Tóm tắt: Từ việc “đọc lại” Cẩm Cù của Y Ban và Chuyện ông Móng của Nguyễn Huy Thiệp chúng ta có thể thấy mạch ngầm sinh thái trong những tác phẩm văn học là rất phong phú và đa dạng. Nội dung cả hai tác phẩm gợi đến một khái niệm thuộc phê bình sinh tháí, lý thuyết về cái bẩn . Những vấn đề xoay quanh cái bẩn giờ trở nên phức tạp. Câu trả lời dẫn chiếu tới sự mâu thuẫn giữa cái nhìn trong và ngoài cuộc hay mối quan hệ đầy bất ổn giữa tự nhiên và văn hóa
Từ khóa: lý thuyết về cái bẩn, sự mơ hồ về cái bẩn, nông nghiệp truyền thống, mạch ngầm nội dung sinh thái, chất thải của con người
Abstract:In “re-reading” Hoya and Mr. Mong’s story, we can recognize the rich and diverse eco-subtexts in these literary works that bring to mind the ecocritical concept of dirt theory. What is considered dirty becomes a complicated question whose answer refers to a conflict between outsider's and insider's perspectives or to an unstable relation between nature and culture.
Keywords: dirt theory, dirt ambiguity, traditional farming, eco-subtext, human waste.
Nếu định nghĩa “phê bình sinh thái là nghiên cứu văn học được định hướng về chủ đề môi trường”[1] thì có thể thấy rõ tại Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện phê bình sinh thái. Đã có hai cuốn chuyên luận về phê bình sinh thái được xuất bản, cuốn Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương (Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb Khoa học xã hội, 2017) và Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trần Thị Ánh Nguyệt - Lê Lưu Oanh, Nxb Giáo Dục, 2016). Những bản dịch về phê bình sinh thái được công bố khá nhiều trên các tạp chí nghiên cứu văn học. Đã xuất hiện một cuốn tuyển tập dịch những bài viết của các học giả quốc tế về phê bình sinh thái với tiêu đề Phê bình sinh thái là gì? (Hoàng Tố Mai chủ biên, Nxb Hội nhà văn, 2017).
Dường như sự phát triển của phê bình sinh thái tại Việt nam tỷ lệ thuận với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng. Càng ngày, nó càng được bạn đọc và giới nghiên cứu phê bình chú ý hơn. Đã có hai hội thảo quốc tế về phê bình sinh thái được tổ chức tại Việt Nam gần đây, đó là hội thảo Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, 14/12/2017) và Những vấn đề sinh thái trong văn học Đông nam Á: Huyền thoại, lịch sử và xã hội (Đại học khoa học xã hội và nhân văn, 26-27/1/2018). Cho đến nay vẫn chưa thấy một nhà vănViệt Nam nào tuyên bố công khai là mình đang viết văn học sinh thái, vẫn chưa thấy thấy những tác phẩm lớn được định hướng chủ đề môi trường rõ rệt như Dòng suối imlặng (Silent Sping) (Rachael Louis) hay Oryx và Crake (Oryx and Crake) (Margaret Atwood). Thế nhưng những tác phẩm ẩn chứa mạch ngầm sinh thái lại rất dồi dào. Sự ảnh hưởng của trào lưu phê bình mới mẻ này đã tạo ra hiện tượng “đọc lại” nhiều tác phẩm văn học việt nam đương đại dưới góc nhìn sinh thái. Trong quá trình viết những tác phẩm này, dường như các nhà văn không chủ ý tạo ra những tác phẩm thân thiện môi trường, nhưng từ một số sự kiện trong tác phẩm của họ, bạn đọc có thể cảm nhận được nỗi âu lo trước những hư tổn của thế giới tự nhiên do con người gây nên, có thể là rất thâm sâu nhưng cũng có khi chỉ là một chút bận tâm lướt thoáng qua. Những mạch ngầm sinh thái này đã được trực giác nhạy bén của những cây bút phê bình phát hiện và khai thác. Những tác phẩm được khai thác dưới góc nhìn sinh thái có thể kể đến Muối của Rừng (Nguyễn Huy Thiệp), Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Thị Ngọc Tư)…, chúng cũng đã được một số nhà nghiên cứu trẻ “đọc lại” với mong muốn khơi gợi ra những ý nghĩa ngầm ẩn (subtext) về sinh thái. Trong bài viết này, hai tác phẩm văn học Việt Nam đương đại khác cũng sẽ được “đọc lại” với tinh thần như vậy. Đó là Cẩm Cù và Chuyện ông Móng, hai sáng tác trào lộng đặc sắc của Y Ban và Nguyễn Huy Thiệp. Khá nhiều chi tiết trong hai truyện ngắn này khơi gợi tới những vấn đề mà lý thuyết về cái bẩn (Dirt theory) đã đề cập tới. Lý thuyết này do Heather I. Sullivan đề xuất, nó được tạo ra ra để chất vấn lại những thành kiến về cái bẩn, hay chính xác hơn là những hành vi bị liệt vào hạng mục những vi phạm quy định về vệ sinh trong cộng đồng.Trong bài Lý thuyết về cái bẩn và phê bình sinh thái vật chất, tác giả Heather I. Sullivan đã viết:
