.THÁI HÀ
Đô thị là không gian sinh tồn của con người, là “điểm nóng” có sức hút dân cư rất lớn, nhưng lại không phải là nơi đem lại cho chúng ta cuộc sống hài hoà, cân bằng. Đó là nơi gây chấn thương hơn là xoa dịu chấn thương. Những cảm thức ấy đẩy người ta đến sự rời xa và chối bỏ đô thị để tìm về những hình thái không gian khác bớt tù túng hơn, phóng khoáng hơn và giao hoà hơn với tự nhiên (thôn quê hay vùng hoang dã). Chính điều này lại tạo nên những môtip ra đi và trở về trong văn học, gắn với sự dịch chuyển và trải nghiệm những dạng thức không gian khác nhau. Ra đi, trở về thực chất là những cuộc trốn chạy. Điều đó liệu có thể?
Trốn chạy đô thị
Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư là câu chuyện về cuộc kiếm tìm cái đẹp, hay, nói đúng hơn, kiếm tìm một không gian đẹp. Là một nhân viên của Viện di sản thiên nhiên và con người, công việc của nhân vật nữ chính là đi tìm những vẻ đẹp “đang và sắp mất”, lưu giữ nó bằng máy ảnh hay những thước phim, đông cứng nó trong những bảo tàng thiếu sức sống. Việc làm ấy thật quá nghiệt ngã bởi sau mỗi lần chiêm ngưỡng, người ta phải liên tục chứng kiến những gì mình yêu quý tôn thờ, những “mảnh thiên nhiên” thân thuộc, bình dị mà quý giá đang biến mất quá nhanh trước bước chuyển phũ phàng không thể cưỡng lại của thực tế cuộc sống: “Đồng cỏ bạn đang dạo chơi một ngày kia sẽ biến mất. Dòng sông bạn đang tắm một ngày kia sẽ biến mất. Tiếng chim hót ban mai một ngày kia sẽ biến mất. Những người thân yêu của bạn một ngày kia sẽ biến mất...”; “Và những vẻ đẹp được nhốt trong phòng lưu trữ của Viện là những tiếng kêu thét tuyệt vọng, bất lực trước mất mát, sự run rẩy của nỗi buồn, bởi quá nhiều thứ ta sẽ không bao giờ thấy lại ngoài đời” (Khói trời lộng lẫy). Đa phần những gì đẹp đẽ mà mong manh và đang bị tận diệt ấy chính là thiên nhiên. Mỗi lần lên đường lại là một lần người kể chuyện phủ nhận không gian thành thị: “Giờ tôi đang thắc mắc cái đẹp nào đang và sắp mất. Để tìm câu trả lời, tôi bắt đầu rời khỏi thành phố, bắt đầu những chuyến đi xa”. Trong mắt cô, có vẻ như chưa bao giờ con người lại biến mình thành một người xa lạ, thù địch với tự nhiên đến thế: “... vẻ đẹp của những tán rừng lúc nào cũng chực bứt ra khỏi máy móc, đòi sự sống, đòi hơi thở, đòi không khí trong lành... Nghĩ, nếu ai đã yêu đến vậy thì không thể yêu con người nữa”. Chứng kiến sự phản trắc của lòng người, sức mạnh đáng sợ làm tha hoá nhân phẩm con người của cái “sàn diễn thành phố”, đau đớn mà bất lực trước cảnh tượng từng mảng rừng bị “san phẳng” để lấy chỗ “trồng lên một khu công nghiệp lớn nhất nước”, cô đã tìm cách cứu vớt tuổi thơ của đứa em trai bằng cách âm thầm trốn chạy. Cách làm này, cô học được từ thiên nhiên: “Con người trừng trị thiên nhiên bằng cách làm nhục, huỷ hoại nó. Còn thiên nhiên trả thù bằng cách nào em biết không? Nó biến mất”. Cô muốn dành cho Phiên những năm tháng đầu đời đẹp như mọi đứa trẻ đáng được hưởng, “hoang dã”, “trong veo” bằng cách bỏ trốn đến một không gian tách biệt, một mảnh đất “đày ải” vắng vẻ xa xôi tới mức chỉ có những thành phần bị xã hội ruồng bỏ mới tìm đến. Và Phiên đã lớn lên, chan hoà giữa tình người và tình yêu thiên nhiên. Những người xung quanh dạy nó biết cách nhìn thiên nhiên bằng cái nhìn phi trục lợi: “... thằng Phiên hay nghĩ ngợi... nếu đái vô bông bí thì bông bí sẽ ngộp thở, tội nghiệp. Tội nghiệp là câu đầu môi của thằng nhỏ. Chúng tôi không ăn những con cá nhỏ vì tội nghiệp, không nhổ cải đi bán vì tội nghiệp và kết quả là tôi có một giồng bông cải thắp nắng lộng lẫy giữa mùa mưa, khi trong túi lép kẹp tiền”. Phiên không được trải nghiệm cảm giác đầy đủ sung túc về vật chất mà nó có thể được hưởng nếu sống cùng bố mẹ. Nhưng bù lại, Phiên có một tuổi thơ đúng nghĩa, được thiên nhiên trao tặng những gì đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất và cũng rất có thể, được chứng kiến một “thiên đường” cuối cùng chưa bị bàn tay con người phá hỏng, huỷ hoại: “Có khi nhìn thằng Phiên nằm ngủ, mấy con gà con cũng khoanh tròn trên bụng nó, tôi tự hỏi có gì đẹp hơn vậy. Có gì đẹp như trẻ con, gà con, như mạ vừa nhú lên, cỏ vừa vượt đất. Xanh lấm tấm. Xanh chưa thẳm. Mong manh” (Khói trời lộng lẫy).
