Tháng 5 để dành: nhạt nhòa giữa khát vọng bứt phá và thực lực

Thứ Năm, 24/10/2019 09:04

.TRẦN MINH NGỌC

Tháng 5 để dành là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Hà Nguyên (2019), khai thác chủ đề tuổi trẻ (vốn chưa bao giờ mất sức hút trong thị trường điện ảnh Việt Nam), có nguyên liệu hứa hẹn trở thành một sản phẩm có sức nặng nhưng đã không thể đi đến cùng tiềm năng của mình. Nhìn trong tổng thể của làn sóng phim độc lập Việt Nam đang mải miết tìm kiếm tiếng nói, Tháng 5 để dành không hẳn là một phim tệ, nhưng có lẽ là một trong nhiều sản phẩm đang mắc kẹt giữa khát vọng bứt phá và thực lực chưa tới.

Một bài viết trên báo Thể thao & Văn hoá năm 2016 khảo sát chín cụm rạp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy khoảng 70% khán giả đến rạp xem phim là người trẻ dưới 30 tuổi - cũng chính là lực lượng được bài viết cho là nhân tố giúp điện ảnh Việt trong năm 2015 gần cán mốc doanh thu 100 triệu USD. “Cuộc đổ bộ” của một thế hệ trẻ vào thị trường điện ảnh không chỉ xuất hiện trong giới khán giả. Vài ba năm trở lại đây, làng phim Việt bên cạnh những cái tên quen thuộc, kiểm chứng cho thành công phòng vé như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Charlie Nguyễn hay Victor Vũ, dần xuất hiện những cái tên “lạ tai” như Cao Thúy Nhi, Duy Joseph, Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair), Trịnh Đình Lê Minh... Đây là thế hệ các nhà làm phim trẻ có nhiều người trưởng thành từ những chương trình hỗ trợ tài năng điện ảnh như tiệc phim ngắn Yxineff của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và Gặp gỡ mùa thu do đạo diễn Phan Đăng Di khởi xướng. Với một thế hệ cả khán giả và nhà làm phim đều đang trẻ hoá, không khó hiểu vì sao chủ đề thanh xuân, tuổi trẻ dù là một lối mòn nhưng chưa bao giờ cũ của điện ảnh Việt.

Tháng 5 để dành mở màn năm 2019 của điện ảnh độc lập Việt Nam, để lại ấn tượng qua nhiều MV âm nhạc, cũng khai thác chủ đề thanh xuân, tuổi trẻ. Bộ phim xoay quanh chuyện tình cảm của Hiếu (Xuân Hùng thủ vai), một cậu chàng có vẻ ngoài nhút nhát, rụt rè nhưng tâm hồn nghệ sĩ tinh tế với Ngọc (Minh Trang thủ vai), cô bạn lớp phó học tập nổi tiếng xinh đẹp, tài giỏi. Cuộc sống học sinh với nhiều gam màu rực rỡ là mảnh đất giúp tình cảm của hai người trẻ nảy nở tự nhiên. Tuy nhiên, những bồng bột của tuổi mới lớn và những biến cố gia đình đã khiến Hiếu và Ngọc sớm phải nếm trải vị đắng của rung động đầu đời cũng như đối mặt khoảng tối của thứ tình cảm tuổi mới lớn tưởng chừng luôn sáng trong và tinh khiết.

