.TRẦN MINH NGỌC
Khai thác một nội dung không mới và không mấy phổ biến, nhưng Thưa mẹ con đi (2019) là một trong những bộ phim thương mại Việt hiếm hoi chạm đến được những tầng nấc tinh tế nhất của câu chuyện gia đình với tất cả những phức tạp đời thường của nó. Bởi thế, khán giả Việt Nam sẽ phải học cách tạm quên đi những công thức phim thương mại chạy theo thị hiếu nếu muốn đón nhận được trọn vẹn tác phẩm điện ảnh độc lập này.
Khác với phân khúc truyền hình, nơi nhiều năm gần đây chứng kiến liên tiếp những hiện tượng “làm mưa làm gió” của các bộ phim đề tài gia đình, câu chuyện trong nhà ngoài ngõ dường như là mảnh đất kém màu mỡ đối với các đạo diễn điện ảnh. Cũng dễ hiểu khi phim gia đình có đặc điểm gần gũi, đôi khi chỉ là những chuyện bình thường, nhỏ nhặt xảy ra trong cuộc sống, chủ đề có thể thu hút nhóm khán giả nội trợ hay người lớn tuổi trong gia đình ngồi trước màn hình tivi nhưng lại kém sức hút đối với người trẻ, nhóm khán giả chính của các rạp chiếu (phần đông họ đến rạp chỉ mong muốn tìm kiếm những câu chuyện có tính giải trí cao). Nhưng vài ba năm một lần, điện ảnh Việt vẫn có cơ duyên chào đón những bộ phim hay mang hơi hướng gia đình. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể ra như Áo lụa hà đông (2006), Cánh đồng bất tận (2010), Em là bà nội của anh (2015), Hồn papa da con gái (2018)… Nhưng ngay cả trong những bộ phim này, dường như các nhà làm phim vẫn không đủ tự tin để cho chủ đề tình máu mủ cha con vợ chồng đứng độc lập một mình, nên vẫn phải gá nó vào câu chuyện thời cuộc (Áo lụa hà đông), vào một bi kịch trái ngang (Cánh đồng bất tận) hay những tình huống giả tưởng tréo ngoe để kéo khán giả ra rạp. Nếu các phim thương mại như Em là bà nội của anh hay Hồn papa da con gái thành công trong việc mang lại tiếng cười, dù như mọi kiểu phim cười vui khác không có thông điệp nào quá sâu sắc, thì những phim chính kịch lại xoáy vào các bối cảnh quá đặc thù (lịch sử, vùng miền, chiến tranh) nhằm tạo câu chuyện gia đình có phần phức tạp. Và thế là gia đình và những câu chuyện nhỏ nhặt của nó, dường như chỉ phù hợp để làm tiền đề hay nét chấm phá cho những tự sự kịch tính hơn như trong Hai Phượng (2019) hay Em chưa 18 (2018). Nhưng, đến Thưa mẹ con đi, dự án thương mại độc lập của đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh, chuyện gia đình đã được đặt vào vị trí xứng đáng hơn bằng một sản phẩm điện ảnh tròn trịa, sâu sắc mà không giáo điều, thơ mộng nhưng không tô hồng lấp lánh.
Văn (Lãnh Thanh) - một kĩ sư phần mềm trẻ tuổi sinh sống và làm việc tại Mĩ, trở về Việt Nam thăm gia đình. Đi cùng với anh là cậu bạn Việt kiều Mĩ Ian (Võ Điền Gia Huy) nhưng thực chất là người yêu của anh. Đón Văn tại quê hương là đại gia đình chín thành viên, ba thế hệ cùng những mâu thuẫn luôn chực chờ bùng phát xung quanh chuyện tiền bạc gia sản, nghĩa vụ với gia đình. Giữa những ngổn ngang, Văn chật vật tìm cách mở lời với người thân, đặc biệt là mẹ của mình, về mối quan hệ thực sự của anh với Ian. Trong khi đó, sự chần chừ của anh lại đang bắt đầu gây rạn nứt trong quan hệ giữa hai người.
