Con người văn hoá trong Nhật ký trong tù

Thứ Năm, 28/11/2019 08:23

.NGUYỄN HOÀI NAM

 

Thơ Hồ Chí Minh mà tiêu biểu là tập Nhật ký trong tù là một hiện tượng độc đáo, đặc sắc không chỉ trong văn học hiện đại phương Đông mà còn cả trong văn chương thế giới đương đại, đặc biệt về hoàn cảnh ra đời, đa dạng về đề tài, nhiều vẻ về phong cách, phong phú về hình thức biểu hiện, giàu có về ý nghĩa. Thơ Người cổ điển mà hiện đại, truyền thống mà giàu tính cách tân, giản dị mà sâu sắc, do vậy cần nhiều hướng tiếp cận, nhiều lối phân tích mới có thể tìm thêm những vẻ đẹp cả về giá trị nội dung lẫn thi pháp… Triết học văn hóa đang được hưởng ứng rộng rãi trên thế giới bởi nó vừa đóng vai trò tiên phong, soi đường vừa hỗ trợ, thúc đẩy xu hướng hội nhập hóa toàn cầu ngày một mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc và hiệu quả hơn. Xét ở góc độ bản thể nó khuyến khích đẩy vấn đề nghiên cứu đi sâu về phía chủ thể để cắt nghĩa, lý giải những khía cạnh mang tính bản chất để làm rõ bản sắc - yếu tố cơ bản, cần thiết trong hội nhập. Khái niệm “mỹ học chủ thể” đang ngày càng được quan tâm, chú ý và nhấn mạnh. Đi theo hướng này, ứng vào đối tượng nghiên cứu bài viết sẽ có ba luận điểm chính: khẳng định cái tôi bản sắc; phẩm chất biết lắng nghe.

1.Một cái tôi chủ thể luôn khẳng định cá tính, bản sắc.

Chỉ nhìn dưới góc độ cách xưng hô trong Nhật ký cũng cho thấy nhà thơ Hồ Chí Minh luôn có ý thức phủ nhận tư cách tù nhân để khẳng định tư cách CON NGƯỜI ở tư thế đẹp nhất, sang trọng nhất. Ngoài các đại từ nhân xưng , ngã, Bác ít khi nhận và miêu tả mình là người tù mà tự coi mình là một lão phu, một người tự do, một vị tiên, một nhà thơ, một khanh tướng, một cánh chim…theo nghĩa ẩn dụ: Lão phu nguyên ái bất ngâm thi (Khai quyển); Ngục trung lưu trú tự do nhân (Nhập Tĩnh Tây huyện ngục); Tống dư nhập ngục tác gia tân (Thế lộ nan); Tri phủ lung trung dã hữu tiên (Ngọ hậu); Nguyệt tòng song khích khán thi gia (Vọng nguyệt); Nghịch phong hữu ý trở phi bằng (Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo); Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượngHành nhân thi hứng hốt gia nồng (Tảo giải); Nam nhi đáo thử diệc hào hùng (Giải trào)…

Những câu thơ này chứng minh Bác Hồ tuy nằm trong ngục nhưng luôn tạo ra các cuộc vượt ngục về tinh thần. Vào tù không phải chịu thân tù giam hãm mà là khách quý (Tống dư nhập ngục tác gia tân), là vị tiên trong tù (Tri phủ lung trung dã hữu tiên), thậm chí vị tiên ấy còn cưỡi rồng (Mộng kiến thừa long thiên thượng khứ), là nhà thơ (Nguyệt tòng song khích khán thi gia), không còn là cuộc giải tù mà là chuyến du ngoạn của nhà thơ đi tìm thi hứng (Hành nhân thi hứng hốt gia nồng), là cánh chim bằng (Nghịch phong hữu ý trở phi bằng). Truyện ngụ ngôn của Trang Tử có câu Bằng phi cửu vạn lý, nghĩa là cánh chim bằng bay chín vạn dặm. Bác dùng hai chữ phi bằng lấy từ tích trên để nói lên ý chí, hoài bão tự do của mình.

