Bác Hồ giáo dục đạo đức cách mạng qua ngụ ngôn

Thứ Bảy, 07/12/2019 10:36

.NGUYỄN HẢI THANH

Trong quan niệm Hồ Chí Minh thì nhân cách người cách mạng có đức là nguồn, là cái gốc, là nền tảng. Quan niệm này được thể hiện qua những ngụ ngôn:

“Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[1].

“Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[2]

Trong mối quan hệ tài đức Bác Hồ cho rằng có tài phải có đức, hai cái đi đôi với nhau không tách rời. Hơn một lần Người lấy hình tượng ông bụt để ví với người có đức mà bất tài: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”[3].

Trong việc giáo dục đạo đức cách mạng Bác Hồ cũng thường dùng ngụ ngôn. Đây là một ví dụ về dùng ngụ ngôn để mọi người hiểu bệnh “tự kiêu tự đại”, bệnh “công thần”: “Ai tự cho mình có công trạng mà tự kiêu tự đại là không đúng. Lòng của người cách mạng chân chính là phải rộng rãi như sông như bể, có như thế thì mới tiến bộ. Nếu có một chút công trạng gì mà tự cao tự đại, coi người ta không ra gì, thế là sai, thế là cái ruột nhỏ, ví như cái cốc, một gáo nước đổ vào thì tràn hết. Vậy các cô các chú muốn độ lượng mình như sông như bể hay như cái cốc? Như sông như bể mới gọi là độ lượng của người cách mạng.

Nói một thí dụ khác nữa: lúc người cách mạng đương hoạt động giống như người đi đường, phải cẩn thận, khiêm tốn, phải nhìn xuống chỗ bước của mình, đi bước nào vững bước ấy, nếu mới đi được một đoạn đã cho là vững rồi, đi giỏi rồi, rồi cứ đi mà mặt ngước lên trời không thấy hố, nên rơi xuống hố”[4]. Ở mảnh đoạn trên Người đưa ra hai hình tượng tương phản nhau: một cái cốc nông cạn và sông bể mênh mang rộng rãi, để ví von “độ lượng” của người tự kiêu tự đại hẹp hòi và ngược lại, người khiêm tốn thì bao la, sâu sắc. Ở mảnh đoạn dưới là hình tượng người đi đường dễ rơi xuống hố, vì cho mình là tỉnh táo rồi, không nhìn đường. Cả hai ngụ ngôn bật ra cái ý: người cách mạng phải khiêm tốn, càng khiêm tốn càng biết học hỏi. Ở một bài viết khác Bác Hồ gọi những người tự kiêu là những “anh hùng giả”: “Anh hùng giả là những người có độ lượng nhỏ bé, như cái vỏ hến, một giọt nước cũng đủ đầy tràn. Khi có chút ít thành tích thì họ liền ra mặt "anh hùng"[5]. Các “anh hùng giả” thì luôn có “độ lượng hẹp nhỏ”: “Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”[6].

Một câu chuyện ngụ ngôn cổ Trung Quốc có tên “Bạt miêu trợ trưởng”, nghĩa là: nhấc mạ lên giúp lúa mau lớn, chỉ sự nóng vội làm hỏng việc: có anh chàng nông dân nước Tống vì muốn cho lúa của mình mau tốt bèn kéo cây lúa cao lên, kết quả là lúa chết. Trong những lời biện luận của mình Mạnh Tử đã từng sử dụng để chế giễu những người đi ngược lại quy luật biện chứng. Hồ Chí Minh dùng ngụ ngôn ấy vào mục đích giáo dục tính kiên nhẫn, chịu khó, tránh chủ quan, nóng nảy:

“Nóng nảy là việc gì cũng chủ quan, không điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, vội vàng, muốn làm cho mau, làm ẩu. Thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần chịu khó.

Như người nông dân nọ: muốn lúa mau cao mau tốt bèn nắm lúa nhổ lên!

Làm việc mà nóng nảy, thì nhất định thất bại”[7].

Đồng chí Hoàng Quốc Việt là người được làm việc với Bác nhiều năm kể: “Tính tôi hay nóng. Bác biết lắm. Một hôm Bác bảo: “Lửa nóng làm mọi người rát mặt, trời nóng làm mọi người đầm đìa mồ hôi, con người ta nóng thường làm mọi người khó chịu”. Bác chỉ nói ngần ấy lời, vậy mà tôi đã suy ngẫm nhiều, và sau lần đó, tính nóng có phần nào giảm đi” [8].

