.HỒ ANH THÁI
Nhà văn Đức Erich Maria Remarque viết rất nhiều về ba đề tài: chiến tranh, hậu chiến, người tha hương. Ở cả ba đề tài ông đều có tác phẩm xuất sắc. Chiến tranh thì có Mặt trận miền tây hoàn toàn yên tĩnh (Phía tây không có gì lạ), Một thời để yêu và một thời để chết. Hậu chiến thì có Ba người bạn, Bia mộ đen.
Đặc biệt thấm thía là những cuốn viết về người tha hương: Khải hoàn môn, Bản du ca cuối cùng. Khi chủ nghĩa phát xít đang trỗi dậy ở nước Đức, nhiều người gốc Do Thái ở Đức phải trốn chạy sang các nước láng giềng châu Âu. Ở đâu họ cũng bị săn lùng truy đuổi, bị bắt bị tạm giam rồi bị đưa ra biên giới đẩy sang một nước khác. Nơm nớp lo âu, tràn đầy mặc cảm, sợ hãi hoảng loạn, bế tắc khốn cùng, từ trong hoàn cảnh ấy những nhân vật không bị khuôn vào khái niệm mà là những số phận lay động được người đọc.
Tượng đài Remarque đã khiến người đọc Âu - Mĩ sa vào căn bệnh quan liêu. Hễ nhắc đến văn học nhập cư, dường như người ta đều cho rằng đề tài ấy Remarque đã viết rất hay rồi. Còn gì nữa để mà viết. Còn ai nữa để mà viết.
Người ta ngại đọc văn học nhập cư. Lí lẽ nào cũng khó thuyết phục họ. Mỗi cộng đồng nhập cư mang đến cho bản địa một màu sắc chủng tộc khác, văn hóa khác. Cộng đồng Trung, Nhật, Hàn, cộng đồng Arab Trung Đông, cộng đồng Mĩ Latinh… đều có những điều thú vị trong ấy.
Không. Người Âu - Mĩ bản địa lắc đầu quầy quậy. Chưa cần đọc cũng đã biết họ viết gì trong ấy. Cuộc sống ở quê hương nghèo khó bị bức hại bị xâm phạm quyền con người. Cuộc sống mới ở nơi nhập cư, nỗ lực để làm quen để hòa nhập, bị kì thị bị mặc cảm ngụ cư ăn nhờ ở đậu, sự hãnh diện vì mình đã thoát thân khỏi chốn quê nghèo, sự bơ vơ hoang vắng những đêm dài tha hương, sự bế tắc quẩn quanh dẫn đến tâm trạng muốn tìm về quê hương vào những ngày cuối đời…
Không. Chưa đọc chúng tôi cũng biết các người viết gì trong ấy. Xin cảm ơn. Âu - Mĩ đã xa và rất muốn xa những đề tài theo kiểu túp lều bác Tôm anh Pha chị Dậu kể nghèo kể khổ. Âu - Mĩ cũng chưa hết những vấn đề như thế và rất mong thoát khỏi những vấn đề như thế. Thoát cho nhanh. Đấy là vấn đề đặt ra cho chính quyền, cho các tổ chức nhân quyền các tổ chức từ thiện, không hẳn là vấn đề của văn chương. Đấy nếu là vấn đề văn chương thì nó làm mệt người đọc.
Tất nhiên đó là một thái độ hấp tấp và quan liêu. Tự cho mình đã biết cả biết hết những công thức đề tài. Tự nhắm mắt đóng cửa trước những gì ta chưa cảm nhận được hết, trong khi đời sống là đa diện đa thanh đa sắc độ. Văn chương cũng như đời sống. Mỗi cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết, không cuốn nào giống cuốn nào, cuốn nào cũng có những điều khiến người ta phải suy ngẫm.
Nhưng thế giới này luôn hối hả quay cuồng và có nhiều cám dỗ. Ngay cả người thích văn chương cũng không thể tĩnh tâm để lựa chọn. Họ tìm đến thứ văn chương không kể nghèo về vật chất mà nói đến cái nghèo nàn của tâm hồn. Đấy mới là hướng đến của văn chương đích thực. Họ tìm đến thứ văn chương không chỉ miêu tả hiện thực mà miêu tả ấn tượng về hiện thực. Đấy mới là văn chương đúng nghĩa.
Còn các vị viết về cuộc sống tha hương? Xin cứ viết, tôi tôn trọng, nhưng xin miễn cho tôi phải đọc.
