Giản dị và ngân vang

Thứ Năm, 16/01/2020 13:48

.NGUYỄN MAI KIÊN

Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống TCCT, chương trình nghệ thuật do Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội dàn dựng.

Nhạc sĩ Đức Trịnh (tên đầy đủ là Nguyễn Đức Trịnh) sinh năm 1957 tại Bắc Giang. Ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1975, Đức Trịnh học sáng tác âm nhạc tại Trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó theo học đại học và thạc sĩ âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Năm 1992, ông nhận công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và đã qua nhiều chức vụ ở nhà trường. Năm 2010 ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ông được Nhà nước thăng quân hàm thiếu tướng vào năm 2012. Quá trình công tác trên lĩnh vực đào tạo nghệ thuật, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Hiện nhạc sĩ Đức Trịnh là Phó Chủ tịch thường trực Hoäi Nhaïc só Vieät Nam.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Đức Trịnh viết nhiều và đa dạng, cả khí nhạc và thanh nhạc. Các tác phẩm khí nhạc của ông có: giao hưởng ba chương Tượng đài vô danh; tứ tấu đàn dây; sonate cho piano; thơ giao hưởng Không đề. Ngoài ra ông còn viết nhiều nhạc múa, hòa tấu nhạc nhẹ. Các ca khúc được nhiều người biết đến: Mưa xuân, Hoa dại, Ngược dòng Hương giang, Mùa xuân em - mái trường, Chiều chia xa, Tình yêu của lính, Miền xa thẳm, Chiều cao nguyên… Ngoài ra, ông cũng giành được nhiều huy chương vàng tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật toàn quốc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân và nhiều hội diễn khác.

Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết ở giọng G trưởng (Sol trưởng) với tiết nhịp 4/4, tiết tấu nhịp đi thể hiện sự hùng mạnh, khí thế của quân đội. Bài hát được viết ở hình thức hai đoạn đơn. Mở đầu với một nét nhạc trầm hùng, nhẹ nhưng cương quyết. Lời ca mở đầu như một lời khẳng định chắc chắn về sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam: Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiết tấu “móc giật” và sự tiến hành các quãng liền bậc lên và xuống liên tiếp làm cho người nghe liên tưởng đến những “làn sóng” quân đi trùng trùng, lớp lớp. Tiết tấu chủ đạo này được nhắc lại trong các tiết nhạc tiếp sau và thay đổi cao độ: Sát cánh bên nhau nhịp bước quân hành/ Nguyện một lòng với Đảng Cộng sản Việt Nam/ Mãi mãi giương cao cờ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG.


Cả đoạn nhạc đầu được tiến hành theo cùng một phương thức như thế và nhấn mạnh ở cuối tiết nhạc thứ tư với bốn chữ “quyết chiến, quyết thắng”. Đây cũng là truyền thống vẻ vang của TCCT: Trung thành - Kiên định; Gương mẫu - Tiêu biểu; Nguyên tắc - Dân chủ; Chủ động - Sáng tạo; Nhạy bén - Sắc sảo; Đoàn kết - Thống nhất; Quyết chiến - Quyết thắng. Lời ca ở đoạn đầu đã toát lên được tinh thần trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

Hành khúc Tổng cục Chính trị do Tiểu đoàn Múa - Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật
Quân đội trình bày tại cuộc thi hát Bài ca truyền thống Tổng cục Chính trị.

Ảnh: ST

Ở câu nhạc thứ hai, tác giả nhắc lại câu thứ nhất và chỉ thay đổi ở tiết nhạc cuối cùng để đoạn nhạc kết ở chủ âm. Lời ca ở câu nhạc này toát lên được lịch sử ra đời, phát triển của Tổng cục Chính trị gắn liền với lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ cần nghe câu đầu tiên của lời ca đoạn thứ hai, chúng ta có thể thấy rõ hình ảnh tháng 12 năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ. Ngay từ khi ra đời, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã có chi bộ Đảng lãnh đạo. Điều đó đã khẳng định hoạt động công tác đảng, công tác chính trị luôn song hành với sự hình thành và phát triển của quân đội. Và chính nhờ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị mà quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng, đi từ nhỏ đến lớn, từ không đến có, để cùng với toàn Đảng, toàn dân làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, tiến tới đánh bại quân đội thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nếu đoạn một được tiến hành với lối tiết tấu ngắn, hùng hồn, dứt khoát, thì đoạn hai được nhạc sĩ chuyển sang một tiết tấu dài, dàn trải và ngân vang hơn. Sự tương phản này đã giúp người nghe cảm nhận được hai đoạn một cách rõ ràng hơn. Đoạn một là sự ra đời với truyền thống quyết chiến quyết thắng của TCCT và đoạn hai là niềm tự hào, sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy: Vừng đông sáng quân kì phấp phới. Sự nhắc lại liên tiếp các trường độ nốt trắng chấm dôi và nốt đen ở đoạn nhạc này với lối tiến hành giai điệu lên xuống nhịp nhàng rất phù hợp với lời ca. Người nghe sẽ cảm nhận được sự điệp trùng của đoàn quân trong tiếng nhạc ngân vang mãi. Tiết tấu của giai điệu dần được tăng cường nhanh hơn để cuối cùng khẳng định bằng một tiết tấu chùm ba nốt đen rất mạnh mẽ và uy nghi. Chùm ba này được tác giả dành cho phần cuối của bài hát càng làm chúng ta “gai người” mỗi khi nghe đến đó. Ai cũng thấy được sự gian khổ của người lính ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, và cho dù có phong ba, bão táp, khó khăn và gian khổ đến mấy thì cũng không thể ngăn được bước chân người lính. Có niềm tin sắt son, tình yêu Tổ quốc thì người lính sẽ chiến thắng trên mọi mặt trận.

Một ca khúc được viết với sự giản dị, cân đối về khúc thức, dễ nhớ, dễ thuộc nhưng lại ngân vang với tất cả sự hùng tráng của một hành khúc làm cho bất cứ người lính nào đều có thể hát lên dễ dàng. Đó là cái tài của người nhạc sĩ. Cả cuộc đời nhạc sĩ Đức Trịnh cống hiến cho quân đội, đã từng tham gia chiến trường và có lẽ điều làm nên sự giản dị này chính là những rung động, đồng cảm của nhạc sĩ với những người lính.

Dù mới ra đời, ca khúc đã nhanh chóng được cán bộ, chiến sĩ của TCCT học thuộc và hát lên mỗi dịp kỉ niệm ngày truyền thống và trong các hoạt động văn nghệ. Mỗi khi giai điệu hào hùng ấy vang lên, những người lính của TCCT lại cảm nhận được sự vinh dự, tự hào khi đứng trong hàng ngũ của những người làm công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Cùng thời gian, chắc chắn giai điệu ấy sẽ còn ngân vang mãi trong tâm hồn với một niềm tin sắt son với Đảng, với Tổ quốc

N.M.K

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)