Chế giễu những kẻ bàng quan không thiết tha với một việc gì, Bác Hồ dùng ngụ ngôn và khẳng định đó cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: “…cán bộ trong Đảng cũng như ngoài Đảng, có một số người giữ thái độ bàng quan. Họ như con ốc tù, chui vào vỏ rồi mặc. Cái đó là chủ nghĩa cá nhân,…”[9].

Bác phê phán tư tưởng “nạnh kẹ” bảo thủ của những người cán bộ già với cán bộ trẻ: “Các đồng chí già đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường. Nhưng không thể nạnh kẹ: chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lớn lên đã được đi xe. Thế là nạnh người đi xe. Có đúng không? Sau này đến chủ nghĩa cộng sản, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia. Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu “măng mọc quá pheo”. Măng mọc sau, mà tốt hơn tre đấy. Không lẽ ta ngồi nói: “Măng, sao mày mọc quá tao?”[10]. Câu chuyện không chỉ là sự đối đáp giữa người với người mà còn là đối đáp giữa “măng” và “tre” như nhấn sâu vào ý: Già có việc già, trẻ có việc trẻ, không tị nạnh.

Bác lấy chính câu chuyện của bản thân mình để kêu gọi mọi người phải học tập:

“Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc, thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm. Một cháu bé bây giờ đã nghe nói đến vệ tinh, biết nghe rađiô. Tôi và các đồng chí hồi đó không biết. Trước đây, có đồng chí nào biết rađiô không? Tôi cũng chưa biết. Thế mà các cháu bé bây giờ đã biết. Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm, v.v..”[11].

Cái gốc của căn bệnh xu nịnh, a dua là vì muốn tiến thân nên bằng mọi cách lấy lòng lãnh đạo. Đây là những kẻ nguy hiểm được Bác chỉ ra: “Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái”[12]. Đúng như Bác dạy: “Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh "con sâu làm rầu nồi canh"[13].

Tinh thần đảng viên là sự gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ, là sự giúp đỡ đồng chí anh em. Thể hiện điều này, nói chuyện tại đại hội các cơ quan chính, dân Đảng trung ương, Bác Hồ dùng một ngụ ngôn:

“Công việc cách mạng cũng như các bộ phận trong chiếc thuyền, bộ phận nào cũng quan trọng cả. Nếu các bộ phận ấy suy bì với nhau thì không được. Ví dụ như chèo thì luôn luôn vùng vẫy. Lái thì ngâm mình dưới nước ở tận sau thuyền, dưới ướt trên khô. Buồm thì thảnh thơi. Lái suy bì với chèo, chèo suy bì với buồm: “Anh buồm nằm yên một chỗ, đến khi căng lên, có trăng có gió, trông thật thảnhhơi ai ai cũng thấy. Còn tôi vất vả suốt ngày mà chẳng ai thấy". Ba bộ phận đòi đổi cho nhau: Lái làm buồm, buồm làm chèo, chèo làm lái. Như thế sẽ đi đến đâu? Sẽ không thành chiếc thuyền nữa. Ta đang làm cách mạng, có bộ phận này làm việc này, có bộ phận khác làm việc khác, các công việc đều cần thiết, đều vẻ vang cả… Mỗi đảng viên phải nhận rõ nhiệm vụ của mình là phải tiến bộ trong công tác, tiến bộ về tư tưởng, làm gương mẫu trong mọi công việc, đồng thời lấy tinh thần của người đảng viên cộng sản giúp đỡ anh em ngoài đảng cùng tiến bộ…”[14].

Ngụ ngôn là thể loại văn chương được ưa thích không chỉ người có học mà người ít học cũng hiểu. Nên lời dạy của Bác nhẹ nhàng, sâu sắc mà thuyết phục.

N.H.T

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 283

[2] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 253.

​[3] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 172.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 409

[5] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 167

[6] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 644

[7] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 170

[8] Hoàng Quốc Việt – Con đường theo Bác. Nxb Thanh Niên, 1990, tr 240.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 491

[10]Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 465

[11] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 465

[12] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 261

[13] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 575

[14] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 166

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)