Cũng là một sự hợp lý (do hoàn cảnh) và rất nghệ thuật (nhờ tài năng) mà để phủ nhận tư cách tù nhân, phủ nhận hoàn cảnh tù đày Bác đã tạo ra tiếng cười hai chiều: vừa khẳng định vừa phủ định, khẳng định bản thân và phủ định hoàn cảnh. Cho nên ta thấy thay vào hình ảnh tù nhân là một người làm công việc nhà nước Ăn cơm nhà nước, ở nhà công, một bậc khanh tướng có Lính tráng thay phiên để hộ tòng, là một người tự do Non nước dạo chơi tùy sở thích, là bậc nam nhi Làm trai như thế cũng hào hùng (Pha trò). Một tiếng cười tự trào đầy khẩu khí của người anh hùng chí lớn vượt thoát ra khỏi môi trường tù ngục tối tăm. Tiếng cười ấy toát lên từ hiện thực và đối lập hẳn với hiện thực. Người tù thì hẳn phải Ăn cơm nhà nước, ở nhà công; hẳn phải có quân lính coi ngục thay phiên nhau áp giải từ huyện này đến huyện khác. Nhưng hiện thực ấy bị mờ đi để nổi lên một chân dung tự họa của bậc khanh tướng công hầu. Phủ nhận hiện thực để vươn tới một thế giới khác, thế giới của sự vương giả, tự do, thế giới của nghệ thuật, thế giới của tình yêu thương, tôn trọng tuyệt đối giữa con người với con người. Không phải là cảnh ghẻ lở mọc loang lổ trên người, không phải là cảnh luôn tay gãi, cũng không phải là cảnh những tù nhân tiều tụy ốm o vì đói ăn khát uống chịu rét chịu cùm mà đó là nơi gặp gỡ của những bậc quý khách tri âm cùng mặc áo gấm thêu hoa cùng nhau gảy đàn vui vẻ. Thế nên tìm hiểu không gian nghệ thuật trong Nhật ký có lẽ không nên đi sâu vào lớp nghĩa đen, lớp nghĩa bề mặt mà nên đi sâu hơn vào lớp nghĩa bóng. Ví dụ nghĩa đen là nhà tù nhưng nghĩa bóng lại là một “mỹ thuật tiểu hàn lâm”. Người Choang ở huyện Tĩnh Tây là một bộ tộc giàu tâm hồn nghệ sĩ, yêu thích dân ca từ khúc nên câu “Xứ xứ sơn ca dữ nhạc âm” có thể hiểu khắp mọi nơi, cả trong tù, ngoài tù đều rộn tiếng ca dân giã và tiếng nhạc. Nhà ngục không còn là nhà ngục nữa mà biến thành một viện hàn lâm nghệ thuật nhỏ. Tù nhân không còn là tù nhân nữa mà trở thành những nghệ sĩ (Chiều hôm). Không phải là một túp lều tranh nghèo nàn đơn sơ mà đấy lại là “tiệm rượu” (Hàng cháo). Không phải là cảnh ban đêm khi ngủ bị cùm chân mà là một sự thưởng thức món “ngũ vị kê”, món gà nấu có năm vị (Đêm ngủ ở Long Tuyền)… Điều ấy sẽ cho phép chúng ta hiểu cái nhìn ngộ nghĩnh lạc quan của chủ thể trữ tình luôn vươn tới một thế giới khác hẳn với thế giới nhà tù.

Phủ định và khẳng định là các cặp phạm trù tương phản. Phủ định hoàn cảnh tù đầy, phủ nhận tư cách tù nhân để khẳng định giá trị của tự do và khẳng định cái tôi khao khát tự do nên tất yếu tập thơ mang một hình thức tương phản rất rõ. Là một nhà biện chứng Bác Hồ luôn phân biệt cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao” (Quyển đầu), “Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần” (Bốn tháng rồi). Tinh thần nhiều khi hoàn toàn tương phản với cuộc sống vật chất: “Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng” (Tự khuyên mình). Sau này khi đã 78 tuổi ở cương vị Chủ tịch Nước, Bác Hồ vẫn nhất quán với quan niệm cần có trước hết một cuộc sống tinh thần “phấn chấn”: “Thuốc không rượu chẳng có mừng xuân/ Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân/ Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt/ Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần” (Hai chớ). Chính điều này đã phần nào bộc lộ một phương diện về chân dung con người Bác: một vị tiên trong đời thực.

Không chấp nhận thân phận tù đày nên hình tượng chủ thể luôn có xu hướng vươn lên thành tư cách người tiên, người tự do, khách quý… Không phải cảnh tù nhân nô lệ mà là tư cách khanh tướng đầy quyền uy: “Hôm nay xiềng sắt thay dây trói/ Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung/ Tuy bị tình nghi là gián điệp/ Mà như khanh tướng vẻ ung dung” (Đi Nam Ninh). Không chấp nhận một hình hài ghẻ lở phi nhân loại nên luôn có xu hướng sang trọng hóa bản thân mình để vươn lên hàng quý khách, tiên khách: “Mặc gấm, bạn tù đều khách quý/ Gảy đàn, trong ngục thảy tri âm” (Ghẻ lở)...

