Trên dấu chim di thê trên vết thương phận người

Thứ Năm, 12/12/2019 09:13

.LÊ SI NA

Khi Văn Cầm Hải đặt bút viết bài ca về Apollinaire - một nhà thơ lớn của Pháp - Dù thời đại lưỡng tính/ Anh không ăn bóng một thời thơ đã qua, tôi cho rằng đó cũng là lúc đầy kiêu hãnh và thách thức, anh xác lập quan điểm sáng tạo của riêng mình. Vào thập niên 1990, người ta biết đến Văn Cầm Hải như một hiện tượng thơ độc đáo với tư duy phức cảm trừu tượng và ngôn ngữ biến hóa khôn lường, mở ra một thế giới vừa lãng mạn huyền ảo vừa đẹp đẽ gần gũi lại vừa bí ẩn xa xôi. Người thơ ấy không ít lần trở thành chủ đề tranh cãi trên thi đàn, riêng tôi đồng tình với Nguyễn Trọng Tạo khi cố thi sĩ này khẳng định, Văn Cầm Hải là một “tư duy khác, một cách lập ngôn khác, một nhạc điệu khác”.

Và cái sự “khác” ấy còn được Văn Cầm Hải thể hiện ở một thể loại ngoài thơ ca - bút kí văn học, với các tác phẩm như Trên dấu chim di thê (2003), Tây Tạng - giọt hoa trong nắng (2004), Bụi đường tơ lụa, Sự trầm lặng của Mississippi (2005). Bằng kiến văn rộng lớn, đặc biệt là sự am hiểu sâu sắc văn hóa, tôn giáo, triết học, nghệ thuật… cùng việc sử dụng ngôn ngữ cực kì hiện đại Tây phương mà vẫn nhuần nhị những rung cảm thiết tha rất đỗi truyền thống, bằng văn chương tràn đầy cảm xúc, giàu chất thơ, mạnh mẽ xen lẫn dịu dàng, tinh tế hài hòa cùng sang trọng, nhà văn Văn Cầm Hải đã xuất sắc đưa người đọc du kí qua từng con chữ để phiêu lưu và trải nghiệm, khám phá và suy tư, tỉnh thức và đau đớn mà không phải cây bút kí đương đại nào cũng làm được.

Chẳng biết có phải vì thái độ “tương kính như một cặp tình nhân” với cả thơ ca lẫn văn xuôi hay không mà đến bút kí, Văn Cầm Hải cũng viết với một niềm hứng khởi đặc biệt. Đọc bút kí của anh, người ta thấy tất cả như được viết ra một cách hồn nhiên đến điêu luyện bởi câu thúc bản năng, bởi xung đột giữa im lặng và lên tiếng, bởi những ám ảnh thân phận cần được cởi giải. Và thiên bút kí đầu tay do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành - Trên dấu chim di thê, lần theo dấu chân lưu lạc và vết thương phận người, là một sự giải phóng cho những trạng thái đó. Tác phẩm được viết trong một chuyến dịch chuyển không gian thú vị vào năm 2002 khi Văn Cầm Hải theo học đạo diễn truyền hình tại thành phố Hilversum, Hà Lan. Với sự chuyên nghiệp của chàng phóng viên dấn thân khắp hang cùng ngõ hẻm nhiều nước châu Âu và tư chất nhạy cảm đặc biệt trước nỗi đau và số phận con người của một nhà văn có trái tim nồng ấm, Văn Cầm Hải đã tìm hiểu, lắng nghe, đối thoại với từng kiếp người, sống với từng mảnh đời. Để rồi, những trang văn ấy gây cho người đọc những khắc khoải nhức nhối khôn nguôi trước bao nhiêu cảnh đời bi thương đến cùng cực, dạt trôi đến quên lãng, vong thân đến sầu xứ.

Lưu vong là một hiện tượng có từ khởi thủy loài người. Khi chàng Kinh Kha nước Tề năm xưa di cư sang Vệ rồi không được vua Vệ trọng dụng mà phải rời quê nhà đến đất Yên, khi người Do Thái mấy mươi năm trước Công nguyên bị đánh bật khỏi quê hương phải di tán khắp nơi coi bốn bể là nhà…, thì đã là những ám ảnh lằn in vào “vô thức tập thể”. Nhưng cho đến những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, “diaspora” mới trở thành cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong lí thuyết văn hóa và văn học như một phát hiện thú vị. Ở Việt Nam, trong sáng tác của một số nhà văn Nam Bộ từ Hồ Biểu Chánh cho đến Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư, cảm thức lưu lạc, bị chia tách khỏi nơi chốn quen thuộc, lạc lõng giữa biển đời mênh mông được nhắc đến như một nỗi niềm day dứt. Thế nhưng, thẳng thắn, không giấu giếm, thậm chí đau đáu phơi bày bi kịch của những người Việt vì rất nhiều lí do mà phải di cư sau năm 1975 thì Văn Cầm Hải là một trong những nhà văn sớm ráo riết đề cập. Anh không tìm đến những thể loại đậm chất hư cấu như truyện ngắn, tiểu thuyết, mà chọn bút kí như một cách ghi chép, kể lại và thể hiện cái nhìn chân thực sinh động nhất.

