Nhà văn đọc gì

Thứ Năm, 10/10/2019 15:20

.UÔNG TRIỀU

Nhà văn thì đọc gì? Câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng thực chất nó chứa đựng những ý nghĩa nhất định về sự truy tìm năng lượng nội tại và cảm hứng sáng tác của nhiều người cầm bút.

Đôi khi ta nghe được những câu nói như: Thật không thể tin được là nhà văn X chưa hề đọc nhà văn Y, chưa từng đọc tác phẩm Z… Phát biểu này hàm chứa một điều rất đáng bàn luận. Người ta vốn cho rằng Y là một nhà văn rất có tầm ảnh hưởng hoặc Z là một tác phẩm lớn, vậy mà khi X viết như vậy, hắn lại chưa đọc nhà văn Y và tác phẩm Z!

Theo logic suy luận từ câu nói trên, là nhà văn hoặc nếu viết kiểu như X, nhất thiết anh ta phải đọc những tác phẩm của Y và cuốn Z, nếu không… Cái dấu ba chấm này mở ra cả một khoảng trời để nghĩ ngợi. Nó bác lại mọi chứng lí hay những nguyên tắc: Là nhà văn phải đọc người này, người kia, quyển này, quyển kia nếu anh ta muốn viết như thế. Điều này có vẻ cần thiết nhưng trong một số trường hợp cụ thể nó lại thậm vô lí hoặc mâu thuẫn.

Sự mâu thuẫn và vô lí nằm ở chỗ này. Nhà văn X chẳng cần đọc nhà văn Y và tác phẩm Z anh ta vẫn có thể viết/ suy nghĩ được như vậy. Nhưng trường hợp này có thể rất cá biệt và ta sẽ bàn ở phần sau. Còn về cơ bản, là nhà văn, anh ta vẫn phải đọc những thứ bắt buộc gì đó.

Cụ thể, là nhà văn, anh ta sẽ đọc gì đầu tiên? Có lẽ câu trả lời thông thường và phổ biến nhất là anh ta đọc những sáng tác của người khác. Những tác phẩm có hơi hướng giống với khuynh hướng của anh ta. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử thì đọc các tác phẩm lịch sử như một sự ưu tiên đáng kể hơn, viết về chiến tranh hay tôn giáo thì lựa chọn những tác phẩm trong trường mục ấy. Bây giờ một người viết về lịch sử mà không đọc những tác phẩm của Ngô Gia văn phái, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Trần Vũ… thì không biết anh ta sẽ lấy gì để tham chiếu cho tác phẩm của mình hoặc tìm kiếm một kinh nghiệm cá nhân nào đó.

Nhưng, sự đọc để tham chiếu hay lấy kinh nghiệm này đôi khi sẽ rất mạo hiểm. Những người mới viết sẽ choáng ngợp bởi những cái bóng quá lớn hoặc không tài nào thoát khỏi ảnh hưởng của tiền nhân. Những “siêu độc giả” chỉ cần “ngửi” qua hơi văn cũng có thể phát hiện ra thứ văn phong này ảnh hưởng của ai hoặc chịu tác động bởi tác phẩm nào. Cho nên, tôi quay lại câu dẫn ở phần đầu, làm sao X chưa từng đọc Y mà lại viết được tác phẩm như thế. Nếu điều này là sự thật (X chưa từng đọc Y và tác phẩm Z), sự man mác hoặc phảng phất trong tác phẩm hoàn toàn là điều ngẫu nhiên hoặc “các tư tưởng lớn đã gặp nhau” ở một điểm nào đó. Tôi tin rằng những ai đã từng đọc Kawabata Yasunari đều nhận ra rằng, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (G.Marquez) đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi tiểu thuyết Người đẹp say ngủ của nhà văn người Nhật Bản.

Như vậy, sự đọc yêu thích nhất của các nhà văn, hoặc ở giai đoạn đầu tiên của hành trình sáng tác, nhất định là các tác phẩm có sự gần gũi với sáng tác hoặc mối quan tâm của họ. Đọc để học hỏi, rút kinh nghiệm và điều quan trọng nhất mà ít người để ý, đọc chính là tìm cảm hứng sáng tác cho tác phẩm riêng của mình.