Các nhà văn nhập cư rốt cuộc chỉ viết vì quen tay vì nhớ nghề. Họ không viết được bằng tiếng Anh tiếng Pháp của bản địa mà vẫn chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Cộng đồng Trung Nhật Hàn, cộng đồng Arab Trung Đông, cộng đồng Mĩ Latinh viết tiếng Tây Ban Nha Bồ Đào Nha. Các ông bà nhà văn lập hội lập câu lạc bộ để chia sẻ với nhau. Lập quỹ như chơi hụi để in sách của các thành viên. Một kiểu tiền mình bỏ ra để in sách mình. In xong thì chia sách cho nhau để đọc để kỉ niệm. Hầu như không bán được. In mấy trăm bản rồi mang hết về nhà, chồng chất ở đấy qua nhiều năm tháng. Thấy sách trong nước có cuốn nào hay, họ cũng nổi hứng bỏ tiền của hội để in lại, rồi cũng chồng chất trong nhà. Con cháu của họ không đọc sách ấy. Chúng là thế hệ thứ hai thứ ba thứ tư của người nhập cư. Đứa nào thích đọc sách thì chỉ tìm sách tiếng Anh tiếng Pháp để đọc. Chúng đang nỗ lực hòa nhập, chúng đọc sách để nâng cao trình độ tiếng Anh tiếng Pháp, để tăng hiểu biết về đất nước chúng cư trú. Chúng không đọc sách của ông của cha bằng tiếng mẹ đẻ cha đẻ.
Nhà văn Erich Maria Remarque
Vậy là sách ấy chỉ có mấy ông bà nhà văn nhập cư đọc với nhau. Sách ấy cũng không được dịch sang tiếng bản địa, tiếng Mĩ chẳng hạn. Người Mĩ rất ngại đọc sách dịch. Bản thân lục địa Bắc Mĩ đã là một thế giới, trong ấy đủ các vùng địa lí, đủ các vùng khí hậu, các chủng tộc, các văn hóa, các tâm lí tâm trạng. Chỉ cần nhà văn Mĩ, sau đó là nhà văn các nước nói tiếng Anh, đã quá đủ cho độc giả Mĩ. Thêm một vấn đề là ngôn ngữ: ngôn ngữ văn dịch kiểu gì cũng chỉ là văn dịch, tức là một thứ văn quá trịnh trọng, thiếu tự nhiên, trong khi người Mĩ đề cao tính tự nhiên sinh động.
Một điều nữa đã nói ở trên: có gì hay ho đâu trong sách của các nhà văn nhập cư. Người ta cứ nghĩ một cách vô căn cứ như vậy mà không cần tự mình thẩm định. Ở trong các cộng đồng nhập cư có nhiều nhà văn, nhiều người trong số đó từng nổi danh ở quê hương họ. Nhưng họ có thể sống hết phần đời còn lại ở Mĩ mà không bao giờ sách của họ được dịch ra tiếng Mĩ. Như một nghịch lí: các nhà xuất bản Mĩ có thể dịch những nhà văn đang sống trên quê hương, nhưng rất hiếm khi dịch văn của người nhập cư. Văn chương của anh trước hết hãy gây tiếng vang ở trên đất nước anh và người ở xa sẽ nghe danh mà tìm đến. Ở xa là khách, được mời mọc cộng tác, nhưng khi nhập cư thì trở thành người trong nhà, Bụt lúc ấy chỉ được người gần chùa gọi bằng anh. Càng không có chuyện những tờ báo lớn như Thời báo New York, Thời báo Los Angeles, Bưu báo Washington, San Francisco Chronicle nhắc đến một dòng. Người ta có lối cư xử sòng phẳng trong việc này. Tôi đã tiếp nhận anh vào nước Mĩ, cho anh nơi cư trú và bảo đảm cho anh sống bình thường. Còn việc anh là nhà văn ư? Vậy anh cứ tiếp tục công việc của anh, tôi tôn trọng, nhưng sách của anh có được dịch ra tiếng Mĩ hay không là việc của thị trường.
Một số nhà văn nhập cư đôi khi nhắc nhở các dịch giả: Hãy dịch sách của tôi ra tiếng Mĩ. Được trả lời: Tôi sẵn sàng, nhưng tôi chỉ dịch khi được nhà xuất bản thuê. Đúng thế, dịch sách chỉ là khâu bị động, theo đặt hàng của nhà xuất bản. Mà nhà xuất bản lại chỉ in những cuốn sách có người mua. Họ không có nghĩa vụ phải làm công việc hữu nghị hoặc từ thiện với bất cứ tác giả nào.
