Dấu vết người châu Mỹ bản địa

Thứ Ba, 15/10/2019 10:00

(Người châu Mỹ bản địa hay còn gọi là người da đỏ/Indian/Indians (Anh Điêng) - khác với Indian có nghĩa là người Ấn Độ. Tôi xin gọi họ là người Indians).

 Trước khi đọc cuốn sách này với bản dịch tiếng Việt của Phạm Thu Hà, tôi đã thấy chiếc bìa màu đỏ của There There ngập tràn trên goodreads, insta và các kênh review sách. Sau đó, tôi gõ tên tác giả - Tommy Orange – tần số xuất hiện của cái tên này cũng không kém gì chiếc bìa sách màu đỏ kia. Tất nhiên, bởi, Tommy Orange là tác giả của There There. Những lời khen ngợi không ngớt cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của Tommy Orange, xuất bản năm 2018 và giành ngay giải xuất sắc cho cuốn tiểu thuyết đầu tay trong cùng năm đó, các giải thưởng văn học danh giá của Mỹ, được Thời báo New York bình chọn là một trong mười cuốn sách đáng đọc và hay nhất năm 2018, là tác phẩm được đề cử cho giải Pulitzer 2019.

Và cuối cùng, There There đã được xuất bản ở Việt Nam, với nhan đề Không Nhà.

“Dreamcatcher”, có thể bạn đã biết đến vật này như một biểu tượng may mắn nhưng có thể bạn chưa biết, sự có mặt của “dreamcatcher” bắt nguồn từ cuộc sống, văn hoá của người Indians. Theo ngôn ngữ của tộc người Ojibwe, Dreamcatcher là "asabikeshiinh" có nghĩa là "con nhện". Trong truyền thuyết của tộc người Ojibwe, có một người phụ nữ được biết đến như Asibikaashi (Spider Woman). Cô là người chuyên chăm sóc trẻ em và mọi người trong bộ tộc. Thời gian trôi qua, bộ tộc Ojibwe dần di cư và sống ở nhiều nơi khác nhau của Bắc Mỹ và Asibikaashi không thể nào chăm lo hết cho tất cả trẻ em của bộ tộc mình. Chính vì thế mà các bà, các mẹ đã dệt các tấm mạng như một loại bùa may mắn cho con cháu mình. Họ dùng nhánh của cây liễu và tạo thành một chiếc vòng, và dùng các loại dây leo làm từ thực vật để đan chúng. Lưới giấc mơ sẽ gạn lọc tất cả các giấc mơ xấu và chỉ cho phép các giấc mộng đẹp theo hướng của những chiếc lông vũ đi vào tâm trí trẻ thơ. Mỗi khi mặt trời ló rạng, tất cả các giấc mơ xấu sẽ tan biến theo từng ánh mặt trời xuyên qua... Vì thế, ngoài hoạ tiết về những chiếc lông vũ, các hình ảnh liên quan đến mạng nhện, chân nhện, con nhện thực sự có mối liên kết sâu sắc trong văn hoá lâu đời của người Indians.

Dreamcatcher

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng câu chuyện về thủ cấp người da đỏ, về lịch sử của người da đỏ từ bữa tiệc Tạ ơn đầu tiên. Câu chuyện về nguồn gốc của lễ Tạ ơn, về mối quan hệ giữa người da trắng và người da đỏ, về những cuộc chiến, về sự xâm lấn của người da trắng từ lãnh thổ đến đời sống văn hoá: "Hãy khiến họ phải mang vẻ ngoài và hành động giống như chúng ta. Trở thành chúng ta. Và thế là họ biến mất..." [...] "Khi họ mới xuất hiện cùng những viên đạn đầu tiên, chúng tôi đã không ngừng trốn chạy mặc dù những viên đạn bay nhanh gấp đôi âm thanh tiếng hét của chúng tôi." - Tôi hình dung cảnh những người thổ dân da đỏ đang ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì lãnh thổ của họ đã bị thu hẹp, thu hẹp và dần dần mờ nhạt. Lãnh thổ ấy không chỉ đất đai mà còn là đời sống văn hoá, kết nối cộng đồng người da đỏ.

