Khi cổ vật kể chuyện

Thứ Tư, 27/11/2019 14:16

Gần hai trăm trang sách, có thể xếp Gốm của Nguyễn Hữu Nam (Nxb Văn học & DTBooks, 2018) vào thể loại tiểu thuyết ngắn. Ngắn, tinh mà lạ, hay, tác phẩm này giàu sức gợi và nên thơ như chính nhan đề của tác phẩm. Gốm gây ấn tượng trước hết với cấu trúc văn bản gồm mười hai phần, mười hai mảnh ghép của câu chuyện văn hóa, lịch sử liên quan đến mười hai gam/tông màu, mười hai tuyệt tác gốm sứ. Gốm còn đặc biệt bởi tác phẩm là bản hòa âm của mười hai cái tôi đồ vật kể chuyện trong vai trò chứng nhân của những thăng trầm lịch sử, văn hóa. Lấy bối cảnh chính là triều đại của vị vua thứ chín triều Nguyễn: Đồng Khánh, lấy đề tài chính là quá trình chế tác gốm sứ ở hai lò gốm Phước Tích và Long Trường (một thuộc làng gốm dân gian nổi tiếng của Thừa Thiên Huế, một là xưởng gốm của cung đình), Gốm đã dựng lại một giai đoạn đáng chú ý của dân tộc qua những đối thoại, giằng co, mất mát từ văn hóa đến chủ quyền trong cuộc chiến giữa Đông và Tây, giữa nước Pháp “mẫu quốc” và xứ sở An Nam thuộc địa. Tác phẩm cũng là sự hòa trộn của các diễn ngôn văn hóa, nghệ thuật, chính trị… trên cái nền của những câu chuyện về yêu thương, thù hận, về tình phụ tử, nghĩa vua tôi, về hòa bình, chiến tranh, về khát vọng tự do cho quê hương, cho nghệ thuật.

1. Gốm - chứng nhân của lịch sử

Câu chuyện lịch sử trong Gốm được mở đầu bằng lời kể của Màu lam ngọc - bộ bình pha cà phê, kiệt tác mà triều đình Pháp gởi tặng hoàng đế An Nam (Đồng Khánh) nhân kỉ niệm hai năm ngày đăng cơ; và kết thúc bằng lời tự thuật của Màu da lươn - bộ trà cụ, một lưu vật theo chân cựu hoàng Hàm Nghi, lúc này đã mang thân phận lưu dân, trong những buổi trà đàm cách xa cố quốc. Giữa hai lời kể, hai thân phận đế vương ấy là những biến động của lịch sử dân tộc, lịch sử đời người gắn liền với phong trào Cần Vương. Sự khác biệt về thức uống (cà phê và trà), về chất liệu gốm sứ (Pháp hay An Nam) của hai tuyệt tác gốm sứ ở hai xứ sở trở thành những kí hiệu để nhận diện hai vị hoàng đế An Nam, một thân Pháp, cầu Pháp và một bài Pháp, chống Pháp. Xen giữa lời kể của các bộ công cụ pha chế thức uống này là lời kể của Màu son đỏ - om Phước Tích về số phận của những đồ gốm sứ bị tiêu hủy bởi cơn cuồng nộ của các nghệ nhân An Nam trước những sản phẩm bị vẽ sai lệch, gây tổn thương lòng tự tôn dân tộc. Xen giữa những năm tháng trị vì của vua Đồng Khánh còn là câu chuyện về vua Hàm Nghi, qua lời kể của Màu chàm - miếng gốm mệnh lệnh chứa đựng bí mật về lời hiệu triệu Cần Vương - miếng gốm do cựu hoàng trao lại và hé lộ nơi cư trú của ngài.

