. NGUYỄN CAO SINH
Tư tưởng về đoàn kết là hạt nhân quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo quan niệm của Người đoàn kết phải dựa trên cơ sở tình yêu thương để cùng nhau hướng tới mục đích chung là giải phóng dân tộc, dựng xây non nước,“Đất nước ta ta xây một thiên đường”. Đây là một bài văn vần dễ thuộc dễ nhớ và rất dễ hiểu bởi các hình ảnh thống nhất trong một biểu tượng cơ thể con người. Tiểu phẩm lấy ngay câu mở đầu làm tiêu đề:
“Chúng ta phải làm sao đoàn kết?
Hãy liên kết như thể thân mình
Ngũ quan cùng với tay chân dính liền
Tách rời nhau thời không thể sống
Chỉ cùng với nhau sức lực mới sinh sôi
Nào ta hãy cùng yêu thương đoàn kết
Chớ ham lợi Pháp mà phản bội sự nghiệp
Hãy kết đoàn tương trợ lẫn nhau
Tựa tứ chi kết lại ta sẽ thành công
Đất nước ta ta xây một thiên đường”[1]
Các hình tượng “Hãy liên kết như thể thân mình/Ngũ quan cùng với tay chân dính liền/Tách rời nhau thời không thể sống/Chỉ cùng với nhau sức lực mới sinh sôi” là rất cụ thể, sinh động như một chân lý hiển nhiên. Lấy biểu tượng là một thân thể sống để nói về sự thống nhất, đoàn kết của các lực lượng cách mạng là rất thuyết phục.
1. Bàn tay/cánh tay - Biểu tượng cho ý chí, cho sự rèn luyện.
Khi chàng trai Nguyễn Tất Thành chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước thì trong đầu Anh đã sẵn một tư tưởng tự mình tìm lấy con đường đi, tự mình kiếm sống. Một người bạn thân của Anh dự định đi cùng băn khoăn “lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay:
“Đây, tiền đây…chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”[2]. “Bàn tay ta làm nên tất cả”, nó là biểu tượng cho ý chí, cho lao động, cho niềm tin vào chính bản thân mình. Đó chính là cơ sở để sau này Hồ Chí Minh có một quan niệm, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Để trở thành một quân nhân của dân, vì dân, Bác Hồ yêu cầu mỗi chiến sỹ phải toàn diện: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn”[3]. Một biểu tượng hết sức cụ thể mà sinh động, gần gũi mà chính xác! ”Tay trái” là văn, ”tay phải” là võ thống nhất trong một cơ thể quân nhân.
Tương tự, Bác nói về vai trò của quân đội và công an thống nhất trong cơ thể Nhân dân, Đảng, Chính phủ: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng”[4]
2. Bàn tay - Biểu tượng cho sự đoàn kết, thống nhất, hữu nghị.
Ngày 01/6/1946 trên báo Cứu quốc Người có Thư gửi đồng bào Nam bộ: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ”[5]. Lá thư này Bác gửi trước ngày lên đường sang Pháp với lời “hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”. Vì thế lời khuyên cũng là lời nhắn nhủ, lời hứa. Biểu tượng bàn tay có sức chinh phục rất mạnh vì nó quen thuộc, gần gũi, đặc biệt sự so sánh dựa trên cơ sở tương đồng cao tạo nên giá trị biểu cảm lớn. Tháng 9-1958 về thăm tỉnh miền núi Yên Bái, Người nói:
“Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó”[6]. Với cách sử dụng hình tượng như vậy thì đồng bào người dân tộc, dù không biết chữ cũng hiểu.
Tiền thân của mô hình hợp tác xã là hình thức tổ đổi công, mà sau ngày kháng chiến thắng lợi đã góp phần không nhỏ vào sự đoàn kết lực lượng toàn dân. Bác Hồ kêu gọi:
“Có người còn sợ vào tổ đổi công. Một ngón tay có đỡ nổi cái ống phóng thanh? Năm ngón tay cũng chưa chắc, phải cả 10 ngón tay mới nổi. Ở nông thôn làm ăn riêng lẻ 1 - 2 nhà thì không tốt, làm ít kết quả, 5-10 nhà cùng làm thì nhanh hơn, tốt hơn”[7].
Giữa tháng 5- 1959 lên thăm nhân dân Sơn La, Người có dùng những hình tượng quen thuộc với đồng bào miền núi:
“Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc, v.v. đều là anh em ruột thịt một nhà chứ không phải Kinh ăn hiếp Thái, Thái ăn hiếp Xá, Puộc như trước nữa. Cũng ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gãy. Bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gãy được không? Chẳng những không ai bẻ gãy được, mà ai bẻ chúng ta đánh vào cái đầu nó. Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này.
Cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này. Nếu mà Tây, Mỹ muốn xâm phạm nước ta, ta sẽ đánh vào đầu nó”[8]. Hình tượng nắm tay là một biểu tượng sinh động, giàu nghĩa: nắm tay là sự đoàn kết thống nhất cao; nắm tay tạo ra sức mạnh.
Ngày 2-9-1945, lúc 19h, tức là chỉ vừa sau Lễ Mittinh lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam mới mấy tiếng đồng hồ, Người gửi thư cho Hoa kiều: “Tôi xin thay mặt Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam và toàn dân Việt Nam đưa bàn tay nồng nhiệt hoan nghênh anh em Hoa kiều sinh sống trên đất nước ta, mong rằng anh em hai nước chúng ta thân mật đoàn kết…không được vì những tranh chấp nhỏ của cá nhân mà gây điều bất hạnh ngăn cách giữa hai dân tộc”[9]. Điều này cho thấy Bác Hồ hết sức chú ý tới tình hữu nghị hai nước Việt Trung, thể hiện một tầm nhìn không chỉ ở hiện tại mà nhìn về quá khứ và cả tương lai. Biểu tượng bàn tay hữu nghị mãi là biểu tượng của tất cả những ai mong muốn hoà bình.
