(Đọc Tơ trời chùn chình đón đợi của Vũ Từ Trang, Nxb Hội Nhà văn, 2019)
.TÂM ANH
1. Sau Phía sau con chữ, Nhà văn độc hành độc bộ, Vì ai ta mãi phong trần, Phận người trôi nổi, trong năm 2019, Vũ Từ Trang lại xuất bản tập chân dung văn học thứ năm, Tơ trời chùng chình đón đợi. Một con số cho thấy ông là người “bén duyên” với thể loại dễ viết nhưng khó hay này. Chân dung văn học có nhiều kiểu viết, giọng viết. Có giọng khôi hài, tưng tửng như không, có giọng chân thành, ấm áp. Lại có giọng cảm thán, khâm phục. Cá nhân tôi cho rằng “chủ âm” trong Tơ trời chùng chình đón đợi là nỗi chua xót, ngậm ngùi. Những nhà văn được Vũ Từ Trang nhắc đến trong tập chân dung văn học này hầu hết đã “vương tơ trời”, một số ít còn lại cũng ở cái độ tuổi “xưa nay hiếm” đang từng khắc, từng giờ, từng ngày, từng tháng “chiến đấu” với lão, với bệnh trong vòng quay tuần hoàn của đời người. Vũ Từ Trang bùi ngùi sau sự ra đi của Tô Hải Vân vì căn bệnh ung thư quái ác; nghẹn ngào trước cái chết của Võ Văn Trực; tiếc thương cho Nguyễn Phan Hách chưa kịp về nhà mới đã vội lìa xa gia đình, bè bạn; cảm thông với những ngoắt ngoéo đời tư của Phạm Đình Ân; chia sẻ với Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Trung Thông về những chuyện văn - chuyện đời; xót xa cho Hoài Anh vất vả cả đời người mà không biết khi nào mới yên nhàn.
Cái ngậm ngùi, xa xót ấy lan từ phận người sang phận văn. Thú thật, nếu không có những trang viết của Vũ Từ Trang, tôi sẽ không biết đến những nhà văn thành Nam như Hoàng Trung Thủy, Chu Hồng Hải, các nhà thơ đất cảng như Đào Cảng, Vũ Châu Phối, nhà văn đất mỏ Nam Ninh, nhà thơ vùng rừng cọ, đồi chè Nguyễn Văn Toại… và những tác phẩm của họ. Đây là những nhà văn cùng thời với Vũ Từ Trang. Họ có văn tài, đau đáu, hết mình với văn chương, nhiều người được cử đi học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ khóa 6 của Hội Nhà văn Việt Nam, đoạt giải thơ báo Văn nghệ trong những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Phải nói ngay rằng ở thời điểm đó, phải là người “như thế nào” họ mới được cử đi học và đoạt giải cuộc thi thơ của báo Văn nghệ là cuộc thi uy tín nhất nước, nơi ươm mầm và phát hiện ra những tài năng thơ ca như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Anh Ngọc… Vậy mà vì những lí do, hoàn cảnh riêng, những nhà văn này buộc phải xa trung tâm văn học lớn là Hà Nội, trôi nổi ở những vùng “ngoại biên” để rồi dần dần… mất hút trên văn đàn và trong tâm trí bạn đọc đến độ Vũ Từ Trang phải thảng thốt kêu lên rằng: “Bây giờ còn mấy ai nhớ tới? Thời gian vốn nghiệt ngã”.
2. Một bài chân dung văn học hay, theo tôi phải vừa dựng nên những tính cách, những nét sinh hoạt đời thường độc đáo, vừa tóm tắt, khái quát, chỉ ra được cái đặc sắc trong văn nghiệp của người được khắc họa. Xét trên hai tiêu chí ấy, Vũ Từ Trang đều có những thành công nhất định. Chỉ bằng đôi ba câu văn, ông đã “vẽ” nên cuộc sống, tính cách của nhà văn mình nói đến. Viết về Hoàng Trung Thông, Vũ Từ Trang rất tinh khi phát hiện ra dáng đi của nhà thơ khi rượu ngà ngà là xiêu xiêu chứ không phải liêu xiêu như người khác: “Dáng ông xiêu xiêu, không phải liêu xiêu của người say rượu, mà như ông đang lướt, đang trôi, có lúc như dừng lại giữa dòng người vừa vội vã, vừa chậm chạp. Lui lại sau ông, nhìn dáng xiêu xiêu của nhà thơ đi trên đường, tôi cảm nhận nỗi cô đơn của con người thi nhân giữa dòng đời bộn bề xuôi ngược”(1). Và nhờ có Vũ Từ Trang, chúng ta cũng mới biết tác giả của hai câu thơ “đi cùng năm tháng” Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm có thú sưu tập… bao diêm, ưa ngồi một mình trò chuyện với… tượng Đỗ Phủ, Lỗ Tấn. Cái dáng ngồi “bó gối, lặng yên như tảng đá” và “ôm mặt khóc” bên cạnh tượng mấy văn hào Trung Quốc ấy gợi nên một hình ảnh rất khác về Hoàng Trung Thông như chúng ta trước nay vẫn hình dung. Hóa ra sau thành công về đường công danh - đường thơ, sau giọng nói, tiếng cười hào sảng, tận sâu trong tâm hồn mình, Hoàng Trung Thông vẫn chất chứa cả một trời tâm sự không biết ngỏ cùng ai. Với Nguyễn Phan Hách, Vũ Từ Trang chủ ý khai thác những nét tính cách