Giải huyền thoại Trương Chi trong truyện ngắn của Lê Minh Hà và Nguyễn Huy Thiệp

Chủ Nhật, 24/11/2019 14:08

Ngày xưa có anh Trương Chi

Người thì thậm xấu, hát thì

thậm hay...

Tôi nhớ mãi câu hát ru của bà nội ngày bé và bi kịch của chàng trai có dung mạo khó coi nhưng được trời phú cho giọng hát làm say lòng người. Nhân vật Trương Chi trở thành biểu tượng cho người nghệ sĩ có tài nhưng không được công nhận chỉ bởi thân phận nghèo khổ và vẻ ngoài xấu xí. Ngoài ra, câu chuyện chàng ngư dân nghèo đem lòng yêu con gái quan thừa tướng từ lâu đã được khắc ghi trong tâm thức dân gian Việt Nam như một huyền thoại về mối tình bất khả giữa người đẹp và “quái vật”, giữa kẻ giàu và người nghèo. Trong văn học Việt Nam đương đại, câu chuyện về chàng Trương Chi đã trở thành nguồn cảm hứng cho truyện ngắn của Lê Minh Hà và Nguyễn Huy Thiệp. Họ hoặc viết tiếp huyền thoại bằng cách xoáy sâu vào nội tâm nhân vật Trương Chi, hoặc giễu nhại huyền thoại với các tình tiết và màu sắc mới.

 

1. “Tiếng trăng” của Lê Minh Hà

“Tiếng trăng” là một truyện ngắn nằm trong tập Cổ tích cho ngày mới của Lê Minh Hà. Hai câu hát trích trong bài “Trương Chi” của nhạc sĩ Văn Cao mở đầu tác phẩm báo hiệu một không khí liêu trai u hoài bao trùm lên toàn bộ truyện ngắn. Lê Minh Hà không chọn cách kể lại câu chuyện theo trình tự thời gian, mà tập trung phác hoạ một Trương Chi ngụp lặn trong nỗi tương tư tủi hổ và bối rối sau khi bị nàng Mỵ Nương cự tuyệt. Chàng có một ý thức rõ ràng và đầy chua xót về vẻ ngoài của mình, một “vẻ xấu xí không cá tính” với những “đường nét bộ dạng của kẻ lam lũ nhiều đời”. Dung mạo ấy vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả cho sự nghèo hèn túng quẫn của số phận chàng: vì vất vả kiếm ăn mà chàng xấu xí, vì xấu xí nên chàng chỉ có thể ngước nhìn mà không thể bước vào lầu Mỵ Nương lần thứ hai. Tự gặm nhấm nỗi xót xa, chàng chỉ có trăng làm bầu bạn. Chàng nghiện trăng, bởi trăng “làm rung những cảm xúc không thường trong hồn Trương Chi” như cách Mỵ Nương thổi dậy trong chàng khát khao đôi lứa. Trước khi gặp nàng, Trương Chi chỉ biết đến cuộc đời neo mình vào con thuyền rách nát với túp lều ngả nghiêng để kiếm cơm qua ngày. Sau cái đêm ngắn ngủi ở lầu Mỵ Nương, trái tim chàng rung lên những cung bậc rối bời xao xuyến. Lời hát của chàng dội lên những nhịp xót đau về một giấc mơ chưa kịp thành hình đã bẽ bàng tan nát: Ôi những con cá khát trăng/ Có biết điều ấy ngu ngốc/ Ý nghĩ về hạnh phúc không phải là hạnh phúc/ Le lói, sáng bừng, tắt lịm/ Chỉ làm tan nát lòng/ Trăng là không/ Ta cũng không… Trăng trở đi trở lại như một biểu tượng về mộng yêu xa vời hư ảo, còn Trương Chi mãi là con cá khát trăng dại khờ. Ở đây, Lê Minh Hà đào sâu thêm nhiều tầng trong nỗi bất lực của Trương Chi: chàng đau đớn nhận ra rằng không chỉ mối tình với Mỵ Nương bất khả, mà bản thân chàng cũng không thể tiến tới với cô gái làng chài tốt bụng. Mối duyên tủi mọn với cô con gái nhà quan chỉ khiến chàng bàng hoàng trước một thực tế chua xót rằng cái nghèo không cho phép chàng xây dựng một “hạnh phúc đầm ấm rất đỗi bình thường”.

