Về một hình tượng “Tiên” trong tác phẩm của Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 29/10/2019 00:35

. Nguyễn Thanh Tú

Hiểu theo lối “chiết tự” thì chữ “Tiên” (仙) là sự ghép lại của chữ “nhân” (人) nghĩa là người và chữ “sơn” (山) nghĩa là núi. “Tiên” chỉ người tu trên núi, đắc đạo mà thành Tiên. Đi vào văn hoá Việt “Tiên” trở thành hình tượng thẩm mỹ với ý nghĩa một lực lượng siêu nhiên có bùa phép hay cứu giúp người.

Bác Hồ nhiều lần dùng chữ này nhưng đa dạng về nghĩa, tinh tế trong cách sử dụng.

Tự do tiên khách trên trời

Biết chăng trong ngục có người khách tiên.... (Ngọ hậu - Quá trưa).

Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần... (Vô đề ).

Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ

Trần mà như thế kém gì tiên... (Sáu mươi tuổi ).

Như vậy “tiên” ở đây là một hình tượng mang ước mơ khát vọng của người ở cõi trần hướng về thế giới ‘tiên” đầy sung sướng, hạnh phúc, viên mãn... Mà trong tín ngưỡng người Việt thì tiên cũng là phật, cảnh tiên là cảnh phật. Trong bài Ngọ hậu Bác tự coi mình là một “khách tiên”, ở hai bài còn lại thì “tiên” được coi như là một chuẩn mực thẩm mỹ để so sánh với thế giới trần gian. Ở trần cũng có thể được coi là “tiên” nếu “không bệnh” và “ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ”. Toát ra một quan niệm biện chứng về một cuộc sống hạnh phúc: là không bệnh tật ốm đau, tinh thần thư thái và làm việc hết mình, hăng say. Có thể nói ở con người Hồ Chí Minh đã kết hợp hài hoà con người “tiên” và con người trần thế để tạo ra bức chân dung một bậc vĩ nhân, thánh thiện, đẹp đẽ nhưng cũng rất mực đời thường dung dị.

Trần Khuyến, nhà dịch thuật nhớ lại: “Tôi nhớ hôm đó Bác nói một câu rất dí dỏm, ví các cô gái Ucraina đẹp như những “cô tiên”. Tôi bí không biết dịch chữ “cô tiên” ra tiếng Nga là gì liền quay sang hỏi Bác. Bác mách bảo tôi: “Cháu cứ dịch “cô gái ở trên trời” cũng được”. Trung thu năm 1960, với bút danh T.L, Bác Hồ nói chuyện “mặt trăng” với các cháu:

“Theo chuyện đời xưa Trung Quốc thì trên mặt trăng có cô Tiên đẹp, có lâu đài sang:

Trên trăng các chị Hằng Nga,

Ở trong cung điện xa hoa tuyệt vời...”(1)

Những hình tượng chú Cuội, chị Hằng Nga trên mặt trăng đã quen thuộc với sự tưởng tượng của trẻ em Việt Nam được tác giả gợi lại. Tưởng rằng câu chuyện sẽ đi theo hướng “cổ tích” nhưng bất ngờ, trên cái nền “chuyện đời xưa”ấy, tác giả kể câu chuyện khoa học thời nay: Liên Xô dùng tên lửa đặt quốc huy vào mặt trăng. Cùng là “mặt trăng” nhưng người xưa thì quan niệm khác, người nay lại có hành động thực tế. Nói đến cả xưa và nay cũng nhằm mục đích khêu gợi ước mơ, hoài bão chinh phục “mặt trăng” của các cháu, để rồi nhắc các cháu chuyện học hành, lao động… “ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hoà bình…”, sau này cũng đặt “quốc huy” Việt nam vào mặt trăng như Liên Xô vậy! Thế thì thế giới Người và thế giới Tiên sẽ không xa khi con người nắm được khoa học kỹ thuật.

Một dịp sang Trung Quốc, nói chuyện với diễn viên Nghiêm Phượng Anh (Đoàn kịch Mai Vàng của tỉnh An Huy), Người hài hước hỏi: “Trước đây Bác xem vở kịch “Thiên tiên phối” (kết duyên với tiên ở trên trời) cứ nghĩ cháu là tiên ở trên trời, làm sao lại xuống trần thế được?”. Nghiêm Phượng Anh cười và hóm hỉnh đáp lại: “Trên trời vắng vẻ quá. Cháu xuống đây để cùng mọi người tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ạ!”. Người phá lên cười và nói tiếp: “Đúng rồi! Trên trời làm sao hay bằng trần gian được. Trở về trần gian, đem nghệ thuật cống hiến cho nhân dân dốc lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội, điều đó tuyệt biết bao!” (2) . Ví dụ này cho thấy quan niệm của Bác về một cuộc sống thực, cuộc sống lao động mới đích thực là đối tượng của nghệ thuật.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An kể lại lần được Bác xem ảnh: “Tôi khấp khởi hy vọng khi thấy Bác mỉm cười hỏi: - "Chú thấy ảnh thế nào?". Tôi đáp: - "Thưa Bác, vừa rồi cháu nhìn lại, thấy đúng như ảnh đã ghi được...". Bỗng nhiên tôi rụt rè trong lời nói. Bác nhẹ nhàng nhắc: - "Chú thấy sao?".

- "Ảnh đã chụp Bác giống như một ông tiên". Tôi đánh bạo nói vậy. Dứt lời tôi chú ý ngay cái nhìn và nụ cười của Bác, liền ngập ngừng nói tiếp:

- "Ảnh muốn khắc họa một phong thái tiên cốt... ".