Trước hết, nói về những “điểm đẹp”, nhìn từ góc độ một bộ phim thanh xuân, Tháng 5 để dành đã có một mở đầu tràn đầy năng lượng. Chuỗi phân cảnh mẹ Hiếu gọi con dậy đi học, Hiếu phóng xe trên con đường đồng quê buổi sớm mai, sự xuất hiện của Sơn “lác”, màn chòng ghẹo giữa các cô cậu học sinh, cảnh Hiếu và Sơn phóng xe làm tan tác đàn vịt, mẩu tâm sự “thầm kín” giữa Hiếu và Quân,… tiết tấu phim nhanh với những khung hình rực nắng và mướt màu xanh cây lá, các nhân vật hiện lên rõ nét qua lời thoại gần gũi, có duyên, tất cả tạo nên những thước phim sôi động mà rực rỡ như chính những ngày tháng tuổi trẻ. Phim sau đó tiếp tục thành công trong việc đánh thức hồi ức về một giai đoạn “nhất quỷ nhì ma” của những năm cuối thập niên chín mươi, đầu 2000. Thế hệ 8x, 9x đến rạp hẳn sẽ khó tránh được cảm giác bồi hồi trước những thiết bị chơi điện tử bốn nút, quán internet tính tiền theo giờ, những tờ báo tường vẽ tay hay những trò nghịch ngợm trong giờ học được tái hiện gần gũi mà chân thật qua từng thước phim. Phần hình ảnh của phim cũng được chăm chút và đầu tư. Đoàn phim đã cất công tìm đến nhiều địa điểm phong cảnh hữu tình của vùng trung du, miền núi phía Bắc như Chương Mỹ, Sóc Sơn, hồ Đại Lải - Xuân Hòa để quay ngoại cảnh. Trong đó, phim đã thành công khi tạo ra một số cảnh quay khá “ngấm” về xúc cảm. Cảnh Hiếu và Sơn đuổi nhau trên con đường làng rực ánh hoàng hôn là một ví dụ. Việc khai thác không gian rộng mở của một cảnh toàn với ánh sáng của chiều tà gợi lên xúc cảm phóng khoáng, tươi tắn mà ấm áp cho câu chuyện tình bạn. Cũng một cảnh toàn khác về con đường làng, chiếc xe đạp và hai con người, nhưng cảnh hồi tưởng về chuyến đi trong đêm của mẹ con Hiếu lại mang một sắc thái đối lập hoàn toàn: lẻ loi và cô độc, nhờ vào sự thay đổi trong điều khiển ánh sáng và âm thanh.

Nhưng, đi qua những điểm đẹp này, Tháng 5 để dành dần bộc lộ các điểm yếu của mình. Sau sự xuất hiện của Ngọc, người xem chính thức được đưa vào hành trình tình yêu của Hiếu, phim “hiện nguyên hình” là một sản phẩm yếu kém với cốt truyện thiếu sức hút, hình ảnh điệu đà, nhân vật đơn điệu và cách thể hiện nghèo nàn. Người xem không tránh khỏi ngán ngẩm khi phải xem đi xem lại những cảnh Hiếu ngẩn ngơ ngắm nhìn nữ chính được các nhà làm phim cho lặp đi lặp lại tới ba lần như một cách thể hiện mối tình si, hay câu thoại “đâm chọc kiểu teen” được chuyển từ miệng hết nhân vật này sang nhân vật khác. Cả Xuân Hùng và Minh Trang đều có ngoại hình sáng và diễn xuất tròn vai, tuy nhiên thiếu một chiều sâu để có thể thực sự chạm tới người xem. Nhìn chung, những cảnh đẹp của Tháng 5 để dành mặc dù mãn nhãn nhưng chỉ dừng lại ở cái đẹp trên bề mặt. Có thể đặt bộ phim này lên bàn cân với một sản phẩm khác khá tương đồng về đề tài và phong cách của điện ảnh độc lập Việt Nam gần đây là Nhắm mắt thấy mùa hè (đạo diễn Cao Thúy Nhi, 2018) để thấy rõ hơn điểm yếu này. Đều hướng đến “nịnh mắt” khán giả với những thước phim đẹp như cắt ra từ tạp chí du lịch, một hướng đi an toàn và phù hợp cho những sản phẩm thương mại hướng tới nhóm khán giả trẻ, nhưng tác phẩm của Cao Thuý Nhi cho thấy một sự cố gắng về tạo “chất” điện ảnh trong những khung hình của mình. Đó là cảnh nhân vật nam Akira cõng Nhật Hạ trong đêm hội pháo hoa. Khoảnh khắc Akira dừng lại, máy quay đặt ở góc thấp hất lên ghi lại hình ảnh bông pháo hoa nở rộ trùm xuống bóng hai người kề sát mang nhiều ám chỉ về một sự lãng mạn sắp bung nở. Tháng 5 để dành đã không có khung hình nào giàu chất thơ và ẩn dụ như vậy. Cái đẹp hình ảnh của Tháng 5 để dành là cái chỉn chu và mĩ miều dễ nhìn thấy trong những đoạn phim quảng cáo, những video ca nhạc hay phim truyền hình, còn trong một sản phẩm điện ảnh, nơi hình ảnh là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật giàu hàm ý và xúc cảm, thì những thước phim của Tháng 5 để dành đang phải gánh một nhiệm vụ quá mức.

