. THANH NGUYÊN
Trong quan niệm của Bác Hồ, nhà hay gia đình không theo nghĩa cụ thể mà là nghĩa chung, là Tổ quốc, là truyền thống, là đất nước, quê hương.
Bác đã hy sinh cái hạnh phúc nhỏ bé mà cần thiết nhất của con người là ngôi nhà, là gia đình riêng để vì Tổ quốc
Năm 1946, ngày 3-11-1946 Bác Hồ gặp lại người anh ruột - ông Nguyễn Sinh Khiêm: “Hai anh em ôm lấy nhau mừng tủi, xúc động, hỏi nhau về sức khỏe… Người vừa cười vừa đọc:
Chốc đã mấy chục năm trời
Còn non, còn nước, còn người hôm nay.
Ông Khiêm ứng đọc:
Thỏa lòng mong ước bấy nay
Nước non rợp bóng cờ bay đón Người
Trả lời người anh hỏi về gia đình riêng, Người nói: “em chưa bao giờ nghĩ đến việc này… Mình không phải là người tu hành, nhưng vì việc nước phải quên việc nhà… Về đến đây cũng là về đến nhà rồi” [1]. Ông Cả Khiêm mở chiếc va-ly đan bằng sợi mây cũ kỹ, lấy mấy quả cam Xã Đoài biếu Bác Hồ.
Bác Hồ đỡ lấy cam, cảm động rơm rớm nước mắt. Nỗi nhớ họ hàng, quê hương trào lên, Bác nói luôn câu ca về Xứ Nghệ :
Quê ta ngọt mía Nam Đàn
Bùi khoại chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài
Ai về ai nhớ chăng ai?
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh [2].
Trong lời thơ và câu nói của Người khái quát rõ nhất sự hy sinh và tình yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng bào đến vô bờ ở Bác. Nhất là câu “Về đến đây cũng là về đến nhà rồi…” cho thấy Bác Hồ coi đất nước Việt Nam này, ở chỗ nào cũng là nhà của mình!
Tháng 4-1949 Người viết thư cho ông Hoàng Phan Kính là cậu và ông Trần Lê Hữu là dượng, có đoạn: “…trong lúc giặc Pháp đang dày xéo trên đất nước ta thì phận sự của mọi người Việt Nam là “vì nước quên nhà, vì công quên tư”. Là đầy tớ chung của đồng bào tôi càng phải như thế…”[3]. Càng cảm động và thương Bác hơn khi nghe kể về hoàn cảnh cô đơn của Người: “Đồng chí Phạm Văn Xoàn, cận vệ của Bác kể, hôm ấy đã khuya, tôi thấy tiếng rađiô vẫn nói mà Bác thì nằm im. Tưởng Bác đã ngủ, tôi nhẹ nhàng đi để không phát ra tiếng động vào tắt hộ chiếc rađiô cho Bác. Nhưng khi tôi vừa thò tay vào công tắc, bỗng nghe Bác nói: “Chú để nó nói, nhà có tiếng người cho vui”[4]. Bác hy sinh vì đời chung hàng chục triệu con người nhưng đời riêng cá nhân Bác lại một mình một bóng, lẻ loi. Đã rất nhiều lần và rất nhiều người quen, thân thiết nhắc Bác chuyện gia đình riêng. Bác vui vẻ thổ lộ: “Mình chẳng phải thần thánh gì. Cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng hoàn cảnh hiện nay thì còn điều kiện nào mà nghĩ đến gia đình riêng, hạnh phúc riêng... Sở dĩ Bác chưa lấy vợ là thời ấy Bác xa nhà, xa quê, xa nước, ra đi là để rồi có dịp trở về nước cùng đồng bào làm cách mạng giải phóng Tổ quốc. Muốn vậy Bác phải hết sức bí mật, cơ động nay đây mai đó, giữ kín mình để che mắt địch thì mới hoạt động cách mạng được. Mà đã lấy vợ, thì thông thường vợ phải đi theo chồng. Vợ con đã đi theo thì khó mà giữ kín được...
- Thôi ! Gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo xây dựng gia đình lớn vậy...
... Trong lúc nóng bỏng, các chú thử nghĩ xem, nếu người dân nghe tin ở Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy vợ thì người ta không khỏi suy nghĩ, bàn tán, ảnh hưởng đến quyết tâm kháng chiến...”[5].
Theo tác giả Trần Lam, năm 1928 Bác từ châu Âu về tới nước Xiêm. Một tối Bác nghe thấy tiếng một người mẹ ru con bằng Kiều: “Sáng hôm sau, lúc đi đường , với một giọng âu yếm Bác bảo tôi:
Xa nhà chốc mấy mươi niên
Tối qua nghe giọng mẹ hiền ru con!
Mỗi khi đi đường xa, Bác thường bảo chúng tôi ngâm Kiều, đọc Chinh phụ ngâm, hoặc kể chuyện, để cho đỡ mỏi”[6]. Nhà ở đây là đất nước (nước nhà), là Tổ quốc.
Ngày 20-2-1961 Người về thăm Pác Bó, xe dừng bánh, đồng bào ùa ra xúm xít, Người hỏi:
- Bà con làm gì mà đông thế này?
- Đón Bác ạ! Năm mới chúc Bác mạnh khoẻ ạ!