Trong các nhà văn nhập cư, cũng có đôi ba người giỏi ngôn ngữ thứ hai. Họ tự giao dịch với các nhà xuất bản nhỏ, tự dịch sách của mình, được nhà xuất bản in một vài nghìn bản. Chỉ ở mức độ khiêm tốn như vậy, và có người cũng tự biết, tự giữ thái độ khiêm tốn. Nhưng cũng có người đưa tin rùm beng về quê hương rằng sách của họ được dịch in mấy vạn bản. Rồi với người Mĩ người Pháp họ lại quảng cáo rằng sách của mình viết bằng tiếng mẹ đẻ gửi về in ở cố hương cũng được mấy vạn bản, đấy là chưa kể mấy vạn bản sách in lậu. Một cuộc huênh hoang về hai phía mà họ hoang tưởng đứng giữa.
Vài ba thập kỉ qua, văn học nhập cư đạt nhiều thành tựu gây tiếng vang. Nhiều nhà văn gốc Ấn Độ gốc Trung Quốc viết văn bằng ngôn ngữ thứ hai đã khiến người Âu - Mĩ phải tìm đọc. Nhưng vô số nhà văn nhập cư không thể viết bằng ngôn ngữ thứ hai, vẫn tiếp tục cặm cụi viết bằng tiếng mẹ đẻ ở xứ người. Viết, vì con cá không thể đứng yên trong nước, con chim không thể cụp cánh đứng yên trên cành cây. Nhưng viết mà ít ai in ít ai đọc, như đã nói ở trên.
Cũng có một số nhà văn nhập cư thực tế hơn. Họ viết bằng tiếng mẹ đẻ và xác định rằng người đọc của mình không ở đây mà ở chốn quê nhà. Bản thảo của họ được gửi về in ở bản quán. Số lượng in ấn không nhiều nhưng cũng có thể tìm đến được người đọc. Nhưng cái quê hương mà họ xa rời không xuất bản tác phẩm của họ vô điều kiện. Nhiều người khi ra đi đã tưởng mình một đi không trở lại và đã cư xử theo kiểu không bao giờ trở lại. Tôi đã gặp một số nhà văn Mĩ Latinh, khi sang định cư ở Mĩ, họ vô tình vướng vào những hội nhóm lưu vong chống chính quyền cố quốc. Mới đến nhập cư, vô tư, thấy người đồng hương mời đến câu lạc bộ thì đến. Đến nơi, được mời lên sân khấu thì lên. Lên đến nơi đang trò chuyện giao lưu đôi câu thì ông tổ chức ném lá cờ quân kháng chiến lên người mình. Chưa kịp gạt đi và lá cờ cũng chưa kịp rơi xuống thì có người bấm máy ảnh. Tấm ảnh lên mạng, người ở quê hương bản quán cũng biết.
Người khác thì gặp vấn nạn khác. Đến thuê nhà rồi hồn nhiên để lộ cho hội nhóm đồng hương nhập cư biết. Thế là báo chí lưu vong tới tấp ném vào nhà miễn phí. Nó miễn phí nhưng nó quấy rầy, văn vẻ của nó chất lượng không có gì, mình không đọc nhưng mỗi lần bị ném báo vào là như mỗi lần bị ném đá vào cửa kính. Rồi hội nhóm gửi thư vận động gia nhập để góp tiếng nói phản kháng với trong nước. Rồi mình từ chối thì bị điện thoại gọi đến mắng nhiếc khích bác đe dọa. Có ông nhà văn Mĩ Latinh chỉ vì bị khủng bố tinh thần như vậy mà phải chuyển nhà sang thành phố khác, từ ấy giấu biệt địa chỉ.
Đấy là thứ hệ lụy sinh ra từ cái tiếng nhà văn. Lại là nhà văn nhập cư. Bơ vơ bối rối giữa bản quán và trú quán. Bơ vơ bối rối bị cuốn vào giữa những luồng quan điểm chính trị khác nhau.
Cũng có khi ông nhà văn bị cuốn vào những sự kiện văn nghệ tầm mức cộng đồng. Diễn kịch hát múa đọc thơ làm MC, những việc mà một nhà văn chuyên nghiệp không làm. Biết thế mà không từ chối được. Thôi thì cũng là làm cho vui trong lúc vẫn nhớ nghề.
Nhà văn đúng nghĩa là người luôn đứng khuất sau trang sách. Họ không cần xuất hiện ở chỗ sáng chói và chiêng trống tưng bừng. Viết thì chỉ cần ngồi yên mà viết, đâu cần tụ họp giao đãi hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Ngồi ở quê hương, viết. Sang đến trú quán, vẫn viết. Trú quán không đọc sách của ta không in sách của ta thì ta vẫn viết. Trú quán không in thì bản quán in. Ở nơi bản quán ấy, tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ của ta mới tìm được đến đúng người đọc, có thể.
Ngay cả khi không nơi nào chịu in nữa thì nhà văn vẫn viết. Con cá không thể không bơi. Con chim không thể không bay.
H.A.T
VNQD