Cảnh trong phim Tháng 5 để dành. - Ảnh: TL

Bên cạnh chuyện hình ảnh, Nhắm mắt thấy mùa hè cũng cho thấy một sự vượt trội hơn Tháng 5 để dành về kết cấu nội dung dù chuyện phim của cả hai đều bám khá sát bố cục kịch bản ba hồi. Trong khi tác phẩm của Cao Thuý Nhi lựa chọn cân bằng giữa câu chuyện tình yêu và tình cảm gia đình, đẩy hai tuyến chuyện này song hành và hỗ trợ nhau, Tháng 5 để dành chỉ chú trọng đẩy cao câu chuyện tình lãng mạn. Điều này khiến cho Nhắm mắt thấy mùa hè có một câu chuyện “chắc chân” hơn hẳn Tháng 5 để dành - nơi các yếu tố tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình đứng cạnh nhau trong cùng một câu chuyện nhưng rời rạc và thiếu kết nối. Đơn cử, cảnh Hiếu tận mắt chứng kiến mẹ mình quỳ xuống xin lỗi bố mẹ Ngọc, một cảnh khá xúc động và rất có sức nặng cho câu chuyện tình cảm gia đình nhưng không được tận dụng và phát triển để thúc đẩy cảm xúc phim mà lại biến mất, hoàn toàn vô nghĩa do không được gắn kết một cách logic với các tình tiết khác. Ngay cả trong câu chuyện tình yêu, tuyến chính của phim, sự lỏng lẻo cũng thể hiện khá rõ. Tháng 5 để dành được chuyển thể từ tiểu thuyết Ranh giới của tác giả Rain8X (Hoàng Trung Hiếu), đã không thể khắc phục những yếu kém của một cuốn tiểu thuyết mạng vốn không nhiều giá trị văn chương, trong khi lại đánh mất đi giá trị cốt lõi, đáng giá nhất của truyện. Ranh giới, nếu nói công bằng, là một tiểu thuyết khá thú vị. Lời văn ngô nghê, tình tiết rời rạc, nhân vật nhạt nhoà, nhưng cuốn truyện lại chạm đến được một vấn đề gai góc mà xã hội đến giờ vẫn có xu hướng né tránh: sự tò mò và trưởng thành về giới tính và tình dục của giới trẻ, hay “những đấu tranh nội tâm gay gắt giữa tình yêu và bản năng khi đứng trước ngưỡng cửa của mối tình đầu”, như chính lời giới thiệu của truyện. Một vấn đề sát sườn nhưng nhạy cảm của xã hội, một thanh xuân nhiều mảng tối, những chủ đề đó, như ta thấy, không lạc lõng trong Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp (nữ đạo diễn này có nhiều quan tâm tới những chủ đề nhạy cảm của tuổi trẻ). Tháng 5 để dành là một sự đối lập hoàn toàn với Đập cánh giữa không trung (2014) về hướng đi và phong cách nghệ thuật. Sẽ không thể tìm thấy trong bộ phim của Lê Hà Nguyên những không gian bức bí, thứ bóng tối quẩn quanh, những chuyển động chênh vênh hay những đường nét cô độc, bế tắc và tuyệt vọng của những con người trẻ. Thay vào đó, bộ phim có lớp vỏ ngoài tươi sáng, trong mát gần gũi với những cuốn tiểu thuyết thơ mộng của Nguyễn Nhật Ánh hơn là một vấn đề có phần “nặng” và “tối” như tình dục học đường. Các nhà làm phim Tháng 5 để dành đã lựa chọn dìm xuống yếu tố “tính” và đẩy cao yếu tố “tình” trong câu chuyện của Hiếu và Ngọc, một lựa chọn cho thấy rõ sự khác biệt về định hướng của của dự án này so với Đập cánh giữa không trung. Tháng 5 để dành hướng tới tiêu chí của một bộ phim thương mại phát hành trong nước, vì thế cần dễ xem và thân thiện chứ không phải góc cạnh sắc nhọn và khốc liệt để “đem chuông đi đánh xứ người” tại các liên hoan phim quốc tế. Khi đã lựa chọn mặt trận trong nước, tức là chấp nhận việc phải thoả hiệp với gu thưởng thức đại chúng cũng như vấn đề kiểm duyệt gắt gao, nhiều tình tiết bạo về tính dục trong truyện như cảnh các nam sinh nhìn trộm vào nhà vệ sinh nữ, Hiếu tò mò trong phòng vệ sinh của Ngọc đã không thể xuất hiện trong bản chiếu rạp cuối cùng. Cái tên sắc nhọn và dè chừng như Ranh giới đã hoá thành Tháng 5 để dành, một tiêu đề bay bổng và rất thơ. Một lựa chọn được tính toán phù hợp cho hướng đi của phim, nhưng lỗi lớn nhất của những người làm phim Tháng 5 để dành là sau khi gạt bỏ tinh thần vốn có của truyện đã không thể mang đến được cho phim một thông điệp mới, rõ ràng và mạch lạc. Thiếu đi một cốt lõi như vậy, bộ phim khiến người xem chới với khi họ không biết mình đang ở trong một hành trình gì, đang tìm kiếm điều gì. Mục tiêu mà Hiếu hướng tới, tình cảm của Ngọc, đã đạt được sau khoảng 30 phút phim. Các xung đột sau đó hoặc bị xử lí vội vàng hoặc thiếu mạch xuyên suốt để đẩy kịch tính lên cao trào. Đưa ra một tagline gợi mở “Tuổi học trò đâu chỉ có học hành” nhưng điều mà 90 phút của Tháng 5 để dành mang đến không phải một câu trả lời mà là một nồi thập cẩm hỗn độn các nguyên liệu tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu và thậm chí cả tình dục.