Đọc truyện ngắn của Đỗ Phấn, độc giả cũng bắt gặp rất nhiều cuộc trốn chạy như thế. Trong những câu chuyện của ông trở đi trở lại môtip giã từ thành thị. Những chuyến đi ấy, lần nào cũng phải đi rất xa: “Đường nào cũng thế thôi, cả nước như một công trường... Thị trấn trước mặt đã không còn một ngăn cách nào với thành phố. Mải miết đi gần hai chục cây số vẫn ở trong một hành lang hai mặt phố. Kiến trúc dị hợm nhăng nhố giống nhau đến mức có cảm giác từ sáng đến giờ vẫn ở nguyên chỗ cũ” (Kiến đi đằng kiến và những chuyện khác). Có nhiều khi, để kiếm tìm thanh thản, người ra đi tìm về với dòng sông hoang vắng, để mặc cho dòng nước, mặc cho tự nhiên cuốn mình đi: “Người khác lái mình đã lâu. Bây giờ có cảm giác thật lạ. Không ai lái mình. Kể cả mình. Dòng sông đưa mình đi” (Kiến đi đằng kiến và những chuyện khác). Khác với những con sông chứa đầy rác thải ở phố phường, dòng sông nguyên sơ này ban tặng cho con người tất cả, và đặc biệt, có khả năng xoa dịu mọi chấn thương tâm lí. Thế nhưng, có lẽ, đúng như Morris đã nói trong cuốn Vườn thú người, “một cuộc sống êm đềm, thanh bình, trầm lặng hẳn sẽ được ưa thích hơn nhiều. Tất nhiên, anh ta cũng nghĩ vậy, nhưng... anh ta hiếm khi tác động gì đến vấn đề đó. Đi về vùng ngoại ô là hết mức những gì anh ta có thể làm. Tại đây anh ta có thể tạo ra một bầu không khí giả bầy đàn nhằm lánh xa những căng thẳng của cuộc sống tại đô thị lớn, nhưng khi buổi sáng ngày thứ Hai tới, một lần nữa anh ta lại xung trận”; “Anh ta có thể chuyển đi xa, nhưng anh ta sẽ thấy nhớ sự sôi động này, sự sôi động dành cho người thợ săn thời mới”. Cuối cùng, dù thế nào, sau khi hồi phục từ thiên nhiên, những kẻ ra đi ấy vẫn phải trở về với thành phố chật chội và đông đúc. Nỗ lực cự tuyệt thật quá mong manh trước áp lực mưu sinh và hấp lực quá lớn nơi đô thị.