2. Gốm - biểu tượng của tình yêu

Trong tiểu thuyết này, gốm còn được xem là biểu tượng của tình yêu. Màu nâu đất - tiểu sành và Màu đen - cây trâm cài tóc, một hội tụ vẻ đẹp mộc mạc của gốm sứ Chiêm Thành, một là kết quả tinh xảo của gốm sứ Việt, trở thành vật chứng tình yêu của cô gái người Chăm xinh đẹp Sử Mây và chàng Võ Hạc thợ gốm làng Phước Tích. Qua lời kể của chiếc tiểu sành và chiếc trâm cài tóc, món đồ mà Sử Mây và Võ Hạc tự làm để dành tặng nhau, số phận của tình yêu và của con người thời tao loạn được lồng ghép khéo léo vào số phận của lịch sử, của dân tộc. Võ Hạc vì chống lại sự xâm lăng văn hóa qua những món đồ gốm lai căng, vì tham gia phong trào Cần Vương mà bị giết chết. Sử Mây cũng vì âm mưu sát hại tên khâm sứ Pháp mà bị bắn chết, khiến tất cả các vũ nữ trong tòa khâm đều chịu chung số phận giống nàng. Qua lời kể của gốm sứ, những bất hạnh của cá nhân trở thành một phần tất yếu trong nỗi bất hạnh của dân tộc. Dù vậy, vẻ đẹp của những vật chứng tình yêu ấy cũng như vẻ đẹp của những con người giàu nhiệt huyết bảo vệ đất nước, bảo vệ văn hóa dân tộc… đã khiến các câu chuyện kể của gốm sứ trở thành những huyền thoại về văn hóa, lịch sử.

Gốm và câu chuyện tình yêu trong Gốm gợi nhớ đến mối tình cách biệt Đông - Tây giữa người đàn ông Pháp Herve Joncour và người con gái Nhật Bản có ánh mắt “không chút nào phương Đông” trong tiểu thuyết Lụa của Alessandro Barrico. Herve Joncour đã có vợ, một người phụ nữ luôn yêu anh bằng tất cả sự nhạy cảm và vị tha. Thế nhưng, trong một lần đến xứ sở “nằm ở tận cùng thế giới” nhằm tìm kiếm giống tằm khỏe mạnh phục vụ công việc buôn bán lụa ở quê nhà, anh đã đem lòng yêu một người phụ nữ vốn là tì thiếp của lãnh chúa Hara Kei, dù giữa họ không hề có một sự trao đổi nào ngoài việc “nói” với nhau bằng ánh mắt. Không thề hẹn, không vẩn gợn những đam mê thể xác, song các mối tình trong Gốm hay Lụa dường như đã vượt qua tất cả những rào cản về văn hóa, về không gian, thời gian. Sử Mây quyết định chỉ sống và chết vì Võ Hạc, dù chàng đã bỏ nàng đi trước. Herve Joncour, cuối cùng đã chọn cuộc sống bình thường với người vợ cùng những yêu thương hiện hữu, dù mãi mãi không thể quên mối tình mơ hồ, hư ảo với người con gái bí ẩn đã từng “nhìn anh đăm đăm đến mức sững sờ”. GốmLụa còn đẹp bởi tình yêu lặng thầm, bao dung của những kẻ thứ ba. Lẳng lặng chôn giấu cảm xúc khi biết Sử Mây đã dâng trọn tình yêu cho người bạn thân của mình là Võ Hạc, Hoàng Đông chỉ âm thầm dõi theo, đồng hành, bảo vệ bạn và cả người trong mộng của mình từ xa. Biết rõ mối tình phương xa của Herve Joncour, song Helene vẫn nhẫn nhục thấu hiểu, yêu thương, lặng im bên cạnh chồng, cho dẫu không thể làm phai đi hình bóng người con gái khác.

Tinh tế như gốm, mềm mại như lụa, các mối tình trong hai tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Nam và Barrico đã góp phần làm tăng chất thơ của những câu chuyện về gặp gỡ hay đối kháng văn hóa Đông - Tây. Dẫu là trục chính (ở Lụa) hay chỉ là tuyến phụ (ở Gốm), chuyện tình yêu trong hai tiểu thuyết này đều tôn thêm những vẻ đẹp thăng trầm của văn hóa - lịch sử gắn liền với đặc trưng riêng của từng xứ sở.

