Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT): Ở Việt Nam hiện ước tính có khoảng 65 triệu người dùng mạng xã hội (MXH), chiếm gần 70% dân số. Facebook, Google, Youtube, Zalo, Viber là các MXH và công cụ tìm kiếm được nhiều người Việt Nam sử dụng hiện nay. Thời gian sử dụng MXH bằng nhiều hình thức của người Việt Nam là khoảng 7 giờ/ngày. Điều đó cho thấy các MXH và công cụ nhắn tin qua MXH được nhiều người quan tâm, sử dụng. Do đó, nếu sử dụng internet cũng như các MXH đúng mục đích và phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mỗi người dân.
|
Sử dụng thử nghiệm tại buổi họp báo giới thiệu mạng xã hội Lotus. |
Tuy nhiên, đằng sau mặt tích cực, MXH cũng để lại nhiều hệ lụy khó lường, đặc biệt, nạn tin giả, clip xấu độc có tác động lớn đến đời sống chính trị, xã hội, an ninh của các quốc gia. Những thông tin trên thế giới ảo rất khó kiểm chứng nên dẫn đến việc kẻ xấu có thể lợi dụng internet, MXH vì những mục tiêu không tốt, như: Đưa thông tin giật gân, câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư do hẹp hòi, ích kỷ, định kiến cá nhân...
Trên lĩnh vực chính trị, những phần tử cơ hội lợi dụng internet, MXH nhằm mục đích chống phá, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, nói xấu lãnh đạo… Đặc biệt, MXH đã bộc lộ những nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin trên môi trường viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại. Đó là những thách thức về tình báo mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng và hàng loạt nguy cơ khác. Nếu không gian mạng quốc gia không được bảo vệ, các bí mật Nhà nước sẽ bị lộ, lọt; các hạ tầng quan trọng của quốc gia như hệ thống thông tin hàng không, điện lưới quốc gia, giao thông đường bộ, các cơ sở công nghiệp trọng yếu sẽ bị phá hủy; hệ thống tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác bị đình trệ hoặc rối loạn hoạt động...
Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ TT&TT đã tích cực vào cuộc để hạn chế nhiều tài liệu xấu độc từng được lưu truyền trên MXH. Các doanh nghiệp cung cấp MXB như Facebook, Google hay Youtube cũng thể hiện thái độ hợp tác nhất định, ủng hộ khi chấp hành việc gỡ bỏ những thông tin bịa đặt, xấu độc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, các nền tảng công nghệ Việt Nam, các cơ quan báo chí và người sử dụng MXH chung tay cùng Bộ TT&TT “quét rác” trên môi trường mạng, bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường internet lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam nói chung. Cụ thể, các nền tảng nội dung số trong nước cần hợp tác chặt chẽ, chung tay xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam vững mạnh, an toàn.
Đáng mừng, các nhà mạng tên tuổi của Việt Nam đang xây dựng được một số MXH “Make in Việt Nam”. Zalo-một ứng dụng OTT của doanh nghiệp nội có số lượng người dùng hằng tháng vào khoảng 46,7 triệu, bằng khoảng 70% số người sử dụng Facebook… Bên cạnh Zalo, cũng cần phải nhắc tới một cái tên khác là Mocha của Viettel; sau hơn 3 năm kể từ ngày ra mắt, ứng dụng MXH này hiện đã có khoảng 4,5 triệu người sử dụng. Hệ sinh thái internet Việt Nam cũng vừa chào đón thành viên mới nhất-MXH Lotus, ra mắt ngày 16-9-2019 do Công ty Cổ phần VCCorp đầu tư và triển khai, với nguồn vốn từ các doanh nghiệp và cá nhân trong nước, mong muốn xây dựng một MXH khác biệt, sử dụng nội dung hay để lan truyền thông điệp tới mọi người dân Việt Nam. Có thể nói rằng, sự xuất hiện, phát triển nhanh và mạnh mẽ của Zalo và Mocha hay “thành viên mới” Lotus là những minh chứng sống động cho khả năng giành giật thị trường của các MXH “Make in Việt Nam” trước những đối thủ lớn như Google hay Facebook, bởi phát triển MXH của người Việt là để phù hợp với văn hóa của người Việt.
Theo Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), việc quản lý, sử dụng hệ thống mạng, MXH một cách an toàn, lành mạnh, văn minh, vấn đề cốt lõi chính là từ người sử dụng MXH. Theo đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng MXH cũng cần được quan tâm hơn để người dân, doanh nghiệp hiểu về luật mới ban hành, những hành vi bị cấm, hành vi vi phạm pháp luật, những quy định đối với doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Bản thân người sử dụng MXH cũng cần nâng cao nhận thức, hình thành “bộ lọc” để kiểm chứng thông tin trên mạng.
Nguồn: QĐND (Phong Thảo)