Bi kịch không thể trốn chạy
Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình là một kẻ mơ mộng lạc lõng và hão huyền trong thời đại mình đang sống. Chối bỏ hoàn toàn cái không gian đô thị vốn là “điểm nóng” thu hút gần như tất cả mọi người, nhà văn mở một cánh cửa khác, đưa ta đến với những “miền đất hứa”. Với ông, đó không phải là một thế giới xa vời, cách biệt. Đó cũng không phải một nơi chốn xa hoa mà ta có thể đặt chân đến nhờ của cải tiền tài. Cũng chẳng ai đến được nơi ấy nhờ chăm chỉ cúng cầu Phật, Chúa. Ngược lại, Nguyễn Quang Thiều khiến người ta biết tin và hi vọng về một “thiên đường trên mặt đất”. Ông đã chứng kiến một nơi như thế ngay trên thế gian này. Đó là cuộc sống nông thôn thanh bình hòa mục vùng Achill ở Ireland (Đó có phải là thiên đường). Nhà văn bao giờ cũng muốn quay trở lại thăm chốn ấy, nơi ông đã được trải nghiệm cảm giác về một đời sống thư thái tuyệt đối trong lành. Nhưng còn có một “thiên đường” được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần hơn, thậm chí, đã trở thành một ám ảnh không nguôi trong tâm trí, một “quê hương” mà ông không thôi mong nhớ và ước muốn được quay về. Đó là những cánh đồng, những đầm sen trắng, những cây si, cây thị biết nói lời thiêng, hay từng đàn chim chóc không thôi cất lời tâm tình với con người. Không gian ấy hiện lên trong dáng hình của một hoài niệm thân thương khi ông nhớ về quá khứ. Hồi tưởng về những sợi tóc, Bí ẩn rùa trắng, Hơi thở từ ngôi mộ và món quà người đã khuất, Trong tiếng vọng những mùa sen đã chết... là những giấc mơ như thế. Nhiều khi có cảm giác như ông đang muốn cố náu mình vào những kỉ niệm xa vời về một “thiên đường đã mất” để tìm kiếm sự cân bằng trong tâm tưởng. Đời sống hiện đại bóp chết trí tưởng tượng, khiến tinh thần con người trở nên nghèo nàn, ném chúng ta vào thế giới của những biểu tượng rỗng nghĩa. Điều ấy đối lập gay gắt với cuộc sống văn hiến cao đẹp của làng quê xưa. Đó là nơi có những người bà người mẹ giữ gìn nền nếp gia phong, nơi con người biết sống chân chất thiên lương, biết học hỏi lối sống của cỏ cây hoa lá, thưởng thức lắng nghe nhịp đập của ngày và đêm, của từng loài côn trùng nhỏ bé hay hòa mình vào thiên nhiên thanh tịnh trữ tình. Chỉ trong thế giới xưa cũ ấy, người ta mới thực sự thấy con người biết yêu và coi trọng tự nhiên, biết gắn số phận của mình với từng biến động của vũ trụ. Đầm sen cạn nước, đàn rùa bỏ đi bao nhiêu năm là bấy nhiêu lâu dân làng khốn khó. Mùa sen trở về khi đức tin được phục hồi, khi sám hối đã đủ đầy và báo hiệu cho nó là những linh hồn khoác áo cánh sen. Một không khí huyền ảo bao trùm lên những trang viết về không gian cổ tích ấy. Nhưng nơi chốn đó thật khó lòng mà tìm lại được. Người bà đã vĩnh viễn ra đi cũng như hồ sen đã bị tát cạn vì mục đích chăn nuôi công nghiệp. Một làng quê đã thuộc về thời quá khứ. Và Nguyễn Quang Thiều đành phải tìm lại nó bằng những dòng văn nhức nhối một niềm thương tiếc.
Tạ Duy Anh cũng viết Làng quê đang biến mất trong một nỗi niềm thương tiếc như thế. Tốc độ đô thị hoá quá nhanh tưởng như không buông tha bất cứ một cảnh quan nào còn dung hoà với vẻ đẹp thiên nhiên: “Trước kia, chỉ cần ra khỏi thành phố ồn ào chừng mươi cây số, là có thể mãn nhãn với những cánh đồng lúa xanh mướt, tha hồ hà hít thứ hương vị đồng quê không gì có thể thay thế. Rồi nào là hồi tưởng về thời thơ bé, tìm sự thư thái cho tâm hồn, tìm lại nhịp sống chậm để cân bằng với những thứ tốc độ luôn quá tải”. Vậy mà, chỉ sau vài năm, khao khát tìm về những cảnh quan cũ ấy đã trở thành vô vọng: “Không thể còn tìm thấy bất cứ cảm hứng thẩm mĩ nào từ những cái làng đang bị bê tông hoá nhanh đến chóng mặt với quá trình phá nát không gian làng còn chóng mặt hơn. Mỗi mảnh làng bị xé nhỏ đều méo mó, dị dạng, thậm chí là quái đản”. Những dòng văn Tạ Duy Anh viết về sự suy thoái của thiên nhiên rất dễ khiến người ta nghĩ đến tác phẩm Mùa xuân lặng lẽ của Rachel Carson. Cả hai đều đưa ra những đối sánh đau lòng giữa hiện tại và quá khứ, giữa thực tế phũ phàng vô cảm với trạng thái thanh bình hài hoà mà con người từng có với thiên nhiên trước đây: “Thay vì trắng đồng trên đồng dưới là hàng vạn con cò gắn với làng quê và tạo cho nó một gương mặt hiền hoà của sinh tồn, thì giờ đây là những cái túi ni lông thảm hoạ, mang thông điệp của sự kiệt quệ, phải hàng trăm năm mới phân huỷ; thay vì những cái ao làng đẹp như trong tranh, thì giờ đây chỉ may lắm mới tìm được một vũng nước ngay cả cá cóc cũng không thể nào sống nổi; thay vì tiếng chim hót ngọt cả không gian lảnh lót vang ra từ những khu vườn, thì lúc nào cũng chói óc bởi thứ nhạc khiến người ta phát điên” (Làng quê đang biến mất). Những không gian làng quê đã bị huỷ hoại. Không ai khác, chính con người đã gây nên những thay đổi ấy, đã chặn đứng con đường của sự trở về.