Sau cùng, tất cả những gì Trương Chi còn là giọng hát. Giọng hát ngân vang đêm đêm ở ngã ba sông làm bao người say đắm, nhưng “đã bị phô trong ánh nến tưng bừng” của lầu quan thừa tướng. Lê Minh Hà giải huyền thoại nhân vật Trương Chi bằng cách đưa ra một lí giải khác về sự lạnh nhạt của Mỵ Nương: không phải nàng thất vọng hay chán chường vì nhìn khuôn mặt chàng xấu xí, mà vì giọng hát chàng đêm đó thiếu “một nốt bí ẩn vẫn làm trái tim nàng se thắt và hoàn toàn không vang vọng những ngân rung đã khiến nàng say mê”. Nốt bí ẩn ấy cả Trương Chi lẫn Mỵ Nương đều dần hiểu ra sau này chính là không gian sông nước vào đêm, là nhịp chày gọi cá, là tiếng gió, tiếng cá quẫy, là đốm lửa lập loè, là “cái tịch lặng vĩnh cửu của trời đất”. Giọng hát Trương Chi chỉ hay khi nó sinh ra ở sông nước và thuộc về sông nước. Nói cách khác, sức sống và sự tồn tại của giọng hát ấy, hay chính là bản thân Trương Chi, gắn chặt với không gian cố hữu và chật chội của làng chài nghèo.

Đến cuối cùng, Trương Chi vẫn còm cõi một mình giữa bủa vây nghèo khó. Những lúc như vậy, chỉ có lời ca đối thoại với chàng: Ta giữ nắng mùa thu/ Ta giữ gió mùa thu/ Không ai hỏi tại sao…/ Giá em đi bên ta/ Đừng nói/ Trên tháng ngày lại thêm tháng ngày nữa/ Trên nỗi buồn lại thêm nỗi buồn nữa/ Cuộc đời ta… Không phải ngẫu nhiên mà Lê Minh Hà chọn ca khúc của Văn Cao và thơ Đỗ Quang Nghĩa để đề từ truyện ngắn và viết nên khúc hát của nhân vật Trương Chi. Trong hoàn cảnh một thân một mình, chàng trai chỉ có thể dùng giọng hát trời ban để phơi bày nỗi lòng. Giá em đi bên ta/ Đừng nói… Em là Mỵ Nương, là cô lái đò đã nhận lời làm lẽ một ông lý goá vợ, hay là một nhân ảnh mờ nhoà cho một tình yêu không kết quả? Chẳng là ai. Trương Chi chỉ có tháng ngày chồng chất cô đơn và nỗi buồn đầy ứ cả cuộc đời. Quyết định gieo mình xuống nước vì vậy không chỉ buồn thảm, tuyệt vọng mà dường như còn mang âm vang của sự giải thoát. Trong nỗ lực giải huyền thoại Trương Chi, Lê Minh Hà cho rằng chàng không chết vì bệnh tương tư, mà vì nhận thức xót xa rằng cuộc sống tiếp theo sẽ “mãi mãi một mình”, quẩn quanh và tù túng.

 