- "Ảnh ông tiên thì không phải là ảnh Bác. Ảnh người trước hết phải thực". Bác ôn tồn nói vậy và thong thả xem những ảnh khác. Lời nói của Bác đã trở thành bài học lớn đối với tôi sau này (3). Lời của Người càng làm sáng rõ một quan niệm: “Chú làm nghề ảnh, phải hiểu nghề ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật như những nghệ thuật khác, là phải phản ảnh chân thật cuộc sống của quân và dân ta. Muốn làm được điều đó phải đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân đang quyết tâm kháng chiến cứu nước” (4). Một lần thăm một Triển lãm mỹ thuật, đứng xem bức sơn mài lớn có chắp vỏ trứng, vẽ những cô thiếu nữ thướt tha, huyền ảo, Người hỏi: “Đây là những cô tiên trên trời hay là gì? Còn nhiều người ở trần gian đáng vẽ, sao không vẽ” (5).

Như vậy biểu tượng “tiên” ở đây lại theo nghĩa biểu hiện cho những gì không thực tế, xa lạ, hão huyền.

Trên báo Cứu quốc, số 2048, ngày 4-4-1952 Người có bài Có tiền mua tiên cũng được vạch trần âm mưu lũng đoạn, thao túng các nước khác bằng tiền: “Tục ngữ có câu: "Có tiền mua tiên cũng được, không tiền chạy ngược chạy xuôi". Ở thời đại mới, câu ấy không đúng nữa. Chứng cớ: năm 1947, Mỹ mời các nước đến nói: "Chúng tôi có tiền, mời các anh vay. Nhưng ai muốn vay, thì phải thế này... thế này"…Các nước tư bản vì tài chính kiệt quệ, vì "máu tham hễ thấy hơi đồng là mê", nên nhắm mắt mà vay. Vay xong, liền bị Mỹ "thế này" tức là Mỹ nắm hết quyền chính trị, kinh tế, quân sự của các nước mắc nợ” (6).

”Tiên” lại biểu hiện cho những gì quý giá. Nhưng với các nước tư bản thì lại không là vậy, vì Mỹ đưa ra điều kiện: muốn vay tiền phải phụ thuộc vào Mỹ ”thế này...thế này”. Thành ra được tiền nhưng lại là nô lệ cho Mỹ. Thành ra với Mỹ thì ”tiền” là cái bẫy!

Nhưng lại có một biểu tượng “tiên” theo nghĩa khác. Năm sáu mươi tuổi Bác Hồ có bài thơ vui:

“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,

So với ông Bành vẫn thiếu niên.

Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,

Trần mà như thế kém gì tiên!” (7).

Bài thơ thể hiện một tâm hồn vui vẻ, lạc quan. Bác dùng chữ “xuân” với nét nghĩa trẻ trung, phát triển. So với ông Bành Tổ sống gần ngàn năm tuổi thì tuổi sáu mươi đúng chỉ là “thiếu niên”. Lời thơ đưa đến một triết lý: trẻ già không căn cứ vào tuổi ít hay nhiều mà là ở tâm hồn. Thế giới “tiên” của con người trần thế là: “Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ”. Đây là một quan niệm biện chứng hài hoà giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa “tiên” và “đời”. Một ý phổ quát toát ra từ ngụ ngôn này: con người trước hết phải ăn, ngủ và phải làm việc. “Ăn khoẻ, ngủ ngon”, thì “làm việc” cũng phải “khoẻ”.

Trong văn hoá Việt “Bụt” gần gũi với “Tiên”, trong nhiều truyện cổ thường đồng nhất Tiên/Bụt (Một ông tiên hiện ra/ Bụt hiện lên…). Xét về nguồn gốc thì Bụt có nghĩa là Phật (người Việt phiên âm từ Buddha) quen thuộc trong văn học dân gian và trở thành biểu tượng cho người hiền lành (Hiền như bụt), tốt, hay giúp người. Bác đã sử dụng một cách tinh tế biểu tượng này. Trong mối quan hệ tài đức Bác Hồ cho rằng có tài phải có đức, hai cái đi đôi với nhau không tách rời. Hơn một lần Người lấy hình tượng “ông bụt” để ví với người có đức mà bất tài: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người” (8).

Bác Hồ dùng hình tượng này để nói về nhân cách cao cả của đồng chí Vinhem Pích, Chủ tịch nước cộng hoà dân chủ Đức: “Cũng như đối với các lãnh tụ cách mạng khác, kẻ địch của nhân dân lao động sợ đồng chí Pích như sợ cọp. Nhưng với những người cách mạng thì đồng chí Pích hiền hậu như ông bụt” (9). Ý nghĩa phổ quát của biểu tượng này vượt lên ý nghĩa nói về sự “hiền hậu” của một người (đồng chí Pích) nhưng biểu hiện chung cho những người cách mạng.

Chỉ một con chữ thôi, nếu hiểu sâu sẽ có biết bao tình thế sử dụng để mang lại những hiệu quả thẩm mĩ!.

NTT

--------------------------------


1. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 220.

2. Đặng Quang Huy (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc Nxb Chính trị Quốc gia, 2012. tr 77.

3. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 162.

4. Vũ Năng An kể - Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 163.

5. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 60.

6. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 447.

7. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 55.

8. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9, tr 172 và tập 8, tr 184.

9 Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 110.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)