Khi “tư tưởng xanh” thờ ơ với những thành phần ít sắc màu và ít quyến rũ của cái bẩn ở cả môi trường được tạo ra và những cảnh quan khác, điều này đã mạo hiểm góp phần tạo ra sự phân chia lưỡng phân môi trường vật chất quanh ta thành một nơi có hai thứ tách bạch, “tự nhiên thuần khiết, sạch sẽ” và khu vực con người bẩn thỉu. Xét cho cùng, chúng ta sống trên trái đất, và phụ thuộc vào trái đất và đất trồng cho hầu hết nhu cầu thực phẩm của chúng ta, và chúng ta được bao quanh bởi cái bẩn. Cái bẩn này hiện lên từ thân thể của chúng ta, từ vấn đề bụi bẩn của ô nhiễm không khí, từ vật liệu trong các tòa nhà cao tầng, từ những cảnh quan khô hạn của một thế giới ngày một ấm lên. Tự nhiên bẩn (dirty nature) đối với chúng ta như một phần của những tương tác đang diễn ra trong tất cả những loại tác nhân vật chất, và vì vậy, nói một cách khác, mang tính quá trình hơn là nơi chốn. Tôi đề xuất “lý thuyết về cái bẩn” như như một liều thuốc giải độc tới những quan điểm xưa cũ, cái mà diễn dịch tự nhiên thành nơi chốn “sạch sẽ” mơ màng một cách máy móc, để rồi từ đó đưa ra nhận định rằng không có ranh giới tuyệt đối giữa chúng ta và tự nhiên. Chúng ta lọt thỏm trong cái bẩn dưới nhiều hình thức của nó…[2]
Như vậy, trả lời những câu hỏi như thế nào là bẩn và như thế nào là sạch giờ đây sẽ không còn giản đơn như trước. Câu trả lời phụ thuộc vào cái nhìn bên trong (insider perspective) hay bên ngoài (outsider perspective) dành cho đối tượng được tham chiếu. Khách du lịch (outsiders) đến một đồng cỏ và nhăn mũi khi ngửi thấy mùi phân bò nhưng dân bản địa (insiders) thì lại thấy rất đỗi bình thường. Những bãi phân bò rải rác trên cánh đồng sau một thời gian sẽ phân hủy và trở thành nguồn phân bón hữu cơ quý giá giúp cho đồng cỏ tươi tốt hơn hay nói một cách khoa học là chúng đã góp phần làm cho hệ sinh thái tại nơi đó đó đạt đến tình trạng cân bằng, ổn định.Tác giả Sullivan đã phân biệt giữa cái bẩn và cái ô nhiễm: “Chúng ta phải xây dựng một cách có ý thức một vị trí mang tính biểu tượng trong phê bình sinh thái cho cái bẩn và cái ô nhiễm, một biệt hiệu hay hình tượng cho phép chúng ta trao cho cái bẩn quyền của nó (Sullivan 2012, 515)[3]. Sullivan đã rất có lý khi cho rằng “không có ranh giới tuyệt đối giữa chúng ta và tự nhiên”. Con người, xét cho cùng cũng là một động vật trong thế giới tự nhiên, thân thể của nó, những “cái bẩn” liên quan đến thân thể của nó đương nhiên cũng thuộc về tự nhiên. Vậy mà cuộc sống hiện đại đã khiến chúng ta lạc lối và quên mất bản chất thực sự của thân xác chúng ta, chúng ta tự cho phép mình nhìn nhận tự nhiên như một đối tượng mà chúng ta có thể phán xét và định đoạt. Chúng ta đã thờ ơ, đã bỏ qua và thậm chí loại bỏ rất nhiều món quà của tự nhiên ban tặng cho loài người.
Trở lại với tác phẩm Cẩm Cù, Chuyện ông Móng của Y Ban và Nguyễn Huy Thiệp. Trong hai truyện ngắn này đều có những chi tiết khơi gợi tới một đặc điểm của canh tác nông nghiệp truyền thống, đó là việc sử dụng chất thải tự nhiên của con người và gia súc làm phân bón cho cây trồng. Những chi tiết này gợi ra những ưu việt của canh tác nông nghiệp truyền thống, chúng như một sự tương phản rất rõ rệt với những tác hại nghiêm trọng mà canh tác nông nghiệp hiện đại mang lại. Tác phẩm đầu tiên được đọc lại là Cẩm cù.
Đây là một truyện vừa mang dáng dấp tự truyện dài gần 70 trang khổ 19x13. Nó không nổi tiếng bằng một số truyện ngắn khác của Y Ban như Thư gửi mẹ Âu cơ, I am đàn bà, Đàn bà xấu thì không cóquà…. Giới phê bình thường không đánh giá cao nghệ thuật viết của Y Ban, chị ít khi nhận được những bài viết “ngợi khen”. Nhưng trên thực tế, Y Ban lại là một trong những nhà văn viết nhiều và được các nhà xuất bản chào đón. Văn phong của chị không trau chuốt, đó là một lối viết mộc mạc, tự nhiên, gần với khẩu ngữ. Điều đáng nói ở đây là thế giới quan dị biệt của tác giả, nó thật khác thường, tuyệt đối độc lập, và luôn gây ấn tượng mạnh mẽ. Trong tác phẩm của Y Ban cái Đẹp không chỉ là cái mĩ miều, đôi khi nó là sự khơi gợi, ám ảnh khiến người đọc hưng phấn, chết lặng hoặc sững sờ. Cẩm Cù là một tác phẩm được viết ra để tạo nên những cảm giác như vậy.