Người lần lượt nhìn mọi người rồi nói:
Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!”[7]. Chỉ một câu nói mà toát ra cả một tư tưởng: cả đất nước này là ngôi nhà, mọi người dân Việt Nam là anh em sống trong ngôi nhà ấy.
Từ những dữ liệu trên cho phép một lý giải: vì sao Bác Hồ lại chọn ở nhà sàn?
Chúng ta biết từ lúc sinh ra đến khi lớn lên, ở làng Sen (Kim Liên) đến khi vào Huế rồi vào Bình Khê...rồi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, trừ những năm kháng chiến chống Pháp, Bác không ở nhà sàn. Nhưng từ khi về Thủ Đô (1955) Người chọn nhà sàn đơn sơ để ở. Bác là người hiểu sâu sắc truyền thống và luôn kế thừa, tiếp thu tinh hoa từ truyền thống. Mà trong truyền thống, theo các tài liệu sử học, khảo cổ học đã công bố thì từ thời Hùng Vương, dân ta đã ở nhà sàn. Di chỉ trống đồng Đông Sơn cũng có in khắc hình nhà sàn. Như vậy Bác ở nhà sàn cũng là một biểu hiện tinh thần dân tộc. Cũng là một cách Bác nhắc nhở thế hệ sau phải luôn như vậy?!
Nhà/cửa, theo quan niệm của Bác còn là biểu tượng của hoà bình, của hạnh phúc, là chồng/vợ. Điều này lại cho thấy Bác Hồ thật bình thường, giản dị, chân chất, mộc mạc như bao người Việt Nam khác.
Trong chuyến thăm các nước Ấn Độ và Miến Điện (Tháng 2/1958) Bác viết Tình nghĩa anh em Việt - Ấn – Miến có đoạn kể lúc chia tay quyến luyến giữa Bác và Thủ tướng Nêru. Cả hai vị chính khách đều dùng biểu tượng: “Lúc chia tay, khách và chủ đều tỏ tình rất quyến luyến. Bác đứng trên cửa xe vẫy tay và nói chơi: "Cửa này là cửa hoà bình". Thủ tướng Nêru cười và trả lời: "Cửa hoà bình, chúng ta phải để nó mở rộng mãi mãi"[8]. Cả hai lãnh tụ “đồng thanh tương ứng” về “cửa hoà bình”. Đó là sự gặp gỡ của hai tư tưởng lớn yêu hoà bình, thống nhất và độc lập.
Nhìn một cách khái quát nhất, cả cuộc đời Bác đều “Dĩ công vi thượng” là lấy việc chung đặt lên trên hết. Ngay trong thơ là thể loại thường để nói về tâm trạng cá nhân cũng thể hiện rõ điều này:
Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta [9].
Bài thơ này Bác làm trả lời các đồng chí và bạn hữu đề nghị tổ chức Lễ mừng thọ (19/5/1949). ”Nhà” ở đây là biểu tượng cho hạnh phúc riêng. Người đã hy sinh tất cả vì mục đích của cả dân tộc: ”kháng chiến thành công đã”.
Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thẳm sâu những suy nghĩ nhỏ nhất đến tư tưởng lớn tất cả đều vì mục đích độc lập cho nước hạnh phúc cho dân. Ngày 16-7-1947 trả lời một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập thống nhất, dân chủ”[10]. Những người bình thường chúng ta ai cũng có một gia đình riêng, có nhà cửa, có vợ/chồng, con cái, có anh em quây quần. Nhưng Bác thì không (Bác nhấn mạnh bằng ba chữ ”không”) vì Bác đã hy sinh tuyệt đối hạnh phúc riêng vì hạnh phúc chung của dân tộc. Bác lấy cái chung làm hạnh phúc cho cá nhân mình.
Bác Hồ rất Việt Nam ở cách sử dụng ngôn từ. Nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh kể về một kỷ niệm thật hạnh phúc năm 1966, một lần được ăn cơm với Bác. “Thường vào sau các bữa ăn bao giờ Bác cũng cho ăn quả. Hôm ấy, sau khi ăn cơm xong Bác cho tôi thêm một quả táo. Bác nói: “Cháu ăn đi, Bác cho quả này để cháu mang về cho “cái nhà biết đi” của cháu nhé”. Tôi ngượng nhưng trong lòng thì âm ỉ một niềm vui sướng”[11]. Rất đúng với phong tục, tập quán người Việt gọi chồng/vợ là “nhà” (nhà tôi) biểu thị sự thân thiết, đùm bọc. Bác nói “cái nhà biết đi” là nói chồng của nghệ sỹ một cách hóm hỉnh, hài hước, đùa vui.
Bác của chúng ta là thế, rất vĩ đại nhưng cũng rất giản dị, đời thường!
[1]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 3, tr 361.
[2]. Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005. tr 31.
[3]Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 4, tr 305.
[4]. Cao Bá Sánh - Cận vệ Bác Hồ. Nxb Công an Nhân dân, 2004.tr 370.
[5]. Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.tr 111.
[6]Chuyện giả mà có thật, báo Nhân dân, số 2242, ngày 9-5-1960 in trong cuốn Bác Hồ- Nxb Văn học, 1960, tr 110.
[7]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, Tập 8, tr 31.
[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 97
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập5, tr 597
[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 171
[11]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 296.
VNQD