.THU NGUYỆT
1. Nhà hát Chèo quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - tiền thân là Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần - là một trong những cái nôi của
nghệ thuật chèo toàn quốc. Đây là nơi ươm mầm tài năng, là bệ phóng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ chèo quân đội như Nguyễn Thành, Xuân Theo, Ngọc Viễn, Nguyễn Thế Phiệt… Và trong số những tên tuổi gạo cội của Nhà hát Chèo quân đội không thể không nhắc đến Tào Mạt. Tào Mạt tên thật là Nguyễn Duy Thục, có sách, tài liệu ghi là Nguyễn Đăng Thục. Ở đây, chúng tôi nghiêng về cái tên đầu. Nhà nghiên cứu Trần Đình Ngôn - người rất gần gũi với Tào Mạt cho biết: “Trước khi qua đời mấy tháng, ông lại nói với một số anh em thân thiết rằng ông mang họ Nguyễn Duy chứ không phải Nguyễn Đăng và rất muốn trở về với cái tên cha mẹ đặt cho là Nguyễn Duy Thục”(1). Mặt khác, ở bìa 4 cuốn Những lời tâm huyết, cuốn sách tập hợp những bài phát biểu của Tào Mạt do Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị phối hợp cùng Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành năm 1992, cũng có dòng ghi chú: “Tào Mạt: Tên thật là Nguyễn Duy Thục (Nhiều cuốn sách, bài viết đã nhầm là Nguyễn Đăng Thục - nay cải chính theo Tào Mạt)”(2). Sở dĩ ông chọn nghệ danh Tào Mạt là do quá mê nhân vật Tào Mạt thời Xuân Thu của Trung Quốc. Tào Mạt sinh ngày 23 tháng 11 năm 1930, trong một gia đình nghèo, tham gia cách mạng sớm, năm 12 tuổi. Năm 16 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng. Cho đến lúc giã từ cuộc đời (ông mất năm 1993 vì bệnh ung thư), Tào Mạt đã có hơn nửa thế kỉ cống hiến không ngừng nghỉ cho cách mạng, cho quân đội nói chung và nghệ thuật nói riêng.
Nói đến Tào Mạt là nói đến một tấm gương ham học, tự học. Nhà nghèo phải theo cha đi trông nhà thuê cho những gia đình giàu có, Tào Mạt tự học Hán Nôm qua những bức đại tự, hoành phi, câu đối trong ngôi nhà mình và cha trông thuê, rồi học qua Tam tự kinh, học với những bậc cha chú am hiểu Hán Nôm. Tuy tự học, nhưng trình độ Hán Nôm của Tào Mạt thuộc diện “nhất đẳng cao thủ”. Ngoài Hán Nôm, Tào Mạt còn tự học cách viết kịch, viết chèo. Không có điều kiện đến trường theo học các lớp đào tạo chính quy, Tào Mạt tranh thủ đi học các lớp đào tạo sân khấu ngắn ngày do quân đội tổ chức, tìm đến những bậc đại thụ của nền sân khấu nước nhà như nhà thơ Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Nguyễn Đình Nghi xin “chỉ giáo” về nghề. Rồi ông bôn ba, lặn lội trong hai cuộc chiến tranh để tìm những chất liệu sáng tác mới. Có thể nói những thành công trên con đường nghệ thuật của Tào Mạt đều ghi đậm dấu ấn của quá trình nỗ lực tự học, tự vượt lên hoàn cảnh.
