. Nguyễn Văn Thành
Trong bài báo Trong trần ai, ai cũng ghét Ai, Bác Hồ đã “tập” từ hai câu thơ trong Bình Ngô đại cáo: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” mà Nguyễn Trãi đã viết để nói về tội ác trời không dung đất không tha của giặc Minh thành:
“Chẻ hết tre rừng cao, ghi không hết tội
Múc hết nước biển cả, rửa không sạch thù!”[1].
để tố cáo, lên án đế quốc Mỹ mà đầu sỏ là Tổng thống Aixenhao đang cùng bọn tay sai Ngô Đình Diệm gây ra với nhân dân miền Nam Việt Nam.
Truy về nguồn gốc thì Cụ Nguyễn Trãi lại “tập” từ câu nói của Lý Mật, một lãnh tụ nông dân nổi dậy khởi nghĩa chống lại nhà Tuỳ:
“Khánh nam sơn chi trúc thư tội vô cùng
Quyết Đông hải chi ba lưu ác lan tận”
(Chặt hết trúc núi Nam cũng không ghi hết tội,
Sóng biển Đông tràn ra cũng không rửa hết mùi tanh hôi).
Câu nói này kết tội Tuỳ Dưỡng Đế giết cha, giết anh để chiếm ngôi, trong suốt 23 năm trị vì ông ta đã làm biết bao tội đến ma quỷ cũng còn sợ[2]. Hàm ý mỉa mai trong cách “tập cổ” của Nguyễn Trãi, ngoài tố cáo tội ác giặc Minh với dân ta, còn muốn nói rằng: các người có “truyền thống” tội ác, tổ tiên (triều đại nhà Tuỳ) các người (giặc Minh) đã từng có tội ác với anh em mình, dân mình như thế, khi trở thành kẻ xâm lược thì tội ác các người còn hơn thế nhiều.
Quả là văn chương thật vô cùng, càng học càng thấy các vĩ nhân có vốn hiểu biết thật uyên bác, sâu sắc, tinh tế!
Nguyễn Ái Quốc đọc Tứ thư, Ngũ kinh, dĩ nhiên, nhưng Người tiếp thu ở đó những cái hay, cái đẹp, những nét biện chứng dù còn thô sơ. Ví dụ dưới đây cho thấy Người học tập cái ngắn gọn, hàm súc, giản dị, dễ hiểu của triết học cổ Trung Quốc:
“Trong sách Luận ngữ, chúng tôi dẫn câu này: Tăng Tử trả lời "Tất nhiên". Câu ấy chỉ gồm có một từ. Một từ mà cũng đã rất đủ để thể hiện cả nghị lực và toàn bộ kiến thức của Tăng Tử…
Tôi thách ai có thể thêm, bớt một chữ nào trong câu ấy. Đó là lối hành văn thật sự trong sáng và cao xa”[3].
Đầu tháng 2-1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Chính phủ ta đi thăm Ấn độ và Miến Điện. Dưới hình thức những lá thư của L.T. “ là một trong mấy cán bộ có vinh hạnh được đi theo Bác”, người nhận là “em Hương”, tác giả tường thuật lại cuộc hành trình. Có thể coi đây là sự sáng tạo ra một hình thức thể loại văn học mới: tác phẩm pha trộn hai thể loại thư - nhật ký, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe để gửi cho người thân. Sự pha trộn hai thể loại này đã tạo ra hai đặc trưng nổi bật của tác phẩm là chân thực và tình cảm, thuyết phục người đọc ở cảnh, chinh phục người đọc ở tình. Lá thư cuối gửi từ Rănggun ngày 14-2-1958, phần kết “anh” nói với “em Hương”:
“Cuộc đi thăm hữu nghị của Bác và Đoàn đến hai nước bạn thế là kết thúc. Cả đi và về là 10.540 cây số trong 14 ngày. Em có xem truyện "Tây du ký", chắc em nhớ rằng đời nhà Đường (Trung Quốc) ông sư Huyền Trang sang Ấn Độ lấy kinh Phật cả đi và về mất 17 năm (từ năm 627 đến năm 644), dọc đường lại gặp nhiều yêu quỷ và lắm bước gian nan. Nhờ có "Tề thiên đại thánh" mới thoát khỏi mọi nguy hiểm. Ngày nay, đi từ Việt Nam hoặc Trung Quốc đến Ấn Độ chỉ mất một ngày. Khoa học đã chinh phục không gian và thời gian. Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học, chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”[4].