Người kể chuyện trong tác phẩm được viết từ ngôi thứ nhất (tôi). Chị ta kể lại thời thơ ấu của mình. Nó được diễn ra trong bối cảnh chiến tranh rồi tiếp đến là thời bao cấp khốn khó. Những gì nhân vật kể không phải là những câu chuyện quá xa lạ với những độc giả đã trải qua thời bao cấp, thế nhưng đưới ngòi bút của Y Ban chúng đã biến thành những sự kiện thực sự dị biệt.
Lời kể chuyện trong Cẩm cù được thể hiện bằng một giọng văn bình thản, chậm rãi, như biết bao tác phẩm tự truyện khác.Có vẻ như tác giả không hề có ý định tái hiện một tuổi thơ êm đềm, trong trẻo. Phần lớn truyện kể là những ám ảnh của nhân vật về sự khốn khó, nhếch nhác và sự thích nghi kỳ lạ của con người ở những điều kiện sống tồi tệ trong quá khứ. Ám ảnh lớn nhất của nhân vật kể chuyện chính những nhà vệ sinh công cộng bẩn thỉu trải dài theo những tháng năm tuổi thơ nay đây mai đó. Gia đình của cô bé trong truyện không có nhà riêng, cứ đi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác. Chính thế cô bé có cơ hội “trải nghiệm” tới hàng chục nhà vệ sinh đủ loại. Nhà vệ sinh thứ nhất được kể đến là “một nhà xí làm trên một ụ đất cao và không hề có một cái gì để che cả. Tôi không hiều rằng ngày mưa mọi người đi kiểu gì, chắc là sẽ nhịn cho đến khi tạnh mưa”[4]. Những nhà vệ sinh sau này ngôn ngữ miêu tả có phần còn trào lộng hơn, các tình tiết gia tăng gây ấn tượng mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, khi cô bé kể về nơi đi vệ sinh rất hoang dã ở nhà bác mình. Đó là một ngôi nhà rất khang trang, có sập gụ tủ chè đẹp đẽ nhưng lại không có nhà vệ sinh riêng.
Mỗi lần buồn đi xia chúng tôi ra bờ sông mọc đầy cỏ lác, rắn rết vì thế một người đi ít nhất phải có một người đứng canh chừng. Mỗi lần giải quyết xong cái bầu tâm sự ấy chị em tôi sung sướng lắm. Một lần sau cái sự vụ ấy về nhà chị em tôi rải chiếu xuống sàn nhà nằm, rồi hát nghêu ngao.
Chợt em tôi kêu lớn:
- Thối thế, kiểm tra xem ai dẫm phải cứt.
Thế là xăm xoi chân nhau rồi quần, cuối cùng cũng phát hiện ra thủ phạm. Trên cánh tay trắng nõn nà của chị tôi là một mảng phân đã ải”[5].
Có lẽ thời nay, sự cố của nhân vật “chị tôi” kia thì sẽ bị xem như một tai nạn đáng sợ. Những người xung quanh sẽ tỏ ra kinh tởm, thậm chí xa lánh . Thế nhưng trong Cẩm cù những sự cố thế này được xem như chuyện thường. Trong quá khứ nghèo nàn, lạc hậu đó, chất thải tự nhiên của con người tuy hôi thối, khó nhìn nhưng được xem như vô hại, thậm chí còn rất có ích cho nhà nông. Giọng điệu thản nhiên của Y Ban khi mô tả những sự cố liên quan đến phân cũng là một đặc trưng nổi bật, nó cũng thể hiện phần nào sự đồng cảm của tác giả với cuộc sống thiếu thốn, lạc hậu nhưng cũng lại rất mộc mạc, hồn nhiên. Trong cuộc sống thiếu thốn văn minh này, những gì thuộc về “tự nhiên bẩn” sẽ không bị cô lập và cách biệt khỏi tự nhiên, nó tồn tại khá bình thường trong đời sống hàng ngày. Đôi khi nó còn được đem ra làm trò đùa, kiểu như chuyện tiếu lâm về những chuyện xảy ra tại nhà vệ sinh công cộng, tác giả đã “dùng hẳn một chương để nói về cái nhà vệ sinh công cộng”. Vô số những chuyện bi hài diễn ra ở những chỗ như thế này. Chẳng hạn, nhân vật kể chuyện trong Cẩm Cù đã từng cho rằng nhà vệ sinh công cộng có thể là nơi “rèn tiếng Việt rất hay”. Một anh chàng táo bón bị người bên ngoài gõ cửa giục giã thì gắt lên: “Còn xơi”. Một anh Tây nghe vậy liền hỏi anh chàng vừa gõ cửa: “Cái anh ấy xơi gì trong đó vậy?”.