2. “Trương Chi” của Nguyễn Huy Thiệp

“Trương Chi” là một trong những truyện ngắn gây tiếng vang của Nguyễn Huy Thiệp bởi nó mang dấu ấn rõ ràng phong cách bỗ bã, “nổi loạn” thường thấy ở văn ông. Cùng chọn mốc thời điểm sau khi gặp Mỵ Nương, cùng khai thác sự thay đổi trong nhận thức về cuộc đời của nhân vật nhưng Nguyễn Huy Thiệp lột tả chân dung Trương Chi theo hướng hoàn toàn khác với Lê Minh Hà. Nếu Trương Chi trong “Tiếng trăng” miên man trôi giữa nỗi buồn trăng nước liêu trai, thì Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp gợi nhớ đến Chí Phèo của Nam Cao. Ở đây, người ta thấy một Trương Chi luôn bày tỏ lòng chán chường cũng như sức phản kháng qua lời nói và hành động cục cằn, thô lỗ: “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông”. Ngay từ câu mở đầu, nhà văn đã mạnh mẽ phá bỏ hình tượng thơ mộng của người nghệ sĩ Trương Chi và thay vào đó một anh Trương Chi rất đời, đặc chất nông dân. Những câu chửi được thốt ra đầy bất lực sau khi chàng trở về từ lầu Mỵ Nương và nhận ra rằng “cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được”. Có thể thấy sự tương đồng trong nhận thức giữa hai nhân vật Trương Chi của Lê Minh Hà và Nguyễn Huy Thiệp: cái “cứt chó” ấy chính là kiếp đời nghèo hèn khi so sánh với cuộc sống nhung lụa của Mỵ Nương. Trước khi gặp nàng, chàng chỉ lờ mờ hiểu đời chàng “tẻ nhạt, nhàm chán”. Cụm từ “chẳng ra gì” lặp lại bốn lần với âm tiết đều đều vừa như một cái ngáp uể oải, vừa như một cái nhổ toẹt vào những tháng năm rệu rã thủ thường an phận. Trương Chi thoát khỏi cái bóng nghệ sĩ huyền thoại và trở về với bản chất một anh nông dân mong muốn kiếm ăn qua ngày, một mong muốn giản đơn và có phần ti tiện.

Tuy nhiên, nhận thức của Trương Chi trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không hoàn toàn giống với nhân vật của Lê Minh Hà. Trong “Tiếng trăng”, như đã nói, cuộc duyên ngắn ngủi với Mỵ Nương khiến Trương Chi hiểu rõ hơn tình cảnh thân cô thế cô và số phận đơn độc không cách nào thoát li. Nói cách khác, trước khi gặp nàng, chàng đã là một kẻ dị biệt đứng ngoài cộng đồng; không ai lắng nghe chàng ngoài ễnh ương cá mú, nếu có người dỏng tai thì cũng chỉ thấy chàng như một kẻ “dở người” với “độc con thuyền nát”. Ngược lại, anh làng chài của Nguyễn Huy Thiệp luôn là một kẻ “sống giữa bầy”, nhất nhất chấp hành lề thói và trật tự của đám đông để tồn tại qua ngày. Có cảm giác Trương Chi đã sống như một cái bóng trong suốt lẩn mình vào đám đông, không bản ngã, không màu sắc, với tiếng ca nhạt phèo và hoàn toàn vô nghĩa cho tới khi chàng gặp Mỵ Nương. Cuộc giáp mặt trần trụi với những kẻ đại diện cho luật lệ bầy đàn đã thức tỉnh Trương Chi khỏi cơn mê ngủ: chàng bị chế giễu, bị khinh bỉ, bị hạ nhục. Trương Chi hiểu rằng nếu chàng tiếp tục cúi đầu tuân phục bầy đàn, chàng sẽ mất tất cả. Chàng rùng mình sợ “khi chính bản thân chàng lâm vào tình thế phải tự hạ nhục bản tính mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát, không còn Trương Chi”. Nhân vật đi từ khởi đầu vô ngã tới ý thức minh bạch về bản ngã, rồi tới quyết tâm bảo vệ cá tính của mình dẫu phải tách khỏi đám đông. Giờ đây, Trương Chi không chỉ không thuộc về thế giới của Mỵ Nương, mà còn là kẻ ngoại lai tôn thờ tự do tuyệt đối giữa một đám đông mù quáng và giả dối. Ngay đến Mỵ Nương rồi cũng sẽ không thoát khỏi số phận của bầy đàn mà nàng thuộc về: Đêm nay là đêm nao/ Này người tình ơi/ Rồi nàng cũng thành một bà lão/ lụ khụ, đáng kính và cô đơn thôi!/ Bây giờ nàng cứ cười đi/ Ta đâu mếch lòng/ Nàng còn trẻ tuổi/ Nàng hiểu làm sao/ Những khao khát nực cười của ta… Có điểm giống như Lê Minh Hà, Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật của mình bày tỏ lí tưởng và tiếng lòng qua lời hát. Nhưng, hai điều rất đáng chú ý trong lời ca này: thứ nhất, Trương Chi bóc trần khái niệm hạnh phúc theo ước lệ xã hội. Sống một cuộc đời bình thường đồng nghĩa với việc nàng sẽ già đi, sẽ “lụ khụ, đáng kính và cô đơn”. Cái kết của con đường khuôn mẫu ấy cũng là cảnh chăn đơn gối chiếc mòn mỏi như chính tình cảnh của Trương Chi bây giờ. Thứ hai, chàng phản biện thói đời nông cạn và đồng thời cho rằng lí tưởng của mình vượt lên khỏi vũng lầy giáo dục ấy. Nàng đại diện cho bầy người, nàng không thể hiểu những “khát khao”, “tín ngưỡng” của chàng. Nàng không thể thoát ra khỏi lối suy nghĩ sáo mòn tù túng đã hằn sâu trong nàng “từ bé tí” - tức niềm tin vào uy quyền của thế giới mà nàng đang sống. Bằng cách này, Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp mang dáng dấp của người anh hùng chiến đấu cho lí tưởng cá nhân chống lại lề thói cũ kĩ của xã hội, mà phương tiện chàng sử dụng không gì khác ngoài giọng hát vang vọng giữa dòng sông. Chàng tin vào tự do tuyệt đối và tình yêu tuyệt đối. Như thế, với bước chân từ trên thuyền xuống xoáy nước sâu, không u uất nghẹn ngào mà nhẹ nhàng giản đơn, cách duy nhất để bảo toàn cái tôi và giọng hát của Trương Chi khỏi thói đời giả tạo là cái chết tuyệt đối.

