.TRẦN QUANG ĐẠO.
Năm 2005, lần đầu tiên tôi đến Hàn Quốc - đất nước mà tôi từng mơ được một lần ghé thăm. Ở Hàn Quốc, tôi đã đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người. Trong tôi bật nụ nhiều cảm xúc tươi mới. Nhưng điều ấn tượng nhất và cũng làm cho tôi ám ảnh dài ngày nhất là đất nước Hàn Quốc cũng giống đất nước tôi trước đây: bị chia cắt làm hai miền. Tôi đã đến vĩ tuyến 38, ở bên này vĩ tuyến nhìn sang bên kia (như ngày xưa ở quê, tôi và những người dân quê đứng ở bên này vĩ tuyến 17 nhìn về phía bên kia, mắt rưng lệ). Tôi nhìn đất trời. Nhìn những đám mây bay từ bên này giới tuyến sang bên kia giới tuyến. Nhìn cây cỏ… Và bất ngờ tôi thấy một đôi chim từ bên kia giới tuyến như hai chấm nhỏ xíu giữa trời xanh bay sang, đậu xuống cành cây trước mặt. Đôi chim vô tư chuyền cành tìm mồi… Trong tôi trào lên một cảm xúc mãnh liệt. Tôi chộp bắt được một tứ thơ. Và trên đường từ vĩ tuyến 38 về khách sạn, tôi đã làm xong bài thơ. Bài thơ có tên Con chim sâu ở giới tuyến Nam Hàn.
Tôi sinh ra gần vĩ tuyến 17. Những năm chiến tranh chống Mĩ ác liệt ở thế kỉ XX, dòng sông Bến Hải là đường ranh giới chia cắt đất nước, chia cắt hai miền. Tuổi nhỏ của tôi chứng kiến bao nhiêu bom đạn trút xuống, bao nhiêu con người đã ngã xuống sau những trận bom hoặc pháo từ Hạm đội 7 ở biển Đông bắn vào. Hầu như gia đình nào cũng có người chết vì bom đạn của Mĩ. Ông ngoại tôi cũng chết lúc tôi mười tuổi. Đó là vào một đêm mùa hè, một quả bom của giặc thả xuống, nổ sát hầm, ông tôi bị sức ép và vĩnh viễn ra đi… Bầu trời quê tôi ngày đó luôn luôn bị xé nát bởi tiếng máy bay gào rú. Còn mặt đất thì bị cày xới biến dạng, rách nát tang thương bởi bom đạn. Những người lính trẻ măng hầu như chưa từng yêu ai, đi qua làng tôi, vượt vĩ tuyến 17, để vào chiến trường. Vào thì nhiều mà ra thì ít. Những ước mơ khát vọng của họ cũng bị chôn vùi bởi chiến tranh. Ngày nay, bên kia giới tuyến xưa có đến hai nghĩa trang với hàng vạn ngôi mộ của những người lính Cụ Hồ. Và cũng tương tự, có nghĩa trang của những người lính Việt Nam Cộng hòa (thuộc phía bên kia).
Con chim sâu ở giới tuyến Nam Hàn
Trên những cành cây tôi chưa biết tên
có con chim sâu ngó nghiêng ve mắt
đôi chân như cuống lá bám vào cành dính chặt
gió thổi từ Bắc Hàn từng cơn
Con chim sâu tìm mồi
và lá xanh lật từng nếp trời chào tôi tới
trời trên đôi cánh chim sâu không còn ranh giới
toe tua lá cờ và những dải vải bay theo
Con chim sâu thật hiền
đôi cánh nhỏ bay qua sông có thể về bên kia làm tổ
có thể mang mồi từ Nam Hàn cho đàn con nhỏ
giới tuyến xóa nhòa trên đôi cánh chim
Sao dây thép gai làm bị thương cả tầm nhìn?
Đứng trước vĩ tuyến 38 của đất nước Hàn Quốc, trong tôi hiện lên những hình ảnh khủng khiếp một thời ở quê tôi. Nỗi đau chia cắt là nỗi đau của từng cá nhân và cũng là nỗi đau của cả một dân tộc. Đường ranh giới như một lưỡi dao xẻ vào trái tim người. Chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu hết. Vì thế mà tôi đã có một đồng cảm lớn khi đến Hàn Quốc.