Trong chương VI của Cẩm cù, chương sách mà tác giả đã dốc sức để lột tả cho ra cái nhà vệ sinh công cộng của khu tập thể của cán bộ bệnh viện, nơi mà gia đình cô bé sinh sống. Năm 1972, khi cha cô nhận lệnh đi B cũng là lúc gia đình cô được phân nhà, chấm dứt những năm tháng nay đây mai đó. Nhà vệ sinh công cộng của khu tập thể là loại tự hoại. Khi mới xây dựng nó chẳng đến nỗi nào. Trẻ con thường trốn bố mẹ mang truyện vào đấy đọc hàng tiếng đồng hồ. Bởi vậy nhiều bà mẹ tìm con là chạy ra nhà vệ sinh gọi gọi: “Trời ơi mày đi ỉa ở đâu vậy? Ở Hà Nội hay ở Hải Phòng”. Thế nhưng những ngày tháng tốt đẹp ấy khá ngắn ngủi. Đầu tiên là mất nước. Nước sinh hoạt còn chẳng có lấy đâu ra nước cho nhà vệ sinh. “Cái kiểu nhà vệ sinh xây tự hoại nên không có nước thì không trôi được phân. Thế là cứ đi chồng đổ đống lên nhau. Tuy vậy nội quy của khu tập thể vẫn phải được duy trì, mỗi ngày một nhà dọn vệ sinh một lần. Cứ rình lúc nào người ta vừa dọn xong mà đi thì sạch.Tuy nhiên cái vấn đề ở đây liên quan đến sinh lý chứ không phải là cỗ máy đơn thuần”[6]. Vấn đề nan giải thứ hai chính là cánh cửa. Chúng dần dần bị tháo trộm đi. Đa phần cư dân trong khu đều là y, bác sĩ nên để đỡ ngượng khi đi vệ sinh ai cũng phải đội nón, nếu có ai nhìn thấy thì cụp nón xuống để che mặt cho đỡ xấu hổ. Cuối cùng là cái nắp bể phốt. Nó bị vỡ toang hoác, đi đứng không cẩn thận ngã xuống bể phân như chơi. Cái bể phân lộ thiên là một nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người lớn tuổi. Bản thân bố cô bé cũng từng kể là nằm mơ “ngã xuống bể phân ngập đến tận cằm”. Thế rồi cái sự cố kinh hoàng liên quan đến bể phân ấy đã xảy ra nhưng ngoài sức tưởng tượng. Một bà y tá tên là Mơ sau khi đốt xong đống giấy vệ sinh liền hất đám tro vẫn còn cháy âm ỉ xuống bể phốt. “Thế là: Bụp – một tiếng nổ kinh hoàng, phân bắn tóe lên. Kết quả là bà Mơ hứng trọn một quả bom phân từ đầu đến chân”[7]. Tới khi câu chuyện kết thúc, cũng là lúc cô bé năm xưa giờ đã trở thành cô giáo trở về thăm nhà, cái nhà vệ sinh vẫn còn đó. Vài nhà khá giả hơn đã làm nhà vệ sinh riêng, số đông còn lại cuộc sống chẳng thay đổi gì…
Đa số bạn đọc sẽ cảm nhận những chi tiết trào lộng trên như những hồi ức không thể phai nhòa về một thời bao cấp nghèo khó, lạc hậu. Nhưng đường như những trang viết này còn gợi ra sự những vấn đề liên quan đến bản tính tự nhiên của thân xác con người. Ở nông thôn, do sân vườn rộng rãi, mỗi nhà đều có thể có nhà vệ sinh riêng, và họ sẽ tận dụng triệt để chỗ chất thải tự nhiên đó cho trồng trọt. Còn ở thành phố thời bao cấp thì lại khác hẳn. Những khu tập thể chật chội kiểu cũ với hệ thống nhà vệ sinh công cộng bỗng khiến việc đi vệ sinh trở thành một cơn ác mộng. Ở đây có có sự va đập dữ dội giữa nhu cầu sinh lý tự nhiên và những chuẩn mực văn hóa. Chẳng biết từ bao giờ “đi vệ sinh” lại trở thành một hành vi khiếm nhã. Con người không phải “cỗ máy đơn thuần”, nó có nhu cầu “sinh lý” như muôn loài động vật khác, đây cũng là một cách nhìn chất vấn lại những thành kiến về bản tính tự nhiên trong con người. Xét đến cùng, bài tiết và chất thải của nó là một chuyện thường, giống việc việc như ăn, ngủ hay hít thở vậy.
Có một số lý do khiến cho Cẩm cù không được nhiều bạn đọc biết tới. Nó khá dài (gần 70 trang) nên không thể đăng trên báo và tạp chí thông thường. Còn một lý do nữa, đó là nội dung “gớm ghiếc” của nó khiến các biên tập viên e ngại. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ bạn đọc sẽ nhận thấy Cẩm Cù không chỉ đơn thuần là một tác phẩm trào tiếu đặc sắc, có một mạch ngầm ý nghĩa khác ẩn sau những diễn ngôn trào lộng táo bạo. Có hai tình tiết trong truyện đã khơi gợi tới phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống mà ngày nay bị xem như lạc hậu.