Đối với các nhà văn, ta thường nhận được câu hỏi: Nhà văn yêu thích nhất của anh là ai và tác phẩm ảnh hưởng nhất đến anh là cuốn sách nào? Đa số mọi người sẽ tìm cách thoái thác hoặc tránh xa câu hỏi này vì dường như chúng ta đang sống trong một thời đại “mất mát thần tượng” ghê gớm. Ít người viết dám công nhận mình từng có một thần tượng hoặc ảnh hưởng bởi một cuốn sách nào đó. Điều này có cần thiết phải sợ hãi? Có một thần tượng thực sự và ảnh hưởng bởi một cuốn sách cụ thể không làm vị thế của nhà văn thấp đi. Không chịu ảnh hưởng của bất kì ai hoặc bất cứ tác phẩm nào thì hoặc là anh ta nói dối hoặc là người thiếu một sự giáo dục hoặc tự giáo dục một cách cần thiết.

Tất nhiên, để chuẩn bị cho sự viết của mình, nhà văn phải trang bị những kiến thức cần thiết. Viết về lịch sử thì đọc lịch sử, viết về địa lí, sinh học, chiến tranh… thì đọc các sách tương ứng. Đôi khi cũng không cần rạch ròi như thế, nhà văn đọc những sách phổ quát để trang bị kiến thức chung, nhất là những sách liên quan đến thẩm mĩ và nghệ thuật để mài sắc và định hướng ngòi bút của mình.

Trên con đường sáng tác, thỉnh thoảng ta sẽ bắt gặp những nhà văn đi học rất ít hoặc sự đọc bắt buộc của họ khá hạn chế. Điều đáng nói ở đây là sự học có thể ít ỏi ở trường lớp nhưng sự học, va vấp trên trường đời, trường nghề thì nhiều. Nhà văn người Pháp Patrick Modiano, người đoạt giải Nobel năm 2014 đến trường khá ít nếu so với các đồng nghiệp châu Âu cùng thời, Vũ Trọng Phụng cũng mới học hết tiểu học, nhưng tác phẩm của hai người này chẳng phải là niềm tự hào của nền văn học nước họ hay sao. Người viết tự học, tự trang bị những kiến thức cần thiết cho mình và sự đọc chắc chắn là tối quan trọng. Sự đọc ít ỏi và chỉ khai thác bằng bản năng sẽ mau chóng cạn kiệt, đồng nghĩa với quá trình “tự ăn thịt mình” đã hết. Nếu không có những cập nhật về kiến thức, trải nghiệm và cảm xúc mới thì rất khó có thể viết tiếp và viết hay.

Tại đây, ta phát hiện thêm một điều nữa. Những người chủ yếu lĩnh hội được tri thức và kinh nghiệm qua sách vở thì sự viết của họ cũng có những khác biệt. Độc giả dễ dàng nhận ra nhà văn đã đọc sách gì thông qua chính cuốn sách mà anh ta viết. Trong những trang viết ấy, hoặc là “trầm tích” hoặc “toả hương” bởi rất nhiều quyển sách khác. Nhiều người không thích thứ văn chương sách vở này nhưng thực tế nó cũng là một kiểu viết, từng rất thịnh hành trong lịch sử. Thêm nữa, về mặt nguyên lí, chúng ta cũng không thể áp đặt một lối viết duy nhất.

Và nhà văn có đọc tác phẩm của mình khi đã hoàn thiện không? Tôi tin chắc rằng câu trả lời là “rất ít”. Chỉ khi tác phẩm còn là dạng bản thảo và trong quá trình chỉnh sửa thì người ta còn hào hứng với nó. Cứ nhìn vào thực tế này, trước khi sách được in ra, tác giả đã đọc và sửa chữa bản thảo đến năm bảy lần, thậm chí là mười lần hoặc hơn thì anh ta đã “chán ngấy” tác phẩm của chính mình. Nếu có đọc lần nữa khi hoàn thiện thì khoái cảm cũng giảm đi rất nhiều. Nhà văn Bảo Ninh trong một lần phỏng vấn đã nói rằng ông rất ít đọc lại tác phẩm của mình. Bản thân tôi là người viết, đến giờ này tôi cũng chưa từng đọc lại bất cứ tiểu thuyết nào của mình khi tác phẩm đã in thành sách!

