. Cao Hải Thanh
1. Phụ nữ - Biểu tượng cho mạch nguồn sinh sôi, công lao vĩ đại
Ngày 8 tháng 3 năm 1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ, Người viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ ” (1). Bức thư ấy, được đăng tải toàn văn trên báo Nhân Dân, số 49, ngày 13-3-1952. Coi cả non sông này là “gấm vóc” do những người phụ nữ “dệt thêu” là vừa ca ngợi non nước quý giá, đẹp đẽ (đẹp như gấm – thành ngữ) vừa ca ngợi những người sáng tạo nên non nước ấy. Các tính từ làm bổ ngữ được dùng đúng chức năng (đắc địa) vừa làm cho câu văn đẹp, bóng bẩy vừa nói đúng được vai trò, thiên chức lớn lao của phụ nữ: sáng tạo ra cả thế giới.
Ghi nhớ công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày 19/10/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam – Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của cả nước ta”. Câu này tương tự với triết lý đã nổi tiếng thế giới: không có các bà mẹ thì không có anh hùng và các thi sĩ. Nhưng Bác cụ thể hơn vai trò lớn lao của các bà mẹ: sinh đẻ và nuôi dạy. Vì thế mà bật ra cái ý chính của câu: biết ơn các bà mẹ.
Nhìn dưới góc độ cấu trúc, rất nhiều trường hợp như vậy, câu văn Bác Hồ thường có hai vế cân đối, tương xứng, nhịp nhàng, như cái đòn gánh dẻo dai mà cứng cáp vít hai ý tưởng cùng trĩu nặng.
2. Phụ nữ - Biểu tượng cho tinh thần anh hùng, lòng dũng cảm
Bác Hồ nhiều lần ca ngợi sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến…Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ” (2)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống quý báu ấy tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966): “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” (3).
Trong Lịch sử nước ta Bác đã khẳng định và ngợi ca người phụ nữ Việt Nam đã là biểu tượng (làm gương) cho tinh thần anh dũng trong sự nghiệp cứu nước mà Bà Triệu là tiêu biểu:
“Tài năng dũng cảm hơn người
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương
Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời” (4).
Thời kỳ hoạt động ở Liên Xô, trên báo Rabótnhítxa (tiếng Nga) Người cho đăng bài Phụ nữ Phương Đông, với tầm nhìn xa rộng khắp thế giới và sự hiểu biết về chiều sâu lịch sử, Người ca ngợi: “Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Phụ nữ Ấn Độ vùng lên chống sự đô hộ của Anh. Phụ nữ Trung Quốc tham gia cuộc cách mạng năm 1912. Phụ nữ Triều Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc. Phụ nữ Nhật Bản đã buộc Chính phủ phải huỷ bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị và v.v.
Trong đời sống kinh tế những “bông hồng” của phương Đông bắt đầu tỏ cho chủ nghĩa tư bản thấy ở họ có những chiếc gai nhọn. Những cuộc bãi công của nữ công nhân ở các nhà máy và xưởng dệt lụa không còn là hiện tượng hiếm nữa” (5).
Ở mảnh đoạn sau Người dùng ẩn dụ (cũng là biểu tượng) “bông hồng” chỉ phụ nữ (phái đẹp) và “gai nhọn” chỉ sự đấu tranh vừa nói lên đặc trưng phụ nữ phương Đông (theo quan niệm người Nga tôn trọng phụ nữ) vừa nói được đặc thù lịch sử về phụ nữ phương Đông tuy có ý chí đấu tranh nhưng tham gia vào công cuộc giải phóng muộn hơn phương Tây.
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh nổi tiếng, phần Phụ nữ quốc tế Người đã chỉ ra rằng cách mệnh Pháp dạy cho chúng ta, đàn bà và trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia. Cách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Pari Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính cách mệnh đàn bà chết hết 1854 người. Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà, con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước” (6). Lời khẳng định của Người vừa mang tính chân lý lịch sử vừa là một nguyên lý cách mạng: “…muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước” (7).
3. Phụ nữ - Biểu tượng cho tình cảm yêu thương, kính trọng
Là vị Chủ tịch Nước nhưng với tấm lòng thương dân, kính trọng dân, nhất là với các bà các mẹ và sự giản dị, chân thành vô hạn, vào ngày Quốc tế phụ nữ, Người gửi thư: “Nhân dịp 8-3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc...Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ” (8). Người ghi nhận công lao vĩ đại và tình cảm yêu nước vô bờ của các mẹ, các chị:
“Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh vác một phần quan trọng.
