Bác Hồ dùng thi liệu cổ làm bài học giáo dục

Thứ Sáu, 06/12/2019 00:33

. Thanh Hải

Văn hoá cổ xưa luôn chứa đựng trong đó các bài học giáo dục đã được Bác Hồ vận dụng thật tuyệt vời làm bài học giáo dục cho hôm nay.

Trung thu năm 1960, với bút danh T.L, Bác Hồ nói chuyện “mặt trăng” với các cháu:

“Theo chuyện đời xưa Trung Quốc thì trên mặt trăng có cô Tiên đẹp, có lâu đài sang:

Trên trăng các chị Hằng Nga,

Ở trong cung điện xa hoa tuyệt vời...”[1].

Những hình tượng chú Cuội, chị Hằng Nga trên mặt trăng đã quen thuộc với sự tưởng tượng của trẻ em Việt Nam được tác giả gợi lại. Tưởng rằng câu chuyện sẽ đi theo hướng “cổ tích” nhưng bất ngờ, trên cái nền “chuyện đời xưa”ấy, tác giả kể câu chuyện khoa học thời nay: Liên Xô dùng tên lửa đặt quốc huy vào mặt trăng. Cùng là “mặt trăng” nhưng người xưa thì quan niệm khác, người nay lại có hành động thực tế. Nói đến cả xưa và nay cũng nhằm mục đích khêu gợi ước mơ, hoài bão chinh phục “mặt trăng” của các cháu, để rồi nhắc các cháu chuyện học hành, lao động… “ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hoà bình…”, sau này cũng đặt “quốc huy” Việt nam vào mặt trăng như Liên Xô vậy!

Cũng là câu chuyện chinh phục “mặt trăng” của Liên Xô, Hồ Chí Minh dùng một thành ngữ Trung Quốc với những ý nghĩa khác:

“Trung Quốc có câu thành ngữ: "Khắp trời cùng vui". Câu ấy rất đúng với cảnh tượng vui vẻ hôm nay…

Hôm nay, trong lúc hàng trăm triệu người vui mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, thì:

- Tên lửa số 1 của Liên Xô đang khoan khoái bay quanh mặt trời.

- Vệ tinh số 3 và tên lửa số 3 đang hớn hở vòng quanh quả đất…”[2].

Đây là một đoạn trích rút từ bài báo Vui vẻ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười vĩ đại, Hồ Chí Minh viết cho báo Sự thật (Liên Xô). Người lấy thành ngữ Trung Quốc như để khẳng định sự lớn mạnh của phe xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô và Trung Quốc là hai trụ cột. Và có ý nhắc “Liên Xô”: ai ai trong phe xã hội chủ nghĩa, trong đó có cả Trung Quốc cũng vui mừng trước những thành tựu của Liên Xô. Bởi vì thời điểm này (1959) quan hệ giữa hai nước bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt!

Trong bài viết Bác Hồ với Truyện Kiều của Nguyễn Du của hai tác giả Nguyễn Lộc, Nguyễn Mạnh Bính có đoạn: “ Nữ nghệ sỹ Ái Liên đã kể lại ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc của mình khi nghe những câu thơ ứng khẩu của Bác Hồ, trong một lần đoàn chèo của chị diễn vở “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”. Xem xong, Bác lên sân khấu bắt tay từng người, hỏi mọi người có muốn nghe Bác phát biểu ý kiến không. Bác Hồ đi đi lại lại mấy bước rồi cất tiếng đọc:

Một đôi Sơn Bá, Anh Đài,

Chữ tình đáng trọng, chữ tài đáng thương.

Chỉ vì ông già dở dở ương ương,

Bác dừng lại chỉ tay vào chị Hồng Liên, người đóng vai Chúc công, bố của Chúc Anh Đài:

Làm cho đôi lứa uyên ương không thành.

Bác ngừng đọc, đi đi lại lại, rồi Bác cất cao tiếng hơn, một tay Bác giơ lên:

Đánh cho phong kiến tan tành,

Cho bao nhiêu Anh Đài, Sơn Bá sẽ được thành lứa đôi”[3].