Nhà văn đọc bao nhiêu là đủ? Tôi thường nghe vài người cho rằng họ e ngại sự đọc rộng và sâu vì sợ điều đó ảnh hưởng đến bản sắc riêng trong tác phẩm của mình. Điều này có thể đúng ở một giai đoạn, khi nhà văn còn non nớt và sự đọc của anh ta mới ở bước chập chững. Anh ta quá choáng ngợp hoặc không đủ bản lĩnh, tự tin để tìm kiếm con đường riêng. Khi sự đọc đã trở thành nhu cầu tự thân của nghề, khi đã đủ trưởng thành về việc đọc, ta không phải lo lắng về sự ảnh hưởng hoặc tâm lí bị chi phối khi viết tác phẩm của mình. Chính tôi đã từng trải qua sự lo lắng với những trải nghiệm ban đầu về sự đọc ấy. Bây giờ thì tôi thường đọc ba, bốn quyển sách một lúc hoặc thậm chí hơn. Có người bảo tôi, đọc nhiều sách một lúc thì làm sao hiểu và nhớ được nội dung cuốn sách. Hiểu và nhớ nội dung cuốn sách có lẽ chỉ là một giai đoạn của sự đọc, bây giờ tôi đọc chủ yếu để “cảm” cái hay của tác phẩm, cho nên đọc ít hay nhiều sách cùng lúc đóng vai trò không mấy quan trọng.

Nhà văn thường giữ bên mình những cuốn sách có thể đọc đi đọc lại hoặc cho những hành trình dài. Hồ Anh Thái chọn Linh Sơn của Cao Hành Kiện để mang theo. Tôi cũng chia sẻ khoái cảm này khi thường mang sách của họ Cao và một người tôi ưa thích nữa là Milan Kundera. Vẫn là ông này nhưng sở thích là một thứ rất khó giải thích, thích thì đọc thôi!

Một mảng sách nữa mà tôi muốn dành một sự quan tâm lớn: sách nghiên cứu phê bình văn học. Nhiều nhà văn thường bày tỏ thái độ rằng họ không quan tâm đến nhà phê bình viết về tác phẩm của mình. Có đúng thế không? Tôi cho rằng điều này chỉ đúng một phần khi các nhà văn không đủ dũng khí hoặc có một thái độ ít tích cực khi người ta khen chê tác phẩm của mình. Khen thì có thể nhận được sự quan tâm nào đó, còn chê thì rất dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực hoặc bất cần. Thực ra đọc phê bình là một phương thức quan trọng để người viết mau chóng trưởng thành và nhận ra chính bản thân mình. Nghiên cứu phê bình giống như một tấm gương soi để ta thấy mình xấu đẹp thế nào, trang điểm có quá loè loẹt hoặc quần áo có quá giản dị hay không. Ai đó sẽ bảo rằng tôi không cần người khác đánh giá vẫn biết được giá trị của mình. Ai mà đủ tự tin và tài năng đến mức không cần một sự đánh giá từ người đọc để biết tác phẩm của mình hay và lớn lao thế nào? Nhà phê bình trước hết là người đọc, “lỗi” của anh ta nếu có, là anh ta đã đọc quá kĩ và có những đánh giá về tác phẩm của nhà văn. Nhưng, chính sự kĩ lưỡng này lại giúp ích cho việc viết nói chung, cho dù tác giả của nó có thích hay không. Tôi thích đọc phê bình và chính sự đọc này đã giúp tôi trưởng thành nhanh và tự tin hơn với nghề viết của mình. Sự “tự sướng” của mỗi cá nhân tác giả là rất quan trọng để nuôi dưỡng cảm hứng viết nhưng sự nhìn nhận, đánh giá giá trị của tác phẩm qua phê bình là điều quan trọng không kém. Đọc phê bình là cần thiết cho những người nghiêm túc với nghề và trân trọng những gì mình đã viết ra

U.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)