Nói đến Tào Mạt là nói đến người nghệ sĩ chân chính, luôn tâm huyết, đau đáu với nghệ thuật và sứ mệnh của người nghệ sĩ. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông luôn tự răn mình bốn điều: “Không vì danh lợi mà uốn cong ngòi bút - Không vì yêu gái mà uốn cong ngòi bút - Không vì cường quyền mà uốn cong ngòi bút - Không vì đói thiếu mà uốn cong ngòi bút”(3). Trong dịp hiếm hoi được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tào Mạt đã thẳng thắn trình bày với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam những điều gan ruột về mối quan hệ giữa Đảng và văn học nghệ thuật, giữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ, về những biện pháp cụ thể để động viên, khuyến khích giới văn nghệ sĩ có những sáng tác hay, chất lượng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ông mạnh dạn đề xuất với Tổng Bí thư việc Đảng lãnh đạo văn nghệ sĩ cần phải theo “cho đúng quy luật đặc thù của văn nghệ là tự do sáng tạo, mở rộng cho sáng kiến cá nhân, đạt đến sự độc đáo…”(4). Ngoài bản tính cương trực, Tào Mạt còn là người nghệ sĩ hết mức chân tình, chu đáo với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Căn nhà số 91 tại “phố nhà binh” mà quân đội phân cho ông luôn rộn rã tiếng nói cười, ngâm vịnh giữa ông và các bạn văn chương. Là nghệ sĩ đàn anh, ông luôn sẵn lòng giúp đỡ những người mới bước chân vào nghề. Ông vui vẻ gác lại công việc cá nhân, dành cả tuần để sửa giúp kịch bản chèo của một tác giả trẻ mà mình thấy lấp ló tài năng trong đó.
2. Tào Mạt là người nghệ sĩ tài hoa, đa tài. Trước khi bén duyên với chèo, Tào Mạt viết kịch. Ông là tác giả của những vở kịch Cái ba lô (1958), Người chiến sĩ nhân dân (1959), Trong phòng trực chiến (1965), Đỉnh cao phía trước (1967)… Những vở kịch này được nhiều đoàn kịch dàn dựng, phục vụ đời sống tinh thần của bộ đội trong những năm kháng chiến. Trong đó, vở Đỉnh cao phía trước được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, coi đây là một bước phát triển mới của Tào Mạt trong nghệ thuật biên kịch. Tài năng của Tào Mạt chỉ thật sự phát tiết và tỏa sáng ở chèo. Bộ môn nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc là nơi định danh và lưu danh Tào Mạt trong lịch sử nghệ thuật nước nhà. Sau những bước đi ban đầu với các vở Ánh sao nơi đầu núi, Đường về trận địa (viết cùng Hoài Giao), Anh lái xe và cô chống lầy, Dọc đường chiến hào, Sông Trà Khúc, Nguyễn Viết Xuân, Khúc hát dưới chân núi Nguyệt Hằng… Tào Mạt đã định hình nên phong cách soạn chèo của bản thân và đưa nghệ thuật chèo lên một tầm cao mới qua bộ ba tác phẩm Bài ca giữ nước gồm: Lý Thánh Tông chọn người tài, Ỷ Lan coi việc nước, Lý Nhân Tông học làm vua. Nghệ thuật chèo của ông “là sự kết hợp giữa phương pháp hiện thực và yếu tố dân gian. Trên nền chung của chủ nghĩa hiện thực, kịch bản và vở diễn đã có lúc bay lên bằng bút pháp tả thần. Đó là khi tâm hồn và trí tuệ, nhân cách và tài năng người nghệ sĩ thăng hoa để rồi kết tụ lại thành tinh hoa độc đáo”(5). Nhà nghiên cứu Tất Thắng cho rằng: “Thành công của Tào Mạt là thành công của sự vận dụng tinh hoa chèo cổ một cách có học. Một trong những tinh hoa ấy là cung cách diễn tả của chèo. Với chèo, ngay cả những tình tiết bi thương nhất cũng có thể diễn tả bằng ngôn ngữ hài hước. Với mảnh trò chôn sống Hề Già vở Lý Nhân Tông học làm vua, ngôn ngữ hài hước hóa của chèo đã được Tào Mạt vận dụng một cách sáng tạo”(6). Nói đến thành công của Bài ca giữ nước không thể không kể đến vai trò của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần ngày trước, Nhà hát Chèo quân đội hôm nay. Trung tá Nguyễn Thuyên, Đoàn trưởng Đoàn chèo và các nghệ sĩ trong đoàn đã hết lòng ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Tào Mạt thể nghiệm dựng vở theo phương thức sáng tác bốn khâu đồng thời - chưa từng xuất hiện trong các phương thức dựng vở chèo trước đây. Phương thức này độc đáo ở chỗ “đồng thời tiến hành sáng tác kịch bản, xử lí đạo diễn, diễn xuất, xử lí và sáng tác âm nhạc bao gồm cả xử lí làn điệu và viết ca khúc mới”(7). Phương thức dựng vở có một không hai này đã xác lập vị trí vững chắc của Tào Mạt trong chiếu chèo hiện đại.