Đoạn trích này cho thấy Bác Hồ rất hiểu “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”. Có lẽ cần hiểu truyền thuyết có từ thời nhà Đông Tấn (317-420) này để thấm sâu hơn các câu thơ ứng khẩu của Người:

Cô gái trẻ Chúc Anh Đài (người Thượng Ngu, Chiết Giang), cải trang thành con trai tới Hàng Châu học tập. Trên đường đi, cô đã gặp và kết thân với Lương Sơn Bá, đến từ Cối Kê ( nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang). Sau khi cùng học 3 năm, hai người về quê, lúc chia tay Chúc Anh Đài nói sẽ làm mối để Lương Sơn Bá cưới người em gái 16 tuổi của mình. Khi Lương Sơn Bá đến nhà Chúc Anh Đài, chàng mới rõ sự thật. Họ yêu nhau, hẹn nguyền và thề ước, nhưng Chúc Anh Đài đã bị cha mẹ mình hứa gả cho Mã Văn Tài. Đau buồn và thất vọng, Lương Sơn Bá chết tại huyện Ngân khi đang đương chức huyện lệnh. Ngày Chúc Anh Đài phải lấy Mã Văn Tài, khi đoàn đón dâu ngang qua mộ Lương Sơn Bá, một trận cuồng phong nổi. Chúc Anh Đài rời kiệu hoa đến trước mộ người yêu. Mộ phần bỗng nhiên mở ra và nàng đi vào trong đó. Từ trong mộ, một đôi bướm rất đẹp bay ra quấn quít bên nhau và mất hút vào không gian. Ghi chép sớm nhất về truyền thuyết này có vào cuối thời nhà Đường. Trong Tuyên thất chí (宣室志), tác giả Trương Độc (張讀) vào khoảng những năm 850-880.Truyền thuyết này cũng được ghi chép lại trong nhiều tài liệu chính thức khác, như Ngân huyện chí (鄞縣志), Ninh Ba phủ chí (寧波府志). Qua đây người đọc càng thấy lời bình chí lý của Bác: “Chữ tình đáng trọng, chữ tài đáng thương”.

Bác Hồ dùng văn học vào mục đích tuyên truyền, giáo dục, nhất là thế hệ trẻ phải làm thật tốt nhiệm vụ cách mạng. Có khi Ngư­ời chỉ kể những câu chuyện có trong thực tế để mọi ngư­ời cùng rút ra bài học. Cũng là “lễ cưới” nh­ưng một thì vì nhiệm vụ, một thì xa hoa, lãng phí. Ngư­ời kể mời “bà con” cùng chứng kiến. Đây là câu chuyện số 2:

“- Cô Phạm Thị Kim Th., chủ nhiệm cửa hàng hợp tác xã mua bán và cậu Phí Mạnh B, sinh viên đại học Y d­ược, kết duyên Châu Trần. Hai ngư­ời cùng ở xã Đông Lĩnh (Phú Thọ). Lễ cư­ới đó "tiết kiệm" nh­ư sau:...Tạm tính các khoản chi phí với giá rẻ, thì lễ cưới này cũng tốn độ 1.050 đồng. Ngoài ra còn phải 20 người phục vụ cho lễ cưới trong ba ngày…”[4]. Ngoài lời kể khách quan, để cho câu chuyện thêm phần dí dỏm và hư­ớng “bà con” đến nhận định của riêng mình từ hai lễ cưới hoàn toàn t­ương phản nhau, ng­ười kể thêm lời bình luận bằng hai câu ca ở cuối mỗi câu chuyện. Một là đồng tình: Việc công tr­ước, việc tư sau/ Chữ duyên càng đượm, càng sâu chữ tình! Một là phê phán nhẹ nhàng: Cô cán bộ, cậu sinh viên/ Xa hoa lãng phí, không phiền lòng ru?

Ở “chuyện số 2” tác giả dùng một truyền thuyết Trung Quốc đã được Việt hoá bằng thành ngữ “kết duyên Châu Trần”. Ca dao có câu:

"Chợ Dóng một tháng sáu phiên,

Bắt cô hàng xén kết duyên Châu Trần"

Trong Truyện Kiều có 2 lần Nguyễn Du nói về điển tích này:

“Tìnhxưaântrảnghĩađền,
Gia thân lại mới kết duyên Châu Trần”

“Mụcàngxuigiụcchonên,
Lấy lời hung hiểm ép duyên Châu Trần”.

Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, quyển 2 có Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu cũng có điển cố này: “Từ Đạt ở Khoái Châu, lên làm quan tại thành Đông Quan thuê nhà ở cạnh cầu Đồng Xuân, láng giềng với nhà quan Thiêm thư là Phùng Lập Ngôn. Phùng giầu mà Từ nghèo; Phùng xa hoa mà Từ tiết kiệm; Phùng chuộng dễ dãi mà Từ thì giữ lễ. Lề thói hai nhà đại khái không giống nhau. Song cũng lấy nghĩa mà chơi bời đi lại với nhau rất thân, coi nhau như anh em vậy. Phùng có người con trai là Trọng Quỳ, Từ có người con gái là Nhị Khanh, gái sắc trai tài, tuổi cũng suýt soát. Hai người thường gặp nhau trong những bữa tiệc, mến vì tài, yêu vì sắc, cũng có ý muốn kết duyên Châu Trần. Cha mẹ đôi bên cũng vui lòng ưng cho, nhân chọn ngày mối lái, định kỳ cưới hỏi”.

“Duyên Châu Trần” có từ một câu chuyện Trung Quốc thời cổ, kể về câu chuyện ở huyện Phong thuộc Từ Châu có thôn Châu Trần. Trong thôn chỉ có hai họ Châu Trần đời đời kết hôn với nhau, sau này trong văn chương “Châu Trần” thành điển cố.

Như vậy nghĩa ban đầu của điển cố này chỉ những câu chuyện hôn nhân đẹp, bền vững nhưng sang Việt Nam thì nghĩa phong phú hơn, kết duyên không chỉ là “môn đăng hộ đối” mà còn là “bắt”(ca dao), là “ép” (Truyện Kiều), và nhất là trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ thì gia cảnh và tính cách hai “thông gia” khác hẳn nhau. Tại sao Bác Hồ không dùng điển cố này cho “Chuyện số 1” mà lại cho “chuyện số 2”? Đấy là tác giả nhại để chế giễu nhẹ nhàng “lễ cưới” xa hoa lãng phí không hợp thời. Rõ ràng Bác dùng điển cố đã được Việt hoá để làm bật lên nghịch cảnh: trong khi mọi người quên hạnh phúc riêng vì nghĩa chung (như ở “Chuyện số 1”) mà có người lại ngược lại vì hạnh phúc riêng, đặt hạnh phúc riêng lên trên hết, để rồi trở thành trò “lố” đáng chê (như “chuyện số 2”). Rất có thể Bác Hồ đã đọc Truyền kỳ mạn lục để học tập ở đó phép tương phản của hai “lễ cưới”, của lễ cưới ở “chuyện số 2”với nhiệm vụ của thanh niên lúc bấy giờ: “Một lòng bảo vệ nước nhà/ Thanh niên như thế mới là thanh niên”.

Đặc biệt Hồ Chí Minh hay dùng những câu chuyện cổ, những tấm gương trong kho tàng văn hoá Trung Quốc để giáo dục cán bộ nhân dân về đạo đức cách mạng. Đây là bài học cho chúng ta về việc kế thừa những nét đạo lý truyền thống để giáo dục nhân cách con người hôm nay:

“Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày. Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt việc xấu”[5].

Bài học tu thân này đã thật quen thuộc với người Việt: có người tự rèn mình bằng cách vào mỗi tối nghĩ lại trong ngày mình đã làm được việc gì tốt thì bỏ hạt đỗ trắng vào một lọ, việc gì chưa tốt thì bỏ hạt đỗ đen vào lọ kia. Cứ ngày nọ sang ngày kia cố gắng sao cho lọ có hạt đỗ trắng đầy lên. Có lẽ thành ngữ Hán Việt “tu nhân tích đức” có xuất xứ từ câu chuyện này? Câu chuyện cổ thật thích hợp với yêu cầu “cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày”.

Bác Hồ nói chuyện về hội hoạ thật thấm thía:

“Vẽ rất quan trọng, Bác gần tám mươi tuổi rồi mà Bác còn nhớ hình ảnh ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ trong sách giáo khoa ngày xưa. Nhân dân ta rất thích tranh vẽ, nhưng có những bức vẽ không ai hiểu gì cả. Hình như mấy chú vẽ cho mình xem chứ không phải vẽ cho quần chúng…”[6].

