Đồng hồ - một biểu tượng đặc sắc trong lời dạy của Bác Hồ

Thứ Hai, 20/01/2020 00:47

. NGUYỄN THANH HẢI

Trong cách nói, cách viết, Bác Hồ rất hay dùng đồng hồ làm một biểu tượng mang tính ngụ ngôn. Nhưng tác dụng thì thật thấm thía, cụ thể mà sinh động.

1. Biểu tượng của sự phân công nhiệm vụ trong một tổ chức

Cuối năm 1954 bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, vừa đánh thắng một thực dân Pháp to, trong đội ngũ cán bộ đảng viên chúng ta xuất hiện một tư tưởng công thần, đòi hỏi hưởng thụ. Câu chuyện Chiếc đồng hồ của Bác thật sự có tác dụng giáo dục to lớn: “Bác ngồi ở bàn, cầm một chiếc đồng hồ và nói: “Bác có chiếc đồng hồ này dùng đã lâu, đây là chiếc đồng hồ của đồng chí Nam Dương cho Bác”. Chúng tôi nhìn chiếc đồng hồ nằm gọn trong tay Bác. Một chiếc đồng hồ quả quýt kiểu cũ. Bác hỏi tiếp: Cái đồng hồ này phía trước có hai kim và chữ số nói rằng: chúng tôi ở phía trước lâu rồi, đổi chỗ cho chúng tôi ra đàng sau. Còn những bánh xe ở đằng sau thì nói: chúng tôi ở đây đã lâu rồi cho chúng tôi ra đằng trước. Nếu tất cả mọi thứ đều yêu cầu như vậy thì chiếc đồng hồ có còn dùng được nữa không?”. Rồi Bác giải thích: “Công tác cách mạng cũng thế, mỗi người đều có nhiệm vụ nhất định, do sự phân công của tổ chức, vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Mội người ai cũng làm tròn nhiệm vụ của mình thì công tác cách mạng mới hoàn thành được”[1]. Đây không chỉ là bài học cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức mà là bài học của cả cách mạng nói chung, bài học cho muôn người, muôn đời, mọi nơi, mọi lúc. Có lẽ không có cách nói vòng mượn cái đồng hồ mà mỗi bộ phận, chi tiết đều có chức năng không thể thay thế, thì không thể nói một cách hấp dẫn, lôi cuốn và rất thuyết phục nhờ cách mượn một sự vật với tính năng khoa học hiển nhiên để đạt mục đích nói về “sự phân công của tổ chức” trong công tác cách mạng.

Mục đích của công tác cán bộ là dùng người đúng vào công việc cách mạng phù hợp, mà “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng. Thí dụ trong một cái đồng hồ, những cái kim thì chạy suốt ngày đêm, những chữ số thì suốt đời đứng một chỗ. Nếu những chữ số cũng muốn chạy như cái kim, hay là cái kim cũng muốn đứng lại như chữ số thì không thành cái đồng hồ nữa”[2]. Ngụ ngôn này chỉ rõ cán bộ nào cũng muốn đứng như những con số hoặc chạy như cái kim thì không còn là cái đồng hồ cách mạng nữa. Chính vì thế mà con người cán bộ mang tính quyết định sự thành bại của công tác cách mạng

Lại có cán bộ đảng viên chỉ thích làm việc to không thích làm việc nhỏ. Họ cho rằng làm việc to thì mới tương xứng với “tài năng” của mình. Bác Hồ nhắc nhở, giáo dục những người này qua một ngụ ngôn: “Công cuộc cách mạng là do nhiều việc nhỏ, nhiều bộ phận mà xây dựng nên. Nếu không có những việc nhỏ, những bộ phận nhỏ cộng lại, thì sẽ không thành việc lớn. Công việc xã hội cũng giống như cái đồng hồ, nếu thiếu 1 cái đinh nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả cái đồng hồ”[3].

Có một quy luật trong cách sử dụng biểu tượng của Bác Hồ là rất sát hợp với đối tượng nghe (đọc). Ở ví dụ trên thì vì đối tượng nghe là bộ đội, mà bộ đội thì phải rất quen thuộc với chiếc đồng hồ (để tập luyện, để hợp đồng tác chiến…) và công việc giao thông, đánh máy…Biểu tượng thật giản dị: mỗi chi tiết trong đồng hồ đều có nhiệm vụ khác nhau, không thể thay thế, cũng như vậy, chú nấu bếp, chú giao thông mỗi người một việc, ai làm tốt cũng đều vẻ vang.

2. Đồng hồ - Biểu tượng của sự đoàn kết, nhất trí

Những vấn đề cực kỳ quan trọng nhưng được diễn đạt theo lối biểu tượng nên giản dị, gần gũi, dễ hiểu. Về cách lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ dùng hình ảnh chiếc đồng hồ và một thành ngữ:

“Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho. Ví dụ: trong cái đồng hồ có nhiều máy móc khác nhau, nhưng tất cả các bộ phận đều phải ăn khớp với nhau, thì đồng hồ mới chạy tốt...

Giữa đảng viên và cán bộ với nhau, phải kiên quyết bỏ hết thành kiến. Thành kiến là một thói xấu, có hại...Nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng”[4].

“Trong Đảng và Nhà nước ta có sự phân công chặt chẽ như các bộ phận trong chiếc đồng hồ: cái kim, dây cót khác nhau nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau. Thiếu một bộ phận nào cũng không được...”[5].

