. TÂN THANH HUYỀN
Là người cộng tác thân thiết lâu năm, đồng chí Phạm Văn Đồng nhận xét về phong cách ngôn ngữ của Bác: “Trong một bài viết hoặc bài nói, Bác không chỉ chú ý từng câu từng chữ còn chú ý nói cái gì trước, cái gì sau, bởi vì có khi đó chính là điều quan trọng bậc nhất. Ví dụ, có lúc có một đồng chí viết trong một văn kiện về cuộc kháng chiến chống Mỹ: “Địch nhất địch thua, ta nhất định thắng”. Nghe câu này, Bác tức khắc phản ứng: “Phải nói ngược lại: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Và Bác giải thích thêm: “Ta phải thắng thì nó mới thua”. Điều này thể hiện cả một quan điểm, một ý chí sắt đá quyết chiến và quyết thắng không gì lay chuyển được”[1].
Chúng tôi xin chứng minh Bác Hồ đã là một nhà phê bình văn học, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ ngay từ ngày đầu đi tìm đường cứu nước. Bác đã lập luận đanh thép, tranh biện thuyết phục về cách viết phải coi trọng sự chính xác về ngôn từ. Đây là đoạn phê bình trong Thư trả lời ông H. (Thượng Huyền):
“Ông cho rằng từ ngữ "cách mệnh" lấy ở trong Kinh Dịch. Có lẽ không đúng. Song tôi cũng không dám khẳng định. Nhưng tôi không tin rằng khi dùng từ ngữ cách mệnh, người Trung Quốc đã mượn từ ấy của Kinh Dịch, mà họ dịch từ tiếng phương Tây. Những từ ngữ "Cải cách", "Kinh tế", "Độc lập", "Xã hội" cũng được tạo ra như vậy ở Trung Quốc.
Trong tiếng Pháp cũng có những từ "réforme", "évolution" và "révolution". Tiến hoá là một loạt những biến đổi liên tiếp và có tính chất hoà bình. Còn cải cách là những thay đổi xảy ra ít hay nhiều trong thể chế một nước, những biến đổi ấy có kèm theo hoặc không kèm theo bạo lực. Sau những cải cách, vẫn còn tồn tại một cái gì đấy của hình thức ban đầu. Còn cách mệnh thì đem một chế độ mới thay thế hẳn cho một chế độ cũ.
Găngđi là một nhà cải cách chứ không phải là một nhà cách mệnh. Ông Găngđi đòi Chính phủ Anh tiến hành những cải cách về thể chế ở trong nước, nhưng ông không cổ vũ nhân dân Ấn Độ nổi lên giành lại độc lập, và ông cũng không bao giờ đòi người Anh thực hiện những thay đổi toàn bộ trong Chính phủ Ấn Độ. Và chỉ khi người Anh đã bác bỏ mọi yêu cầu của ông thì ông mới chủ trương tẩy chay (Tẩy chay là một hành động chứ không phải là một đảng). Ở Ấn Độ có Đảng Quốc đại; Găngđi là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng chứ không phải là người sáng lập Đảng...
Không phải chỉ có Chính phủ là đối tượng của cách mệnh. Tất cả những biến đổi xảy ra trong mọi sự vật trên thế giới cũng đều có thể gọi là cách mệnh. Đácuyn là một nhà vạn vật học cách mệnh; Các Mác là một nhà kinh tế học cách mệnh... ”[2].
Nhìn từ ví dụ này lại cho ta thấy Bác Hồ đã là một nhà từ điển học ngay từ hồi mới trên ba mươi tuổi.
Ngày 5-9-1945 ông Phạm Khắc Hoè vào gặp Bác, nói:
“- Thưa Cụ, ông Bảo Đại vừa được gặp Cụ về cho tôi biết Cụ cho phép tôi tới chào Cụ”. Bác Hồ nhìn ông rồi nói vui:
“- Không, tôi vừa gặp ông Vĩnh Thuỵ chớ có gặp Bảo Đại đâu?”[3]. Chỉ là “nói vui” nhưng đầy ý nghĩa: không còn chính thể cũ có vua Bảo Đại, mà chính thể dân chủ mới đang làm chủ đất nước.