Cuốn tiểu thuyết được chia làm bốn phần, nhưng đó không phải là câu chuyện kể theo lối thông thường để người đọc dễ hình dung rằng nhân vật đi từ A đến B rồi gặp C và có kết quả D. Đó là cách kể chuyện đã cũ. Tommy Orange đã tạo ra một mạng lưới người Indians mà tâm mạng là PowWow. Tất cả các nhân vật, dù sống ở Oakland hay bất cứ nơi nào khác, là người Chenyenne hay bộ lạc khác ở nơi khác, họ đều tìm về PowWow. PowWow là một lễ hội truyền thống của người Indians, bao gồm các hoạt động văn hoá, nghệ thuật và âm nhạc truyền thống. PowWow chính là nơi giữ kết nối người Idians, nơi người Indians tìm lại được ký ức tổ tiên mình và cũng là nơi người Indians hiện đại trong đời sống đô thị dễ tìm thấy nhau nhất.

Với hơn mười nhân vật chính, không có ai là nhân vật phụ, không có ai là nhân vật tốt bụng hay xấu xa, không phân biệt chính tà, mỗi nhân vật là một câu chuyện. Trong số các nhân vật này, có Dene Oxendene, một thanh niên luôn theo đuổi và đã thực hiện được giấc mơ cũng như tâm nguyện cuối cùng của người chú trước khi chú qua đời đó là: Làm một bộ phim về người Indians, dành riêng cho người Indians, nhân vật chính là bất cứ ai chỉ cần là người Indians, nhân vật chính không cần diễn viên đóng vai, không cần tuyển chọn. Và cả Dene Oxendene, anh cũng chỉ là một trong số các nhân vật, kể ra câu chuyện riêng của mình. Tuy nhiên, đã là một cuốn tiểu thuyết, dù các nhân vật có câu chuyện riêng lẻ rời rạc đến đâu, thì cuối cùng, chắc chắn, đương nhiên, họ đều có một sự liên quan nào đó tới nhau. Đó là Jaquie Red Feather đã từng cho đi đứa con gái đầu lòng sau lần lầm lỡ năm 17 tuổi và phải mấy chục năm sau đứa con đó mới được gặp mẹ đẻ của mình tại PowWow. Đó là Opal Victoria Viola Bear Shield, một người bà nhận nuôi và chăm sóc ba đứa cháu trai mà bà ngoại của chúng chính là Jaquie. Đó là Edwin Black, một thanh niên gần như Hikikomori, chìm trong thế giới internet suốt hơn hai năm trời không ra ngoài, không bạn bè, cho đến khi đồng ý đến làm việc ở Trung tâm Indian và tham gia PowWow chỉ vì biết được MC dẫn PowWow là người cha ruột của mình. Đó là Blue, một đứa con Indians bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng, không biết chính xác mình thuộc bộ lạc nào, làm việc ở Trung tâm Indian, rất thân thiết với Edwin và thậm chí có hơi thích Edwin cho đến khi PowWow diễn ra, Blue mới tình cờ nhận ra người mẹ ruột thất lạc mấy chục năm của mình và Edwin chính là em trai cùng cha khác mẹ...

Tất nhiên, PowWow là tâm mạng, các nhân vật là các "vết chân nhện". Mối quan hệ của các nhân vật là những ràng buộc, liên quan nhau từ nhiều thế hệ, và tôi đồ rằng, đó là một dreamcatcher mà Tommy Orange kết thành, một chiếc dreamcatcher níu giữ những ký ức đẹp đẽ, níu giữ những người con Indians đang phải chật vật, xoay xở, bế tắc, sa ngã trước nghiện ngập, thất nghiệp hay buôn lậu... trở về với bản nguyên người Indians đầy trí tuệ và đạo đức. Một nỗi đau buồn xuyên suốt tác phẩm. Mở đầu bằng một cuộc chiến đẫm máu người Indians từ thời xa xưa. Kết thúc cũng là một cuộc nổ súng đẫm máu người Indians trong thời hiện đại.

There There, sát nghĩa gốc, là "đây, đó" - tôi thầm hiểu là "nay đây mai đó". Nhưng trong một bài phỏng vấn trên Thời báo New York, Tommy Orange đã chia sẻ, anh lấy cảm hứng từ câu "There is no there there" của nhà văn Gertrude Stein khi nói về vùng đất Oakland thuộc California, Mỹ. "There is no there there" - có thể hiểu là "vùng đất đó ở khắp mọi nơi và cũng không ở nơi nào". Một cuộc tha hương ngay trên quê mẹ của những người con Indians. Lịch sử bi tráng của người Indians, vẻ đẹp của người Indians, nỗi buồn người Indians... quả đúng như đánh giá trên Thời báo New York, cuốn tiểu thuyết là "...áng sử thi của người Mỹ bản địa thế hệ mới". Bản tiếng Việt với nhan đề Không Nhà, tôi nghĩ, đó là một cách dịch hợp lý.

LÝ UYÊN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)