.NGUYỄN THANH HÀ
Nhật ký là tiếng lòng tri âm, cảm thông và chia sẻ. Nhật ký còn là tiếng kêu, tiếng thét: hãy cứu lấy con người. Bên trong con người tù nhân Hồ Chí Minh là con người văn hóa vĩ đại đấu tranh kiên cường với thế giới tù ngục để đòi lại cho con người giá trị văn hóa ở ba phương diện cơ bản: con người phải được yêu thương; phải được trân trọng, tôn trọng; phải được tự do.
Tác phẩm là một bức tranh đầy mâu thuẫn về hiện thực phi nhân tính (phi nhân loại sinh hoạt) của chế độ lao tù Tưởng Giới Thạch. Nhà tù thường được hiểu là nơi giam giữ, cải tạo những người xấu để họ thành người lương thiện nhưng ở đây lại ngược lại. Nếu việc “Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội”, thì “Trong tù đánh bạc được công khai”. Thế nên, “Bị tù con bạc ăn năn mãi/ Sao trước không vô quách chốn này” (Đánh bạc). Cũng là tiếng cười lưỡng tính, vừa hướng tới kẻ bị tù - tức những “con bạc”: mỉa mai thói máu mê cờ bạc đến mê muội, lú lẫn; vừa hướng tới sự phi lý của nhà tù cũng là sự phi lý của cả xã hội: biến người xấu thành người xấu hơn. Cai tù là hiện thân của sự phi lý và phi nhân tính: “Quan không cấp bữa cho tù bạc/ Để họ mau chừa tội cũ hơn”, tức bắt tù nhịn ăn để họ chết đói cho…hết tội (Tù cờ bạc). Còn là “Mới đến nhà giam phải nộp tiền”, nếu không “Mỗi bước anh đi một bước phiền” (Tiền vào nhà giam). Tức đây không phải nhà tù để giáo dục, cải tạo mà chỉ là nơi nộp tiền! Còn nữa: “Di, Tề chẳng ăn gạo nhà Chu/ Tù bạc chẳng ăn cháo nhà nước/ Di, Tề chết đói ngàn Thú Dương/ Tù bạc chết đói trong nhà ngục” (Lại một người nữa…). Bá Di, Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc triều đại nhà Thương, vì phản đối Chu Vũ Vương đưa quân diệt nhà Thương dựng nên nhà Chu mà hai ông không chịu ăn gạo nhà Chu rồi lên núi Thú Dương ở ẩn và chịu chết đói ở đó. Bá Di Thúc Tề là những bậc đại nhân hoàn toàn tương phản với người tù vì tội cờ bạc. Thế tương phản này làm bật ra cách hiểu: người tù cờ bạc không được ăn cháo nhà nước nên mới chết đói. Điều ấy càng thấy sức tố cáo lớn về một “nhà nước” vô đạo lý.
Tố cáo, vạch trần, lên án trạng thái phi nhân tính để đòi một trạng thái có nhân tính, đấy là một giá trị hiện thực và nhân đạo mang tầm phổ quát nhân loại lớn lao của kiệt tác.
Tập thơ cũng có nhiều nụ cười vui, dí dỏm, hóm hỉnh. Như trường hợp xuất hiện những hình tượng có xu hướng thân mật hóa, ấm áp hóa hoàn cảnh tù đầy: “Nhà lao mà giống tiểu gia đình/ Gạo, củi, muối, dầu tự sắm sanh/ Trước mỗi phòng giam bày một bếp/ Suốt ngày lụi hụi với cơm, canh” (Nhà lao Quả Đức). So sánh này lại làm biến mất những không gian nặng nề gông cùm xiềng xích để chỉ còn một không khí gia đình bận rộn mà ấm áp. Bài thơ có thể còn một ý nghĩa này chăng: muốn cải tạo con người phải đưa con người trở về trạng thái gia đình thân mật yêu thương, chỉ có trong trạng thái ấy con người mới thể hiện rõ nhất nhân tính?
“Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, trong nhà tù của chế độ phản động lại càng cay đắng bội phần, thảng hoặc Bác gặp được người tốt, lúc này lời thơ ấm áp tình hữu ái: “Họ Ngũ trưởng khoa với họ Hoàng/ Thấy ta cùng cực động lòng thương/ Ân cần thăm hỏi và cứu giúp/ Như nắng bừng lên giữa giá sương” (Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng). Được đọc sách quý nhờ có người tặng, người tù cảm thấy như được sống ở một chân trời khác, chân trời của niềm tin, lý tưởng: “Sách ngài chủ nhiệm mới đưa sang/ Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang/ Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ/ Chân trời một tiếng sấm rền vang” (Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách). Trân trọng con người là sự cảm thông, chia sẻ, là sự giúp đỡ chân thành. Những điều ấy thật đáng quý, “như nắng bừng lên giữa giá sương” có tác dụng làm con người như được lớn lên cả về tâm hồn và trí tuệ: “Chân trời một tiếng sấm rền vang”!
Tác phẩm còn là tiếng nói đòi quyền công bằng, đòi cho con người được hưởng chân lý, lẽ phải. Đây là sự tương phản đối lập gay gắt giữa quan tòa và phạm nhân, ở giữa hai cực đó “công lý đứng làm thần” (Lời hỏi). Thì ra đứng trước công lý quan tòa (ở xã hội phản động ấy) và phạm nhân chỉ bình đẳng như nhau, ai cũng có tội cả: “Quan rằng: anh có tội/ Phạm thưa: tôi lương dân/ Quan rằng: anh nói dối/ Phạm thưa: thực trăm phần/ Quan tòa vốn tính thiện/ Làm ra vẻ dữ dằn/ Muốn khép người vào tội/ Lại giả bộ ân cần”. Phạm nhân có thể có tội, còn quan tội gì? Là tội “khép người vào tội”, tức bức cung. Như vậy thì đâu có công lý ở “hai cực trong xã hội” ấy. Một ý nghĩa toát ra: muốn có công lý cho tất cả chỉ còn cách phá bỏ “hai cực” tương phản trời vực trong xã hội ấy mà thôi!
