Con chuột trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam

Chủ Nhật, 26/01/2020 09:03

.THU SANG

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam đang sáng tác tranh chuột

Năm 2020 là năm Canh Tí - con chuột đứng đầu trong 12 con giáp. Theo quan niệm dân gian, con chuột có những đức tính tốt như lạc quan, vui vẻ, nhạy cảm, trực giác tốt, trí tưởng tượng phong phú và là biểu trưng cho sự sung túc, thịnh vượng. Những người sinh năm chuột thường có sức sống bền bỉ, thông minh, lanh lợi và gan dạ. Là con vật thân thuộc, gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Việt ngàn năm qua nên chuột xuất hiện rất sớm trong các loại hình nghệ thuật, trong đó có hội họa. Nói đến hình ảnh chuột trong hội họa không thể không nhắc đến bức Đám cưới chuột trứ danh của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Trong bức tranh mang nội dung vừa hài hước vừa châm biếm sâu xa này, người nghệ sĩ dân gian đã thổi hồn vào loài chuột để chúng giống như con người, có dáng dấp, tính cách, biết làm đám cưới, qua đó phản ánh mối quan hệ giữa con người với nhau. Từ Đám cưới chuột của mĩ thuật dân gian, con chuột đã từng bước đi vào mĩ thuật hiện đại qua bàn tay tài hoa của nhiều thế hệ họa sĩ Việt. Bùi Xuân Phái có thể nói là người đầu tiên khơi nguồn cho bộ tranh 12 con giáp từ hơn nửa thế kỉ trước bằng việc vẽ trên những tấm thiếp. Họa sĩ vẽ nhiều, trong ngăn kéo luôn có sẵn cả chồng bưu thiếp để tặng những người thân quý. Nếu Bùi Xuân Phái là người khai phá mảng đề tài này thì Nguyễn Tư Nghiêm lại có công mở rộng, phát triển. Giờ đây, nhắc đến họa sĩ họ Nguyễn là phải nhắc đến bộ tranh con giáp kì công của ông. Ông chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành, trên nền giấy dó bằng chất liệu bột màu biến hóa lạ thường. Mỗi con vật tiêu biểu cho một tính cách khác nhau của con người qua hình thái, nét bút lúc uyển chuyển, lúc ngộ nghĩnh như một câu chuyện riêng mang đậm bản sắc dân tộc Việt qua những con giáp ngày xuân. Con chuột của Nguyễn Tư Nghiêm được phác họa chủ yếu bằng nét đặt trên những mảng màu sắc đậm đà như thể chúng đang nhảy nhót tinh nghịch theo bản tính của loài. Cách vào đề của họa sĩ bình dị, gần gũi, tự nhiên giúp người xem cảm nhận cái trong trẻo, trẻ thơ của tranh xuân. Hầu hết tranh con giống của Nguyễn Tư Nghiêm được xử lí bố cục một cách rất đơn giản nhưng đầy dụng ý. Họa sĩ chỉ đặt một đối tượng duy nhất ông muốn đặc tả trên nền đầy màu sắc mà không hề có yếu tố ngoại cảnh nào để con vật thỏa sức tràn lấp cả khung hình, chuyển động như các họa tiết điêu khắc trong đình làng cổ.

Phạm Viết Hồng Lam cũng là người hay vẽ con giáp. Năm nào vẽ con ấy. Ông thường vẽ bằng bột màu trên nền giấy dó quét điệp, bởi vậy các con giáp của ông đậm chất Đông phương. Vẫn những câu chuyện xung quanh những chú chuột, họa sĩ Lam kể cho chúng ta nghe qua những mảng màu. Tranh chuột của Phạm Viết Hồng Lam rất đa dạng: chuột ngồi ghế hoặc đứng chơi đàn như một dàn nhạc giao hưởng, chuột mặc những bộ quần áo thời thượng, chuột ngồi bán cá, chuột dạo chơi… Phạm Viết Hồng Lam vẽ bằng những mảng màu quen thuộc vốn có của mình. Ông xây dựng chúng bằng nét đậm, chắc, viền đen bao bọc những gam màu xanh, đỏ, thi thoảng điểm xuyết những nét vạch đúng tính chất trang trí. Tranh của họa sĩ đơn giản và vẫn gợi những câu chuyện riêng. Hầu như mỗi bức tranh con giáp nói chung và tranh chuột nói riêng của ông đều là một câu chuyện về cuộc sống đời thường của con người. Người họa sĩ già ấy vẫn đều đặn năm nào cũng cho ra đời những bức tranh để tặng người thân như một minh chứng về sức khỏe vững vàng ở tuổi 80.