Ở phần dưới đây, chúng tôi muốn đề cập đến một phương diện khác trong tài năng nghệ thuật của Tào Mạt: những sáng tác thơ. Tào Mạt có tài ứng tác thơ nhanh. Trong một lần đi liên lạc, Tào Mạt bị rắn cắn. Trong lúc người đồng đội đi cùng lo lắng vì giữa rừng núi không biết tìm đâu ra thuốc chữa thương thì Tào Mạt lại tỉnh queo và xuất khẩu ngay một bài thơ về việc không hay xảy đến với mình: Vì dân vì nước quản bao công/ Rắn hỡi sao mày nỡ cắn ông/ Sưng múp bàn chân đi chẳng được/ Nhức tê gân cốt ngủ không xong/ Sống còn chưa trả thù xương máu/ Chết mất chưa đền nợ núi sông/ Rắn hỡi sao không đem nọc độc/ Cắn thằng giặc Pháp có hơn không? Mặt khác, như đã nói ở trên, Tào Mạt giỏi Hán Nôm. Thơ ông viết đa phần bằng chữ Hán. Sau khi ông mất, gia đình và bạn bè đã tập hợp những sáng tác thơ chữ Hán của ông in thành tập Thơ Tào Mạt (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1994). Với tập thơ này (gồm 72 bài), có thể nói Tào Mạt là nhà thơ sáng tác bằng chữ Hán cuối cùng của nền thơ ca nước nhà. Thơ chữ Hán Tào Mạt, như lời nhận xét của giáo sư Đặng Thai Mai, là đã “tỏ rõ một tâm hồn nhân hậu”(8). Sáng tác bằng thứ ngôn ngữ đi suốt chiều dài nghìn năm của văn học trung đại, thơ Tào Mạt như một lẽ tất nhiên chịu ảnh hưởng của thơ Đường. Về đề tài, ông có những bài thơ ngâm vịnh, tự thán, cảm tác, tức cảnh như các bài Vịnh ngọc trúc, Ngẫu tác, Vô đề 1, Vô đề 2, Ngẫu tác, Vãng phỏng Đinh lão lương y cảm tác, Việt Nam dân quân văn học gia chi hội thành lập đại hội hữu cảm, Trường Sơn tức cảnh… Về thể loại, theo thống kê của chúng tôi, trong số 72 bài có 56 bài viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, 7 bài viết theo thể thất ngôn bát cú, 7 bài theo thể ngũ ngôn và 2 bài theo thể tự do. Về từ ngữ, hình ảnh, thơ chữ Hán Tào Mạt xuất hiện nhiều hình ảnh quen thuộc trong thơ Đường như khả lân, giang tâm, bạch vân, lâm tuyền, lưu thủy, thâm sơn… Tuy vậy bên cạnh nét cổ điển, thơ chữ Hán Tào Mạt vẫn có sự hiện đại mang hơi thở của cuộc sống ngày hôm nay. Thơ chữ Hán Tào Mạt có thể chia thành hai dòng. Thứ nhất, dòng thơ “hướng nội” bộc bạch giãi bày tâm trạng. Ở dòng thơ này, Tào Mạt dùng thơ để nói lên quan niệm của mình về văn học nghệ thuật như bài Ngẫu tác: Bản vị văn chương bất dụng quyền/ Đao sơn kiếm thụ diệc như nhiên/ Chu kiềm kim tưởng tương hà bổ/ Chỉ phạ tâm thư tảo thất truyền (Trần Đình Ngôn dịch thơ: Văn chương vốn chẳng dùng quyền/ Rừng gươm núi giáo mặc nhiên xá gì/ Vàng son thưởng thặng thêm chi/ Tình trong trang sách sợ khi thất truyền); hay giãi bày tâm trạng mình trước những “biến động” của bản thân, gia đình và xã hội như bài Vô đề 2: Thế cục âm trầm lộ vị can/ Trường đồ hãn mã đáo nan quan/ Thùy tri lãng đả nan quan phá/ Tiêu sắt thu thanh thiết cước hàn (Lê Vũ Hoàng dịch thơ: Cuộc thế âm thầm, sương vẫn ướt/ Ngựa nhoài, dặm thẳm, cửa khôn vượt/ Ai hay sóng vỗ cửa tan hoang/ Gió bấc đìu