Trong tù thì không thể có công bằng: “Hút thuốc nơi này cấm gắt gao/ Thuốc anh nó tịch bỏ vào bao/ Nó thì kéo tẩu tha hồ hút/ Anh hút còng đây tay ghé vào” (Cấm hút thuốc). Tù nhân phải sống cùng muỗi rệp: “Rệp bò ngang dọc như xe cóc/ Muỗi lượn hung hăng tựa máy bay” (Đêm thu); chân bị cùm: “Nghỉ lâu, chân tựa bông mềm nhũn/ Đi thử, hôm nay muốn ngã quay” (Được lệnh trên cho đi lại ngoài buồng giam); còn bị giải đi giải lại trong xiềng xích. Một cảnh ngộ oái oăm: “Khiêng lợn, lính cùng đi một lối/ Ta thì người dắt, lợn người khiêng/ Con người coi rẻ hơn con lợn/ Chỉ tại người không có chủ quyền!”. Người tù bị dắt trong tư thế cổ mang cùm, chân bị xích, còn con lợn được khiêng vì nếu dắt đường xa sẽ rất khó đi, lợn sẽ gầy. Đúng là Con người coi rẻ hơn con lợn! Những hình ảnh này cho thấy chế độ nhà tù phản động coi con người không còn là con người mà là đồ vật, con vật, thậm chí không bằng con vật. Phơi bày thực trạng là một cách tố cáo lên án để đòi cho con người quyền được làm người. Đó là một đòi hỏi, một tiếng kêu, tiếng thét: phải tôn trọng, trân trọng con người!
Nhật ký có những mâu thuẫn lạ, lạ mà rất thực, rất tự nhiên: “Máy bay địch bỗng đến ào ào/ Tất cả nhân dân chạy xuống hào/ Cửa mở cho tù ra lánh nạn/ Sổ lồng ai nấy khoái làm sao!” (Báo động). Những bài như thế này hầu như tác giả không có ý định làm thơ mà chỉ là những ghi chép tả lại cảnh máy bay, cảnh chạy bom, cảnh mở tù. Nhưng lại đậm đà một tiếng cười hài hước, hài hước ở mâu thuẫn vì có máy bay địch thì mọi người chạy xuống hào trú ẩn, nhưng nhờ máy bay địch mà tù nhân mới được dịp “sổ lồng”. Thế là “Máy bay địch” không phải là “cừu nhân” mà lại là “ân nhân” của những “tù nhân” đang khao khát tự do!
Tù nhân bị giải đi bằng thuyền, nhưng chân lại bị treo lên giàn thuyền. Trên đường bộ thì người tù bị giải đi cả ngày, cả tối, đi trong giá rét với gông cùm, xiềng xích: “Gió sắc tựa gươm mài đá núi,/ Rét như dùi nhọn chích cành cây” (Hoàng hôn). Nếu ai chưa cảm nhận được cái gió lạnh xứ trời Hoa thì qua phép so sánh trên sẽ hình dung được phần nào. Nhưng vượt qua gông cùm giá rét tâm hồn người tù vẫn hướng về sự sống ấm áp, không hề buồn nản mà trái lại vẫn tin vui với cuộc sống: “Chùa xa chuông giục người nhanh bước/ Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay”. Đúng là một bản lĩnh phi thường, bản lĩnh của tự do không chịu mất tự do trong bất cứ hoàn cảnh nào!
Bài Ốm nặng có hai câu đầu là nguyên nhân gây ra “ốm nặng”, câu thứ nhất là nguyên nhân khách quan, câu thứ hai là nguyên nhân chủ quan. Câu thứ ba là một hiện thực: ở tù đã là một cay đắng, trong tù mắc bệnh thì càng cay đắng bội phần. Có thể coi ba câu đầu là nguyên nhân để dẫn tới một tình cảnh “đáng khóc”. Nhưng chỉ có người tù vĩ đại Hồ Chí Minh mới tạo nên một mâu thuẫn này: Đáng khóc mà ta cứ hát tràn. Chỉ tiếc là bản dịch không lột tả được âm hưởng phẫn uất, dồn nén dữ dội của ba thanh trắc liền nhau (thống khốc khước) ở bản phiên âm: Bản ưng thống khốc khước cuồng ca. Không phải là một tinh thần lạc quan như đã có nhận định mà là một thái độ phủ nhận hiện thực cay đắng, có tiếng hát nhưng không phải là tiếng hát yêu đời hay hát để cho vui cho quên mà là hát để chế ngự hiện thực, vượt lên hiện thực quá phũ phàng. Chế ngự hiện thực tù đày cũng là một cách rút ngắn thời gian tâm lý trong tù đày để “đợi đến ngày tự do” sẽ đến sớm hơn!
Hai chữ TỰ DO là niềm thao thức, nỗi khát khao lớn nhất trong kiệt tác này và cũng là niềm thao thức, nỗi khát khao lớn nhất của thời đại vì thế mà Nhật ký mang giá trị văn hóa thời đại rất rõ. Tập thơ như đã báo trước tác giả sẽ là người khơi nguồn hy vọng và hiện thực hóa TỰ DO trên những mảnh đất còn mất tự do.
Giá trị nhân văn là một trong những giá trị đẹp nhất, sống mãi của văn hóa nhân loại, Nhật ký trong tù đã góp phần tô đậm thêm, làm sáng thêm giá trị ấy.
N.T.H
VNQD