Vì bị giam giữ nên người tù luôn phải sống trong hai không gian, thân thể trong nhà ngục nhưng tinh thần luôn hướng ra không gian tự do bên ngoài: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt/ Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” (Buổi sớm), “Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới/ Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ” (Buổi trưa). Nhật ký không chỉ đầy trăng, đầy ánh mặt trời, đầy sắc xuân mà còn là những hình ảnh tương phản, với đầy những bóng tối, đầy u ám, lạnh lẽo của mùa đông: “Ví không có cảnh đông tàn…” (Tự khuyên mình), “Gà gáy một lần đêm chửa tan” (Giải đi sớm)…Nhưng đặc điểm của những không gian tối lạnh này không hề chết cứng, tĩnh tại mà luôn vận động hướng về ánh sáng ấm áp: “Bóng tối đêm tàn quyét sạch không” (Giải đi sớm)…. Người tù còn luôn có ý thức phủ nhận triệt để không gian tù đày bằng cách lấy chính chủ thể trữ tình của mình để tạo ra một không gian khác. “Biết chăng trong ngục có người khách tiên” (Quá trưa), vì có “khách tiên” nên ngục không còn là ngục nữa mà trở thành không gian nơi tiên ở. Tù nhân chơi nhạc nên nhà tù “Bỗng biến thành nhạc quán viện hàn lâm” (Chiều hôm)… Rõ ràng nhà thơ Hồ Chí Minh đã phủ nhận hoàn toàn chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch để khẳng định sự tất yếu của thế giới tự do và cái tôi khao khát tự do.

2. Phẩm chất biết lắng nghe, thấu hiểu để thấu cảm.

Biết lắng nghe là một hành vi văn hóa cao thượng vì nó thể hiện một tinh thần dân chủ, bình đẳng, một sự tôn trọng và trân trọng giữa người với người. Đây cũng là yếu tố đầu tiên để hiểu nhau rồi thấu cảm về nhau, có vậy mới hình thành được đối thoại, mới có thể nói đến chuyện gắn nối rồi gắn kết. Đó là cả một năng lực văn hóa bởi về bản chất đấy là một quá trình tiếp nhận, do vậy phải có vốn sống, vốn tri thức, còn phải giàu có một tâm hồn yêu thương, nhạy cảm…để phân tích, loại bỏ, phản biện. Ngày nay thế giới coi một biểu hiện của khoan dung hòa giải văn hóa là biết lắng nghe nhau!

Cũng rất tự nhiên phẩm chất này được phát huy cao độ trong Nhật ký. Do phải sống trong bốn bức tường nhà lao nên người tù tiếp xúc với thế giới bên ngoài chủ yếu bằng thính giác, cũng đồng thời lắng nghe mình nhiều nhất, do vậy cũng nhạy cảm nhất với sự tương đồng hoàn cảnh.

Trong đêm tối xà lim người tù vĩ đại bỗng nghe thấy một tiếng sáo nhớ quê. Âm thanh ấy trở thành khúc đồng vọng của ba tâm hồn: người thổi, người tù (Hồ Chí Minh) và người phụ nữ (Người bạn tù thổi sáo). Nước non xa cách ngàn trùng, nỗi nhớ khôn nguôi, cảm thương vô hạn, vợ của người tù bước lên một tầng lầu nữa, cố nhìn trong vô vọng hình bóng người chồng. Truyền thuyết nước Việt kể rằng nàng Vọng phu trèo lên tận đỉnh núi cao ngóng chồng trong thao thức chờ đợi mòn mỏi đã bao năm. Cùng hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy, nàng Vọng phu phương Bắc cũng cố trèo lên lầu cao. Với sự đồng cảm sâu sắc nhà thơ Hồ Chí Minh đã tạc bằng ngôn ngữ thơ một hình tượng nàng Tô Thị xứ Trung Hoa!

Nhà thơ nghe thấy tiếng khóc của đứa bé nửa tuổi, khóc trong tù ngục nên tiếng khóc trở nên đặc biệt. Càng đặc biệt hơn là nguyên nhân có tiếng khóc ấy, vì “Cha trốn không đi lính nước nhà”. Hai bài Gia quyến người bị bắt línhCháu bé trong nhà lao Tân Dương có cấu trúc nhân quả giống nhau, vì người cha/ người chồng trốn lính nên nhà chức trách bắt đứa con thơ, người vợ trẻ đi tù. Cứ coi như trốn lính là một tội thì theo lô gich thông thường ai có tội người ấy chịu nhưng ở đây thật phi lý, lại bắt người thân chịu tội. Ý nghĩa thứ nhất là sự mỉa mai đả kích xã hội thật thiếu công bằng, thiếu công minh; thứ hai là phê phán thói dã man đối với phụ nữ; ba là lên án đả kích xã hội phi nhân tính bắt cả đứa trẻ mới đẻ vào tù.