hiu, vó ngựa buốt). Dòng thơ thứ hai là dòng thơ “hướng ngoại”, ông viết trong lúc thù tạc, trò chuyện với bạn bè (các bài Tặng Phùng Quán, Tặng Vũ Cao văn huynh, Tặng Phạm Tiến Duật thi hữu…); viết viếng người đã khuất (Điếu Nguyễn Tuân tiên sinh, Điếu Đặng Thai Mai giáo sư…); viết mừng thọ (Song Kim nhân dân nghệ sĩ bát thập đại thọ, Tặng Bạch Trà nghệ sĩ bát tuần đại thọ…). Đặc biệt, Tào Mạt có chùm bốn bài thơ bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính trọng của mình đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (các bài Vịnh Võ Nguyên Giáp đồng chí, Hạ Võ đại tướng bát tuần đại thọ, Cung hạ Võ đại tướng đắc vinh tưởng kim tinh huân chương, Ngộ Võ Nguyên Giáp đại tướng bộ hành, khẩu chiếm). Trong bốn bài này, theo chúng tôi bài Vịnh Võ Nguyên Giáp đồng chí là hay hơn cả. Qua hai mươi tám chữ Hán cô đọng, súc tích, Tào Mạt đã làm toát lên thần thái, văn tài, võ đức của người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam: Võ lược văn tài loạn thế sinh/ Khai nguyên định giáp quán trung tinh/ Vi sư, vi tướng, vi nhân giả/ Phát bạch, tâm thanh lạc thái bình (Nguyễn Văn Huyền dịch thơ: Võ lược, văn tài, đời loạn sinh/ Khai nguyên, định giáp, ngời trung trinh/ Làm thầy, làm tướng: bậc nhân giả/ Tóc bạc, lòng trong, vui thái bình).
3. Đa tài, giàu nghị lực, ham học, luôn biết cách vươn lên trong đời sống, không ngừng sáng tạo đổi mới nghệ thuật chèo, sống giản dị, chu đáo với gia đình, bè bạn và đồng nghiệp, Tào Mạt xứng đáng là người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng chân chính của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin dẫn lại đôi đoạn trong bài Tào Mạt chân dung độc vận phú của một người đàn em viết tặng ông như một bản “tóm tắt” về cuộc đời, tài năng và nhân cách của Tào Mạt, người nghệ sĩ chèo xuất sắc của chiếu chèo quân đội nói riêng, chiếu chèo Việt Nam nói chung.
Dòng họ Nguyễn Duy
Bút danh Tào Mạt
Gia cảnh thanh bần
Văn chương hiển đạt
…
Mười hai tuổi đã canh phòng liên lạc, đánh Tây đuổi Nhật chẳng mơ ngày tiến chức thăng quan;
Bốn bảy năm từng đội mũ đeo sao, ra Bắc vào Nam, không màng chuyện tuyên dương đề bạt…
Tài hoa sắc sảo hơn người, khéo tay hay mắt, soạn tích trò nên công chúng ngợi khen;
Ý tưởng thông minh lấn chúa, thực bụng mếch lòng, bàn việc nước để thượng quan quở phạt.
…
Xây đời giữ nước, soạn bài ca đưa sử vào chèo;
Chúc bạn mừng thầy bút họa đề thơ lên quạt.
Học nghề học chữ, thủy chung trọn nghĩa, lòng chẳng đổi thay;
Thương vợ thương con, tận tụy cả đời, tình không phai nhạt.
…
Lo thế sự một niềm đau đáu, lí tưởng kia lửa đỏ bừng bừng;
Đau nhân tình muôn nỗi xót xa, tâm linh ấy hương lan ngào ngạt
T.N
--------
1, 5, 6, 7. Trần Đình Ngôn, Tào Mạt và chèo, Nxb Sân khấu, 2003, tr.8-9, 114, 122, 41.
2, 3, 4. Tào Mạt, Những lời tâm huyết, Nxb Sân khấu, 1992, bìa 4, tr.104, 90.
8. Tào Mạt, Thơ Tào Mạt, Nxb Quân đội nhân dân, 1994, tr.9.
VNQD