Tổng cục Chính trị - bộ chỉ huy tối cao của mặt trận văn hóa, văn nghệ trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ Nhật, 06/10/2019 10:14

.NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN

Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, thực sự là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trung thành của Đảng, của nhân dân. Trong quá trình hình thành và phát triển ấy, các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn đóng vai trò quan trọng và trở thành hoạt động thường xuyên, có “thương hiệu” của quân đội ta. Bộ Quốc phòng đã xác định công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội là một mặt quan trọng của công tác chính trị - tư tưởng và giao cho Cục Chính trị, sau này là Tổng cục Chính trị trực tiếp quản lí, chỉ đạo(1).

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa, văn nghệ là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời và có tác dụng trực tiếp, to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội và các lực lượng vũ trang cách mạng nói chung và để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng nói riêng”(2), “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(3), 75 năm qua Tổng cục Chính trị đã thực sự là bộ chỉ huy tối cao của mặt trận văn hóa, văn nghệ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Mọi hoạt động của công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội đều được Tổng cục Chính trị chỉ đạo sát sao, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta, công tác văn hóa, văn nghệ luôn được xây dựng và phát triển trên hai lĩnh vực: văn hóa quần chúng và văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Mảng văn hóa quần chúng ngay từ những năm đầu thành lập quân đội đã được tổ chức hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả. Các hình thức múa hát tập thể, biểu diễn dân ca, tuồng, chèo, kịch thơ, ca dao, vẽ tranh, viết nhật kí, triển lãm lưu động, liên hoan văn nghệ... lần lượt ra đời. Nhiều hoạt động văn nghệ diễn ra ngay trong các chiến hào, trên đường hành quân, trong cuộc sống hàng ngày với sự hưởng ứng tham gia của đông đảo bộ đội, anh chị em thanh niên xung phong, dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến, người dân trên các địa bàn đóng quân... Từ các phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi, rộng khắp ấy, nhiều nghệ sĩ - chiến sĩ tài năng đã được phát hiện, bồi dưỡng để hình thành đội ngũ sáng tạo và hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp trong quân đội. Chỉ ba năm sau ngày thành lập, năm 1947, quân đội ta đã xây dựng được một đội ngũ sáng tác và biểu diễn chuyên nghiệp. Đây thực sự là một bước tiến lớn của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong quân đội. Các hoạt động văn học, nghệ thuật lúc này nhìn chung còn mộc mạc, đơn giản, chân thực, dễ hiểu, gắn liền với sinh hoạt của quần chúng, tuy nhiên đã có những hiện tượng “xuất thần” trong sáng tạo, có những tác phẩm đạt được giá trị cao. Một số đơn vị cấp trung đoàn và đại đoàn đã ra báo, có văn nghệ sĩ, có đoàn văn công. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, sau thời gian tìm tòi, thể nghiệm, định hình, về cơ bản quân đội đã xác định rõ tổ chức, phạm vi, nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động văn hóa, văn nghệ. Công tác văn hóa, văn nghệ tiếp tục được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu đồng thời là một lĩnh vực nhạy cảm trong mối quan hệ với công tác tư tưởng, trở thành vũ khí sắc bén phục vụ cho mục tiêu chung là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Do có định hướng đúng, chỉ đạo chặt chẽ nên trong giai đoạn này công tác văn hóa, văn nghệ đã thu được những thành tựu, kết quả to lớn, góp phần giáo dục bộ đội và tạo nên hình tượng Bộ đội Cụ Hồ - một hình mẫu con người mới của cách mạng Việt Nam và là giá trị văn hóa độc đáo trong lịch sử dân tộc.

Xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu đời sống tinh thần đa dạng, phong phú, sôi động và vai trò quan trọng của công tác tư tưởng đối với bộ đội, tháng 4 năm 1949, Hội nghị Văn hóa toàn quân đã được tổ chức. Đây là sự kiện lớn, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội. Tiếp theo, ngày 8 tháng 6 năm 1949, Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh đã ban hành Thông tư về văn hóa, văn nghệ, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, văn nghệ trong quân đội, đồng thời xác định rõ phương hướng, mục tiêu trước mắt và lâu dài của hoạt động này trong toàn quân. Có thể nói đây là cơ sở quan trọng mở ra bước phát triển mới của một binh chủng, một mặt trận đặc biệt của quân đội ta. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Tổng cục Chính trị đã nhanh chóng triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, biện pháp của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh về văn hóa, văn nghệ trong toàn quân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với sức hút mạnh mẽ của phong trào cách mạng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quân đội như một lời hiệu triệu đặc biệt đã thu hút nhiều văn nghệ sĩ tình nguyện tòng quân hoặc chuyển hẳn sang sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, đội ngũ nghệ sĩ - chiến sĩ đã phát triển từ không đến có, từ yếu đến mạnh, nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật của đất nước và sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Nhờ có được lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu, hàng loạt đơn vị văn hóa nghệ thuật chính quy trong quân đội đã được hình thành đặt dưới sự quản lí, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Điện ảnh Quân đội, Bảo tàng Quân đội, Thư viện Quân đội, Xưởng Mĩ thuật Quân đội, Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội...