Nhiều cụ bà ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu.
Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình” (9). Người làm ca dao vừa là sự động viên lao động vừa là sự khắc ghi tình cảm gia đình của chị em:
“Thi đua tát nước vào đồng,
Tát bao nhiêu nước, em thương chồng bấy nhiêu" (10).
Theo tác giả Trần Lam, năm 1928 Bác từ châu Âu về tới nước Xiêm. Một tối Bác nghe thấy tiếng một người mẹ ru con bằng Kiều: “Sáng hôm sau, lúc đi đường, với một giọng âu yếm Bác bảo tôi:
Xa nhà chốc mấy mươi niên
Tối qua nghe giọng mẹ hiền ru con!
Mỗi khi đi đường xa, Bác thường bảo chúng tôi ngâm Kiều, đọc Chinh phụ ngâm, hoặc kể chuyện, để cho đỡ mỏi” (11). Tiếng ru ấy không chỉ còn là âm thanh mà trở thành biểu tượng cho tình mẹ thương con, “núi cao như tình mẹ”.
Thấm thía sâu sắc nhất về tình mẹ của người con sớm mất mẹ (Bác mất mẹ lúc 9 tuổi), thấu hiểu tình trạng nô lệ đến hai lần của người phụ nữ xứ thuộc địa, Bác dành tình thương yêu đặc biệt cho phụ nữ. Một tình yêu thương rất mực chân thành, chu đáo. Ai cũng xúc động trước tình cảm này của Người. Năm Bác Tôn gái 78 tuổi thì bị ốm nặng. Tự tay Bác Hồ cầm đến một niêu cá trê kho tiêu: “- Chị! Chị ăn đi, ngon lắm. Chính tay tôi kho cho chị đấy!”. Bác Tôn gái thích ăn cá trê. Đau ốm chỉ ăn cá trê” (12). Đồng chí Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kể: “Năm 1968 tôi vô cùng cảm động nhận được món quà quý của Bác: chiếc lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Bác gửi lược cho cả hai cháu Châu và Quyên nữa. Chiếc lược đơn sơ mà sáng đẹp làm sao” (13) . Biết Nghệ sỹ Ái Liên ở nhà có bà cụ giúp việc trông nom cháu nhỏ, có lần Bác hỏi: “-Cô đi diễn thế, có khi nào mời bà cụ giúp việc đi xem không?”. Ái Liên lúng túng không biết nói sao. Bác lại hỏi: “- Bà cụ có biết là trông cháu để cô đi diễn không?” . “- Dạ, có ạ!”. “- Cho bà cụ biết là cô làm việc gì, làm như thế nào thì bà cụ càng phấn khởi, trông nom cháu tốt hơn chứ...” (14). Đúng là lòng yêu thương chỉ có ở Hồ Chí Minh!
Chúng ta nhớ lại câu chuyện khi Bác đến thăm một đơn vị bộ đội, thấy đầu giường một chiến sĩ có dán hình một thiếu nữ, Bác liền hỏi chiến sĩ đó: “- Chú có vợ chưa?”. “- Dạ có rồi ạ!...”. “- Thím ấy đây phải không? Bác hỏi và chỉ vào chiếc hình. “-Thưa Bác không ạ! Cháu cắt ở họa báo ra đấy ạ!”. “- Sao chú không treo hình thím ấy?”. “- Dạ.. dạ…- Đồng chí ta đỏ mặt ấp úng. Bác cười và hỏi thêm: “- Nếu chú về phép thấy thím ấy treo hình người khác ở đầu giường thì chú nghĩ thế nào?” “- Dạ… thưa Bác… cháu… cháu xin treo hình nhà cháu ạ!” (15). Với những chi tiết này chúng ta lại thấy hoàn toàn lôgich khi thấy Bác làm thơ để cảm ơn chị em, ví như bài Cảm ơn người tặng cam, cảm ơn nhà thơ Hằng Phương, hay cảm ơn chị em: “Cám ơn các cháu các cô/ Mứt khoai, dưa món, Bác Hồ khen ngon” (16). Câu thơ giản dị nhưng nặng tình và đậm chất nghệ sỹ.
