.NGUYỄN THANH TÚ
1 Người dị dạng – Biểu tượng cho sự cần thay đổi.
Trong bài Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân ngày 13-10-1923, Nguyễn Ái Quốc đã từng miêu tả đau đớn về thân phận người nông dân An Nam:
“Nông dân Nga giống như một người ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành, còn nông dân An Nam lại giống như một người bị trói vào một chiếc cột, đầu ngược xuống đất. Nói thế không phải là nói phóng đại đâu, sau đây các đồng chí sẽ thấy rõ.
Khi các đồng chí đi qua Hồng trường, các đồng chí thấy có khắc một dòng chữ "Nhà thờ là thuốc phiện của thế giới"; nhưng chúng tôi, nhờ nền văn minh phương Tây mà chúng tôi có cả nhà thờ lẫn thuốc phiện”[1]. Chỉ có thể nhờ ngụ ngôn như vậy mà thân phận người bản xứ An Nam mới hiện lên thật rõ ràng: vừa bị áp bức về vật chất vừa bị cầm tù về tinh thần.
Đối sánh về quan niệm đạo đức xưa nay, Hồ Chí Minh cũng dùng ngụ ngôn: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân”[2]. Thật dễ hiểu, cũng là cần kiệm liêm chính nhưng nhờ diễn đạt bằng ngụ ngôn nên ta thấy ngay tính chất ngược nhau của đạo đức, ngày xưa đạo đức bọn phong kiến là ích kỷ, có lợi cho bọn thống trị, đạo đức ngày nay là vì nhân dân
Phải tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng công nghiệp và nông nghiệp: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội phải đi bằng hai chân: công nghiệp và nông nghiệp. Công nghiệp của ta đã có tiến bộ, nếu nông nghiệp không tiến bộ hoặc cứ cầm chừng thì như què, vì vậy phải cố gắng mà đưa nông nghiệp tiến lên”[3].
Bác mượn truyện Tây du ký để giáo dục cán bộ (ở lớp Chỉnh Đảng Trung ương khoá 1 năm 1952 tại Việt Bắc): “Từ khi loài người có đầu óc tư hữu thì sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Đường Tăng là một vị chân tu, bản chất tốt, có lòng nhân hậu, có tính khoan dung. Ông ta muốn chống áp bức, nhưng không có đường lối cách mạng dẫn đường. Tin vào sức mạnh cảm hoá của đạo Phật, nên ông tình nguyện đi lấy Kinh Phật để truyền bá. Sau 14 năm trời, tức là qua 5048 ngày đêm, thầy trò Đường Tăng vượt 18 vạn 8 ngàn dặm đường, chịu đựng 81 tai ương để lấy được 55 bộ kinh gồm 5048 quyển. Đó là pho truyện dài, đấu tranh giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Còn có thể tìm thấy ở Tây du ký nhiều vấn đề bổ ích nữa. Đường Tăng là một người có lập trường kiên định, có bản lĩnh, tạo được cái “bất biến” để đối phó với cái “vạn biến”.
Còn Tôn Ngộ Không vì không tu hành đạo được nên vẫn còn cái đuôi. Khi Tôn Ngộ Không biến thành cái đình thì cái đuôi ở sau phải hoá phép làm cái cột cờ. Bọn ma vương thấy lạ, tại sao cột cờ ở phía sau đình, phát hiện ra cái đuôi của Tề Thiên Đại thánh nên không bị mắc lừa, không vào đình nữa, nên mưu của họ Tôn bị thất bại.
Bác nói tiếp: “Người cách mạng chúng ta nếu không tu dưỡng thì cũng có phen có cái đuôi ấy, dù nhỏ sẽ có ngày gây hậu quả khôn lường”[4].
Cùng với quan niệm “Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu” mà Bác yêu cầu chế độ báo cáo thật nghiêm túc, rõ ràng, bởi nếu không sẽ mắc bệnh "bán thân bất toại" bởi “mạch máu” không lưu thông: “Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, để tránh bệnh "bán thân bất toại" trong công việc, để tránh thất bại và để lượm được nhiều thành công”[5]. Ở ngày hôm nay chúng ta thấy bệnh quan liêu ở nhiều nơi còn mắc chứng “bán thân bất toại” nặng nề.
Người dạy cán bộ phê bình phải toàn diện, không chỉ nói khuyết điểm mà phải nói cả ưu điểm: “Phê bình cũng ví như người đi bằng hai chân, nếu chỉ phê bình trên thôi thì đi một chân, không thể đi được. Không nên chỉ nêu khuyết điểm sẽ sinh ra bi quan, mà cần phải nêu thành tích nữa”[6]. Nói một cách hình tượng như thế thì ai cũng hiểu.
Người dạy cán bộ phải ra sức học tập lý luận: “Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”[7]. Trong sách Sửa đổi lối làm việc (viết xong tháng 10-1947), Người cũng dùng một biểu tượng tương tự: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[8]. Như vậy Người quan niệm thực hành và lý luận như hai con mắt của người cán bộ mà bổn phận của họ là phải luôn giữ cho cả hai con mắt ấy sáng.
