiến Bạch Đằng; quyết định lên ngôi báu; dời đô về Cổ Loa…) bao giờ ngài cũng hỏi ý kiến và coi trọng ý kiến nhân dân, đặc biệt là các bô lão, hết lòng vì dân và được dân tin yêu ủng hộ.
Cách kể chuyện của Phùng Văn Khai khá linh hoạt. Nhân vật Ngô Quyền được miêu tả ở nhiều điểm nhìn, khi trực tiếp, lúc gián tiếp. Tính cách có khi được miêu tả qua ngoại hình, qua hành động, qua cử chỉ lời nói của nhân vật hoặc qua cách đánh giá nhìn nhận của mọi người. Theo quan niệm dân gian và đặc trưng của tiểu thuyết truyền thống, tâm lí ít được tác giả quan tâm mà tập trung vào vẻ bề ngoài của nhân vật. Dung mạo tướng quân họ Ngô được tác giả miêu tả trực tiếp: là một võ tướng oai phong lẫm liệt, tài trí mưu lược, một trang quân tử “uy vũ bất năng khuất”. Ngài có dáng người “cao lớn, đầu chít khăn lụa xanh, bộ võ phục bằng vải thô màu chàm, chân đi giày vải, lưng đeo chiếc túi da báo khá lớn, bước đi uyển chuyển vững chãi thong thả giữa hai hàng gươm giáo” của kẻ thù (trang 21), “giọng sang sảng như chuông đồng, vang ngân và xúc động lòng người” (trang 350). “Chủ tướng Ngô Quyền ngày đầu xuân sức vóc tươi nhuần, lời nói ngân vang, khúc chiết” (trang 430). Khi vào trại giặc thương thuyết, bị chúng lôi ra chém vẫn ha hả cười, không chút sợ hãi. Nơi chiến trận, chủ tướng rõ là một người anh hùng tả xung hữu đột: “Lời còn chưa dứt, Ngô Quyền đã như bay từ trên bành voi xuống lưng con bạch long câu. Ngô Quyền nắm chắc trường thương, oai phong tế ngựa tiến thẳng ra phía trước”; “… càng đánh càng hăng đường thương vun vút, khiến Lý Tri Thuận không khỏi kinh động trong lòng” (trang 32); “Hai ngàn kị binh phút chốc vỡ toang trận pháp, kẻ chết người bị thương la liệt” (trang 33).
Mang một trái tim thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả, vị chủ tướng trí dũng song toàn hết lòng yêu thương binh lính và muôn dân, luôn coi trọng sinh mạng của con người: “Đừng để hao tổn xương máu sĩ tốt mới là kế vẹn toàn” (trang 42). Với kẻ thù, ngài không chủ trương tuyệt diệt mà luôn tìm cách mở đường hiếu sinh: “Cốt sao hãm giặc để chúng tự thua mới là thượng sách” (trang 53). Với kẻ u mê lầm đường lạc lối như Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền vẫn cho được chôn cất mồ yên mả đẹp, nhờ thế mà ngài đã thu phục nhân tâm, cảm hóa được lòng người, phát huy được sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc.
Tài đức của ngài được thể hiện toàn vẹn hơn qua sự ngưỡng mộ của nhân dân: “Công lao Ngô chủ tướng quả là cổ kim chưa từng thấy” (trang 384), qua sự đánh giá của tướng lĩnh, binh sĩ: “Ngô vương ta, trí tuệ, sức vóc quả là người nhà trời chứ người phàm sao được như thế” (lời Đoàn Thành, trang 436).
Để xây dựng nhân vật Ngô Quyền, tác giả đã khéo léo vận dụng thủ pháp đối lập: Chủ tướng là người bao dung, ân đức trong khi kẻ thù độc ác, biển lận. Nhưng nhà tiểu thuyết họ Phùng cũng tỏ ra rất khách quan và nhân văn, đã thể hiện thái độ thương cảm khi vị đại tướng nhà Nam Hán là Trần Bảo cùng đội quân bị vong mạng ở bến Giang Biên giữa trận mưa tên (trang 137), hay đã để Giao vương Lưu Hoàng Tháo bình tĩnh chọn một cái chết trong tư thế đàng hoàng khi gặp bước đường cùng chứ không phải là thái độ khiếp nhược, đê hèn.