Trong tập bút kí gồm mười lăm câu chuyện nhỏ có vẻ mỏng manh ở dung lượng nhưng lại đầy công phu về thông tin cũng như phong phú hiện thực này, người tha hương xuất hiện trước hết chính là người Việt - những người lựa chọn lưu vong vì nhiều can cớ khác nhau. Số phận và mối nhân duyên kì lạ nào đó đẩy đưa họ gặp gỡ người viết, để rồi bao nhiêu bi kịch đời người, bao nhiêu nỗi niềm hoài hương cố xứ như tràn ra, xâm chiếm từng trang viết tác giả, bám riết tâm trí người đọc. Mở đầu tác phẩm là ấn tượng về một cuộc “hiếp khô” kinh hoàng trong không trung. Trên chiếc Boeing giá lạnh đưa tác giả đi từ Hà Nội đến Amsterdam, gã đàn ông trạc bốn mươi ngồi cạnh mang theo một cô bé ngơ ngác “như tôi từ thuở nào rời áo mẹ qua sông” đã không ngần ngại đẩy đóa hoa mình mua được với giá rẻ mạt hơn hai nghìn đô từ Sơn Tây vào phòng vệ sinh rồi tiến hành mười phút dã thú. Nhà văn đã kể lại bằng một nỗi phẫn uất ứ nghẹn, một thái độ bất lực và nỗi buồn mênh mông như lan cả vào không gian mà chuyến bay xuyên qua. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với cô bé Sơn Tây thơ dại trong giấc mơ còn ú ớ gọi mẹ và khát khao về nhà được Văn Cầm Hải truyền đạt chậm rãi từ tốn, nhưng mỗi lời kể lại như một vết dao cứa mạnh khiến người đọc thắt lòng. Có bao nhiêu giấc mơ đổi đời, bao nhiêu sự đánh cược và bao nhiêu “đứa trẻ chết già” như thế? Đa phần những người Việt tha phương mà tác giả gặp gỡ đều khao khát một đời sống sung túc hơn, đều mưu cầu tìm thấy giá trị sống nào đó ở phía bên kia đại dương. Có kẻ thỏa nguyện, có người không như ý nhưng hầu hết mang một bi kịch tinh thần riêng. Đó là vị sư già bên bờ biển La Haye mà tác giả gặp trong buổi chiều “tàn hơi tái lạnh”. Kí ức của người ấy dần hiện ra với quá khứ là một thuyền nhân lênh đênh rời bỏ vợ con và đất nước, từng làm dịu cơn đói bằng mùi tanh của máu, chấp nhận trở thành cướp biển để bảo toàn tính mạng, cúi đầu trước sự khinh bỉ của tên học trò cứu sống mình. Khi kể câu chuyện này, Văn Cầm Hải đã giữ một thái độ không phán xét, không chê trách mà kiên nhẫn lắng nghe bằng sự ấm áp cảm thông. Anh nhận ra nỗi đau nghiệt ngã ẩn khuất sau chiếc áo tu hành bình thản, nhìn thấy nỗi u uất tột cùng trên gương mặt tưởng chừng không còn tơ vương bụi trần, để hiểu “chiến tranh tàn khốc hay cơn đói dã man vẫn không làm cho ta điên, nhưng cô đơn, không nỗi lòng chia sẻ đã dồn đẩy kẻ tha phương vào chân tường”. Là Thanh, vốn là đảng viên, nhân vật tác giả gặp trong Người chị miền Đông Đức ước mơ vươn tới cuộc sống khá khẩm hơn. Để được ở lại Đức, Thanh “khai dối mình là kẻ tị nạn chính trị, không hồi hương, không chịu đựng được chế độ cộng sản ở Việt Nam”. Sự dối trá ấy cùng bao nhiêu lần chui lủi và những cơn đau thể xác tự gây ra cho mình cuối cùng cũng không khiến Thanh được dung nạp. Thanh buộc rời khỏi trại tị nạn và bị dẫn độ về nước với hàng chục vết thương trên cơ thể lẫn sự tủi nhục trong tâm hồn. Là Thủy Tiên, cô gái được anh trai bảo lãnh sang Hà Lan rồi lấy chồng người bản xứ. Những tưởng cuộc sống sung sướng đề huề nơi đất khách phần nào xoa dịu cảm giác thiếu quê hương, nhưng những cơn sóng lòng vẫn cứ âm ỉ khôn nguôi bởi càng cố quên dĩ vãng quê nhà thì lại càng nhung nhớ. Cô dự cảm “Đạm Tiên chết bên lề cỏ, tôi chết bên lề văn minh phương Tây”. Là nhà văn Cao Xuân Tứ có hơn bốn mươi năm lang thang ở hải ngoại, lúc chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ ông “trở thành người Việt Nam đầu tiên định cư trên đất nước của hoa tulip”. Người thơ phiêu bồng ấy vượt qua được những mặc cảm lịch sử nhưng vẫn hoang vắng cô đơn vì số kiếp rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Là Mây, cô gái Huế chính gốc bán hàng sứ mĩ nghệ Việt Nam duy nhất ở Amsterdam. “Như một chiếc lá mờ dần chất diệp lục”, Mây thà chết già nơi xứ lạ còn hơn trở về nhà mà không có nổi chiếc áo hào hoa lịch lãm khoác lên mình…

