.NGUYÊN CHƯƠNG
Quan sát lịch sử chính trị các nước Âu - Mĩ, có thể thấy rất hiếm khi bắt gặp một nhà lãnh đạo đồng thời là những người sáng tạo nghệ thuật. Nhìn chung họ chỉ là những người hoạt động chính trị đơn thuần, hoặc giả họ có phẩm chất nghệ sĩ thì cũng ít thấy họ thể hiện điều đó trước công chúng. Nếu nhìn về các nước phương Đông sẽ thấy tình hình khác biệt hẳn. Trong lịch sử chính trị Việt Nam từ thời phong kiến tới nay, có nhiều người vừa đứng đầu đất nước lại đồng thời là những tác gia văn chương, không ngần ngại bày tỏ những phẩm chất nghệ sĩ của mình cũng như lòng say mê yêu thích thi ca nghệ thuật.
1. Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) được lịch sử Việt Nam đánh giá là một vị vua anh minh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỉ XIII. Ông cũng là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại, người khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tương truyền, vua Trần Nhân Tông có nhiều tác phẩm viết bằng chữ Hán như: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Tăng già toái sự, Thạch thất mị ngữ, Đại hương hải ấn thi tập, Trần Nhân Tông thi tập, Trung Hưng thực lục. Đến nay, hầu hết các tác phẩm của ông đều bị thất truyền, chỉ còn lại 32 bài thơ. Nhưng chỉ với 32 bài thơ thôi cũng đã làm nên một phong cách thật riêng biệt như những tác giả biên soạn bộ Thơ văn Lý Trần đã nhận xét về thơ ông: Đó là sự “kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ”. Những bài thơ của ông được mọi người nhớ tới nhiều nhất có thể kể đến là: Xuân hiểu, Thiên Trường vãn vọng, Cư trần lạc đạo. Xin trích một bài tiêu biểu: Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên/ Bán vô bán hữu tịch dương biên/ Mục đồng địch lý ngưu quy tận/ Bạch lộ song song phi hạ điền (Trước xóm sau thôn tựa khói hồng/ Bóng chiều man mác có dường không/ Mục đồng sáo vẳng trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng - Ngô Tất Tố dịch). Có thể thấy, thiên nhiên nông thôn Việt Nam đi vào thơ ông rất tự nhiên, mang một vẻ đẹp yên bình, tự do tự tại. Người miêu tả được vẻ đẹp ấy rồi đưa vào thơ đã ít nhiều bộc lộ tâm thế của một thiền sư. Thơ Trần Nhân Tông chủ yếu là những bài Đường luật bốn câu hoặc tám câu, nhưng có khi chỉ với hai câu thôi đã làm nên một bài thơ hào hùng, giống như một tuyên ngôn đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng).
2. Sau Trần Nhân Tông hai thế kỉ, lịch sử Đại Việt lại xuất hiện thêm một ông vua thi sĩ. Đó là hoàng đế Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Ông không những là một nhà thơ mà còn là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Lê Thánh Tông đã lập ra Hội Tao đàn gồm 28 người, cùng nhau xướng họa thơ ca. Hội Tao đàn có thể nói là một tổ chức văn chương ở tầm quốc gia sớm nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của văn chương nước nhà, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc và đồng hành của một bậc đế vương với phong trào sáng tác văn học. Thơ văn Lê Thánh Tông tương truyền có hàng ngàn bài, được viết cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, nhưng đến nay chỉ còn lại 350 bài. Sinh thời, vua Lê Thánh Tông rất khuyến khích việc sáng tác bằng chữ Nôm. Các tác phẩm chữ Nôm của ông được tập hợp trong Hồng Đức quốc âm thi tập còn các tác phẩm chữ Hán rải rác trong hàng chục bộ sách như: Quỳnh uyển cửu ca. Minh lương cẩm tú, Xuân vân thi tập, Chinh Tây kỷ hành, Cổ kim cung từ thi tập… Lê Thánh Tông tự bạch về mình bằng hai câu thơ Nôm: Trống dời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu. Cũng chính Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi năm 1464 và tạc bia cho Ức Trai bằng câu thơ nổi tiếng: Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo (Văn chương Ức Trai lòng soi sáng).