 

3. Tiếng vọng…

Cả Lê Minh Hà và Nguyễn Huy Thiệp đều tập trung khai thác và giải huyền thoại Trương Chi sau thời điểm nhân vật gặp gỡ Mỵ Nương tại lầu quan thừa tướng. Trong cả hai truyện ngắn, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đều đóng vai trò bước ngoặt trong thay đổi nhận thức của Trương Chi. Nếu Trương Chi của Lê Minh Hà buồn thảm và tuyệt vọng vì nhận thức sâu sắc rằng mình là kẻ ngoài lề xã hội, thì Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp lại ngạo nghễ ngang tàng chính vì lẽ ấy. Trương Chi của “Tiếng trăng” tủi phận mình luẩn quẩn, Trương Chi trong truyện ngắn cùng tên lại thấy hồn mình tự do. Khác biệt này đến một phần từ cách tiếp cận khác nhau của hai tác giả trong quá trình giải huyền thoại dân gian: trong khi Lê Minh Hà viết tiếp huyền thoại thì Nguyễn Huy Thiệp viết lại và giễu nhại huyền thoại. Cụ thể hơn, Lê Minh Hà đi sâu khám phá nội tâm phức tạp đa tầng của Trương Chi, thể hiện cái nhìn “nội hiện” mang tính đối thoại cao; trái lại, Nguyễn Huy Thiệp đưa đến một hình ảnh Trương Chi nông dân bỗ bã gần như đối lập với hình tượng Trương Chi nghệ sĩ trong cổ tích, đặt nhân vật vào mâu thuẫn hiện sinh giữa cá nhân và cộng đồng. Theo quan điểm của người viết, cả hai tác giả đều thành công trong việc mang đến một Trương Chi sâu hơn và đời hơn so với phiên bản huyền thoại, từ đó đặt ra câu hỏi về mối tương quan giữa biểu tượng và thân phận người, giữa huyền thoại và thực tại trong tính đa dạng, phức tạp và khác biệt của đời sống

H.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)