Nguyên tắc dùng từ của Bác Hồ: Giản dị, dễ hiểu mà giàu ý nghĩa

Thứ Hai, 19/08/2019 00:51

. THANH HẢI

Một nguyên tắc thông thường của nghệ thuật thơ ca là dùng chữ ở mức ít nhất nhưng phải nói được nhiều ý nghĩa nhất. Hiểu theo nghĩa này ta thấy ngôn từ của Bác Hồ giàu chất thơ, chưa nói tới hình thức vận dụng lời ăn tiếng nói của dân gian, ở ngay nội dung cũng có chất thơ, một chất thơ đậm tình người.

Viết văn, làm thơ hoặc đơn giản chỉ là nói và viết, có đi vào lòng người, có chinh phục được người đọc/nghe hay không thì trước hết tác giả phải có tư tưởng, có quan niệm rõ ràng. Bác Hồ lớn trước hết là Bác có tư tưởng tất cả vì con người. Đơn giản chỉ là cách dùng một con chữ cũng đậm tư tưởng nhân văn ấy.

Tư tưởng yêu thương con người, gần dân, thương dân, vì dân cũng được thể hiện rất rõ qua từng con chữ. Ngôn ngữ Bác Hồ giản dị, rõ ràng mà lại giàu hình ảnh, đậm đà giá trị biểu cảm là nhờ bắt sâu từ tục ngữ, thành ngữ, ca dao, lời ăn tiếng nói của nhân dân nên đó là một thứ ngôn ngữ sống động mang hơi thở của đời sống nhân dân lao động nên xa lạ với ngôn ngữ quan phương hành chính mệnh lệnh.

Tính khẩu ngữ đã góp phần tạo ra một đặc điểm ngôn ngữ Hồ Chí Minh có xu hướng toàn dân, phổ cập, thông thường, dễ hiểu, dễ nhớ. Lời văn tác giả nhiều khi là sự phát triển từ một thành ngữ, có trường hợp cả lời văn gần như là sự tập hợp của các thành ngữ: “Chúc các đồng chí đi đường, chân cứng, đá mềm, thuận buồm xuôi gió”. Câu văn cứ như toát ra từ đời sống thực nhờ sử dụng hình ảnh và cách nói vần vè của nông dân: “Từ bây giờ cho đến khi thóc vào bồ, ngô vào cót, luôn luôn phải lãnh đạo chặt chẽ”. Những thành ngữ quen thuộc nhưng được vào ngữ cảnh mới nên sinh động hẳn lên. Một lần về cơ sở, Người nói: “cán bộ về xã mà không khéo giữ gìn thì thành cán bộ “thịt gà lá chanh…”. Chỉ kiểu cán bộ quen thói hành chính giấy tờ, Bác nói họ lúc nào cũng “đầy túi quần thông cáo đầy túi áo chỉ thị” mà không được việc. Hầu như ở trường hợp nào Người cũng có một thành ngữ, tục ngữ tương ứng hoặc có trong dân gian hoặc tự sáng tạo ra. Một lần Bác đến thăm khu văn công, hàng trăm diễn viên quây quần bên Bác, có diễn viên nam len vào ngồi cạnh và đưa tay vuốt chòm râu…Bác không gạt tay anh mà nói vui: “- Khéo chớ dứt râu Bác! Một sợi râu là một xâu bánh...” (1) . Có khi chỉ là mượn một hình ảnh ai cũng biết có trong tự nhiên mà bật ra ý nghĩa, thú vị mà sâu sắc. Lần ấy dự cuộc họp bàn chia ruộng đất cho nông dân cán bộ bàn cãi rất căng, Người nói: “Nắng dịu trời mới đẹp!” (2), thì ai cũng hiểu việc gì cũng phải giữ thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng, mềm mỏng, hơn nữa là việc hết sức nhạy cảm là lấy đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Thành ngữ là sản phẩm của cách nói ví von phổ biến được tích luỹ lâu đời nên đã góp phần tạo ra một đặc điểm ở tiếng Việt là rất giàu hình ảnh. Là một hiện tượng văn học đặc biệt trong việc kế thừa, phát triển vốn văn hoá đặc sắc của dân tộc nên việc Hồ Chí Minh hay dùng thành ngữ, tục ngữ như là tất nhiên vậy. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập… cho thấy Người dùng 52 tục ngữ khác nhau, 285 lượt thành ngữ (203 thành ngữ khác nhau). Con số chỉ nói lên một phần nhưng điều đặc biệt là phẩm chất của các dẫn ngữ này rất đa dạng, phong phú, nhiều hình vẻ, giàu sắc thái được sử dụng hết sức linh hoạt.