Chính niềm yêu thích dịch chuyển từ Đông sang Tây cùng tấm lòng bốn phương và ý nguyện kết giao bè bạn khắp thiên hạ đã khiến cho tâm thế cúi xuống những phận đời của Văn Cầm Hải không giới hạn trong một màu da sắc tộc nào, theo đó, văn chương của anh trở thành văn chương không biên giới. Có một điều dễ thấy ở Văn Cầm Hải là tinh thần sống tận tụy với mỗi mảnh đất anh đến, mỗi xứ sở anh qua, mỗi con người anh gặp. Trong những ngày lang thang trên đất châu Âu, sự tận tụy ấy thể hiện qua tấm tình mà nhà văn dành cho rất nhiều người bạn đa sắc tộc, đa tôn giáo cũng biệt xứ li hương. Họ là ai? Là một “kì nữ Trung Quốc trên chuyến xe Eurolines” với “cơn làm tình guitar dưới đất”. Sau cú sốc và sự choáng váng, người đọc mới hay cô gái bán thân là một sinh viên ngành xã hội học, làm điếm nghiệp dư để có tiền đi đủ năm trăm địa danh. Là Natalia, một kĩ nữ Ukraina vốn là con gái của bí thư huyện ủy vùng ngoại ô Kiev mà nhà văn gặp trong đêm lang thang trên phố Amsterdam. Đối với những cô gái phố Red Light, nhà văn đã viết về họ bằng sự chân thực đến nghiệt ngã nhất nhưng cũng giàu thương cảm nhất. Đặc biệt ở cuối thiên tùy bút, khi Văn Cầm Hải gặp lại Duly, người bạn gái Tây Ban Nha từng đến Huế, bao nhiêu thảng thốt thất vọng chua chát cay đắng lẫn nỗi niềm thương mến trào ra. Người con gái trẻ trung tuyệt vời “như một bài thơ Lorca” sau bảy năm không gặp đã lưu lạc thành một người đàn bà làm điếm lòng đầy hận thù, cũ kĩ và già nua…

Những người bạn - “cánh chim di thê” của Văn Cầm Hải còn là những người mang trong mình nỗi đau dân tộc. Chẳng biết có phải từ chiến tranh và lịch sử của dân tộc mình mà nhà văn đã thấu tỏ nỗi đau của dân tộc bạn hay không, nhưng mỗi dòng mỗi chữ tác giả viết về những cuộc trốn chạy li cắt tàn khốc hay định kiến kì thị đều đau đớn xót xa đến kiệt cùng. Fey - “kẻ không thiêng xứ mình”, một người bạn Ethiopia - phải trốn chạy chính tổ quốc vì sự nghi ngờ và hằn thù do toan tính quyền lực. Từ một nhà báo học tập Migration để làm nên những tác phẩm ngăn chặn nạn di cư tự do, Fey trở thành một đứa con bị đất nước chối từ. Còn Khan và Mary, đôi vợ chồng mang hai quốc tịch Palestine và Israel lại luôn “nằm trong tầm ngắm của những họng súng hằn thù hướng vào nhau”. Tình yêu vĩ đại và lớn lao của họ cuối cùng không thể chiến thắng sự thù ghét nghi kị giữa hai dân tộc. Khan “gục xuống như một đoạn kinh Coran rách nát” khi không thể tìm thấy vợ và con trai mình…