* Nhân vật kể chuyện ngay sau khi ca ngợi vẻ đẹp và hương thơm đầy quyến rũ của hoa hồng, liền nghe thấy lý do đầy khiếm nhã khiến hoa hồng có được vẻ đẹp tuyệt vời đến thế: “Loài hoa là biểu tượng cho tình yêu lãng mạn nhất, đẹp nhất là loài hoa thích phân bắc. Một bác nông dân đã kể với tôi rằng: muốn hoa hồng to và đẹp, tươi mơn mởn, thơm hương, nở đúng vụ thì phải cho anh này ăn phân người”[8].
* Nhân vật kể chuyện viết về những cảm giác rung động khi chiêm ngưỡng hoa cẩm cù. “Đẹp, đẹp đến mê hồn. Tôi chưa khi nào nhìn thấy giàn hoa cẩm cù đẹp như vây. Giàn hoa to bằng cái nong, xanh rờn. Và hoa, những bông hoa to bằng cái đĩa tây, phơn phớt trắng, phơn phớt hồng, phơn phớt xanh, phơn phớt vàng, cứ rung rinh rung rinh… Giàn hoa đẹp đến độ tôi không ồ à được câu nào mà cứ lặng người đi ngắm rồi bỗng thấy nước mắt tràn mi”. Thế nhưng liền sau đây người trồng hoa lại tiết lộ, “Cái đẹp cũng phải có cái giá của nó” vì muốn hoa đẹp như vậy phải đốt giấy đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng rồi trộn với nước, sau đó đổ vào gốc[9].
Đọc Cẩm cù, đặc biệt là hai tình tiết nêu trên, có thể thấy rõ tác giả liên tiếp đặt cái thanh bên cạnh cái tục, thậm chí đồng hiện. Thủ pháp này làm nên giọng điệu trào lộng khiến cho hành trình đến tận cùng thế tục trong Cẩm cù không vượt quá sức chịu đựng của độc giả. Cũng có thể xem như đây chính là nghệ thuật tương phản, một thủ pháp hài hước khá phổ biến trong những tác phẩm trào lộng. Ở đây, nó không chỉ tạo ra tiếng cười sảng khoái mà còn khiến độc giả lờ mờ nhận thấy ẩn ý về những giá trị hữu dụng của thứ chất thải từ lâu đã bị loại bỏ ra khỏi thế giới văn minh. Những chất thải tự nhiên của thân thể con người trước đây vốn được coi như chất liệu bón thúc quý giá của người nông dân (Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống) thì sau này ngày càng bị xem thường, thậm chí ghê sợ. Khi chưa bị người da trắng đồng hóa, một bộ phận người Eskimo vẫn sử dụng nước tiểu để làm đẹp cho khuôn mặt. Thậm chí họ còn để xô nước tiểu ngay trong nhà để thuộc da và sống chung hòa bình với mùi của nó. Ở những vùng nông nghiệp bị cho là lạc hậu, chất thải của con người như phân và nước tiểu luôn là những chất liệu hữu ích hỗ trợ canh tác nông nghiệp. Nhưng thời nay, khi điều kiện sống đã thay đổi rất nhiều, thứ chất thải đó chẳng cần đến nữa, nhà vệ sinh công cộng kiểu cũ đã trở thành biểu tượng cho sự nhếch nhác, bẩn thỉu. Canh tác nông nghiệp truyền thống gần gũi với tự nhiên đã có một thời gian dài bị rẻ rúng, xem thường vì năng suất thấp và không đủ điều kiện vệ sinh tối thiểu trong một thế giới hiện đại. Những quan niệm trong một xã hội văn minh về “cái bẩn” đã dẫn chiếu tới mối quan hệ đầy vênh lệch và va đập giữa văn hóa và tự nhiên. Xã hội càng phát triển thì văn hóa càng có nguy cơ lấn át thậm chí “nuốt chửng” tự nhiên[10]. Trong bài viết Môi trường luận và phê bình sinh thái, tác giả Richard Kerridge cho rằng “điều ưu tiên ở đây là tìm ra cách thức để loại bỏ những phong tỏa văn hóa đang cản trở những hành động có hiệu quả nhằm chống lại sự khủng hoảng môi trường”[11]. Việc con người đặt quá nhiều niềm tin vào canh tác nông nghiệp hiện đại thường kéo theo theo sự lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, điều này đã tạo ra những tổn thất nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên.