Một sự liên tưởng thật thú vị. Cũng là câu chuyện sang Ấn Độ thì người xưa, đi từ Trung Quốc “cả đi và về mất 17 năm”, “dọc đường lại gặp nhiều yêu quỷ và lắm bước gian nan”, còn “ngày nay, đi từ Việt Nam hoặc Trung Quốc đến Ấn Độ chỉ mất một ngày”. Tóm tắt ở mức cô đọng nhất câu chuyện dài vừa phù hợp với đối tượng trẻ thơ (em Hương), vừa làm nổi bật tác dụng của “Khoa học đã chinh phục không gian và thời gian”; vừa gợi cho “em Hương” say mê với văn chương, vừa hướng “em Hương” về con đường khoa học.
Cũng là truyện Tây du ký lại được Bác kể chuyện ở lớp Chỉnh Đảng Trung ương khoá 1 năm 1952 tại Việt Bắc: “Từ khi loài người có đầu óc tư hữu thì sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Đường Tăng là một vị chân tu, bản chất tốt, có lòng nhân hậu, có tính khoan dung. Ông ta muốn chống áp bức, nhưng không có đường lối cách mạng dẫn đường. Tin vào sức mạnh cảm hoá của đạo Phật, nên ông tình nguyện đi lấy Kinh Phật để truyền bá. Sau 14 năm trời, tức là qua 5048 ngày đêm, thầy trò Đường Tăng vượt 18 vạn 8 ngàn dặm đường, chịu đựng 81 tai ương để lấy được 55 bộ kinh gồm 5048 quyển. Đó là pho truyện dài, đấu tranh giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Còn có thể tìm thấy ở Tây du ký nhiều vấn đề bổ ích nữa. Đường Tăng là một người có lập trường kiên định, có bản lĩnh, tạo được cái “bất biến” để đối phó với cái “vạn biến”.
Còn Tôn Ngộ Không vì không tu hành đạo được nên vẫn còn cái đuôi. Khi Tôn Ngộ Không biến thành cái đình thì cái đuôi ở sau phải hoá phép làm cái cột cờ. Bọn ma vương thấy lạ, tại sao cột cờ ở phía sau đình, phát hiện ra cái đuôi của Tề Thiên Đại thánh nên không bị mắc lừa, không vào đình nữa, nên mưu của họ Tôn bị thất bại.
Bác nói tiếp:
“Người cách mạng chúng ta nếu không tu dưỡng thì cũng có phen có cái đuôi ấy, dù nhỏ sẽ có ngày gây hậu quả khôn lường”[5].
Nói về văn học Ấn Độ, Bác Hồ kể lại một câu chuyện mang màu sắc kỳ ảo nhưng lại có ý nghĩa chính trị:
“Đến năm 1897 tờ báo Kêxari mới ra đời, người chủ trương là Tilắc. Bài báo đầu tiên của ông là bài văn xuất sắc "Lời than của Xiôgi". Nội dung kể chuyện một ông vua cũ tỉnh dậy từ dưới mồ sâu, trở lại thăm vương quốc thân yêu. Ông rất buồn khi thấy thần dân của mình phải chịu kiếp nô lệ khổ nhục. Ông kêu gọi tất cả những người Ấn Độ hãy thức tỉnh và hợp lực để lật đổ ách ngoại bang và giành lại nền độc lập mà ông đã truyền lại cho họ”[6].
Người tái hiện lại lai lịch một vùng đất gắn liền với một thần thoại cổ xưa thi vị nhưng thời nay thì cay đắng vì bọn thực dân đế quốc là những kẻ cướp đã ăn cướp tài sản đất đai của nhân dân Ấn Độ:
“Tục truyền rằng ngày xưa Bombay là một nơi có bảy hòn đảo nhỏ xúm xít gần nhau. Nhân dân chỉ làm nghề đánh cá. Bà tiên Côly đặt tên cho nơi này là Mumbay. Về sau đất bồi đã làm cho những hòn đảo ấy liền với nhau, mà Mumbay cũng biến thành Bombay. Vì là một cửa biển phía tây của Ấn Độ, tàu bè các nước phương Tây đi lại buôn bán nhiều, cho nên Bombay đã trở nên một thành phố phồn thịnh. Nhưng cũng vì vậy mà Bombay và cả nước Ấn Độ đã thành miếng mồi ngon cho bọn thực dân gần 450 năm”[7].
Qua đây chứng minh một chân lý: phải hiểu sâu rộng văn hoá nước bạn để hiểu bạn và cũng hiểu mình hơn.
NVT
------------------------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 254.
[2] Xin xem Diện mạo thơ Đường của GS Lê Đức Niệm. Nxb Văn hoá, 1995, tr 5.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 157
[4] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9, tr 130.
[5] Nhiều tác giả - Bác Hồ - con người và phong cách. Nxb Thanh niên, 2006, tr 4, 5.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 40.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9, tr 104.
VNQD