Từ mẫu gốc là người anh hùng đã lãnh đạo nhân dân làm nên chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng, qua sự sáng tạo của Phùng Văn Khai, nhân vật trở nên sống động. Là người mang trong mình chân mệnh đế vương, hội tụ linh khí trời Nam, lại được sinh ra trong một gia đình dòng dõi, ngay từ nhỏ, Ngô Quyền đã được giáo huấn về lòng yêu nước, được nuôi dưỡng tinh thần độc lập dân tộc. Từ diện mạo, thần thái, tính cách, ông đã sớm bộc lộ chí khí, uy đức và tài năng thiên bẩm. Ngoài tài năng phi phàm, ông còn là người luôn nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, thân dân. Chính điều này đã giúp ông khẳng định uy tín, mau chóng tổ chức lực lượng để lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Mặt khác, từ điểm nhìn đương đại, tích hợp chặt chẽ ưu thế của chính sử và dã sử, truyền thống và hiện đại (mạch văn nhanh, đi thẳng vào cốt truyện, ngôn ngữ điện ảnh), với trí tưởng tượng phong phú, tác giả đã bồi đắp da thịt, thổi hồn thời đại, đã khám phá luận giải nhiều vấn đề của lịch sử. Mà nhìn vào lịch sử một dân tộc, ta sẽ thấy tương lai của dân tộc đó. Vì nếu mục đích của lịch sử là khám phá sự thật, phản ánh gương mặt khách quan của lịch sử, thì tiểu thuyết, thông qua việc tái hiện lịch sử, rút ra những quan niệm và suy ngẫm về cuộc sống và con người. Tiểu thuyết lịch sử thường mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, từ cái riêng khái quát thành những vấn đề chung của cả một thời kì lịch sử.
Qua những thông điệp nghệ thuật, cuốn sách của Phùng Văn Khai đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lớn như: vấn đề chủ quyền dân tộc, đánh thức lòng yêu nước, tự hào dân tộc, góp phần giúp thế hệ trẻ thêm yêu thích và dễ dàng đến với các trang sử dân tộc và bộ môn lịch sử trong nhà trường. Trả lời câu hỏi lớn Ai làm nên lịch sử?, mang tư tưởng tiến bộ của thời đại, bên cạnh việc đề cao vai trò của người anh hùng dân tộc khi vận nước lâm nguy, tác giả luôn có ý thức rất rõ trong việc đề cao vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự phát triển của lịch sử.
Dĩ nhiên, để đánh giá đóng góp của tác giả Phùng Văn Khai, theo chúng tôi, nên bắt đầu từ đặc điểm của tiểu thuyết lịch sử.
Chúng ta biết rằng, là thể loại giao thoa giữa văn chương và lịch sử, nhưng trong tiểu thuyết lịch sử, chất tiểu thuyết phải là yếu tố ưu trội. Trong khi nhà viết sử đi tìm cái chi tiết của lịch sử thì nhà văn đi tìm cái khái quát của cuộc đời. Nhân vật chính và các sự kiện chính của tiểu thuyết lịch sử phải được sáng tạo trên sử liệu xác thực, lời ăn tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy nhưng không thể thiếu nhân vật hư cấu và các chi tiết hư cấu. Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật trong chính sử vì các nhân vật của tiểu thuyết được trao cho sự sống còn các nhân vật lịch sử thì đã sống. Nếu sử gia là người viết sử của quá khứ thì nhà tiểu thuyết là người viết lịch sử của hôm nay, như một nhà nghiên cứu nước ngoài đã nói, nhà tiểu thuyết “không tạo ra lịch sử mà chỉ thám hiểm những vùng tối, khuất lấp của lịch sử”.
Như vậy, giữa sử học và tiểu thuyết lịch sử có sự khác biệt về vấn đề tư duy, hình thái tư duy. Trong tiểu thuyết lịch sử có sự đan xen giữa tư duy lí luận và tư duy hình tượng, nhưng tư duy hình tượng được đề cao. Dĩ nhiên một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử thành công (nhất là thời hiện đại) thì tư duy lí luận hòa tan vào trong hình tượng.
Lịch sử coi trọng biên niên, sự kiện, lấy sự thật làm giá trị thì nhà tiểu thuyết lịch sử lại xem trọng sự hư cấu. Hư cấu có nét đặc thù: phải dựa trên cơ sở là sự thật lịch sử, không được phép quá đà, sao cho đạt đến một sự chân thật hơn cả sự thật ngoài đời hay sự thật đã diễn ra trong chính sử.
Nhìn chung, trong tiểu thuyết Ngô Vương, Phùng Văn Khai đã làm sống lại những tài liệu lịch sử chủ yếu bằng trí tưởng tượng mà có vẻ ít hồi sinh chúng bằng hư cấu nghệ thuật. Những vùng khuất lấp được khai thác chưa nhiều, nhân vật ít được tiếp cận từ góc nhìn đời tư nên tính cách chưa thật phong phú, đa dạng.
Mặt khác, nhân vật cũng còn thiếu những chi tiết đắt giá như một biệt tài, một đặc điểm lạ về ngoại hình (được nhắc đi nhắc lại nhiều lần kiểu truyền thuyết dân gian) để có thể khảm vào trí nhớ và cuốn hút bạn đọc.
Tuy có một số điểm cần bàn, nhưng nhìn chung, tiếp theo tiểu thuyết Phùng Vương, tiểu thuyết Ngô Vương của Phùng Văn Khai đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thể tài tiểu thuyết lịch sử, góp phần làm sáng tỏ lịch sử và nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. Với tài năng và niềm đam mê, khát khao sáng tạo, với vốn tri thức lịch sử dày dặn mà anh đã tích lũy được, hi vọng một ngày không xa, nhà văn quân đội Phùng Văn Khai sẽ trở thành một trong những tác giả văn xuôi đương đại chuyên viết truyện lịch sử được bạn đọc yêu mến
T.T.T
VNQD