Điều đó làm cho tôi viết bài thơ Con chim sâu ở giới tuyến Nam Hàn rất nhanh. Tôi nhìn giới tuyến từ một thực thể bé nhỏ nhất: con chim sâu. Con chim sâu bay từ Bắc Hàn qua Nam Hàn vào một ngày bình thường như bao ngày bình thường. Nhưng là bất thường đối với tôi, vào ngay thời khắc tôi đến và nhìn thấy. Nó là món quà tặng quý giá nhất cho nhà thơ vào thời điểm đó. Nó đến đúng lúc và làm những “công việc” để chắp cánh cho trí tưởng tượng của nhà thơ. Con chim sâu không có khái niệm về giới tuyến. Nó vô tư “ngó nghiêng ve mắt” để tìm mồi, dù “gió từ Bắc Hàn từng cơn” thổi tới. Con người thì cảm nhận gió từ Bắc Hàn một cách khác. Nhưng đôi chân chim bé xíu “níu vào cành bám chặt” đã làm cho nhà thơ bình tĩnh quan sát hai con chim sâu. Con chim sâu đã giúp nhà thơ quên đi cơn gió thổi buốt người và lòng chợt vui lên khi những nếp lá như vẫy chào người từ phương xa tới. Con chim tìm mồi bay về Bắc Hàn. Ranh giới không thể xác lập trên đôi cánh chim. Bầu trời là của nó. Cây cối hai bên vĩ tuyến cũng là của nó. Không có phân chia. Nó có thể bay từ bên này qua bên kia tìm mồi mang về cho đàn con nhỏ. Cũng có thể tha rác từ bên kia qua bên này làm tổ. Trên đôi cánh của nó giới tuyến bị xóa nhòa. Lúc đó tôi nghĩ, con chim là sứ giả của hàn gắn, sứ giả của hòa bình.
Đôi chim bay về bên Bắc Hàn. Nhà thơ nhìn theo. Bỗng hàng dây thép gai và những dải cờ rách nát làm bị thương cả tầm nhìn trong đôi mắt vừa âu yếm vuốt ve đôi chim nhỏ. Và thực tại như một dấu hỏi lớn xoáy vào hồn nhà thơ. Sao con người không như đôi chim nhỏ hiền lành kết nối vĩ tuyến khỏi bị cắt rời bằng đôi cánh yêu thương? Sao lại dựng lên những dây thép gai ngăn cách để bên này bên ấy nhìn sang nhau với bao nỗi đau chồng chất? Sự vô lí tồn tại là không thể chấp nhận. Nhà thơ nói lên nỗi lòng mình để truyền đến những trái tim đồng cảm. Phải làm gì để giới tuyến này bị xóa bỏ vĩnh viễn?
Tôi sinh ra ở gần vĩ tuyến 17 - nơi trước kia là giới tuyến phân chia hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Giới tuyến ở đất nước tôi đã được xóa bỏ từ lâu, bằng một nỗ lực, ý chí bền bỉ và phải trả với một cái giá đắt bởi nhiều mạng sống con người. Hàn Quốc, nước bạn tươi đẹp vẫn phân chia hai miền. Phồn thịnh nhưng chưa yên ổn. Nỗi đau chia cắt, nỗi buồn li biệt vẫn canh cánh bên lòng mỗi người dân Hàn Quốc và Triều Tiên. Chúng ta nên học chim và mây bay trên trời không phân chia giới tuyến. Chúng ta nên học mưa, nước tưới đều cho ruộng đồng hai phía. Chúng ta nên học gió, bay qua lại trên những cánh rừng đầy hương sắc. Chúng ta nên học câu hát, bên nào cũng nghe không có sự cắt chia trên từng thanh âm. Và bổn phận của nhà văn là phải viết, lộn trái sự vô lí của vĩ tuyến 38 đang bị chia cắt. Bằng nỗ lực, bằng ý chí, bằng sự đồng thuận, bằng tấm lòng… Tôi tin, một ngày nào đó, ngăn chia giới tuyến 38 sẽ bị xóa bỏ. Và tôi cầu mong điều đó đến vào một ngày sớm nhất.
T.Q.Đ
VNQD