Trong quá trình nghiên cứu ở Đại học Harvard (Mĩ), Văn Cầm Hải từng khởi xướng khái niệm “organic memory” (kí ức chân như). Hầu hết những trải nghiệm về phận người trong Trên dấu chim di thê đều được khai thác từ kí ức nguyên sơ, trọn vẹn của nhân vật. Họ phơi trải kí ức của mình qua những tâm tình với tác giả. Và chính việc để cho kí ức trở thành một sợi chỉ mỏng manh mà bền bỉ kết nối quá khứ hiện tại tương lai đã khiến cho hiện thực mà nhà văn kể đến trở nên sống động chân thực giàu sức thuyết phục. Phía sau mỗi số phận lưu vong thường gắn liền với một biến động lịch sử. Chính Văn Cầm Hải từng phát biểu: “Màu sắc lịch sử và văn hoá dân tộc có thể phóng chiếu qua số phận một con người”.

Người đọc dễ thấy một điều, những nhân vật xa xứ trong văn chương Văn Cầm Hải, dù họ là ai dân tộc nào ở đâu, thì li hương hay mất căn cước cũng không thể khiến họ lãng quên cội nguồn. Từng nhân vật mà nhà văn gặp gỡ chứng kiến và kể lại đều chắt chiu níu giữ nuôi nấng những gì đẹp đẽ nhất thuộc về nơi chốn mình sinh ra. Đó là Fey không một phút rời xa tấm khăn choàng trắng, là Thủy Tiên với khúc dân ca Nghệ Tĩnh, là ngôi chùa Vạn Hạnh với tiếng kinh kệ vang lên thầm thì cùng mùi khói hương nồng nàn ở xứ Bắc Âu, hay giọng hát của chính tác giả với những ca khúc Vũ Thành An trong lòng Paris… Tất cả đều như nốt nhạc trong trẻo tươi lành khiến cho nỗi buồn thân phận và vết thương lòng người được xoa dịu an ủi phần nào.

Trên dấu chim di thê còn là cái nhìn đầy nhức nhối, thể hiện trách nhiệm của một người cầm bút có lương tri trước các cuộc chiến tranh phi lí. Đó là sự thẳng thắn nhận định về tội ác mà quân đội Hitler gây ra cho người Do Thái hay lí giải cuộc đời lưu lạc cuối cùng phải vào nhà thương tâm thần của nữ phóng viên Nazifa (Đài phát thanh Kabul - Afganistan) chính là hệ luỵ những cuộc chiến chống khủng bố của Mĩ. Nhà văn cũng đau đáu trước sự thật, rằng người dân Trung Đông trở thành cộng đồng vong quốc lớn nhất nhì thế giới, “trong dòng máu người Trung Đông, lưu vong dường như trở thành một định mệnh lưu chảy từ đời này sang đời nọ kể từ khi Abraham vâng lời Chúa bỏ xứ ra đi bảo vệ thiên khải của Người”. Có thể nói, khi kể về những cuộc đời ở hải ngoại, ngòi bút Văn Cầm Hải đẫm trĩu tấm chân tình của một “vòng tay lớn” với tâm thế sẵn sàng kết giao bằng hữu. Anh xem thân phận của người như của chính mình, đau nỗi đau của đất nước bạn như đau nỗi đau của tổ quốc mình. Tác giả Ngọc Vũ trong một bài viết đã nhận xét: “Những tác giả như Văn Cầm Hải đã tiên phong trong con đường kết nối những tình cảm năm châu, đưa người đọc đến những vùng đất, những sự đồng cảm mới mẻ mà không phải tác giả nào cũng làm được, đặc biệt ở nền văn học chưa được quốc tế hóa mạnh như Việt Nam”.

Trên hành trình dấn thân và nhập cuộc này, với Trên dấu chim di thê, rất tự nhiên, Văn Cầm Hải đã bộc lộ một cái tôi nghệ sĩ ấn tượng ám ảnh, bởi sự hào hoa thông tuệ, cô độc ngút ngàn nhưng vô cùng lãng mạn tự do, xiển dương một cách sống hào sảng đại đồng. Trong một cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Văn Cầm Hải thực hiện tại Huế, Trịnh có nói rằng: “Trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm”. Tập bút kí của Văn Cầm Hải, với sự giải phẫu vết thương phận người bằng tất cả run rẩy trắc ẩn của một nhà văn, tôi nghĩ, đã và sẽ chạm gặp tức thì trái tim của những ai hữu duyên đọc nó. Mà câu chuyện của trái tim thì, mượn cách nói của thi sĩ Trần Dần, như “mưa rơi không cần phiên dịch”

L.S.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)