Bác Hồ giáo dục tinh thần thương yêu đoàn kết

Thứ Năm, 05/12/2019 09:20

.THANH NGUYÊN

 

Đồng chí Phạm Văn Đồng là người được gần gũi nhiều với Bác từng có nhận xét điểm nổi bật ở Bác Hồ là tình thương yêu con người. Nhìn dưới góc độ những câu chuyện đời thường của Bác cũng thấy điều nhận xét trên là đúng. Năm 1956, chuẩn bị đón một vị Tổng thống nước bạn Bác đi thăm các công nhân mắc điện, Bác chia thuốc lá, có người hỏi xin hộp thuốc, Bác nói:

- Các chú đã có phần rồi. Cái hộp này Bác để dành cho các cô để các cô đựng kim chỉ chứ!”[1].

Qua chi tiết này chứng tỏ sự quan tâm của Người thật cụ thể, từ cái nhỏ nhặt nhất. Nhưng chính từ cái nhỏ nhặt ấy mà ý nghĩa lại càng lớn. Ngày 15-1-1948 Người gửi thư cho ông Đinh Công Phủ, người Mường, lang đạo vùng Mai Đà (Mai Sơn, Đà Bắc, Hoà Bình): “Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm, cũng như tôi mặc ấm”[2]. Đúng là không có ranh giới giữa vị Chủ tịch Nước và người dân thường, nói khác đi Bác Hồ đã coi cái ấm lạnh của dân cũng là cái ấm lạnh của mình. Khi là Chủ tịch Nước, Bác thường ngủ một mình, một hôm tưởng Bác đã ngủ, người thư ký tắt đài. Bác nói:

- Cứ để đấy chú ạ. Để nghe cho có tiếng người. Chú ở nhà, dù con khóc hoặc vợ nói dỗi, có khi nặng lời, nhưng đều là tình cảm gia đình...”[3]. Chỉ một câu nói nhưng làm người nghe thấm thía, về hoàn cảnh cô đơn của một người đã hy sinh hạnh phúc riêng vì mọi người, về giá trị của mái ấm gia đình.

Rất nhiều người thừa nhận ở Hồ Chí Minh có sức mạnh cảm hoá, có lẽ sức mạnh ấy bắt nguồn từ tinh thần nhân ái: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”[4].

Cuối tháng 4- 1946 Bác cùng phái đoàn chuẩn bị sang Pháp. Một số anh em lo sắm sửa quần áo. Bác nói:

“- Các chú muốn thi đua với Tổng thống, Thủ tướng nước ngoài về ăn mặc thì thua họ thôi. Bác cháu ta thi đua với họ về lòng yêu nước, thương dân thì ta mới thắng”[5]. Như vậy yêu nước, thương dân luôn thường trực trong con người Hồ Chí Minh bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu.

Ngày 20-2-1961 Người về thăm Pác Bó, xe dừng bánh, đồng bào ùa ra xúm xít, Người hỏi:

  • Bà con làm gì mà đông thế này?
  • Đón Bác ạ! Năm mới chúc Bác mạnh khoẻ ạ!

Người lần lượt nhìn mọi người rồi nói:

Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!”[6].

Chỉ một câu nói mà toát ra cả một tư tưởng: cả đất nước này là ngôi nhà, mọi người dân Việt Nam là anh em sống trong ngôi nhà ấy.

Không chỉ đối với con người mà đối với những vật vô tri Người cũng dành tình cảm thân thiết. Một cái răng rụng, một cái gậy bị mất cắp trong Nhật ký trong tù cũng như có linh hồn của con người. Hai bài thơ là hai câu chuyện ngụ ngôn về tình cảm con người và những vật dụng quen thuộc:

“Cứng rắn như anh chẳng kém ai,

Chẳng như lão lưỡi dẻo và dài;

Ngọt bùi cay đắng từng chia sẻ,

Nay kẻ chân mây, kẻ cuối trời”[7].

“Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường,

Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương;

Giận kẻ gian kia gây cách biệt,

Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương”[8].