Dưới đây là đoạn nói chuyện giữ Bác và nghệ sỹ Tạ Duy Hiển. Bác hỏi thăm sức khỏe, tuổi tác cụ Hiển và gia đình, rồi Bác hỏi đùa :
- Nghe nói chú có nhiều vợ, có đúng không ?
- Dạ, thưa Bác, đó là trước kia, từ chế độ cũ.
- Thế bây giờ chú còn mấy bà?
- Dạ, thưa Bác, còn hai ạ!
- Chắc là thôi chứ?
- Vâng, có lẽ thôi ạ… Nhưng Bác nói luôn:
- Sao lại “có lẽ”? Phải thôi hẳn chứ. Luật pháp của chế độ ta chỉ cho phép một vợ một chồng thôi. Chú mà “có lẽ” là phạm pháp đấy![4].
Đây là đoạn nói chuyện với nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh. “Tôi thưa: “Cháu thấy Bác gầy và nóng phát ban, tay Bác nhiều rôm quá ạ!”. Bác cười: “Bác không sao đâu, chỉ em bé mới có nhiều rôm chứ người lớn làm gì có rôm nào”[5]. Rất chân tình nhưng cũng rất chính xác.
Ngày 28-2-1949, đọc duyệt tờ truyền đơn địch vận, Bác phê: “Ta dụ quân Pháp hàng mà bảo nước nó mất, thì không khéo. Mà như vậy cũng không đúng, vì chỉ có bọn phản động Pháp chết, chứ nước Pháp dân chủ thì có chết đâu”[6].
Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm kể lần ấy Bác đến thăm đơn vị. “Mấy chiến sỹ gái bồi hồi, xúc động, chưa dám ngồi ngay vào hàng ghế gần Bác. Thấy vậy, Bác ân cần hỏi:
- Các cháu làm gì?
- Thưa Bác, văn công ạ!
- Thưa Bác, y tá ạ!
- Thưa Bác, cháu là “anh nuôi” !
- Cháu là “anh nuôi” sao được, phải là “chị nuôi” chứ, phải không?”[7]. Đối với người dân thường Bác cũng luôn ý thức giáo dục cho họ dùng từ chính xác. Tết Nhâm Dần 1962 Bác đi chúc tết nhân dân Thủ đô, vào nhà chị Chín, một nhà nghèo nhất. Bác hỏi: “- Thím hiện nay làm gì?”. “- Dạ cháu làm phu khuân vác ở ga Văn Điển ạ!”. Bác nói nhẹ nhàng: “- Như vậy là làm công nhân chứ! Sao lại gọi là phu?”[8].
Lần Bác đi qua nhà máy cơ khí Gia Lâm, đến trước cổng nhà máy thấy dòng chữ to chạy dài: NHA MAY CO KHI GIA LAM, Bác bèn đọc: “- Nhà máy có khỉ già lắm”. Bác phê bình viết chữ phải có dấu để tránh hiểu nhầm[9].
Trong hồi ký Vào núi gặp lãnh tụ (Trương Nam Hiến kể Lâm Ngọc Thụ ghi) kể một tác giả làm thơ, có câu: “Lửa thiêu củi mục ù ù cháy” có ý ví lửa như đoàn thể Việt Minh, nhân dân đang u mê như củi mục nhưng gặp lửa vẫn cứ cháy...”. Nghe xong Bác cười: “- Hay đấy, nhưng không được ví dân như củi mục. Nhân dân ta có nhiều người tài giỏi gấp trăm nghìn lần chúng ta, nên sửa lại...”[10]. Chỉ một câu nói ngắn mà chứa bao ý nghĩa: yêu thương, quý trọng nhân dân; năng lực phát hiện vấn đề nhanh nhạy, sắc sảo.
Tác giả Đặng Minh Phương kể chuyện Bác Hồ sửa thơ ông Phạm Khắc Hòe: “Đêm 4-9-1947, trong khi trò chuyện, Bác Hồ nhìn ra cảnh rừng nói với ông Phạm Khắc Hòe: “Gió mát, trăng thanh, trời xanh, rừng lặng, cảnh nên thơ lắm! Chú có cao hứng thì tức cảnh ngay một bài. Nếu không thì đọc vài bài cũ cũng được”.