Tác phẩm Cưới chuột của nghệ sĩ điêu khắc Kuf Kao Khải

Tiếp nối truyền thống từ lứa họa sĩ gạo cội, các họa sĩ trẻ ngày nay cũng thỏa sức sáng tạo nên những hình ảnh chú chuột mới trong mĩ thuật đương đại. Phạm An Hải đã cho lũ chuột đáng yêu của mình đi dự hội với các hình ảnh ngộ nghĩnh như cầm cờ, đánh trống, cầm đèn lồng, thổi kèn, nhảy múa… Kù Kao Khải vẽ vợ chồng nhà chuột đang đứng cầm những quả táo chín mọng vui vẻ trò chuyện dưới gốc cây đào Tết... Họa sĩ lấy ý tưởng từ nội dung, tạo hình trong Đám cưới chuột mà cho ra đời tác phẩm điêu khắc sắp đặt thú vị có tên Cưới chuột. Tác phẩm đã mang lại thành công vang dội cho tác giả khi đoạt giải B trong đợt triển lãm Mĩ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng và giải Nhì Hội Mĩ thuật Việt Nam tổ chức năm 2019. Với họa sĩ thì chuột là biểu tượng đẹp, mang lại tài lộc, may mắn cho chính tác giả và người xung quanh nên anh quyết tâm đeo đuổi con vật mà theo nhận định của giới chuyên môn là rất khó tạo hình này. Từ những cây gỗ thô ráp, xù xì, khô khốc, Kù Kao Khải đã biến chúng thành những con chuột biết kể chuyện. Với quy mô khá “hoành tráng” 2m x 2m x 2,2m, họa sĩ đã khắc tận… 24 con chuột với nhiều dáng vẻ khác nhau và tô lên chúng màu sắc sặc sỡ. Nhìn vào tác phẩm, ta thấy sự ngẫu hứng rõ rệt của tác giả trong những nét “búa tạc” dựa vào hình dáng ban đầu của từng thân gỗ. Mỗi con chuột mang một vẻ riêng: con như đang ngơ ngác, con như đang lo sợ, con thì khép nép, con béo mập, con gầy mảnh... Dẫu ngoại hình, thần thái có khác nhau nhưng 24 chú chuột đều chung một nhiệm vụ là mang quà đến cống nạp, hòng lấy lòng mèo như tranh dân gian. Một điểm nhấn trong tác phẩm này là những chú mèo. Màu đỏ - màu gây ấn tượng nhất về mặt thị giác - đã được họa sĩ tô lên khối gỗ hình tam giác nơi mà bốn con mèo “hầm hố” đang ngự trị. Để thể hiện sự quyền quý của loài mèo, tác giả không quên thêm gam màu vàng nổi bật, biểu trưng của sự cao sang, quý tộc. Ở nơi cao nhất của tác phẩm, khi đặt trong không gian của phòng triển lãm, hứng trọn ánh sáng từ đèn vàng, những chú mèo của Kù Kao Khải càng trở nên cao lớn, đầy uy quyền. Phía dưới là 24 con chuột tối thui như những nốt lặng buồn, biểu đạt cho thân phận thuộc tầng lớp dưới. Tác giả sơn nhắc lại gam màu vàng ở trên vào đầu chuột và màu đỏ vào miệng chuột để tạo nên sự liên kết giữa các khối, giữa các nhân vật với nhau. Kù Kao Khải đã chọn cho mình một cách kể chuyện, lối đi riêng không giống ai nhằm giới thiệu cho công chúng yêu hội họa một “Đám cưới chuột” thời hiện đại.

Có thể nói, theo thời gian tranh con giáp ngày càng được ưa chuộng và các họa sĩ vẽ tranh con giáp cũng ngày càng được công chúng đam mê hội họa chú ý. Đây là tín hiệu mừng cho nền mĩ thuật nước nhà. Khi bám rễ vào truyền thống, vào văn hóa dân tộc, nền mĩ thuật nước nhà càng trở nên hiện đại và có sức sống lâu bền

 

T.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)