Thoạt nhìn, có vẻ như Thưa mẹ con đi đã lựa chọn lối mòn an toàn, tức là Trịnh Đình Lê Minh muốn “gá” câu chuyện gia đình với tình yêu đồng tính, để tận dụng sức nóng của một chủ đề chiếm kha khá diện tích của điện ảnh Việt thời gian qua và chưa có dấu hiệu trở nên cũ kĩ. Tuy nhiên, sự thật là Thưa mẹ con đi đã rẽ theo hướng ngược lại. Câu chuyện tình đồng tính chỉ là cái cớ để bộ phim của Trịnh Đình Lê Minh mở ra và đẩy lên một câu chuyện gia đình “thuần” gia đình. Cần biết rằng, trong kịch bản (từng đoạt giải “Dự án phim thương mại xuất sắc nhất” tại Gặp gỡ mùa thu 2017), nhà biên kịch Nhi Bùi đã khéo léo đan cài nhiều xung đột: chuyện tình đồng giới và định kiến xã hội, tình yêu đặt cạnh nghĩa vụ gia đình, tình thân và những tính toán lợi ích, cái tôi trẻ tuổi muốn “đoạn tuyệt” với truyền thống… Nhưng qua bàn tay xử lí của Trịnh Đình Lê Minh, các xung đột ấy vừa được lược giảm, vừa chủ ý bẻ gãy kết cấu tự sự nhân quả, khiến mạch chuyện phim trở nên sát thực với đời sống: tình tiết Văn thú nhận với mẹ về mối quan hệ với Ian, được mong chờ như là mâu thuẫn lớn nhất của phim, diễn ra chóng vánh và nhẹ bỗng, hay cuộc tranh giành lợi ích giữa các thành viên trong gia đình sau khi được đẩy lên cao trào lại giống như bị bỏ quên ngay sau khi bước sang cảnh tiếp theo. Ngẫm ngợi chuyện phim, khán giả Việt có lẽ sẽ đồng ý rằng, chuyện gia đình chưa bao giờ vơi cạn những phức tạp và mâu thuẫn, nhưng không phải mọi thứ lúc nào cũng có câu trả lời rõ ràng và gọn gàng như trong những bộ phim Hollywood.
Sinh năm 1986, Trịnh Đình Lê Minh từng gây tiếng vang qua các dự án phim ngắn Chung cư của tôi, Ngọn gió về đâu và Hương nước mắm, đã sớm định hình cho mình một phong cách làm phim tinh tế mà chính anh gọi tên là “khai thác những điều nhỏ nhặt thường bị bỏ quên”. Phim của Trịnh Đình Lê Minh luôn từ tốn và không cấp tập, quan tâm tới những khoảng lặng và hứng thú với việc vẽ bằng hình ảnh những cảm xúc khó miêu tả bằng lời. Tất cả những đặc trưng này được đưa vào bộ phim dài đầu tay, cho phép anh bóc tách từng lớp mâu thuẫn, đan cài các lớp xung đột chằng chịt trong kịch bản của Nhi Bùi nhưng không để các tầng nấc câu chuyện tình yêu, tình mẹ con, tình thân gia đình chèn lấn, giành giật không gian thở của nhau. Vì thế, Thưa mẹ con đi kén khán giả hơn nếu so với các sản phẩm giải trí. Sự đầu tư vào ngôn ngữ điện ảnh của Trịnh Đình Lê Minh đòi hỏi người xem phải tư duy để cảm nhận. Mặc dù được chính đạo diễn định danh là một “phim hài, tình cảm gia đình” nhưng phim không có những màn chọc cười bộc trực, thay vào đó tập trung khai thác chất hài qua hệ thống nhân vật cá tính và dàn cảnh. Những khung hình thơ mộng và được chăm chút ở Thưa mẹ con đi cũng vượt qua lớp vỏ bóng bẩy của các phim giải trí. Có thể thấy bộ phim này chịu ảnh hưởng thẩm mĩ của Trần Anh Hùng song đã bớt yếu tố sắp đặt mĩ lệ để gia tăng cảnh sắc