Tháng 9-1953, gặp và hỏi chuyện bà Tôn Nữ Lệ Minh, vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, Người gửi ba quả táo cho bà: “- Bác gửi cô cầm về cho các cháu mừng”(17)… Nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh kể về một kỷ niệm thật hạnh phúc năm 1966, một lần được ăn cơm với Bác. “Thường vào sau các bữa ăn bao giờ Bác cũng cho ăn quả. Hôm ấy, sau khi ăn cơm xong Bác cho tôi thêm một quả táo. Bác nói: “Cháu ăn đi, Bác cho quả này để cháu mang về cho “cái nhà biết đi” của cháu nhé”. Tôi ngượng nhưng trong lòng thì âm ỉ một niềm vui sướng” (18).
Ca sỹ Khánh Vân nhớ mãi về câu chuyện Bác Hồ mời cơm, trong bữa ăn Bác dặn: “Bác làm Chủ tịch Nước, nhưng Bác không dệt được tấm khăn này. Các bà mẹ Thái, chị em phụ nữ Thái biếu Bác một số khăn, Bác chia cho các cháu. Vậy các cháu hãy biết ơn, nhớ ơn các bà mẹ, các chị dệt ra những tấm khăn cho chúng ta dùng!” (19).
Một trong những mục đích nhân văn tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa là “phải kính trọng phụ nữ”, là tạo ra “bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”, thế nhưng trong xã hội ta vẫn còn những người mang hành vi phản tiến bộ, điều này được Bác Hồ phê bình nghiêm khắc mà thấm thía:
“Một điều nữa Bác cần nói là: phải kính trọng phụ nữ....Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa” (20). Người nhấn mạnh: “Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả” (21).
4. Phụ nữ - Biểu tượng cho cái đẹp
Bác thương và Bác mong chị em phụ nữ càng phải đẹp, là biểu tượng của cái đẹp. Đồng chí Lê Trọng Tấn nhớ lại năm ấy Bộ Chính trị tổ chức bữa cơm thân mật tiễn một số cán bộ cao cấp vào Nam. Bác đến, quan sát rất nhanh và hỏi ngay: “- Tại sao hôm nay chỉ có một cô thôi?”. Anh Nguyễn Chí Thanh đáp: “- Thưa Bác, nhà tôi bận ạ!”. Đáng lẽ bữa cơm thân mật hôm nay, theo chỉ thị của Bác, phải có cả chị Cúc vợ anh Nguyễn Chí Thanh và nhà tôi. Bác thấy nhà tôi mặc cái áo sơ mi bằng vải thường đã cũ liền nói: “- Phụ nữ phải mặc đẹp chứ!” (22). Như vậy Bác luôn mong người phụ nữ được hưởng thụ cái đẹp. Cuối tháng 8-1969, Bác ốm. Lúc mệt, thấy mấy cô y tá, thoáng nhìn thấy những bông hoa hồng cắm trong lọ, Bác nói với đồng chí phục vụ: “- Hoa trong vườn phải không? Nếu còn, chú hái vào tặng các cháu gái!”. Khi đồng chí đó mang hoa vào, Bác nói: “- Bác mệt, chú thay mặt Bác tặng mỗi cháu một bông” (23).
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
CHT
---------------------
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 432.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 431.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 148.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 3, tr 221.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 267.
6. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 2, tr.288.
7. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 2, tr 288.
8. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 431.
9.Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 431.
10. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 99.
11. Chuyện giả mà có thật, báo Nhân dân, số 2242, ngày 9-5-1960 in trong Bác Hồ- Nxb Văn học, 1960, tr 110.
12. GS Trần Văn Giàu - Hồ Chí Minh vĩ đại một con người. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 463.
13. Trần Đình Việt, Trần Đương...(Sưu tầm, biên soạn) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, 1985. tr 25.
14. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.(tr 105).
15. Ngọc Châu - Bài học Bác dạy. Nxb Công an nhân dân, 2005.tr 192.
16. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 132.
17. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 375.
18. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 296.
19. Sơn Tùng - Bác ở nơi đây - Nxb Thanh Niên, 2008. tr 153.
20. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 195.
21. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 195.
22. Nhiều tác giả - Bác của chúng ta. Nxb Quân đội Nhân dân, 1985. tr 38.
23. Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2010, tr 89.
VNQD