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp trong các lực lượng vũ trang đã cổ vũ, động viên, lôi cuốn hàng triệu người xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (Tố Hữu). Các nghệ sĩ - chiến sĩ đã có mặt trên khắp các mặt trận, chiến trường, phản ánh kịp thời, sinh động cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân ta. Chính họ đã sáng tạo ra những tác phẩm văn học mang đầy chất thép, tràn trề sức sống và niềm tin chiến thắng, cổ vũ, truyền cảm hứng để cho ra đời phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Tiết mục trong liên hoan Hát ru và hát dân ca Tổng cục Chính trị, năm 2017
Ảnh: Thành Duy

Phát huy thành tựu của các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo đội ngũ hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quân đội tiếp tục sáng tạo các tác phẩm có giá trị cao phục vụ quân đội và đất nước. Tác phẩm, công trình văn hóa, văn nghệ tiếp tục khắc họa rõ nét hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trên các lĩnh vực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, học tập, nghiên cứu khoa học, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, xử lí bom mìn, lao động sản xuất... Cùng với những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, hoạt động văn học nghệ thuật của quân đội trong thời bình đã đạt được nhiều thành tích trong đời sống văn nghệ của đất nước; giữ vững vai trò là lực lượng mạnh mẽ, tiên phong, kiên trì đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, phản tiến bộ. Các đơn vị văn học, nghệ thuật trong quân đội đã trở thành những địa chỉ tin cậy về văn học, nghệ thuật của Nhà nước và nhân dân; đào tạo cho đất nước nhiều cán bộ quản lí chuyên ngành giỏi, nhiều tác giả tài năng và đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao. Hơn 70 năm qua, dưới sự quản lí, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị, lực lượng nghệ sĩ - chiến sĩ trong quân đội đã trưởng thành vững vàng trong khói lửa của các cuộc chiến tranh và trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiều người trở thành những văn nghệ sĩ đầu ngành trên các lĩnh vực văn học, sân khấu, mĩ thuật, múa, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, lí luận phê bình văn học, nghệ thuật... của quân đội và đất nước. Trong đó, hàng trăm nghệ sĩ mặc áo lính đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Trong giai đoạn hiện nay, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định, phát triển văn hóa, văn nghệ trong quân đội là công tác quan trọng nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, tri thức toàn diện cho bộ đội để sẵn sàng đánh bại các quan điểm văn hóa, văn nghệ lệch lạc, xấu độc cùng các âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Ngoài ra, văn hóa, văn nghệ còn là món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, là động lực, là nguồn cổ vũ động viên to lớn, trực tiếp góp phần nuôi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục, rèn luyện nhân cách quân nhân theo chuẩn mực con người Việt Nam mới.

Thực hiện chủ trương đó, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức thực hiện nghiêm túc, tận dụng mọi nguồn lực để mở rộng quy mô, loại hình, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bộ đội. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các cơ quan, đơn vị quân đội được chú trọng đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương thức hoạt động theo hướng “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hàng loạt thiết chế văn hóa được củng cố, nâng cấp, xây dựng mới và quy hoạch cơ bản như nhà hát, đoàn văn công, hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà văn hóa, câu lạc bộ(4)… Các thiết chế văn hóa trong quân đội được thiết lập từ cấp phân đội tới cấp toàn quân tiếp tục phát huy công năng. Một số thiết chế mang tính đặc thù của quân đội, chưa có mô hình ngoài xã hội như phòng Hồ Chí Minh, phòng sinh hoạt chung, đội tuyên truyền văn hóa... hoặc một số thiết chế văn hóa ngoài xã hội đã bị mai một, không tồn tại trong thời gian dài như các đội chiếu phim nhựa, các đội văn nghệ xung kích vẫn được duy trì và hoạt động hiệu quả trong quân đội. Có thể nói, chưa có bộ, ngành nào mà tiêu chuẩn, định mức bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần lại được quy định chi tiết đến từng tờ báo, loại báo, trang sách, tiêu chuẩn các thiết bị nghe nhìn, thời gian đọc báo, nghe đài, xem tivi... được triển khai tới từng con người, từng tập thể như quân đội. Song hành với các hoạt động thường xuyên, các hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn nghệ, báo chí cũng được Tổng cục Chính trị chỉ đạo theo từng giai đoạn 5 năm. Các cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, tham gia xóa đói giảm nghèo, cứu hộ cứu nạn; các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, liên hoan văn nghệ quần chúng; giao lưu văn hóa, nghệ thuật… được thực hiện thành nền nếp, đạt hiệu quả xã hội cao.

Trong giai đoạn cách mạng mới dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp và thường xuyên là Tổng cục Chính trị, mặt trận văn hóa, văn nghệ trong quân đội tiếp tục tác chiến mạnh mẽ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm không ngừng củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Với vai trò là bộ chỉ huy tối cao trên mặt trận văn hóa, văn nghệ của quân đội ta, tin tưởng rằng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ chỉ đạo thắng lợi mọi hoạt động của mặt trận đặc biệt này trong tình hình mới

N.P.D

---------

1. Từ 11/5/1946 đến 10/7/1950 là Cục Chính trị, từ 11/7/1950 là Tổng cục Chính trị.

2. Lịch sử công tác tư tưởng - văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 2004), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.163, 164.

3. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.20.

4. Toàn quân hiện nay có 3 nhà hát (Nhà hát Ca múa nhạc, Nhà hát Kịch nói, Nhà hát Chèo), 10 đoàn văn công chuyên nghiệp, 1 trường Đại học Văn hóa, nghệ thuật, 26 bảo tàng, 623 thư viện các cấp, 148 nhà truyền thống, 489 phòng truyền thống, 141 đội chiếu bóng, 2.282 phòng Hồ Chí Minh, nhiều thiết chế văn hóa và tạp chí, thông tin, tờ tin chuyên ngành về văn hóa, văn nghệ… Tỉ lệ người hoạt động chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và kiêm nhiệm trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ chiếm khoảng 0,6% so với tổng quân số toàn quân.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)