- Thưa Bác, cháu xin đọc một bài cháu vừa làm trên đường lên đây. Đầu đề là Đường tự do:
Biết bao ngày đợi với chờ mong
Giặc Pháp, từ nay thoát khỏi vòng
Chào đón trên đường hương lúa mới
Tiễn đưa dưới nước ánh trăng vàng
Gió đền Hùng thổi căng lồng ngực
Mắt Bác Hồ soi sáng cõi lòng
Đường tự do con đường đẹp nhất
Trường kỳ kháng chiến ắt thành công.
Nghe ông đọc xong, Bác Hồ nói ngay:
- Khá đấy, ý tốt nhưng lời thì hai câu thứ năm và thứ sáu hơi gò. Và Bác hỏi: “Khi bị kẹt trong vùng địch chú có làm thơ không?”.
- Dạ thưa Bác, có, cháu xin đọc bài Câu cá gỗ:
Hỏa Lò Tây đến rước ông ra
Hỏi dẫn đi đâu chẳng biết mà
Cất cánh Gia Lâm trời đất cũ
Đặt chân Sơn Nhất nước non nhà
Vai tù muốn đổi ra vai tướng
Chước quỷ không thành lại chước ma
Ba tháng công toi câu cá gỗ
Hồ Gươm Tây lại thả ông ra.
Ông vừa dứt lời thì Bác cười và nói:
- Mình thích bài này hơn bài trước nhiều, nhưng phải sửa một chữ.
Sau một lát suy nghĩ ông Hòe hỏi:
- Thưa Bác cần sửa chữ nào xin Bác chỉ giáo cho, cháu nghĩ mãi không ra.
- Chú cứ suy nghĩ đi thế nào qua một đêm chú sẽ nghĩ ra mà!”.
Qua một đêm mà ông chưa nghĩ ra, đành phải hỏi Bác:
- Câu cuối cùng phải thay thế chữ “ông” bằng chữ “tau” thì mới đúng là câu cá gỗ”[11]. Trở lại với bài thơ đầu chúng ta dễ thấy Bác nhận xét câu 5 và 6 “hơi gò” là chính xác vì sáo, khoa trương, ý tứ lộ. Còn bài thơ sau thì quả là phải là dân “cá gỗ” thì mới dùng đúng chữ “tau” ngộ nghĩnh, đầy cá tính.
Tháng 3-1930, tại nước Xiêm, cụ Tài Ngôn giới thiệu với Thầu Chín (Bác Hồ) một câu đối: “Cha ông đâu, sông núi nơi đâu? Đất lạ tháng ngày trơ mặt bạc/ Anh em hỡi, đồng bào ta hỡi! Thù chung non nước tạc lòng son”. Ý cụ Tài Ngôn là chê những người giàu có là Việt Kiều mà khi quyên góp chẳng được bao nhiêu (trơ mặt bạc). Thầu Chín nói ngay: “Chắc anh lại đả kích ông X chứ gì. Người ta chưa giác ngộ một phần cũng do ta chứ. Đã là đồng bào, đã mất nước thì ai cũng thẹn mặt cả. Nên đổi là “Đất lạ tháng ngày thẹn mặt”. Câu sau cũng nên đổi “Thù chung non nước ghi lòng”[12]. Rõ ràng sự chữa của Thầu Chín nâng tầm ý nghĩa khác hẳn, nhân ái, đoàn kết, bao dung. Không có sự tinh tế nghệ sỹ, không có tấm lòng yêu nước sẽ không có cách dùng từ như thế.
TTH
-----------------------
[1]. Nguyễn Thị Kiều Anh... (Tuyển chọn và giới thiệu) - Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Nxb Công an Nhân dân, 2008. tr 55
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd. Tập 2, tr 156.
[3]. Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu - Nxb Thanh Niên, 2007. tr 55.
[4]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 156.
[5]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 297.
[6]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 288.
[7]. Nhiều tác giả - Bác của chúng ta. Nxb Quân đội Nhân dân, 1985.tr 228.
[8]. Nhiều tác giả - Những chuyện vui và cảm động về Hồ Chủ tịch. Nxb Công an Nhân dân, 2000. tr 257.
[9]. Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 70.
[10] . Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 224
[11]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 569.
[12]. T.S Nguyễn Văn Khoan, T.S Mạc Văn Trọng - Bác Hồ dạy chúng ta nói và viết. Nxb Công an Nhân dân, 2004, tr 152.
VNQD