3. Trong các vị vua triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, nổi bật lên ba vị vua hay chữ, vừa yêu thích văn chương vừa tham gia sáng tác, đó là các vua Minh Mạng (1791 - 1841), Thiệu Trị (1807 - 1949) và Tự Đức (1829 - 1883).
Vua Minh Mạng là một thi sĩ, có quan điểm riêng về việc làm thơ như lời ông từng nói cùng các văn võ bá quan: “Thơ văn ta làm ra không phải muốn khéo như người thợ, chỉ có một suy nghĩ rằng lấy việc kính trời yêu dân làm gốc. Lần này ban tặng thơ cho các quan cốt là để nêu lên ý đó, chứ không phải cùng với các văn sĩ tranh tưởng, độc giả hãy lượng thứ cho” (dẫn theo: Thanh Huế, “Vua Minh Mệnh khen thơ Lê Thánh Tông, chê thơ Càn Long”, Sông Hương, số đặc biệt, tháng 9/2012). Mục đích chính của Minh Mạng là hướng về chính sự, chăm lo cho dân nên ông không cầu kì trau chuốt lắm ở câu chữ, số lượng tác phẩm ông để lại lên tới 3500 bài thơ, được tập hợp trong bộ Ngự chế thi. Xin được đơn cử bài Vị nông ngâm, một trong những bài điển hình của ông: Tiền tiêu hàm hỉ tế thời lâm/ Kế thử liên liên tế tế châm/ Lẫm liệt đông trung chi thuận hậu/ Tuấn tuần điền thượng khủng hàn xâm/Y ôn niệm chức tồn dư ý/ Thực bão tư nông động ngã tâm/ Giá sắc gian nan tòng cổ trọng/ Vô thời bất dĩ cử vi ngâm (Đêm qua mừng trận mưa rào/Từng cơn rả rích rót vào canh thâu/ Rét đông mưa giúp hoa màu/ Sợ ai bì bõm ruộng sâu lạnh lùng/ Ấm người, thợ dệt góp công/ No lòng, ta nhớ nhà nông muôn phần/ Bao giờ tôn trọng nông dân/ Ngâm nga ta đã mấy lần vì ai - Phan Thuận An dịch). Minh Mạng ngoài việc làm thơ viết văn còn rất khuyến khích việc biên soạn các bộ sách sử địa. Những bộ sách quý như Gia Định thành thông chí, Lịch triều hiến chương loại chí đều được ra đời dưới triều đại của ông. Nhiều người con của vua Minh Mạng được coi là những nhà văn nhà thơ xuất sắc, nổi tiếng đương thời như: Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, Tương An Quận Vương Miên Bửu…
Sau vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị cũng nổi tiếng là người yêu thích thơ ca. Trong các tác phẩm ông để lại có hai bài thơ nổi tiếng, được mọi người nhắc nhớ đến nhiều nhất. Đó là bài Vũ trung sơn thủy (Sông núi trong mưa) và Phước Viên văn hội lương dạ vạn ngâm (Đêm ngâm thơ ở Phước Viên). Điểm độc đáo của hai bài thơ là chúng không viết theo lối thông thường mà được viết thành năm vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ, nhìn vào giống như một trận đồ bát quái, và có thể đọc hai bài thơ này theo rất nhiều cách. Tương truyền sinh thời, vua Thiệu Trị đã đố các quần thần tìm ra 64 cách đọc ở mỗi bài thơ này. Năm 1972, trên tạp chí của Hội nghiên cứu Đông Dương, một học giả phương Tây là Pierre Daudin đã tìm ra 12 cách đọc để thành các bài thất ngôn bát cú khác nhau. Đến năm 1995, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tân Phong đã tìm ra đúng 64 cách đọc. Nhưng cho tới năm 1998, học giả Nguyễn Tài Cẩn qua chuyên luận Tìm hiểu kĩ xảo hồi văn liên hoàn trong bài “Vũ trung sơn thủy” của Thiệu Trị (Nxb Thuận Hóa) đã chỉ ra tới 128 cách đọc. Sau đây xin được dẫn một trong những cách đọc đó: Loan hoàn vũ hạ giang triều tấn/ Trướng dật phong tiền ngạn biện thanh/ Sơn tỏa ám văn thôi trận trận/ Lãng sinh khiêu ngọc địch thanh thanh/ Sàn sàn thủy giản đài tư nhuận/ Dụng dụng ba chân liễu mậu vinh/ Nhàn diếu nhất chu ngư dật tấu/ Hướng lâm song tiễn yến phi khinh (Dồn mưa nước cuộn triều dâng ngập/ Lộng gió sông dào bến biếc xanh/ Non phủ kín mây tuôn tới tấp/ Sóng khêu thưa giọt gõ lanh canh/ Lan man suối trải rêu tươi mập/ Sóng sánh cồn vươn cỏ tốt xanh/ Nhàn thoáng một câu, thuyền nhẹ tắp/ Dóng rừng dăng kéo én bay nhanh - Dẫn theo Bùi Văn Chất, “Non nước trong mưa, một bài thơ của thi sĩ Miên Tông - vua Thiệu Trị”, tạp chí Hán Nôm, số 5/2007, tr. 76-80 ).