3. Gốm - tuyên ngôn về nghệ thuật

Gốm còn là một bản tụng ca về vẻ đẹp của gốm sứ. Có vẻ đẹp đến nao lòng của Màu lam - chiếc tô sứ mang niên hiệu Thiệu Trị hay Màu hoàng thổ- cái chóe gắn với những ngày còn tại vị của Hàm Nghi - những đồ vật cung đình thân thuộc, giản dị mà vô cùng tinh xảo, hoàn mĩ. Có vẻ đẹp sặc sỡ và uyên áo của Màu vàng - cốc uống cà phê, chiếc cốc đồng kỉ vật mà Willehm Westle đem từ Pháp sang Việt Nam, khi được phủ lên một lớp men màu thuần Việt. Vẻ đẹp sắc nét, bạo liệt của chiếc cốc gốm sứ này chính là kết quả của những nhát bút lạnh lùng, cuồng nộ nhưng vẫn chứa đầy tài năng và sự duy mĩ của Hoàng Đông khi rắp tâm giết hại chủ nhân của nó, chưa kịp đồng cảm với người mang chung nỗi đau bởi quê hương đang ngập ngụa trong khói thuốc súng của quân xâm lược (Willehm Westle vốn là một người Phổ tham gia vào quân đội Pháp, khi nước Đức quê hương ông cũng đang bị Pháp chiếm đóng). Cũng là đồ gốm sứ phương Tây được trang trí bởi người nghệ sĩ An Nam, Màu trắng - lọ độc bình, qua lời tự thuật của mình đã ý thức rõ về sự “cò cưa giữa hai bên bờ ranh giới của sự khác biệt” giữa ông chủ lò gốm Long Trường người Pháp Willehm Westle và nghệ nhân gốm sứ Phước Tích Hoàng Đông khi họ “không thôi nghĩ cách làm sao trang trí cho tôi thật toàn bích”. Khác với Jean - Pierre Outers, ông chủ trước luôn vỗ ngực tự cho mình đến từ xứ sở văn minh và thuộc về dân tộc đi khai hóa thuộc địa, bóp nghẹt sự sáng tạo của những nghệ nhân An Nam, Willehm Westler đã cho phép và kích thích Hoàng Đông tự do sáng tạo. Bởi “nghệ thuật đích thực chính là nghệ thuật được thoát thai từ tâm hồn của người nghệ sĩ hoàn toàn được tự do sáng tạo, không vấp phải bất kì một rào cản, chịu sự chi phối bởi bất kì một thế lực nào… Không tôn giáo, quốc gia, dân tộc, cường quyền, cá nhân nào có thể cưỡng đoạt quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ. Nếu có, đồng nghĩa với tội ác”. Đã có một quan niệm xác đáng về lẽ tồn vong của cái đẹp, của nghệ thuật, qua những câu chuyện của cổ vật, của gốm sứ. Cũng đã có những khước từ cực đoan, dứt khoát khi không chấp nhận một cái đẹp lai tạp, mất bản sắc. Với đường nét, hình khối và màu sắc đã tạo nên sự hoàn mĩ tuyệt đối đến mức có thể quyến rũ ngay cả những ai dửng dưng trước vẻ đẹp của phù điêu trang trí, ngoại trừ đám thợ gốm trong xưởng luôn rắp tâm hủy hoại, Đa màu - phù điêu Hổ phù lại kể một câu chuyện lịch sử khác từ những va chạm, đụng độ về văn hóa, về quan niệm nghệ thuật. Bất kể là niềm tự hào của Jean - Pierre Outers, và được gắn ghép công phu từ những mảnh gốm nhiều màu sắc đến độ quyện chặt vào nhau như thể đúc ra từ một khối gốm, bức phù điêu Hổ phù mang vẻ đẹp theo phong cách Tây phương cuối cùng vẫn bị đập nát cùng toàn bộ các đồ gốm sứ khác vốn được tạo tác để trang trí điện Ngưng Hy theo nguyện vọng của Đồng Khánh khi muốn lập nơi thờ phụng cha mình. Trong con mắt của người thợ gốm làng Phước Tích tài hoa Võ Hạc, bức phù điêu kia chỉ là “đứa con lai được sinh ra từ cuộc hôn phối của Bạch quỷ với những thợ gốm vong bản, những kẻ trơ trẽn đến mức gạt bỏ lòng tự tôn dân tộc khi chạm tay vào thớ đất sét và men màu”. Phải chăng, những chối bỏ quyết liệt, cực đoan của Võ Hạc chính là biểu hiện của tinh thần phản ứng dân tộc trước những xâm lăng về văn hóa, về chủ quyền. Tuyên bố của Võ Hạc “tôi phải giết chết lão già đó” (tức Jean - Pierre Outers), “tôi không để cho lão có thêm bất kì cơ hội nào hủy hoại hay xâm lấn hay chà đạp lên lòng tự tôn của chúng ta nữa” chính là biểu hiện cao nhất của sự khước từ, chối bỏ văn hóa ngoại lai. Với Võ Hạc và với những người Việt yêu nước, khó có thể tranh luận, đối thoại, dung hòa, thỏa hiệp với ngoại bang, với kẻ thù, dù chỉ là ở việc chấp nhận một cái đẹp theo kiểu khác. Và đặc biệt nhất trong mười hai cổ vật gốm sứ có lẽ là Tam lam - bức tranh gốm, bức tranh truyền thần đầu tiên của Đồng Khánh (vị vua thích dùng rượu vang trong mỗi buổi ngự thiện và thích họa chân dung của mình như những người Pháp quyền thế) nhưng lại được vẽ với đôi mắt của vị vua yêu nước Hàm Nghi. Trong quá trình chạm khắc, tạo tác bức chân dung, Hoàng Đông đã vô cùng “chật vật và khó nhọc”, “không dễ dàng thỏa hiệp ngay với một con người đã bắt tay với ngoại nhân để đàn áp những người yêu nước chân chính”, “không có bất kì một đặc điểm, một tính cách nào ở con người này khiến chàng tìm thấy sự ngưỡng vọng để tôn vinh và ca ngợi bằng hình ảnh, đường nét và sắc màu”. Phải chăng, nghệ thuật không thể ra đời nếu thiếu những rung động từ tình yêu thương, lòng ngưỡng mộ, sự trân quý. Hoàng Đông chỉ có thể chạm khắc những đường nét tuyệt mĩ, bay bổng và sống động khi dồn tụ hết tâm huyết và sự ngưỡng vọng của mình về cựu vương Hàm Nghi vào đôi mắt của bức chân dung gốm sứ vẽ vua Đồng Khánh, làm cho nó trở nên lung linh nhờ vẻ đẹp của tinh thần. Có chút đánh tráo ở chi tiết của “người mẫu”, có những viện cầu cảm xúc từ ước mơ, hoài vọng thay vì từ những sự thật hiển nhiên. Và trớ trêu thay, bức tranh vẽ chân dung Đồng Khánh chỉ thực sự trở thành tuyệt tác gốm sứ nhờ vẻ đẹp của đôi mắt… Hàm Nghi. Như vậy, trong Gốm, gốm sứ không chỉ kể chuyện lịch sử, văn hóa mà còn đưa ra các tuyên ngôn về nghệ thuật. Các quan niệm nghệ thuật được cài đặt, cấy ghép vào lời nói, suy nghĩ của nhân vật, để các tiếng nói ấy tự vang lên, đối thoại, tranh biện với nhau. Tranh cãi giữa Jean - Pierre Outers và các nghệ nhân An Nam là những đụng độ trong việc phân tranh cao - thấp, đúng - sai về văn hóa Đông - Tây, mà về bản chất chỉ có thể là khác biệt. Đàm đạo giữa Willehm Westler và Hoàng Đông về tự do trong nghệ thuật, lại là điểm gặp gỡ của những người nghệ sĩ coi trọng sự sáng tạo và giao thoa văn hóa, bất kể địa vị, phương pháp và phong cách riêng của các cá nhân.

