.NGUYỄN THANH HÀ
Lý tưởng, niềm tin luôn là điểm tựa tinh thần trong cuộc sống mỗi người, mỗi cộng đồng. Người ta yêu nhau trước hết là vì tin nhau: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua”. Yêu nhau, tin nhau thì “củ ấu cũng tròn”. Các cụ ta dùng chữ “thuận” để nói về những cặp vợ chồng cùng chung mục đích ước mơ, yêu nhau, tin nhau thì có thể vượt qua mọi trở ngại, dù khó khăn gian khổ đến mấy: “Thuận vợ thuận chồng bể Đông tát cạn”.
Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt thì vấn đề lý tưởng niềm tin luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong các cuộc kháng chiến. Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chính là một biểu hiện về niềm tin và quyết tâm không gì lay chuyển, cũng là thể hiện một khí phách ngút trời cả nước đồng lòng đuổi giặc Nguyên. Thời đánh giặc Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được dân tin, quân mến “Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, “Tướng sĩ một lòng phụ tử…” nên mới có thể làm nên “cỗ nhung y chiến thắng”.
Một trong những nguyên nhân cơ bản đã giúp dân tộc ta “đánh thắng hai đế quốc to” Pháp và Mỹ là nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo thiên tài của Bác Hồ, của Đảng. Nhìn rộng ra trên thế giới chưa thấy dân tộc nào trở nên hùng cường tự chủ mà dân tộc đó lại thiếu lý tưởng, niềm tin. Ở phương diện con người cá nhân thì nếu mất lý tưởng, niềm tin là mất tất cả: “Tưởng giếng sâu em nối sợi dây gầu dài. Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây”. Em tưởng anh “sâu sắc” nên trao gởi tình yêu. Ai ngờ anh “nông nổi”, em tiếc cho niềm tin, ước mơ, khát vọng của mình, tiếc cho thời gian nuôi dưỡng tình yêu.
Mà những thứ đó thì một đi không trở lại, không bao giờ lấy lại, nhất là tuổi xuân người con gái có thì…Đặt ý tứ bài ca dao này vào hoàn cảnh xã hội phong kiến xưa sẽ càng thấy nỗi đau đắng đót sâu thẳm của những cô gái có thể bị lỡ làng cả cuộc đời vì bị mất niềm tin vào một người con trai nào đó. Ngược lại, có lý tưởng, niềm tin là có tất cả, chúng luôn là cơ sở là động lực để thúc đẩy những phẩm chất khác, như dũng cảm, kiên trì, tự tin, đức hy sinh.
Người Việt chiến thắng kẻ thù bốn chân, không chân, hai chân và đang vươn lên đài vinh quang của hạnh phúc, dân chủ, văn minh bằng niềm tin còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây.
Hồ Chí Minh kết tinh giá trị niềm tin của người Việt. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, xuất bản lần thứ ba, thao tác trên máy tính qua đĩa CD-ROM), cụm từ tôi tin xuất hiện 245 lần. Hai chữ tin tưởng xuất hiện 348 lần. Mở đầu Di chúc là một niềm tin chiến thắng: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn”.
Ở câu trên mệnh đề song nhất định thắng lợi hoàn toàn là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu Đó là một điều chắc chắn. Để tác động mạnh hơn nữa vào thị giác người đọc, tác giả còn cho câu văn khẳng định này tách dòng đứng riêng. Các từ nhất định, hoàn toàn, chắc chắn là không thể thay thế, ví dụ dùng phép giả định tỉnh lược, để chỉ còn song sẽ thắng lợi thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng rõ ràng ý nhấn mạnh niềm tin đã bị giảm đi rất nhiều. Đặt Di chúc trong bối cảnh công bố (1969) khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đang ở giai đoạn cực kỳ gian khổ càng thấy đó là một niềm tin của chân lý. Niềm tin luôn đi cùng quyết tâm, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập. Đó không chỉ là lời Bác Hồ mà còn là lời của lịch sử, của chân lý, lẽ phải và niềm tin.
Tình yêu quê hương, thiên nhiên, gắn tình yêu với thiên nhiên. Người Việt lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp: mắt bồ câu, mắt lá răm, mũi dọc dừa, lông mày lá liễu…Con người là một phần của thiên nhiên, thiên nhiên lại là chuẩn mực của con người: Những người con mắt lá răm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền. Ca dao tình yêu luôn mượn thiên nhiên như là một phương tiện để trao gởi, giãi bày: Bây giờ mận mới hỏi đào…Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá nên sàng hay chăng…Thiên nhiên là nhịp điệu sống sinh hoạt: Bao giờ đóm đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng. Thiên nhiên là thước đo tâm trạng, tình cảm: Bèo dạt mây trôi, tang tính tình/ Em vẫn đợi/ Bèo dạt…Bác Hồ là người Việt Nam đẹp nhất vì luôn sống giữa thiên nhiên: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi…
Lịch sử văn hóa cho thấy người Việt coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất. Bác Hồ là người tiếp bước sự thành công của các bậc tiên liệt để lãnh đạo cách mạng: “Các cô, các chú có biết vì sao mà cách mạng của ta thành công không? Vì tinh thần”, “Vì sao đoàn kết? Là do tinh thần!...Như các đồng chí ta mà bị hy sinh trong lúc làm việc bí mật trước cách mạng, bị nó bắt được, nó treo, nó kẹp, nó tra tấn, nó bắn nhưng nhất định không nói, chẳng những không nói mà còn chửi vào mặt nó. Đấy là vật chất hay tinh thần? Trong kháng chiến có chiến sỹ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân ngăn cho súng khỏi lăn, hy sinh lấy tài liệu của địch…, thì đó là tinh thần hay vật chất? - Tinh thần”[1].