Điều đáng tiếc nhất ở Tháng 5 để dành là bộ phim yếu kém này hoàn toàn không phải một dự án thiếu tâm huyết. Đây là “đứa con tinh thần” được ê-kip làm phim thực hiện suốt ba năm trời và sau khi ra rạp đã phải tranh đấu với những suất chiếu ít ỏi để truyền tải tinh thần của dự án đến với khán giả thông qua các chuyến cinetour rong ruổi từ Nam ra Bắc. Bản thân việc lựa chọn một tiểu thuyết khó nhằn như Ranh giới để chuyển thể, giữa một rừng sách truyện và kịch bản ngoại an toàn hơn, trước sự phản đối của chính tác giả tiểu thuyết, cũng cho thấy một sự “gan lì” của đội ngũ trẻ đứng sau bộ phim. Nhưng, với nhiều vụng về trong xây dựng và triển khai ý tưởng, sự gan lì ấy thay vì đơm quả ngọt lại khiến Tháng 5 để dành trở thành một sản phẩm nhạt nhoà. Cách tốt nhất để đánh giá bộ phim này có lẽ là đặt nó trong làn sóng phim độc lập Việt Nam đang chập chững tìm kiếm tiếng nói của mình, tuy nhiều khát vọng bứt phá và nhiều nỗ lực gây dấu ấn, nhưng vẫn thực sự chưa đến đích

 

T.M.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)