Bác Hồ nhiều lần ví nhà nước như một bộ máy để nhấn mạnh tới sự thống nhất, hoạt động “ăn khớp” giữa các bộ phận, và nhất là trong bộ máy ấy tất cả các chi tiết phải đồng bộ tức đoàn kết nhất trí:

“Một bộ máy là do nhiều thứ máy to nhỏ lắp lại. Các máy ấy đều ăn khớp với nhau, thì bộ máy tốt và sản xuất nhiều. Nếu chỉ một cái máy nhỏ không ăn khớp, thì cũng đã ảnh hưởng xấu đến toàn cả bộ máy.

Chính quyền và Đoàn thể cũng như những bộ máy gồm cả từ vị chủ tịch đến cán bộ các cấp cho đến anh em giao thông...”[6].

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Hồ Chí Minh có những cách diễn đạt bất ngờ, chính xác mà pha chút hóm hỉnh: “Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên (tức các công việc được triển khai trong Hội nghị cán bộ lần thứ sáu tháng 1- 1949 về quân sự, kinh tế, chỉnh đốn Đảng… NTT) ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng”[7]. Không có máy phát điện hoặc máy yếu thì đèn không thể sáng, cũng như vậy Đảng phải mạnh thì các công việc nhà nước mới hoàn thành được.

Dùng hình ảnh chiếc đồng hồ làm ngụ ngôn Bác đã gián tiếp nhắc nhở: đồng hồ là loại máy móc hiện đại, chính xác, các bộ phận trong nó luôn là một thể thống nhất. Đảng ta cũng vậy, phải hiện đại, khoa học, và đặc biệt là các đồng chí trong Đảng phải “đoàn kết nhất trí” như các bộ phận của đồng hồ thì công việc mới có thể “chạy” được. Hình tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” là một thành ngữ dân gian quen thuộc để chỉ những công việc do không thống nhất với nhau mà ngược chiều nhau, do vậy mà công việc sẽ chẳng đâu vào đâu cả. Rất đúng với công việc lãnh đạo của Đảng!

Đây không chỉ là bài học cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức mà là bài học của cả cách mạng nói chung, bài học cho muôn người, muôn đời, mọi nơi, mọi lúc.

3. Đồng hồ - Biểu tượng cho sự “đứng núi này, trong núi nọ”

Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi trong một bộ phận đội ngũ cán bộ nảy sinh tư tưởng vị kỷ, muốn quan tâm tới cái “tiền đồ”của riêng mình “vẻ vang”. Bác Hồ đã nhìn thấu tư tưởng lệch lạc đó. Ngày 25-8-1953 nói chuyện tại lớp Chỉnh huấn các cơ quan quân khu I, Người dùng ngụ ngôn:

“Nhiều cô, chú không an tâm công tác. Thí dụ: Chú coi ngựa sợ coi ngựa thì bao giờ tiến bộ, chú nấu bếp sợ nấu cơm thì bao giờ tiến bộ hay chú đánh máy cũng nghĩ như vậy, sợ đánh máy thì bao giờ tiến bộ, v.v.. Không đúng. Các cô các chú phải biết: chung là cả xã hội, gần lại là cả một nước, hẹp lại là cả một Chính phủ, trong ấy mỗi cơ quan là một bộ máy. Thí dụ một cái đồng hồ, các cô, các chú thấy dây da đeo tay, cái trục máy, cái kính, cái kim, cái chữ và ở trong có bộ máy. Trong cái đồng hồ, có cái đứng, cái chạy, cái to, cái nhỏ, tất cả làm thành một bộ máy. Thiếu một cái đinh nhỏ, không thành bộ máy, bộ máy hỏng. Trong đồng hồ, có cái chạy, cái kim ngắn chạy lâu, cái kim dài chạy chóng, các chữ đứng mãi một chỗ. Các cô, các chú có thấy nhiệm vụ của mỗi bộ phận máy, hành động của mỗi bộ phận máy khác nhau không? Thí dụ đứng núi này, trông núi nọ, các chữ muốn chạy như kim, các kim muốn đứng một chỗ như chữ. Như vậy không thành bộ máy. Mỗi cơ quan cũng thế, ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà to nhất là Bác, thấp nhất là các chú nấu bếp, có phải không? Nếu Bác không có chú nấu ăn, Bác có làm được việc không? Nếu chú nấu bếp không làm tròn được nhiệm vụ, để cơm sống, cơm khê, canh thiu, Bác cũng không làm tròn được nhiệm vụ. Chú giao thông chạy thư, đáng lẽ một giờ, làm tròn nhiệm vụ; nhưng nghênh ngang mất mấy giờ đồng hồ mới đến nơi rồi lại mất mấy giờ đồng hồ mới trở về. Đáng lẽ mất hai giờ đồng hồ thành mất mấy giờ đồng hồ, công việc giải quyết chậm thành thất bại. Như vậy công việc của chú giao thông rất quan hệ, công việc của chú đánh máy cũng vậy”[8].

Đồng hồ là vật nhỏ, quen thuộc nhưng có kết cấu hệ thống, khoa học. Lấy cái đồng hồ làm “trực quan” vừa giản dị dễ hiểu, vừa khoa học, tinh tế.


[1]Nhiều tác giả - Bác Hồ sống mãi - Cục Chính trị Quân khu Ba, 1970, tr 22.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 296.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 259.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 154.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 556.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 68.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 551.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 129

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)