Như đã nói, trong truyện của Đỗ Phấn phổ biến hơn cả là môtip ra đi. Nhưng thường thì, sau suốt một hành trình kiếm tìm dài dằng dặc là một thực tế phũ phàng của sự thay đổi, bức hại thiên nhiên nguyên sơ dưới danh nghĩa của cái gọi là “phát triển du lịch”: “Cái thung lũng nhỏ bé yên bình ngày nào đã không còn mảy may bóng dáng. Thay vào đó là những nhấp nhô chóp nhọn tục tĩu chọc lên bầu trời ảm đạm. Mặt nước cũng đầy rác rưởi dây dưa ra đến tận mép hồ. Những dòng nước đen ngòm bốc mùi ăn uống trác táng từ phía sau lưng các nhà hàng cũng đang thản nhiên chảy vào lòng hồ” (Kiến đi đằng kiến và những chuyện khác). “Chiến lợi phẩm” được chàng trai mang về trong Mùa vịt trời cuối cùng, vừa nực cười vừa đau xót: “Một con vịt nhựa. Đồ chơi trẻ em. Trên lưng lỗ chỗ vết đạn”. Đó là chi tiết mang tính ẩn dụ thể hiện sự tận diệt của con người đối với tự nhiên, thay thế tất cả bằng vật chất và hệ giá trị nhân tạo. Chúng ta đang tước đi quyền được tiếp xúc trực tiếp với tự nhiên của các thế hệ sau bằng một tốc độ “tăng trưởng” chóng mặt đầy những sản phẩm giả tạo. Đô thị hoá, như vậy, còn gắn với một nỗi âu lo mới về nhân tính. Một khi tự nhiên đã bị đánh mất, bị “làm giả”, thì cũng không ai chắc những tình cảm tự nhiên nhất như lòng yêu thương hay những giọt nước mắt, đến một ngày, rồi cũng có thể được làm “bằng nhựa” để thay thế hay không.
Kết luận
Từ nỗi sợ hãi, chạy trốn đến bi kịch không thể trở về là một hệ luỵ tất yếu. Bởi động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đô thị, thực chất, chính là sự suy thoái và huỷ diệt những không gian khác. Trong Helhaven - một văn bản nhại Khải huyền kinh điển của Kenneth Burke, ông đã mô tả thành phố vừa như một thiên đường “nhân tạo” sang trọng dành cho những kẻ “được cứu rỗi” (saved) giàu có, lại vừa tạo ra một “chốn địa ngục rất thực do chính con người tạo ra từ việc gây ô nhiễm do chất thải công nghiệp, một nơi đầy rẫy những kẻ nghèo hèn hay những kẻ bị nguyền rủa”. Môi trường tự nhiên đã suy thoái đến mức không nhận ra nổi, và “những kẻ giàu có chỉ còn thưởng thức qua màn hình những cảnh quan nhân tạo về vẻ đẹp tự nhiên” (Laurence Coupe). Bằng những hình dung mang tính viễn tưởng ấy, Burke đã cho thấy sự gắn kết mật thiết giữa bất công xã hội với bất công môi trường, tình trạng cách biệt giàu nghèo và sự triệt tiêu tự nhiên càng lúc càng khủng khiếp của tiến trình đô thị hoá toàn cầu. Sự phát triển với tốc độ chóng mặt, như thế, cũng đồng nghĩa với việc nhân loại đang đẩy mình tiến nhanh hơn đến thảm hoạ “tận thế” theo nghĩa mới. Văn học, trong một bối cảnh mà đô thị hoá đã trở thành vấn đề trọng yếu như Việt Nam, có thể thấy, đã thể hiện những dự cảm và nỗi hoang mang đó theo cách của riêng mình trước thực trạng xã hội và sự huỷ diệt môi trường sống
T.H
VNQD