Trong vốn từ vựng của Người hầu như có mặt của tất cả các giọng nói của mọi tầng lớp, giai cấp người trong xã hội. Điều ấy đã thể hiện tinh thần dân chủ, tính đa dạng, phong phú, sinh động của ngôn ngữ văn hoá Hồ Chí Minh. Người là một điển hình trong việc gìn giữ ngôn ngữ văn hoá địa phương, coi đó là cái gốc, là mạch nguồn, là những nét đặc sắc góp vào sự đa dạng của văn hoá dân tộc. Thông thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài, Người cũng nói giỏi và am hiểu phong tục của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Về thăm các địa phương có người dân tộc Người cũng thường nói và viết tiếng dân tộc của bà con để hoà đồng như là một thành viên trong gia đình vậy.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đồng bào công giáo. Có thể lý giải điều này là xuất phát từ quan niệm đoàn kết và tình thương nhân dân của Bác và tình hình công giáo nước ta trong những năm kháng chiến là đồng bào dễ bị kẻ thù lợi dụng nên Bác Hồ càng phải giúp họ hiểu về đường lối kháng chiến, về chính sách đoàn kết, về tinh thần nhân ái của người Việt. Lời thư Người gửi cho đồng bào thường có đặc điểm chung là câu thường dài, âm hưởng đều đặn, giọng điệu thường ngân nga, nếu cho phép có một so sánh thì giống như giọng một vị đức cha giảng kinh thánh vậy. Mới hay sự vĩ đại, trí tuệ, tâm hồn của Hồ Chí Minh thể hiện ngay ở cách viết câu văn!

Đối với đồng bào phật tử, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm và quan tâm theo một cách riêng, cách của nhà Phật. Những lá thư Người gửi cho đồng bào luôn là sự phối hợp hai phong cách, ngôn từ của Phật giáo và ngôn ngữ toàn dân. Có những từ khó hiểu đối với ngôn ngữ toàn dân nhưng lại thân thuộc với ngôn ngữ Phật giáo vẫn được tác giả sử dụng. Bài học của mọi bài học trong việc thu phục nhân tâm của Bác Hồ là tình yêu thương và sự chân thành. Hãy yêu thương đến hết mình, hãy chân thành tận đáy lòng thì tình người sẽ đến với tình người, niềm tin sẽ đến với niềm tin.

Tình yêu con người sâu nặng là cơ sở cho những quan niệm thực sự nhân văn, đậm một tình người. Một lần Bác thân ái phê bình nhà thơ Việt Phương “không có trận đánh đẫm máu nào “đẹp” cả, cho dầu thắng lớn. Với tư tưởng gần dân, là “đầy tớ” của dân nên đối với các cụ tuổi cao Bác Hồ xưng cháu. Lá thư của Người gửi cụ Phùng Lục ở huyện Ứng Hoà, Hà Đông (cũ) không phải thư của vị Chủ tịch Nước mà là tình cảm của một người cháu yêu viết cho người ông đáng kính của mình: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc...” (3) .

Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa một tác giả làm thơ, có câu: “Lửa thiêu củi mục ù ù cháy” với ý ví lửa như đoàn thể Việt Minh, nhân dân đang u mê như củi mục nhưng gặp lửa vẫn cứ cháy...”. Nghe xong Bác cười: “- Hay đấy, nhưng không được ví dân như củi mục. Nhân dân ta có nhiều người tài giỏi gấp trăm nghìn lần chúng ta, nên sửa lại...”. (4). Chỉ một câu nói ngắn mà chứa bao ý nghĩa: yêu thương, quý trọng nhân dân; năng lực phát hiện vấn đề nhanh nhạy, sắc sảo.

Cách dùng từ của Hồ Chí Minh luôn tuân theo nguyên tắc: chính xác, giản dị, giàu ý nghĩa, có từ trong dân, nói để dân hiểu, dân mến, dân tin. Hai chữ “đày tớ” được Người dùng 37 lần (trong 15 tập) chỉ người phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành. Từ này thì ai cũng hiểu vì đã trở nên quen thuộc nên được tác giả sử dụng để nói về bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của người cách mạng với nhân dân. Thậm chí có lúc Người nhắc đi nhắc lại hai chữ này để nhấn mạnh: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” (5) .

Kinh Thánh có câu thật hay, thật ý nghĩa: “Khởi thuỷ là Lời”. Thật đúng!

 


1. Nhiều tác giả (1990), Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Viện Sân khấu, tr 15.

2. Ngọc Châu (2005), Bài học Bác dạy, Nxb Công an nhân dân, tr 168.

3. Hồ Chí Minh toàn tập (1996), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 427.

4. Nhiều tác giả (1990), Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng, tr 224.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, (1995), tập 5, tr 60.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)