Quan niệm cái đẹp ở trong đời sống, gắn liền, hài hòa với đời sống. Chịu sự quy định của môi trường nóng ẩm, mưa nhiều bão lắm, canh tác chủ yếu là cây lúa nước phụ thuộc nhiều vào thời tiết…nên thẩm mỹ người Việt không ưa thích cái hoành tráng, bề thế mà thích cái nhỏ nhắn, tiện dụng, bình dị và giản dị. Nhà ở cũng thấp bé vừa tránh bão tố vừa mát mẻ. Chùa bên Trung Quốc thường ở nơi thâm sơn cùng cốc nhưng ở Việt Nam thường nép mình dưới bóng đa, cộng cư với xóm làng, không quá khác với những ngôi nhà mái lá. Một đặc điểm nổi bật của kiến trúc Việt là hài hòa với thiên nhiên tạo vật, với đời sống Việt giản dị, mềm mại, uyển chuyển. Điêu khắc đình chùa miếu mạo vừa tôn nghiêm với các hình ảnh long, ly, quy, phượng…vừa có các hình ảnh sinh hoạt dân giã, đời thường, có cảnh chèo thuyền, đấu vật, có cả cảnh các cô gái đang tắm, cảnh trai gái nô đùa…Âm nhạc truyền thống thì nhạc cụ thường được chế tác từ tre gỗ với đàn tranh, nguyệt, cò, kìm…Tiếng đàn bầu và cây đàn bầu một dây với bầu đàn, cần đàn đơn sơ, giản dị mà biểu hiện đa dạng, luyến láy, tinh tế: cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha, ngân nga em thánh thót… tiêu biểu cho mỹ học âm nhạc truyền thống. Hội họa với các bức tranh nổi tiếng Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen…cho thấy mỹ thuật Việt thiên về đời thường, gắn với thường…Cuộc sống, tính cách, tập quán của Hồ Chí Minh rất điển hình cho quan niệm thẩm mỹ gắn với đời sống, hài hòa với đời sống. Kể cả trong kháng chiến và hòa bình Bác Hồ chọn nơi ở gần gũi, chan hòa giữa thiên nhiên. Thậm chí khi là thượng khách của nước Pháp (1946) Người cũng cố chọn một nơi ở giản dị nhưng có vườn cây, có hoa cỏ. Khi là Chủ tịch Nước phải tiếp khách quốc tế thì nơi ở cũng chỉ là căn nhà sàn nhỏ nhắn nhưng giữa vườn cây, Người tự tay trồng cây, tưới cây, trồng rau, trồng hoa và thường tặng hoa, tặng cam của chính mình cho khách. Người là họa sỹ, là nhà điêu khắc (nặn tượng Mác, nặn tượng trang trí nơi nhà sàn Pác Pó…), và đặc biệt là nhà nghệ sỹ hiểu sâu nghệ thuật truyền thống…
Cái đẹp hài hòa giàu có tính biểu cảm. Người Việt sống trọng tình: Một bồ cái lý không bằng tý cái tình…Từ vựng tiếng Việt sở hữu lượng từ láy biểu cảm rất cao. Trong văn chương truyền thống cũng thiên về trữ tình mà nhẹ về tự sự, Theo học giả Phan Ngọc trong Truyện Kiều số câu tự sự chỉ chiếm 17%. Trong ca dao thì giọng điệu trữ tình chiếm vị trí chủ đạo. Âm nhạc truyền thống cũng thiên về biểu hiện nội tâm. Những điều ấy cho phép nhận xét người Việt ưa thích sự nhẹ nhàng, tình cảm, xu hướng sống với thế giới nội cảm hơn là phô bày hướng ngoại…Bác Hồ là người Việt Nam nhất khi cách ứng xử, nói và viết đều tuân theo nguyên tắc mang tính biểu cảm cao. Câu văn chinh phục về lý thuyết phục về tình, đọc lên có cảm giác không còn hình thức câu chữ mà chỉ thấy một tấm lòng chân thành rất mực:
“Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”[2].
Ở Bác Hồ văn là người, văn là tình người.
Có thể ví tư tưởng mỹ học truyền thống Việt Nam như hình tượng cây tre giản dị mà giàu sức sống, thanh mảnh mà cứng cáp, gần gũi mộc mạc mà hiên ngang cao cả, mềm mại dẻo dai mà dũng khí quật cường. Cây tre luôn gần gũi bầu bạn với người dân lao động, giúp con người lao động, sinh hoạt, và khi cần sẽ là vũ khí đuổi giặc. Tư tưởng mỹ học ấy được Bác Hồ kế thừa và phát triển nâng cao một cách tuyệt vời nhất, sinh động nhất, đẹp nhất.
N.T.H
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 10, tr. 580
[2] Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập). Nxb Chính trị Quốc gia 2000, tập 5, tr 40
VNQD