3. Bàn tay/chân/thắt lưng - Biểu tượng cho tình thế chiến lược, chiến thuật.
Đầu năm 1946 cách mạng nước ta lâm vào tình thế vô cùng hiểm nghèo: giặc Tưởng vào miền Bắc, giặc Anh ở miền Nam, và Pháp đang gây hấn. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định vô cùng sáng suốt, Người nói: “Không nên cùng một lúc đánh nhau tay 5, tay 6 với lũ cướp nước và bán nước”, và “Đấm bằng cả hai tay một lúc là không mạnh”[10]. Một đặc điểm của thiên tài là diễn đạt những điều to tát, lớn lao bằng những hình ảnh giản dị, dễ hiểu. Bác Hồ là như vậy. Ở đây Người diễn đạt chân lý về một chiến lược lớn bằng sự thật hiển nhiên, rất đơn giản mà ai cũng hiểu.
Cuối tháng 9-1953 tại bản Tỉn Keo Bác cùng Bộ Chính trị họp kế hoạch Đông Xuân. Người khái quát tình hình: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh…Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn” - Bàn tay Người mở ra, mỗi ngón tay chỉ về một hướng”[11]. Hành động “mở bàn tay” đã minh hoạ rất hiệu quả cho ngôn ngữ “buộc chúng phải phân tán binh lực”. Trường hợp này nghệ thuật biểu diễn gọi là “hành động xuất thần”, qua một cử chỉ nhưng nói được cái thần thái của sự vật.
Minh hoạ chiến lược phòng thủ của Pháp và tấn công của ta, có lẽ không cách diễn đạt nào ngắn gọn, hay, chính xác hơn cách nói sau: “Giặc Pháp là "vỏ quýt dày", ta phải có thời gian để mà mài "móng tay nhọn", rồi mới xé toang xác chúng ra”[12]. Nói về sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng, chỉ lối diễn đạt biểu tượng này mới nêu bật được:
”Dân ta từ một cổ hai tròng, vừa Tây vừa Nhật, Việt Minh chỉ có hai bàn tay trắng mà cũng cách mạng thành công, cũng giành lại độc lập ...”[13]
Ngoài ra ”bàn tay” còn biểu tượng cho loại cán bộ quan liêu, thiếu thực tế sa vào bệnh cửa quyền: “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của Đoàn thể cho chu đáo”[14].
Phê phán tư tưởng chủ quan, Bác dùng biểu tượng “chân/giày” hóm hỉnh mà sâu sắc: “…nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào "khoét chân cho vừa giầy". Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”[15].
Theo lời kể của đồng chí Song Tùng, nguyên đại sứ nước ta tại Cộng hoà dân chủ Đức, một lần nhân chuyến thăm nước bạn Bác đến đại sứ quán, Bác Hồ phê bình:
“Muốn đi xa, phải bắt đầu đặt chân gần nhất. Trước hết chú phải giáo dục con chú, anh chị em trong đại sứ quán, các cháu sinh viên, từ đó cả tập thể cán bộ nhân viên đại sứ quán và sinh viên chăm lo cho các cháu thiếu nhi...”[16]. Một biểu tượng hết sức thông thường nhưng biểu hiện một tư tưởng lớn: để thành công cả quá trình (đi xa) phải vững vàng, chắc chắn từ những vị trí xuất phát đầu tiên.
Muốn dạy con người phải dạy con mình trước. Muốn lo việc người phải lo việc mình tốt. Bác diễn đạt giản dị, dễ hiểu và cụ thể hoá một cách ngôn Nho giáo (tu thân, tề gia, trị quốc).
Bác dạy cán bộ quá trình cách mạng là cả một sự rèn luyện liên tục, bền bỉ: “Lúc người cách mạng đương hoạt động giống như người đi đường, phải cẩn thận, khiêm tốn, phải nhìn xuống chỗ bước của mình, đi bước nào vững bước ấy, nếu mới đi được một đoạn đã cho là vững rồi, đi giỏi rồi, rồi cứ đi mà mặt ngước lên trời không thấy hố, nên rơi xuống hố”[17].
Về chiến thuật đánh máy bay Mỹ, Bác Hồ dùng biểu tượng nên thật dễ hiểu. Ngày 9-11-1964 thăm Trung đoàn 921, Đoàn Không quân Sao Đỏ bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Bác nói: “Không ngại không quân địch hiện đại. Hãy bắt chước chiến sỹ, đồng bào miền Nam, nắm thắt lưng địch mà đánh”[18]. “Nắm thắt lưng địch” tức là cách đánh gần, áp sát. Chính nhờ chiến thuật này mà quân chủng Không quân đã góp phần làm nên trận Điện Biên phủ trên không lịch sử tháng 12-1972.
Như vậy, với những bậc thiên tài thì những hình ảnh bình thường nhất, đi vào tác phẩm cũng trở thành hình tượng sinh động mang ý nghĩa lớn lao.
N.C.S
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 2, tr 440
[2] Trần Dân Tiên- Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, 1975, tr 13.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 588
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 9, tr 403.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 4, tr 246.
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 9, tr 226.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 9, tr 227.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 9, tr 443
[9] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 2, tr 290.
[10]. Vũ Khoan (chủ biên) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 104.
[11] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 5, tr 374.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 6, tr 165
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 610.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 73.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 248
[16] Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập 2, tr 622, 624
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 8, tr 409.
[18] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, Tập 9, tr 141
VNQD