. NGUYỄN THANH TÚ
Bác Hồ là người làm vườn đích thực, thời kỳ công tác bí mật ở Thái Lan Bác như một nông dân. Trong bài viết Kiều bào ta ở Thái lan luôn luôn hướng về Tổ quốc Bác kể: “Bác cũng phát nương làm xuốn như các anh em khác”[1]. “Xuốn”, âm tiếng Xiêm có nghĩa là vườn. Năm 1946, những ngày đầu ở Pháp, ông Raymông Ôbrắc hỏi Bác về chỗ ăn ở, Người nói: “Chính phủ của ông đã cho tôi một căn hộ lộng lẫy trong một lâu đài gần quảng trường Ngôi sao. Tôi không thích thú cho lắm. Tôi cần một mảnh vườn, mà ở đây lại không có vườn”[2]. Khi làm Chủ tịch Nước Bác Hồ vẫn là người làm vườn: “Việc quân việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”.
Hình bóng làng quê nghèo khó, bình dị, chịu chung số phận đất nước mà đang còn chịu làm nô lệ cho kẻ xâm lăng luôn day dứt, trăn trở trong thẳm sâu tâm hồn con người xứ Nghệ vĩ đại ấy. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đi tim đường cứu nước cũng là tìm đường giải phóng quê hương. Sau này ở cương vị Chủ tịch Nước, Bác Hồ vẫn đau đáu với làng quê. Ca sĩ Đỗ Lệ Hoa (Trung Quốc) kể: “Mỗi lần Bác Hồ sang Trung Quốc, Người đều hỏi thăm tôi. Và tôi lại được lệnh đi hát cho Bác nghe. Bác không thích bài Lãnh tụ ca bằng bài Làng tôi của Văn Cao, do đó tôi đã học thêm bài này”[3]. Vì đó là bài hát nói lên được cái hồn quê Việt, trong đó có làng Sen…Bác là nhà văn hoá lớn nên Bác hiểu sâu sắc văn hoá làng xã Việt. Thương làng, đau cho làng bị rên xiết dưới gót giày giặc Tây, nên khi đã sang Pháp, viết văn bằng tiếng Pháp, hình ảnh làng hiện lên là cái làng “lo lắng”. Đây là hai mảnh đoạn trong truyện ngắn Con rùa:
“Ai đấy? Ông Xã, lý trưởng làng La Lo, vừa hỏi to vừa bước ra mở cổng cái vườn con... Chào ông anh ạ! Ông nói với người vừa ló ra. May mắn làm sao tệ xá lại được vinh hạnh đón tiếp ông anh quá bộ lại chơi thế này?”[4]. Đây là đoạn giới thiệu ông xã trưởng của làng có cái tên lạ: La Lo. Dưới đây là đoạn tả cảnh ông xã biếu “ngài công sứ” một “con rùa”:
“Đặt xong xuôi con rùa ngay ngắn trên cái khay bạc thuê của chính nàng hầu quan sứ, bày xong xuôi cả khay lẫn rùa lên chiếc chiếu trải trước cửa phòng giấy ngài công sứ, ông Xã đến trình diện với tất cả nỗi niềm cung kính tất phải có đối với vị đại diện của Nhà nước bảo hộ. - Lạy quan lớn, ông vừa thưa vừa quay lại phía chiếu, dám xin quan lớn nhận cho, của mọn thôi ạ! Cái món qu... qu...”[5]. Trong bản phiên âm tiếng Pháp tên làng Lalo chính là phép chơi chữ kết hợp cả tiếng Pháp và tiếng Việt: La, tiếng Pháp có nghĩa: cái, chiếc, sự, cái nỗi…; lo (tiếng Việt) có nghĩa lo lắng. Tên làng là Lalo được hiểu là làng (của những) sự lo, nỗi lo…
Cả câu chuyện chứng minh những sự lo, nỗi lo của làng ấy, mà lý do là từ chính “ngài công sứ”.
Chúng ta còn có thể tìm thấy ở “làng” là những biểu tượng văn hoá rất ý nghĩa.