Chủ đề chất thải, nhà vệ sinh công cộng kiểu cũ thực ra khá hiếm hoi trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, có lẽ ngoài Y Ban chỉ còn có một nhà văn nữa dám thử sức, đó là Nguyễn Huy Thiệp với truyện ngắn Chuyện ông Móng. Người kể chuyện trong truyện ngắn này cũng được viết từ ngôi thứ nhất (tôi). Anh ta tò mò và muốn tìm hiều một chợ mua bán phân tại ngoại thành Hà nội chỉ tụ họp vào lúc 3, 4 giờ sáng.Tại đây anh ta đã quen biết ông chủ chợ tên là Móng (trùng với tên một dụng cụ dùng để vét phân), người có vai trò thẩm định chất lượng của từng sọt phân. Ông làm việc này một cách thích thú với tinh thần tự nguyện, không vụ lợi. Trong truyện ngắn này ta cũng thấy có những chi tiết gợi đến canh tác nông nghệp truyền thống
- Chợ phân họp chừng một giờ đồng hồ từ 3 giờ sáng đến 4 giờ sáng ở ngay bên đường đi Sơn Tây. Đây là vùng trồng rau, trồng cà nổi tiếng. Giống cà pháo, cà bát rất hợp với việc bón phân tươi, nhất là phân người[12].
- Phân lợn quý vì nó mát, có thể dùng ngay, bón được ngay cho cây, mà cây nào cũng hợp. Phân gà cũng quý nhưng phân gà nóng, chỉ hợp bón cho cây ớt mà thôi[13].
Trên đây là kinh nghiệm làm nông dường như phổ biến tại mọi vùng quê Việt Nam. Tác giả liệt kê tác dụng của từng loại phân bằng một thứ ngôn ngữ tối giản, lời lẽ như được thốt ra từ một nông dân nào đó. Chỉ vài dòng ngắn ngủi độc giả có thể cảm nhận được ngay lý do vì sao mà phiên chợ phân tồn tại, vì sao lại xuất hiện những nhân vật như ông Móng. Trong truyện ngắn này, một lần nữa chúng ta lại thấy được những câu liên quan đến thứ chất thải tự nhiên bốc mùi này được xem như chuyện thường. Giọng kể trào lộng khá tự nhiên của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn này đã đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác về thứ chất thải vốn được xem như là biểu tưởng của sự dơ bẩn. Đó là chất thải tự nhiên, là một nguyên liệu rất hữu ích cho canh thác truyền thống vốn rất thân thiện với môi trường. Trong quá trình xây dựng nhân vật ông Móng, Nguyễn Huy Thiệp còn gửi gắm khá nhiều ẩn ý sinh thái. Là một nhà văn bậc thầy của Việt Nam, ông là tác giả của nhiều truyện ngắn đặc sắc, nhưng có lẽ Chuyện ông Móng có vẻ dị biệt nhất. Việt Nam là một quốc gia ảnh hưởng Nho giáo sâu đậm, việc một nhà văn chỉ chăm chú đặc tả phân người và những câu chuyện liên quan đến nó là chưa từng xảy ra. Bản thân nhân vật Móng, chủ chợ phân, cũng được đặc tả đậm chất nghịch dị (grotesque). “Ông ta khoảng 60 tuổi, dáng người thấp đậm, đầu húi cua, mắt trố, quai hàm bạnh, ngực nở nang, chân tay rắn chắc. Ông ta không đeo khẩu trang hay bịt mặt, hoàn toàn chẳng có vẻ gì sợ hãi hay ghê tởm khi phải tiếp xúc, đụng chạm với các thùng phân bẩn thỉu và các dụng cụ dơ dáy ở đây”[14]
Dung mạo cũng như những hành vi khác thường của ông Móng sẽ khiến ông biến thành kẻ quái dị trong mắt người thường. Nhưng trong phiên chợ phân ông ta lại giống như “một vị nhạc trưởng, như người giữ nhịp điệu cho cả phiên chợ quái đản này”[15]. Ông ta không mua bán, đi lại nhanh nhẹn hoạt bát, đánh giá chất lượng từng thùng phân, vừa bình phẩm vừa bông đùa. Chẳng hạn, khi bị dìm giá, một phụ nữ chạy ra “cầu cứu” ông : “Bác Móng! Phân này của cháu mà chê là chua thì có ức không?[16] Sau khi xem xét ông chủ chợ phán rằng: “Phân tốt đấy, không chua đâu! Chắc hố xí nhà này gần chỗ làm đậu phụ nên có nước đỗ tương lẫn vào”[17]. Rồi ông phán thêm: “Phân của mày hôm này không đậm như phân hôm qua! Nát nhẽo, nát nhèo…Thôi thì giảm đi một giá…”[18]. Với một phụ nữ khác đang than phiền gánh phân nặng quá thì ông cũng không quên chỉnh huấn: “Cho chết! Ai bảo tham múc nhiều nước vào… Mày phải chắt cho kiệt nước đi thì phân mới ngon!”[19]. Sở thực nửa hư. Khi còn trẻ ông có đi lính, tại nơi đóng quân ông có yêu một cô gái người Chăm xinh đẹp, cô gái có đưa ông ra đền thờ bắt thề nguyện. Ông đã thề như sau: “Nếu tôi không chung thuỷ với em thì suốt đời tôi đi hót cứt!”[20]. Sau này ra quân ông về quê lấy vợ, quên luốn mối tình thời quân ngũ. Có lẽ vì vậy cả đời ông cứ quanh quẩn ở chợ phân, như một sự trả giá cho hành động bội ước.