 

*

* *

Với mười hai cổ vật, mười hai người kể chuyện xưng tôi, Gốm là một mảnh ghép tuyệt đẹp của một cấu trúc trần thuật ngỡ rời rạc mà đan quyện, thống nhất; ngỡ khô khan, xơ cứng mà lại hết sức uyển chuyển, trữ tình. Gốm sử dụng thủ pháp mà như không sử dụng thủ pháp, có những sắp xếp thông minh, nhiều dụng ý mà cứ như mạch tự sự tự nhiên trôi chảy. Gốm là một tiểu thuyết lịch sử (được tác giả định danh ngay từ bìa sách) nhưng lại không giống tiểu thuyết lịch sử. Bởi sự kiện, chi tiết lịch sử chỉ được điểm xuyết, đủ để không làm giảm đi tính hư cấu của tác phẩm, đủ huyễn hoặc, mờ ảo để các câu chuyện văn hóa, lịch sử có khả năng khơi gợi sự đồng sáng tạo, sự nghi hoặc từ độc giả. Một mặt, sự chập chờn gây men ngờ vực vốn là đặc trưng của thể loại tiểu thuyết đã được thể hiện khéo léo qua Gốm. Mặt khác, câu chuyện trong Gốm được kể từ nhiều điểm nhìn, nhiều giọng điệu, do đó trở nên đa chiều, rộng mở, và đặc biệt là khách quan, khi tác giả để cho cổ vật tự kể chuyện

T.P.V.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)