Một ví dụ thú vị về sự so sánh giữa lính Mỹ và “Việt Cộng” mà Bác Hồ mượn lời báo chí nước ngoài nhận xét về thế đối lập giữa quân ta và lính Mỹ: "Lính Mỹ như một lực sĩ hạng nặng, nhưng mù mắt, lại bị đẩy vào một chiến trường đầy cạm bẫy, chông gai. Việt cộng là một võ sĩ hạng nhẹ, tinh khôn, già dặn, lại có con mắt ở cả sau đầu”[9]. Một bên là sự thảm hại vì bị ”mù mắt” một bên ngược lại, không những ”tinh khôn, già dặn” lại còn có thêm ”mắt”.
2.Người còn khuyết điểm/nhơ bẩn/bệnh tật – Biểu tượng cho sự cần hoàn thiện
Với bút danh C.B, trên báo Nhân dân số 188 ngày 25, 27-5-1954 Bác Hồ viết bài báo Tuyên truyền để giáo dục bản lĩnh cán bộ, nhân dân trước mọi dư luận và nhất là cảnh giác trước mưu đồ “tuyên truyền” của kẻ thù. Tác giả mở đầu bằng một câu chuyện ngụ ngôn Trung Quốc:
“Anh Tăng, học trò cụ Khổng, là một người rất đạo đức, được mọi người kính yêu. Một hôm, Tăng đi đốn củi, quá trưa mà chưa về. Một người bà con đến nói với mẹ Tăng: "Nghe nói Tăng vừa phạm tội giết người...".
Mẹ Tăng yên lặng nói: "Chắc là họ đồn nhảm. Con tôi hiền lành lắm, chắc nó không bao giờ giết người".
Lát sau, một người khác lại nói: "Nghe nói Tăng bị bắt rồi...".
Bà cụ Tăng bắt đầu lo sợ, nhưng vẫn bình tĩnh.
Vài phút sau, một người khác lại nói: "Nghe nói Tăng bị giải lên huyện rồi...".
Bà cụ Tăng vất cả công việc và chạy cuống cuồng.
Không ai hiền lành bằng anh Tăng. Không ai tin tưởng anh Tăng bằng mẹ anh. Thế mà vì người đồn qua, kẻ đồn lại, dù không đúng sự thật, mẹ Tăng cũng đâm ra lo ngại, hoang mang”[10].
Tác giả bình luận một câu làm nổi bật chủ đề của ngụ ngôn: “Ảnh hưởng tuyên truyền là như thế”. Nhưng cái đích của câu chuyện là nhắc nhở cán bộ ở bất cứ hoàn cảnh nào (dù bị địch tuyên truyền xuyên tạc) cũng phải vững vàng ý chí, nêu cao bản lĩnh cách mạng để không ngả nghiêng trước bất cứ bão gió thâm độc của kẻ giặc.
Trong quan niệm toàn diện về người cán bộ đảng viên, Hồ Chí Minh cho rằng phải có 4 yếu tố đầy đủ thống nhất với nhau. Người diễn đạt ý ấy qua một đoạn văn có điểm tựa là các quy luật tự nhiên, từ quy luật tự nhiên để nói tới quy luật của con người:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”[11].
Như vậy trong quan niệm về cấu trúc ngôi nhà nhân cách của một con người có bốn cây cột chính là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một cột ngôi nhà sẽ đổ, thiếu một “đức” thì chưa là người. Người bình thường là như thế, với người cán bộ đảng viên càng phải như vậy. Ta thấy Bác nhiều lần nhấn mạnh: “Cụ Khổng Tử nói: "Người mà không Liêm, không bằng súc vật". Cụ Mạnh Tử nói: "Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy"[12]. “Cụ Tăng Tử là một vị đại hiền, là một tín đồ giỏi nhất của cụ Khổng Tử. Cụ Tăng đã làm kiểu mẫu cho chúng ta. Cụ nói: Mỗi ngày tôi tự kiểm điểm mấy lần: đối với người có thẳng thắn không? đối với việc có chuyên cần không? Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ”[13].
Một câu chuyện ngụ ngôn cổ Trung Quốc có tên “Bạt miêu trợ trưởng”, nghĩa là nhấc mạ lên giúp lúa mau lớn, chỉ sự nóng vội làm hỏng việc: có anh chàng nông dân nước Tống vì muốn cho lúa của mình mau tốt bèn kéo cây lúa cao lên, kết quả là lúa chết. Trong những lời biện luận của mình Mạnh Tử đã từng sử dụng để chế giễu những người đi ngược lại quy luật biện chứng. Hồ Chí Minh dùng ngụ ngôn ấy vào mục đích giáo dục tính kiên nhẫn, chịu khó, tránh chủ quan, nóng nảy:
“Nóng nảy là việc gì cũng chủ quan, không điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, vội vàng, muốn làm cho mau, làm ẩu. Thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần chịu khó.