Những sự kiện liên quan đến ông Móng đều rất hài hước, như sự trân trọng đặc biệt của ông đối với mặt hàng bốc mùi đó. Người thành phố nhắc đến nghề lấy phân thì rất đỗi ghê sợ nhưng với người nông dân như ông Móng thì đó lại là một nghề lương thiện mang lại nhiều lợi ích. Người buôn bán phân có thể kiếm lời, người mua phân hứa hẹn sẽ có được những sản phẩm nông nghiệp như ý. Thực sự thì mùi phân hôi thối xem ra vẫn an toàn hơn những hương liệu nhân tạo thơm tho nhưng độc hại. Những con vật không bao giờ sợ mùi phân và nước tiểu của chúng, bằng bản năng sinh tồn mạnh mẽ, chúng biết rất rõ những gì là an toàn hay nguy hại cho sự tồn vong. Con người thì không như vậy, đặc biệt là trong thời hiện đại. Sự mơ hồ về cái bẩn đã khiến cho con người có những ảo tưởng về cái sạch. Sẽ là thiếu công bằng nếu quy kết một nông trại hôi hám sẽ tạo ra những nông sản mất vệ sinh vì thực sự một nông trại sạch sẽ tinh tươm chưa chắc đã chắc tạo ra những sản vật an toàn Những người nông dân như ông Móng thực sự thấu hiểu điều này. Chính vì vậy ông luôn cho rằng nghề kinh doanh phân bón cũng cao quý như nhiều nghành nghề khác. Ông đã từng chỉ cho nhân vật người kể chuyện một thanh niên thu muaphân trong chợ rồi sau đó bình luận: “Làm được nhà, lấy được vợ chỉ nhờ vào phân! Thế là nhất!”. Kết thúc truyện ông cũng đưa ra một tuyên ngôn nghề nghiệp rất hóm hỉnh: “Không vụ lợi, không “xếch-xy” – Ông Móng bảo tôi: Nghề hót phân trên đời là nhất!”[21]
Thực ra, Nguyễn Huy Thiệp đã không cường điệu quá mức khi để nhân vật của ông ca ngợi cái nghề vốn bị khinh rẻ này. Thu dọn phân là một nghề đã có từ rất lâu đời. Nó đã từng được vua Lê thánh Tông tỏ thái độ hết sức trân trọng. Sử sách vẫn còn ghi lại câu chuyện thú vị như sau. Nhân dịp đầu năm mới, vua Lê Thánh Tông mặc thường phục vi hành để xem xét tình hình dân chúng. Ði tới đâu, nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, trong lòng vui mừng lắm. Riêng nhà nọ, chẳng treo đèn, kết hoa mà cũng chẳng thấy đối liễn gì.
Vua lấy làm ngạc nhiên, rẽ vào hỏi. Chủ nhà trả lời rằng: “ Chẳng giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám khoe khoang gì với ai cho thêm tủi!”.
Vua ngạc nhiên, hỏi: “ Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ?”.
Chủ nhà thưa: “ Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi… mót phân người để bán thôi ạ!”.
Nghe xong, vua cười nói: “ Nếu vậy nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng là vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn!”.
Rồi vua gọi lấy giấy bút, đề giùm cho một đôi câu đối như sau :
Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự,
Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
Nghĩa là :
Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ,
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.
Nhà vua đã ví chiếc áo lá tơi và cái hốt phân (bằng xương vè trâu) của người dân như áo bào và thanh kiếm của người hảo hán. Có thể thấy rằng Lê Thánh Tông đã đánh giá cao vai trò của người nông dân và quý trọng mọi nghề, miễn là nghề đó phát triển sản xuất làm cho dân no ấm.
Khách qua lại nhìn thấy câu đối, ai cũng kinh ngạc xôn xao[22].
Trở lại với Chuyện ông Móng, bạn đọc có thể nhận ra ngụ ý của tác giả trong một đoạn viết khá dài mô tả thành phố, nó như một sự tương phản với vùng quê lạc hậu với khu chợ phân bẩn thỉu, hôi hám. Phiên chợ phân kết thúc khi bình minh hé rạng, cũng là lúc thành phố bắt đầu một ngày mới. Tác giả đã nhân cách hóa thành phố, gọi nó là “hắn”, coi nó như một nam nhân đầy quyền năng, vừa quyến rũ vừa tiềm ẩn nhũng hiểm họa khó lường.