Tiếng sáo và tiếng khóc ấy là “hữu tình”, là cụ thể, với một trực giác nghệ thuật kiệt xuất của tâm hồn nhạy cảm với nỗi đau, nỗi “bất bình”, nhà thơ còn “nghe” thấy cả tiếng của sự “vô tình”, trừu tượng. Như lời giãi bày của một bông hoa. Đã có nhiều nghiên cứu phân tích bài Vãn cảnh để tìm lý tưởng thẩm mỹ của chủ thể: “Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ/ Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình/ Hoa hương thấu nhập lung môn lý/ Hướng tại lung nhân tố bất bình - Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng/ Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình/ Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình”. Chữ “hựu” (lại) đã tạo ra hình thức mâu thuẫn tương phản đặc sắc của thi phẩm, đây cũng là cái bản lề để mở ra thế giới tư tưởng mỹ học của thi nhân. Có tương phản không gian: trong tù và ngoài tù; tương phản hiện tượng: hoa hồng nở/ hoa hồng rụng. Hai câu đầu là quy luật khách quan hoa nở hoa tàn. Khó hiểu ở hai chữ “vô tình” (như nhiều người đặt ra câu hỏi: ai vô tình?). Tạo hóa hay con người nói chung, có thể cả hai nhưng dứt khoát không phải “lung nhân”. Vì “lung nhân” là bạn “tri âm”, có vậy “hương hoa” mới “tố bất bình” để chia sẻ, giãi bày. Hoa là biểu trưng cho cái đẹp. Mà cái đẹp luôn là giá trị, cũng không vượt được quy luật sinh diệt khách quan. Thế mà tại sao con người và tạo hóa lại “vô tình”? Mà khi đã “vô tình” thì rất gần với “vô tâm”! Lời “hương hoa” là lời trách nhẹ nhàng: đừng vô tình với cái đẹp, đừng vô tình trước sự được mất, trước sự khai mở và kết thúc của một sự vật, hiện tượng, hơn nữa là của một giá trị. Không có sự mẫn cảm của một thiên tài nghệ thuật không thể “nghe” được như vậy. Sâu sắc, tinh tế và nhân ái biết bao!

Ở hầu hết mọi bài trong Nhật ký, như nói ở trên, chủ thể luôn có xu hướng vươn tới một vị thế khác, tự do và sang trọng. Nhưng ở bài này chủ thể lại trở về vị thế thực “lung nhân” trong “lung lý”? Hay nhà thơ muốn nói tới một quy luật này: khi tiếp nhận sự chia sẻ của tri âm thì con người phải ở vị thế thực để thành thực! Nhưng “hoa hương” (và bạn đọc) thì rất hiểu “lung nhân” chỉ là tên gọi, còn đích thực trong tâm hồn ấy vẫn là “thi nhân”, vì chỉ có thi nhân mới hiểu và cảm thông cho cái đẹp. Bài thơ ngắn mà tầng lớp ý nghĩa, nhưng ai cũng dễ đồng tình với những nét nghĩa này: phải biết yêu mến trân trọng cái đẹp; phải thấu hiểu mới thấu cảm cái đẹp, cũng vậy, có thấu hiểu người mới thấu cảm được lòng người! Để được như vậy, trước hết con người phải biết lắng nghe những điều rất nhỏ!!!

Vượt lên sự hiểu người, bài Nghe tiếng giã gạo là sự hiểu đời, hiểu quy luật tự nhiên và đời sống để ứng vào cuộc đời mỗi cá nhân: “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Chỉ có tấm lòng trong sáng và tinh tế nhất mới có thể nghe thấy những điều tưởng chừng nhỏ nhặt mà giàu ý nghĩa. Thế nên ở đây không phải là “tiếng gà thường” mà là âm thanh báo hiệu “toàn dân tỉnh mộng” để đón ngày mới. Tương tự, nhà thơ “lắng nghe” để hiểu những sự vật bình thường nhất của cột cây số, cái gậy, chiếc răng rụng…Những sự vậy ấy không tầm thường mà trở thành tri âm của con người, vì thế mà rất tình người. Tập thơ không chỉ giàu lẽ đời mà còn chan chứa lẽ người, tình người!

N.H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)