1. Làng – Biểu tượng của sự đoàn kết chống lại phi nghĩa.
Làm rõ tính chất xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ và quyết tâm bảo vệ lẽ phải chính nghĩa của nước Việt Nam trước công luận thế giới, không một lý lẽ nào thuyết phục hơn ngụ ngôn sau. Câu chuyện Kẻ cướp nói chuyện hòa bình đã lột tả rõ nhất hoàn cảnh nước ta bị giặc Mỹ xâm lược mà chúng lại vừa “ăn cướp vừa la làng”:
“Câu chuyện rằng: Làng Xuân gồm có hai xóm, xóm Trong và xóm Ngoài.
Cả làng làm ăn rất vui vẻ. Bỗng một lũ kẻ cướp từ phương xa đến đánh chiếm xóm Trong. Chúng cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá nhà cửa, hủy hoại ruộng vườn… Chúng mua chuộc mấy đứa bất lương trong xóm làm tay sai cho chúng. Vốn có truyền thống anh hùng, dân làng xóm Trong đã nổi dậy nện cho lũ cướp giập đầu chảy máu.
Thấy không khuất phục được làng Xuân, lũ cướp một mặt thì kêu gào dân làng “bàn bạc cách giải quyết hòa bình”. Mặt khác lại ồ ạt đưa thêm bọn lâu la vào xóm Trong. Không mắc lừa mưu mô xỏ lá của lũ cướp, dân làng Xuân kiên quyết bảo chúng: “Làng này là làng của chúng tao. Chúng mày là kẻ xâm lược. Trước hết, chúng mày phải cút khỏi làng này. Nếu chúng mày chần chừ, thì chúng tao sẽ đẩy chúng mày xuống biển ”… Lũ cướp bèn kêu lên: “Xin thiên hạ làm chứng cho, chúng tôi muốn giảng hoà, nhưng làng Xuân không muốn!”[6].
Câu chuyện hết sức giản dị, chỉ là kể một câu chuyện trên dưới một trăm chữ về việc dân làng Xuân đánh cướp bảo vệ làng nhưng đọc lên thì ai cũng hiểu được lẽ phải chính nghĩa, tinh thần đoàn kết, ý chí đánh giặc của nhân dân Việt Nam; bản chất ăn cướp, luận điệu trắng trợn, xảo trá mà vô lối của đế quốc Mỹ. Không có tài năng, không có một khả năng khái quát, một tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén… không thể viết được ngắn gọn, sâu sắc như thế! Cũng dùng hình ảnh lũ cướp và “một làng lương thiện”, Hồ Chí Minh đối thoại, chất vấn, “khoá mõm” Tổng thống Mỹ đang huênh hoang trước dư luận thế giới là Mỹ đem quân đến Việt Nam để “bảo vệ hoà bình”, qua hai câu hỏi:
“Một lũ cướp hung dữ từ phương xa ồ ạt đánh vào một làng lương thiện. Như vậy, dân làng hay là lũ cướp, ai là kẻ xâm lược?
- Lũ cướp đã đốt phá, giết người, vơ vét của cải. Dân làng đã dũng cảm chống lại chúng. Lũ cướp bèn thay đổi chiến thuật, tay thì cầm súng sẵn sàng bắn, miệng thì bảo dân làng rằng: "Các người hãy ngồi xuống với chúng ta để đàm phán hoà bình không điều kiện". Như vậy, dân làng nên chăng tin lời của lũ cướp ?
Xin ông trả lời dứt khoát hai câu hỏi đó”[7].
2. Vườn – Biểu tượng của tương lai tốt đẹp, của sự đa dạng tốt tươi
Bác Hồ phát động phong trào “thi đua ái quốc” kêu gọi mọi tầng lớp lao động tích cực hơn, hiệu quả hơn. Một ngụ ngôn của Người thật đẹp về hình ảnh giàu về ý nghĩa như thôi thúc, khuyến khích, động viên:
“Sau một thời kỳ tìm tòi và chuẩn bị, và mặc dầu gặp nhiều khó khăn, thi đua ái quốc của ta đã có kết quả đầu tiên. Kết quả tuy còn nhỏ, nhưng nó như con én báo hiệu mùa xuân. Nó là cái đà cho kết quả to lớn sau này.
...Như một cái vườn mênh mông, tươi tốt, mới có một vài nụ hoa chớm nở, song chắc rồi đây vườn sẽ khai hoa kết quả đầy cả góc trời”[8].