Ít nhất có mấy ý nghĩa sau toát ra từ ví dụ này:

Một là, “Nhân dân ta rất thích tranh vẽ”, do vậy “Vẽ rất quan trọng” trong việc tuyên truyền giáo dục.

Hai là nhắc nhở mọi người về “đạo hiếu”.

Ba là những bức vẽ phải chân thực, giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ thưởng thức của người xem.

Đầu tháng 6-1968, Bác Hồ làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc xuất bản loại sách Người tốt việc tốt. Người nhắc nhở:

“Chú có biết người xưa đã có những cách giáo dục sâu sắc như thế nào không? Chú còn nhớ những chuyện Nhị thập tứ hiếu không?

Bác gần tám mươi tuổi mà vẫn còn nhớ chuyện ông Lão Lai, vợ chồng Quách Cự, chú bé Hán Lục Tích... hiếu thảo với cha mẹ như thế nào…”[7].

Đây là bài học cho chúng ta hôm nay về việc “Học tập cách giáo dục của ông cha ta” nhưng phải gắn với hoàn cảnh của thời đại mới. Bác Hồ đã phát triển chữ “hiếu” ở ngày xưa là “chỉ có hiếu với bố mẹ”, còn ngày nay chữ “hiếu”, ngoài nghĩa gốc phải mở rộng thành “trung với nước, hiếu với dân”.

Đầu những năm kháng chiến chống Pháp, Chính phủ phát động phong trào “bình dân học vụ”. Nhiều tấm gương “diệt giặc dốt” cho thấy tính hiệu quả cao của phong trào. Một cụ già có tên là Nguyễn Ban ở Quảng Nam gửi thư cho Bác Hồ, Người vui mừng gửi thư trả lời:

“Cụ gửi thư cho tôi biết rằng cụ đã học xong chữ quốc ngữ. Đọc bức thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Noi gương cụ, con cháu cụ, đồng bào Việt Nam từ 7 tuổi đến 70 tuổi ai mà nỡ lòng làm biếng, ai mà chẳng cố gắng học hành. Đời xưa bên Trung Quốc có ông Tô Lão Tuyền 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm còn để đến ngày nay.

Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng bốn chữ "lão đương ích tráng". Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà”[8].

Bác Hồ lấy câu chuyện cổ Trung Quốc để động viên cổ vũ những cụ già"lão đương ích tráng", tuổi già mà chí khí lại càng mạnh mẽ. Tấm gương ông Tô Lão Tuyền ngày xưa 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm sống mãi với thời gian, thì cụ Nguyễn Ban đã 77 tuổi, tiếng thơm còn hơn thế, “sẽ truyền khắp cả nước”, xứng đáng là “một tượng trưng phúc đức của nước nhà”. Qua đây còn toát lên một quan niệm về “phúc đức” của Hồ Chí Minh: phải có học, có sức khoẻ, có ý chí, có đạo đức, là tấm gương cho người khác.

Trong bài báo Thực dân Pháp xâm lăng Bidéctơ, mở đầu bài viết, tác giả T.L.(Hồ Chí Minh) mượn một câu tục ngữ A Rập:

“Người A Rập có câu tục ngữ: "Một kẻ địch ở trong nhà, muôn phần nguy hiểm hơn là vạn kẻ địch ở ngoài sân".

Bidéctơ là một cửa biển của nước Tuynidi, có 44.700 nhân dân. Trước ngày Tuynidi độc lập (1956), thực dân Pháp đã xây dựng ở đó một căn cứ quân sự kiên cố.

Từ ngày Tuynidi độc lập, căn cứ ấy chẳng những xâm phạm đến chủ quyền của Tuynidi, mà còn uy hiếp cả các nước Bắc Phi”[9].

Vì Tuynidi thuộc văn hoá A Rập nên tác giả lấy ngay câu này làm mở đầu nói về tính chất nguy hiểm của căn cứ Pháp như "Một kẻ địch ở trong nhà” vậy. Ví dụ này cho thấy Bác Hồ dùng chữ rất phù hợp với văn cảnh.

-----------------

HT

[1] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 220

[2] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9, tr 543

[3] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ…Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 2, tr 140, 141.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 11, tr 415, 416

[5] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 12, tr 557.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 12, tr 552.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 12, tr 558.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 674.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 385.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)