mộc mạc giàu chất thơ tưởng như đã bị bỏ quên trong đời sống. Ấn tượng nhất có lẽ là những khung hình cận được sử dụng rộng rãi để đặc tả những cái chạm, những tiếp xúc da thịt không mang màu sắc nhục dục. Đi bên cạnh tông màu thanh lạnh chủ đạo, sự kết hợp này khiến Thưa mẹ con đi hiện lên như một bức tranh dịu mát và gần gũi. Bức tranh ấy được vẽ rất rõ nét từ diễn xuất của dàn diễn viên tên tuổi và trẻ tuổi. Nếu những cái tên như Hồng Ánh, Hồng Đào, Kiều Trinh, Lê Thiện… tạo thành bệ đỡ vững chắc về diễn xuất cho phim, thì nhóm diễn viên trẻ mang đến hơi thở tự nhiên và gần gũi. Trịnh Đình Lê Minh có lẽ đã khiến nhiều người ngạc nhiên về việc phân vai khi “lôi” Hồng Ánh ra khỏi khuôn mẫu những nhân vật hiền lành, u sầu để vào vai một bà cô muộn chồng nhí nhảnh, đồng bóng; trong khi lựa chọn Hồng Đào, một tên tuổi gạo cội của làng diễn hài, cho vai diễn người mẹ nhiều cam chịu. Khán giả hẳn sẽ không thất vọng khi thấy một Hồng Ánh chưa bao giờ dễ thương đến vậy (thậm chí toả sáng hơn cả Hiểu Phương, vai diễn được định hình dễ thương trước đó của cô trong Tháng năm rực rỡ). Còn Hồng Đào, cô đã thực sự bùng nổ trong vai người mẹ (Hai Hạnh) với diễn xuất tinh tế, đầy nội lực và có chiều sâu. Không lên gân, không gào thét, cũng không ồn ào, Hồng Đào với ánh mắt chất chứa của mình làm chủ từng khung hình mà cô xuất hiện, và ám ảnh thậm chí cả những cảnh phim mà sự hiện diện của cô chỉ phảng phất qua những lời thoại. Người ta nhìn thấy ở Hồng Đào hình ảnh thân thuộc và chân thực nhất về một người mẹ Việt Nam, ôm trong mình nhiều dịu dàng, yêu thương và hi sinh đến nỗi không người con nào muốn làm tổn thương. Đối với Thưa mẹ con đi, sự xuất sắc ấy của Hồng Đào có ý nghĩa then chốt. Nếu nhân vật người mẹ không chạm đến tâm can người xem đến vậy thì bộ phim sẽ khó có thể bật lên xuất sắc như thế ở những phút cuối trong cuộc chia tay của mẹ con Văn. Giống như Văn, mỗi chúng ta, bằng cách này hay cách khác, đều sẽ phải rời khỏi gia đình của mình, để tìm kiếm và xác lập cái tôi cá nhân trong xã hội. Cái tôi ấy sẽ va chạm với cái chung của gia đình, nhưng trở về, học cách yêu thương và dung hoà trong gia đình. Sự ra đi để trưởng thành ấy, cùng tất thảy những hiển nhiên và đau đớn của nó, đã được Thưa mẹ con đi đúc kết cô đọng, với rất nhiều cảm xúc và dịu dàng trong đoạn kết của mình.
Thưa mẹ con đi là một bộ phim thương mại độc lập. Thương mại bởi phim hướng đến khán giả đại chúng với một thông điệp gần gũi và đời thường, nhưng vị thế độc lập đã mở đường để bộ phim thoát khỏi vòng kiềm toả của những “công thức ăn khách” và rẽ theo một lối “riêng” hơn (và có lẽ cũng lẻ loi hơn) về nội dung, tư tưởng, tiêu chí nghệ thuật. Phim dài đầu tay của Trịnh Đình Lê Minh là một bộ phim Việt hiếm hoi chạm đến tầng nấc tinh tế của những cảm xúc đời thường. Và nó xứng đáng được nhìn nhận với đúng những giá trị ấy
T.M.N
VNQD