Vua Tự Đức cũng được coi là người đặc biệt yêu thích thơ văn, hiểu biết nhiều, ham đọc sách, đêm nào cũng chong đèn xem sách tận khuya. Ông làm nhiều thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra Tự Đức còn khuyến khích phát triển chữ Nôm, làm nhiều sách bằng chữ Nôm như các cuốn: Luận ngữ diễn ca, Tự học diễn ca… (Trần Trọng Kim). Ông còn chỉ đạo soạn kịch bản tuồng về kinh thành Huế, cho soạn nhiều vở tuồng lớn như Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy. Trong các vị vua triều Nguyễn, Tự Đức là ông vua để lại nhiều giai thoại văn học nhất. Tự Đức từng tuyên án bằng thơ, tử hình 17 kẻ tham nhũng năm 1849: Nhất nhật nhất tiền/ Thiên nhật thiên tiền/ Thằng cứ mộc đoạn/ Thủy trích thạch xuyên/ Tội bất dung tru/ Li ưng xử trảm (Một ngày một đồng/ Nghìn ngày nghìn đồng/ Dây cưa gỗ đứt/ Nước chảy đá mòn/ Tội bất dung tha/ Lệnh truyền xử trảm). Tương truyền khi đọc Truyện Kiều, đến câu tả Từ Hải “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, Tự Đức đã nói nếu Nguyễn Du còn sống phải tìm về để đánh vài roi vì phạm tội khi quân. Giai thoại đối đáp văn chương giữa Tự Đức và Nguyễn Công Trứ, Tự Đức và Cao Bá Quát được ghi chép trong nhiều tài liệu, trong đó phải kể đến hai câu thơ nửa Nôm nửa Hán mà Tự Đức nghĩ ra: Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ/ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai (Trong vườn chim oanh hót giọng khề khà/ Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm). Một thời gian dài, bài Khóc Bằng phi với hai câu nổi tiếng được coi là của Tự Đức: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi. Giai thoại có yếu tố mơ hồ, khó xác thực, nhưng quả tình “không có lửa làm sao có khói”. Tư chất nghệ sĩ của Tự Đức có lẽ chính là cơ sở để hình thành giai thoại.
