Bác Hồ và mỹ học phương Tây

Thứ Tư, 04/12/2019 16:13

.THANH VIỆT

Hồ Chí Minh là hiện tượng văn hoá đa văn hoá tức kết tinh nhiều nền văn hoá khác nhau. Ở đây chúng tôi xin tìm hiểu Người tiếp thu, vận dụng mỹ học phương Tây ở một số phương diện cụ thể.

1.Cái đẹp bác ái của đạo Công giáo.

Hồ Chí Minh tiếp thu mỹ học bác ái “kính Chúa yêu nước”, là yêu “hòa bình, tự do, hạnh phúc” của đạo Công giáo, một tôn giáo lớn ở phương Tây cũng như trên thế giới. Nhân dịp lễ Nôen 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi đồng bào công giáo, lá thư có đoạn: “Ngày lễ Nôen lần thứ hai đến trong hoàn cảnh hoà bình. Miền Bắc của ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta ở miền Bắc được vui sống tự do, làm ăn yên ổn, đồng bào công giáo thì được tự do thờ Chúa, không còn bị địch đóng chiếm nhà thờ, tàn sát dân lành, gây ra bao nhiêu khổ nhục.

Tiếng chuông nhà thờ năm nay mừng sinh nhật Chúa là tiếng chuông hoà bình, tự do, hạnh phúc trong lòng của mọi đồng bào công giáo ở miền Bắc ta”[1].

Những câu văn được cấu trúc đều đặn, ngắt mệnh đề đều đặn tạo âm hưởng êm đềm như tiếng chuông nhà thờ ngân nga của cảnh hoà bình. Nhân dịp Lễ Thiên chúa giáng sinh 1956 Hồ Chí Minh cũng có thư gửi các hàng giáo sỹ và đồng bào công giáo: “Từ nay với sự cố gắng của đồng bào, sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui, việc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc, giữ gìn hoà bình càng chóng thắng lợi như bài hát: “Sáng danh Thiên Chúa trên các tầng giời, hoà bình cho mọi người lành dưới thế”.

Nhân dịp lễ sinh nhật này, tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương để sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất được tốt, thực hiện củng cố miền Bắc thắng lợi, do đó mà mau thống nhất nước nhà, cho Bắc Nam sum họp như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô: “Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau”[2].

Những năm 1920 thời kỳ hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc vận dụng sự hiểu biết về truyền thuyết đạo Công giáo, lấy đó làm vũ khí phê phán, lên án chủ nghĩa thực dân:

“Khói thuốc dày đặc thoát ra từ tẩu vây lấy Xôra như hương thơm của những ông chồng chung thuỷ bao quanh thánh Giôdép. Xôra chậm rãi bảo tôi: Cậu có biết là Anbe Xarô đã đổ bể rồi không?”[3]. Theo truyền thuyết đạo Thiên Chúa, thánh Giôdép vốn xuất thân là một người thợ mộc, sau này lấy Mari làm vợ. Thời Mari còn thiếu nữ có rất nhiều chàng trai đến dạm hỏi. Nhà Mari chọn rể bằng cách cho các chàng trai đặt một chiếc gậy của mình vào chung một chỗ, gậy của ai nở hoa thì người đó sẽ được lấy Mari. Chiếc gậy của chàng thợ mộc Giôdép nở hoa, thế là chàng được kết hôn cùng Mari. Họ cưới nhau, Mari được thần Gabrien báo cho biết nàng sẽ sinh ra Jêxu là con của Thượng đế và sẽ là Chúa Cứu thế. Chàng Jôdép thì mơ thấy mình được trao nhiệm vụ giữ Mari làm vợ còn Jêxu sẽ là con nuôi. Mari là mẹ nhưng vẫn là đồng trinh. Giôdép trở thành Thánh Giôdép, suốt đời là người chồng chung thuỷ của người vợ đồng trinh Mari mà con chiên luôn ngưỡng mộ gọi là Đức Mẹ Đồng Trinh Mari. So sánh“Khói thuốc dày đặc thoát ra từ tẩu vây lấy Xôra như hương thơm của những ông chồng chung thuỷ bao quanh thánh Giôdép” gợi bạn đọc nhớ về truyền thuyết ấy nhưng đặt trong ngữ cảnh câu chuyện của chàng Xôra ba hoa về “Viện Hàn lâm thuộc địa còn thiếu Ban… Đạo lý”, thì nó lại mang một hàm ý mỉa mai “những ông chồng chung thuỷ” trong xã hội tư sản Pháp đâu có chịu cảnh như Thánh Giôdép, mà là ngược lại, chơi bời, trăng gió, phù phiếm,… như… khói thuốc vậy!