Hai nét tư tưởng nổi bật ở Hồ Chí Minh là tình thương yêu và sự đoàn kết. Không ngẫu nhiên những câu ca dao ngụ ngôn "Một cây làm chẳng nên non/ Nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao", “sẻ áo nhường cơm”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”… rất hay được Người sử dụng:

“Tục ngữ có câu: "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao". Việc gì mà một mình, tuy có tài giỏi mấy cũng không làm được, mà nhiều người chung sức lại, thì việc gì cũng làm được.

Thí dụ: Một chiếc thuyền phải có người chèo, phải có người lái. Chỉ có người chèo không có người lái cũng không được. Cho nên người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau”[9].

“Trong sự sẻ áo nhường cơm cứu giúp nạn đói, người có nhiều giúp nhiều, người có ít giúp ít. Tuy có người ít, người nhiều, nhưng ai cũng sẵn sàng giúp đỡ những đồng bào đói khổ”[10].

Người cũng hay mượn hình ảnh sông, núi để khẳng định ý chí đoàn kết không gì lay chuyển của người dân Việt Nam, và nhất là hình ảnh bàn tay:

“Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”[11].

“Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!

Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ”[12]. Ngụ ngôn về hình tượng bàn tay có sức chinh phục rất mạnh vì nó quen thuộc, gần gũi, đặc biệt sự so sánh dựa trên cơ sở tương đồng cao tạo nên giá trị biểu cảm lớn. Tháng 9-1958 về thăm tỉnh miền núi Yên Bái, Người nói:

“Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó”[13]. Với cách sử dụng hình tượng như vậy thì đồng bào người dân tộc, dù không biết chữ cũng hiểu.

Tiền thân của mô hình hợp tác xã là hình thức tổ đổi công, mà sau ngày kháng chiến thắng lợi nó đã góp phần không nhỏ vào sự đoàn kết lực lượng toàn dân. Bác Hồ kêu gọi:

“Có người còn sợ vào tổ đổi công. Một ngón tay có đỡ nổi cái ống phóng thanh? Năm ngón tay cũng chưa chắc, phải cả 10 ngón tay mới nổi. Ở nông thôn làm ăn riêng lẻ 1 - 2 nhà thì không tốt, làm ít kết quả, 5-10 nhà cùng làm thì nhanh hơn, tốt hơn”[14].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “nền gốc của đại đoàn kết” là đoàn kết đại đa số nhân dân: “Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ.

Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố: Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi. Trong chính sách đoàn kết cần phải chống hai khuynh hướng sai lầm: cô độc hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc”.

Ngày 2-5-1959 nói chuyện với đoàn đại biểu các dân tộc ít người về dự Lễ kỷ niệm ngày 1-5 ở Thủ đô, Bác Hồ nhấn mạnh về sự đoàn kết để cùng nhau tăng gia sản xuất qua ngụ ngôn:

“…muốn nhấc một hòn đá nặng, một người, hai người không thể làm được, nhưng 20, 30 người xúm xít nhau lại thì nhất định sẽ nhấc được hòn đá. Cũng như có bảy gia đình thì mỗi gia đình phải nấu một nồi cơm. Như vậy bảy gia đình đều phải bận vào việc nấu cơm. Nếu biết tổ chức thì chỉ cần một người ở nhà để nấu cho gia đình mình và cả sáu gia đình khác. Những người trong sáu gia đình đó có thể đi làm ruộng được cả”[15]. Phải đặt ngụ ngôn này vào thời điểm mới giải phóng, vào không gian vật lý của bà con dân tộc thường phải lên rẫy làm nương thì việc dăm bảy gia đình cùng nhau “nấu một nồi cơm” không chỉ tăng cường tình đoàn kết mà còn là hình thức tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động. Giữa tháng 5- 1959 lên thăm nhân dân Sơn La, Người có một ngụ ngôn quen thuộc với đồng bào miền núi:

“Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc, v.v. đều là anh em ruột thịt một nhà chứ không phải Kinh ăn hiếp Thái, Thái ăn hiếp Xá, Puộc như trước nữa. Cũng ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gãy. Bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gãy được không? Chẳng những không ai bẻ gãy được, mà ai bẻ chúng ta đánh vào cái đầu nó. Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này.

Cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này. Nếu mà Tây, Mỹ muốn xâm phạm nước ta, ta sẽ đánh vào đầu nó”[16] . Người không dùng “bó đũa” vì hình ảnh “bó que” thân thuộc, vả lại nếu dùng “bó đũa” thì xa lạ với tập quán ăn dùng tay (thời đó) của đồng bào.

Có một đặc điểm ở ngụ ngôn Hồ Chí Minh thường là mượn những thành ngữ, tục ngữ, ca dao ngụ ngôn, trên cơ sở đó đưa ra những “lời quy châm” thích hợp với hoàn cảnh mới. Nhưng cũng có khi Người mượn và biến đổi hình thức cũ để nói về cái hiện tại. Ngay sau ngày kháng chiến thắng lợi chúng ta tiến hành xây đập sông Chu lấy nước phục vụ nông nghiệp, nhân sự kiện này, trên báo Nhân dân số 315 ngày 10-1-1955 Bác Hồ có bài viết Lực lượng to lớn của nhân dân khen ngợi, có đoạn: “Tục ngữ có câu "Mọi người đồng lòng, tát bể Đông cũng cạn". Bể Đông còn tát cạn được, thì việc gì khó khăn tày trời cũng nhất định thành công”[17]. Thành ngữ gốc là “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” nhưng tác giả đã bỏ mệnh đề đầu thay vào đó mệnh đề "Mọi người đồng lòng” phù hợp với hoàn cảnh mọi người cùng đắp đập. Ở mệnh đề sau được giữ nguyên vì là hai công việc gần gũi ở cấp độ to lớn, nếu “tát bể Đông cũng cạn" thì việc như đắp đập sông Chu là hoàn toàn có thể, nếu chúng ta “đồng lòng”.

Tháng 6 năm 1959 đến thăm khu gang thép Thái nguyên, Bác nói:

  • Nếu mười người cùng đẩy xe, cùng dô hò thì xe sẽ chạy bon bon. Còn nếu người thì đẩy, người thì không, có người lại vờ đẩy thôi thì không thể đẩy xe được...”[18].
  • Ngày 2-2-1960 Bác về thăm Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Bác nói:

“ ...các cô các chú không nên coi thường sáng kiến kinh nghiệm của người khác. Cộng một trăm cái sáng kiến nhỏ lại sẽ thành một sáng kiến to. Nếu bỏ cái nhỏ, coi thường cái nhỏ thì bỏ một trăm cái nhỏ tức là ta đã bỏ một cái lớn... Câu tục ngữ “Ba anh thợ da họp lại thành Gia Cát Lượng”, nghĩa là bất kỳ khó khăn như thế nào nếu tất cả mọi người chung lòng chung sức thì đều có thể vượt qua được: Một người không làm được thì mười người, mười người không làm được thì họp một trăm người lại... nhất định sẽ làm được ...”[19].

Những bài học ấy hôm nay vẫn là những bài học thường ngày mà mỗi chúng ta phải học!

T.N

---------------------------

 

[1] Bác Hồ- con người và phong cách. NXB Lao động, 1993, tr 123.

[2] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 149.

[3] Thư ký Bác Hồ kể chuyện,Nxb Thanh niên, 2005, tr 228, 229.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 558

[5] Bác Hồ - con người và phong cách. Nxb Thanh Niên, 2005, tập 1, tr 39, 40

[6] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, Tập 8, tr 31

[7] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 3, tr 323

[8] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 3, tr 365

[9] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 150

[10] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, tr 123.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, tr 217.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, tr 246.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 226.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 227

[15] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 431.

[16] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 443.

[17] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 440

[18] Chúng ta có Bác Hồ, NXB Lao động, 2001, tr 52.

[19] Chúng ta có Bác Hồ, NXB Lao động, 2001, tr 76.

 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)