Tháng 6-1968, khi đã 78 tuổi, nói chuyện với các đồng chí có trách nhiệm trong Ban Tuyên huấn Trung ương Người nhắc về chiến lược xây dựng con người:
“Một người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp...Những gương người tốt làm việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người”[9]. Đây thực sự phải là kim chỉ nam cho ngành giáo dục hôm nay.
Sinh thời, hầu như chiều nào có chút thì giờ rảnh rỗi là Bác không quên ra vườn ngắm nghía những mầm lá cam đang nhú và tìm bắt sâu cho cam. Vào dịp cam chín, hôm đoàn khách Liên Xô có anh hùng phi công vũ trụ Ti-tốp vào thăm Bác, Bác tự tay hái cam và tặng khách. Vừa trao trặng, Bác vừa nói vui: “- Của ít lòng nhiều, xin quý khách nhận cho”.
Nhân cuộc họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, Bác bảo đồng chí giúp việc hái tặng mỗi vị một quả cam “cây nhà lá vườn”. Người tự tay lấy tặng mỗi vị một quả và nói rất chân tình: “- Cam của vườn Bác chắc không ngon ngọt bằng cam của bà con nông dân ta trồng, chú nào cần ăn thêm đường thì lấy...”[10]. Đây không phải là hành vi và lời nói của một vị Chủ tịch Nước, mà là lời của người Cha nói với những đứa con yêu, như nhắc nhở về đạo lý: ăn quả nhớ người trồng cây, mà người trồng cây vĩ đại nhất là Nhân Dân (mà như Bác nói là “bà con nông dân ta”).
3. Ruộng – Biểu tượng cho đất nước và lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày 17- 9-1946 Bác nói chuyện với kiều bào ta tại Pháp: “Tôi nhắc lại một ý mà kiều bào ta đã biết là nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gặt hái đem ra chia đôi, hai bên cùng có lợi…”[11]. Một ví dụ ngắn gọn mà phù hợp với tập quán làm ruộng của dân ta, phù hợp với đặc điểm người Pháp mang quân, mang của (thóc) sang nước ta (ruộng) để “khai hoá văn minh” (trồng). Nhất là nó phù hợp với tình hình Bác sang Pháp để ký Tạm ước hoà bình với người Pháp.
Trong tư duy Hồ Chí Minh dù có nói về vấn đề phức tạp nhưng nhờ cách sử dụng các biểu tượng nên rất giản dị, cụ thể: “xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như làm ruộng. Trước phải khó nhọc cày bừa, chân bùn tay lấm, làm cho lúa tốt, thì mới có gạo ăn. Sau cách mạng thành công, nhân dân Liên Xô đã phải thắt lưng buộc bụng, phấn đấu xây dựng ngót 18 năm mới được sung sướng như ngày nay”[12].
Tư tưởng Hồ Chí Minh bắt sâu gốc rễ từ truyền thống nhưng chỉ kế thừa những nét tích cực và loại trừ những nét không phù hợp với sự phát triển. Người căn dặn đồng bào: “Đồng bào nông dân ta cần hiểu rằng ruộng đất rất tốt, nhưng phải có sự chăm chỉ, cần cù thì mới đem lại hoa màu, thóc lúa, nghĩa là "muốn có ăn thì phải lăn vào ruộng"[13]. Thành ngữ dân gian là “Muốn ăn thì lăn vào bếp” với nét nghĩa chỉ sự hưởng thụ, mặc dù vật chất đã có nhưng muốn hưởng thụ ngay thì cũng phải làm việc. Bác Hồ phát triển thành ngữ này và đẩy ý nghĩa đi xa hơn nhiều nghĩa ban đầu của ngụ ngôn dân gian: muốn tạo ra vật chất và hưởng thụ nó thì phải làm việc từ những công việc đầu tiên.
Bác Hồ vĩ đại ở ngay trong quan niệm, trong suy nghĩ rất Việt Nam, rất đời thường như thế đó!
[1]. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd, tập 10, tr 24.
[2]. Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 196.
[3]. Trần Đương - Ánh mắt Bác Hồ. Nxb Thanh niên,1999 tr 67.
[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập2, tr 143.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập2 , tr 144.
[6]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 569.
[7]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 88.
[8]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 236.
[9].Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 551.
[10]. Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.Tr 99.
[11]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 3, tr 330.
[12]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 175.
[13]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 107
VNQD