4. Nếu như thời kì phong kiến nổi lên nhiều ông vua thi sĩ thì sang tới thời hiện đại, không thể không nói tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cộng sản vĩ đại, vừa là nhà chính trị, nhà văn hóa, lại đồng thời là một tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam. Hồ Chủ tịch sáng tác nhiều truyện ngắn, kịch trong thời kì hoạt động ở Pháp, nhiều thơ chữ Hán và chữ quốc ngữ. Từ năm 1947 đến lúc qua đời (1969), Hồ Chủ tịch thường xuyên lên Đài Tiếng nói Việt Nam để đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Giọng đọc thơ của Bác cho đến bây giờ vẫn còn in sâu trong kí ức nhiều người, và rõ ràng, sau Bác, chưa có nhà lãnh đạo nào làm được như vậy. Nhà thơ Vũ Cao đã từng viết những dòng lục bát xúc động nhớ về hình ảnh Bác đọc thơ lúc giao thừa: Cho con ước tự bây giờ/ Mỗi năm, cứ đến giao thừa mỗi năm/ Bác về cùng với nhân dân/ Đọc thơ chúc Tết một lần rồi đi! Nhà thơ Tố Hữu cũng có những câu thơ nhớ thương về hình ảnh Bác đọc thơ mỗi dịp Tết đến xuân về: Bác ơi Tết đến. Giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân. Nhiều bài thơ chữ Hán của Hồ Chủ tịch trong Nhật kí trong tù được các nhà phê bình đánh giá là sánh ngang với thơ Đường thơ Tống: Ngục trung vô tửu diệc vô hoa/ Đối thử lương tiêu nại nhược hà/ Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt/ Nguyệt tòng song khích khán thi gia (Trong tù không rượu cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ - Nam Trân dịch). Bên cạnh đó, không thể không kể đến những áng văn chính luận của Người, mang giá trị lịch sử sâu sắc. Từ Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường kách mệnh (1927) cho đến bản Tuyên ngôn độc lập (1945) đều có thể xem là những tác phẩm chính luận mẫu mực, đặc biệt bản Tuyên ngôn độc lập được nhiều nhà nghiên cứu đặt bên cạnh Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt) và Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi).
5. Như vậy có thể thấy, việc xuất hiện trong lịch sử Việt Nam những nhân vật vừa là người đứng đầu đất nước vừa là những nghệ sĩ văn chương là một hiện tượng có tính nối tiếp - kế thừa. Điều đó phải chăng bộc lộ một căn tính của dân tộc Việt - căn tính nghệ sĩ. Đào Duy Anh năm 1938, trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương cũng nhận ra nét tính cách văn hóa này ở người Việt: “Sức kí ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lí”. Ở sự hòa quyện “hai trong một” nhà lãnh đạo - người nghệ sĩ ấy, theo tôi có thể nghĩ tới 4 điều tích cực. Một là, bản chất của văn chương nghệ thuật suy cho cùng là sự hướng thiện, mong muốn đời sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Những người nghệ sĩ, vì thế cũng sẽ là những người giàu lòng trắc ẩn, thương yêu con người. Trương Trào (thế kỉ XVII) trong tác phẩm nổi tiếng U mộng ảnh từng viết: “Trong số bạn bè, người nào làm thơ được là quý nhất, rồi tới người nào nói chuyện được, rồi tới người nào ca hát được, sau cùng mới tới hạng người biết những trò chơi trong xã hội”. Xem đó để thấy được, người xưa cũng luôn đánh giá rất cao về phẩm chất sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo thi ca ở mỗi con người. Hai là, nghệ sĩ được coi là những người có trí tưởng tượng phong phú, luôn muốn phá vỡ những quy tắc gò bó, mòn sáo, khuôn khổ. Khi nhà lãnh đạo cũng đồng thời là nghệ sĩ, ta có thể hi vọng về những đường lối chính sách mềm dẻo, linh hoạt, tránh được sự hà khắc và cứng nhắc. Ba là, người lãnh đạo cũng là một nghệ sĩ sẽ có khả năng quan tâm nhiều hơn tới đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của cả cộng đồng chứ không chỉ chăm chăm vào những giá trị vật chất. Bốn là, người lãnh đạo đồng thời là nghệ sĩ sẽ có sự hòa đồng, gần gũi nhiều hơn với quần chúng nhân dân bởi tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng cần công chúng. Nhìn rộng ra, trong lịch sử chính trị Việt Nam thế kỉ XX, nhiều lãnh đạo/ nghệ sĩ ở các cấp khác nhau cũng đã để lại những ấn tượng, cảm tình tốt đẹp trong lòng nhân dân. Đó là Bộ trưởng/ nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó Thủ tướng/ nhà thơ Tố Hữu, Bộ trưởng/ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Bộ trưởng/ nhà thơ Huy Cận… Họ vừa làm tốt vai trò của người lãnh đạo, vừa làm tốt sứ mệnh của một người sáng tạo, có lẽ đó cũng là một nhân duyên mà lịch sử khó có thể lặp lại hai lần
N.C
VNQD