Như người nông dân nọ: muốn lúa mau cao mau tốt bèn nắm lúa nhổ lên!
Làm việc mà nóng nảy, thì nhất định thất bại”[14].
Có những dẫn chứng cho thấy Bác là người ở giữa đời thường, của đời thường nên hiểu cuộc sống đến từng chi tiết, vì thế khi lấy ví dụ rất đúng với thực tế, sinh động, cụ thể, thuyết phục: “Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia, cũng không thể giấu… Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi "Đảng này là Đảng tốt, đảng viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như thế nhỉ?"[15]. Trên thực tế (và cả trong quan niệm) dâu, rể là những người không phải máu mủ, vả lại không có quá trình gắn bó nên trong công việc gia đình thường lúng túng. Bình thường đã vậy, đây lại là “rể khờ, dâu dại” thì càng “vu vơ”. Cán bộ, đảng viên là “dâu” quần chúng mà lại là “dâu dại” thì “bà con” hẳn sẽ “ngơ ngác” nhiều!
Bác Hồ rất vĩ đại nhưng cũng rất bình thường, đời thường. Bác lấy những việc bình thường để nói những điều to tát, vĩ đại, phúc tạp rất dễ hiểu, thuyết phục: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn”[16]. “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”[17]. Bác Hồ lấy ngay trường hợp cá nhân mình để “minh hoạ” cho việc có khuyết điểm mà không được ai phê bình nên không thể tiến bộ:
“Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ "nể Cụ" không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người. Trong số các đồng chí có hơn 50 người nếu mỗi người có một khuyết điểm, thì đã có một số khuyết điểm lớn”[18].
Mỗi người đều phải phê bình vì “Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung”[19].
"Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc". Nói thật tức là phê bình.
Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Thí dụ: tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực: vết nhọ to hay nhỏ? Nó ở phía nào? v.v.. Và khi nói, nên có thái độ đúng mực. "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau". Về phần tôi, khi đã biết có vết nhọ thì phải lo rửa sạch”[20].
Còn nếu có khuyết điểm mà không phê bình thì “khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh, thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng”[21]. Như vậy là có một chân lý hiển nhiên: có khuyết điểm mà không phê bình và tự phê bình thì như có bệnh mà không chữa.
Dĩ nhiên là Bác Hồ chỉ ra các cách phê bình, trước nhất “là phải thật thà, thành khẩn tự phê bình, xem lại mình có khuyết điểm gì, anh chị em mình có khuyết điểm gì. Có người sợ nói ra mất thể diện, thế là dại, cũng như người có bệnh mà giấu bệnh không nói rõ cho thầy thuốc biết. Giấu bệnh thì bệnh ngày càng nặng. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng nhiều…”[22]. Như vậy là muốn tiến bộ thì phải tự mình “phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính”. Bác lấy ngay một ngụ ngôn là hành động quen thuộc thường ngày của mỗi người: “Các chú ai cũng có cái khăn mặt. Có chú phong lưu hơn lại có thêm miếng xà phòng. Khăn mặt và xà phòng dùng để tắm rửa cho sạch. Về tinh thần và tư tưởng, cũng cần phải có khăn mặt và xà phòng để rửa cho sạch, nghĩa là phải phê bình và tự phê bình”[23]. Theo Bác muốn phê bình có hiệu quả thì phải xác định động cơ phê bình tốt: “Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, ... Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên "trước mặt không nói, xoi mói sau lưng"[24].
Phê bình là “nói thật hết, nói như rìu chém đá, rạ (dao rựa) chém đất. Có khuyết điểm là nói kỳ hết”[25], không được"đánh trống bỏ dùi", không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy?”[26] và “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. "Trên đe dưới búa" của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh…”[27].
Cách tiếp là phát huy tính dân chủ để mỗi người tự nói ra cái dở cái khuyết điểm của họ, ví như “Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức, bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt”[28]. Và còn cách “chỉnh huấn”: “Chỉnh huấn cũng như tắm rửa. Tắm rửa phải tắm rửa cho sạch. Trong chỉnh huấn thì phải thật thà kiểm thảo hết những sai lầm, để sửa chữa, để tiến bộ”[29].
Có những biểu tượng mà Bác dùng tự thân nó đã nói lên tất cả, dễ hiểu mà đầy ý nghĩa. Người dặn đồng chí Nguyễn Thị Định không chỉ cho riêng ai mà cho tất cả mọi người cách mạng: “Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té, có phải thế không?”[30].
N.T.T
_______________
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 209.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 321.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 61.
[4] Nhiều tác giả (1999). Bác Hồ - con người và phong cách, Nxb Thanh niên, tập 4, tr 5.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 77.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 387.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 276.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 234.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 53.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 283.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 631.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 641.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 644.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 170.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 262.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 209.
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 211.
[18]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 224.
[19] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 414.
[20] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 241.
[21] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 209.
[22] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 465.
[23] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 206.
[24] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 242.
[25] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 31.
[26] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 271.
[27] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 81.
[28] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 244.
[29] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 87
[30] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 3, tr 217.
VNQD