Bác đã thật hiểu giáo lý, bản chất tình thương con người của Công giáo để thể hiện tình cảm, quan niệm của mình. Bài học cho ta thấy phải hiểu rộng, sâu, hiểu để nắm được bản chất tôn giáo mới có thể có đối thoại văn hóa.

2. Mỹ học thần thoại Hy Lạp.

“Cậu không biết là cả trư­ờng đại học y khoa nhốn nháo cả lên vì cái bản tuyên ngôn khoa học của Cụ lớn à? "Ngài yêu quý nhiệm vụ đến quặn cả lòng. Niềm say đắm đối với nỗi cùng cực cao cả gắn những cơn sốt nóng của nó vào da thịt ngài. Nó hoà lửa của nó vào máu ngài, trong huyết quản ngài, cũng nh­ư vào đ­ường gân ngài, thớ thịt ngài, cứ như­ chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật"[4].

Cụ lớn( ngài) ở đây là Anbe Xarô, Thượng thư thuộc địa trong Chính phủ Pháp, chúng ta chú ý tới phép so sánh: cứ như­ chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật. Theo thần thoại Hy Lạp, Nétxuy là một con vật mình ngựa đầu người (nhân mã) cướp nàng Đêjania, vợ của dũng sỹ Hecquyn nên bị Hecquyn dùng tên tẩm máu long xà bắn chết. Trước khi chết Netxuy bày cho Đêjania lấy máu của mình tẩm vào chiếc áo cho Hecquyn mặc nếu khi nào Hecquyn phản bội. Quả nhiên về sau Hecquyn ruồng bỏ Đêjania mà yêu nàng Iôn. Đêjania làm theo lời Netxuy, Hecquyn mặc áo thì người nóng như lửa. Đau đớn, quằn quại, biết không thể tránh khỏi cái chết, chàng lên núi Etna lập giàn lửa, tự thiêu. Hiểu thần thoại này chúng ta lại thấy ý mỉa mai cay độc “Quan Thượng thư” (Cụ lớn), thì ra những ngôn từ sáo rỗng trên, những tinh thần “cao cả”, “đắm say” của ngài cũng chỉ là để… giết người mà thôi, và có khi giết chết chính cả ngài!

3. Tiếp thu tinh hoa văn hóa Mỹ.

Năm 1925 Nguyễn Ái Quốc viết Lịch sử cách mạng Mỹ, sự hiểu hiểu biết sâu sắc này cho thấy chắc chắn Người đã biết về nước Mỹ rất sớm. Khi con tàu anh Ba làm bồi bếp đi qua cảng New York anh đã được ngắm tượng thần Tự Do và lên thăm thành phố, đi vào các khu ổ chuột ở Harlem. Năm 1918 khi Tổng thống Mỹ W. Wilson công bố Chương trình 14 điểm với Hội nghị hòa bình quốc tế. Được đọc trên đất Anh nhưng anh Thành mừng quá về vội Pháp cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam tiếp thu, nhưng cái chính là lấy Chương trình 14 điểm làm điểm tựa pháp lý để gửi Hội nghị. Cũng chắc chắn Người đã tiếp thu tư tưởng dân chủ, tư tưởng pháp quyền, tư tưởng tự do và bác ái, quyền bình đẳng, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc không chỉ từ trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Nguyễn Ái Quốc say mê tiểu thuyết Cái lều của chú Tôm (Uncle Tom’s Cabin) bởi tư tưởng “đã dám bênh vực người da đen”, đặc biệt khâm phục tác giả Harriet Beecher Stowe (1811-1896) với tấm lòng nhân văn cao cả, mãnh liệt tình thương yêu con người đã kể về cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là chú Tôm: phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng chú bị đánh chết trong đồn điền trồng bông ghê rợn ở miền Nam nước Mỹ, nơi chôn vùi bao thân phận đau khổ như cuộc đời chú. Tác phẩm còn kể về Êlida, một người mẹ cực kỳ nhân hậu thương con, một người vợ cực kỳ vị tha. Với tác phẩm này, nhà văn Stowe đã đóng góp tiếng nói vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mỹ; tố cáo chế độ vô nhân đạo, kêu gọi những người Mỹ có lương tâm đấu tranh đòi quyền sống. Thể hiện tình cảm với tác phẩm này, ngay từ những năm trên đất Mỹ Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi lương tri nhân loại, nhất là những nhà văn hãy cùng nhau đoàn kết đấu tranh vì quyền con người hãy góp phần loại bỏ chính sách đàn áp người da màu trên toàn thế giới.

Ở Hồ Chí Minh có cả một hệ mỹ học riêng mà sự tiếp thu mỹ học phương Tây đã góp phần đặt một viên gạch nền móng ngôi nhà mỹ học của Người.

T.V

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 99.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 285.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 164.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 165,166.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)