đối lập trong tác giả bài thơ Làng quan họ quê tôi nổi tiếng. Qua ngòi bút của ông, hiện lên một Nguyễn Phan Hách rất “dát” trong cuộc sống thường nhật khi tập xe máy mãi không xong: “Đời thuở nào, trước khi đi tập, ông Hách lại đạp xe đạp một vòng xem phố xá vắng chưa, rồi về mới dám dắt xe máy ra tập. Khi dắt xe máy ra tập, đường phố lại đông, thế là lại đành dắt xe máy về”; bên cạnh đó lại có một Nguyễn Phan Hách đầy khí phách trong công tác xuất bản khi “liều mình như chẳng có” quyết định cho in những Thời xa vắng, Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng ở thời điểm đặc biệt “nhạy cảm”. Về Võ Văn Trực, Vũ Từ Trang nhấn vào nếp sống lặng lẽ chỉ quen ngồi yên lặng giữa “đám bạn văn chương lắm lời” và tinh thần ham học của ông qua cái dáng “lom khom viết viết xóa xóa để học ngoại ngữ trên tấm ván ghép tạm”. Ông dựng nên chân dung người độc bộ vĩnh cửu Hoài Anh bằng cái lôi thôi, luộm thuộm… rất nhà thơ: “Khi áo trong quần, khi áo bỏ ngoài quần, lúc dép cao su bốn quai, lúc lê dép nhựa mòn gót không quai hậu, vai khoác túi vải vừa cũ vừa bẩn chứa đầy bản thảo sổ sách”. Dễ thấy, với mỗi nhà văn, nhà thơ, Vũ Từ Trang đều có cách khai thác riêng, tìm ra những chi tiết lột tả cái sắc thái, “hồn vía” đặc trưng không lẫn vào đâu được của họ.
Không chỉ sắc sảo trong việc dựng chân dung giữa cuộc sống thường nhật, Vũ Từ Trang còn tinh tế trong cách nhận xét, đánh giá sáng tác của các bạn văn. Những câu thơ ông trích phần nhiều đều là thơ hay, đọc một lần là nhớ, là thuộc, ví như:
Nén hương con thắp ngày ra phép
Viếng mẹ năm nào cháy hết chưa.
(Hoàng Trung Thủy)
Nhà công, người còn, ghế mất
Nhà riêng, người mất ghế còn.
(Phạm Đình Ân)
Em thay áo con đường thu
chợt sáng
Bước em qua hoa cúc nở
trăng rằm.
(Nguyễn Đức Mậu)
Nhớ thời muộn dại sớm khôn
Tóc xanh như khói, mắt buồn
như mây.
(Hoài Anh)
Lối phê bình của ông là sự kết hợp giữa khả năng cảm thụ văn học và phương pháp tiểu sử. Nhờ chơi thân với các nhà văn, nên ông tự tin có thể “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, thấy được sợi dây liên hệ ngầm ẩn giữa cuộc đời tác giả và tác phẩm, từ đó đưa ra những kiến giải, phát hiện mới, riêng và sâu về các sáng tác của họ. Những ngày nằm trên giường bệnh truyền hóa chất theo phác đồ điều trị giúp ông thấu hiểu hơn tâm trạng của Tô Hải Vân khi viết bộ ba tiểu thuyết Người thứ hai, 6 ngày, Khởi đầu là mèo. Lời bình câu nói “Bỏ hết đi anh” của nhân vật Nguyệt trong 6 ngày, theo tôi là một trong những lời bình xác đáng nhất về tiểu thuyết này nói riêng và bộ ba tiểu thuyết nói chung của Tô Hải Vân. Những phân tích của ông về mối quan hệ giữa tùy duyên - nhân quả - nhẫn (những phạm trù tư tưởng Phật giáo) trong Đội gạo lên chùa, ngoài việc khảo cứu văn bản, còn được gợi ý từ những chuyến đi tham quan vãn cảnh chùa và trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
3. Nếu cần phải chỉ ra một điểm nào đó không ưa thích lắm trong cuốn chân dung này, tôi nghĩ nó nằm ở bài viết về nhà triết học Trần Đức Thảo. Bài viết về triết gia số một nước nhà nằm “lạc lõng” giữa hàng loạt bài viết về các nhà văn. Đã vậy, chân dung nhà triết học Trần Đức Thảo chỉ được dựng bằng những tư liệu cũ, không có thông tin mới thuộc dạng “quý hiếm”, nên không tạo ra sức hút và do đó dấu ấn cá nhân của tác giả cũng trở nên nhạt nhòa. Có lẽ vì quá ngưỡng mộ vị triết gia ở gần quê mình nên Vũ Từ Trang “bằng mọi cách” đưa vào tập chân dung này. Thêm nữa, ở đôi bài, đôi câu, ông có đôi chút “lan man” của người già. Nhưng đó đều là những điều có thể chấp nhận được, không ảnh hưởng đến tinh thần, nội dung bài viết.
Đọc Tơ trời chùng chình đón đợi của Vũ Từ Trang, tôi chợt nhớ đến câu “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” của Lão Tử. Cuộc đời tuần hoàn trôi chảy, nhịp thời gian nghiệt ngã, vô tình. Thứ lưu lại bền vững trên cõi đời này có lẽ chỉ là những trân quý trong tình cảm con người dành cho nhau như những gì Vũ Từ Trang dành cho các bạn văn trong Tơ trời chùng chình đón đợi
T.A
-------
1. Mọi trích dẫn trong bài đều lấy từ Tơ trời chùng chình đón đợi, Nxb Hội Nhà văn, 2019.
VNQD