Thành phố bắt đầu cựa mình thức dậy như một con mãnh thú to lớn, như một tên khổng lồ vĩ đại có rất nhiều tham vọng phàm tục, có rất nhiều ước mơ táo bạo cùng với năng lực ẩn tàng. Hắn vừa chậm rãi, lại nhanh nhẹn, vừa ngáp ngủ, lại tỉnh thức. Người ta không thể lường được một ngày của hắn rồi sẽ thế nào, hắn sẽ làm gì, hắn sẽ bắt đầu bữa tiệc thịt người ngay tức khắc hay sẽ hào hiệp vung tay gia ân rải bạc vàng lên khắp chốn cùng nơi như một đế vương. Thành phố! Đấy là bao nhiêu nỗi kinh hoàng, bao nhiêu niềm vui hoan lạc! Thành phố! Ở đấy có cả biết bao cảnh giới thiên đường và sự đoạ đầy trong tầng tầng địa ngục![23]
“Thành phố và nhà quê”, “văn minh và lạc hậu” từ rất lâu đã trở thành những cặp phạm trù đối lập và từ đó, những chuẩn mực về văn minh ngày một ám thị sâu nặng đến mức hầu hết chúng ta ngộ nhận rằng đó là bản tính tự nhiên đã được mặc định sẵn từ khi con người sinh ra. Thế nhưng trong Chuyện ông Móng đã có một mạch ngầm văn bản thách thức lại những mặc định dường như không thể lay chuyển đó.Dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp thì phiên chợ vô cùng “mất vệ sinh” kia bỗng trở nên sinh động và tràn ngập những tình tiết kỳ dị gây ấn tượng kiểu grotesque, sự bẩn thỉu của nó dần dà dịch chuyển tới một phương diện khác của cái bẩn, đó là tự nhiên bẩn, một khái niệm mang đầy tính chất vấn của phê bình sinh thái trong bài viết của Sulivan, nó hoàn toàn khác biệt tự nhiên ô nhiễm, một trong những sự trả giá lớn nhất của loài người trong tiến trình thúc đẩy văn minh………. Thực sự thì, cái bẩn thuộc về tự nhiên thường vô hại với cả con người và tự nhiên, nó có lý do để tồn tại,thậm chí nó trở nên hữu ích nếu như con người biết cách tận dụng .
Có thể thấy rằng, chủ đề “chất thải tự nhiên của con người” rất hiếm trong văn xuôi Việt Nam, có lẽ cũng chỉ có mỗi Y Ban và Nguyễn Huy Thiệp dám thử sức, thế nhưng trong thơ ca truyền miệng nó lại xuất hiện phong phú, tất nhiên là với mục đích trào tiếu.
Thanh niên Cổ Nhuế xin thề
Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương
hay:
Yêu em đâu phải bạc vàng
Yêu vì nhà nàng hố xí hai ngăn
Thậm chí còn có những giai thoại mà không rõ tính xác thực thế nào. Ở một nhà vệ sinh công cộng, người ta cưa đôi vỏ một quả bom đặt vào đó với mục đích khuyến khích mọi người đi vệ sinh đúng chỗ sau đó định tận dụng nước tiểu đó để tưới rau. Trên tường nhà vệ sinh đó có đề những câu thơ sau:
Hỡi ai đi đâu về đâu
Lại đây mà đái lên đầu Nich-Xơn
Căm hờn lại giục căm hờn
Lại đây mà đái còn hơn đái ngoài
Không chỉ có thơ truyền miệng, Bút Tre còn viết những câu thơ thực sự khác thường:
Anh đi đồng ruộng lắng nghe
Lúa mừng phân bắc khoai che mảnh vườn[24]
Những câu thơ lục bát dạng này này xuất hiện khá nhiều trong thời bao cấp, khi mà các nhà vệ sinh kiểu cũ vẫn chưa được thay thế bằng tự hoại như bây giờ. Nội dung của chúng bộc lộ rõ thói quen sử dụng chất thải của con phục vụ canh tác nông nghiệp truyền thống. Một điều đáng lưu ý ở đây là tiếng cười trong những câu thơ trên cũng như trong Cẩm Cù, Chuyện ông Móng đều không có sự ác ý. Hài hước thường hướng về một đối tượng bị cười, nhằm vào những khuyết điểm , nhược điểm của đối tượng này. Nếu như tác giả hài hước có tinh thần khoan hòa với con người của đối tượng thì nụ cười hài hước đậm đà hương vị nhân văn. “Tinh thần khoan hòa có thể làm dịu đi “máu” châm chọc và tinh quái, nhưng không phải vì vậy tiếng cười hài hước trở nên tẻ nhạt. Đậm đà hay tẻ nhạt là ở sự hóm hỉnh, trí tuệ sắc sảo của tác giả hài hước”[25]. Tiếng cười nhân văn và trí tuệ trong những tác phẩm trên đã dẫn chiếu tới một khái niệm thường được dùng nhiều trong phê bình nghệ thuật hiện đại - mỹ học về cái bẩn (dirty aesthetics). Thực ra ngay từ thế kỷ XIX Nietzsche đã có một nhận định đi trước thời đại, ông cho rằng nghệ thuật có thể biến đổi mọi kinh nghiệm thành cái đẹp. Những ai yêu nghệ thuật đương đại hẳn đều biết đến tác phẩm Đài phun nước (Fountain) của họa sĩ Marcel Duchamp (1887-1968). Ngay từ lần đầu được giới thiệu năm 1917, Đài phun nước đã gây nên một cơn địa chấn trong giới nghệ thuật khi Duchamp lấy một bồn tiểu nam, ký tên R. Mutt, dựng nó lên một góc 90 độ so với vị trí bình thường và gọi đó là một tác phẩm nghệ thuật. Sự ra đời của Đài phun nước được coi là một cột mốc quan trọng của nghệ thuật thế kỷ XX, lần đầu tiên một đồ vật trở thành tác phẩm nghệ thuật dưới sự sắp đặt của người nghệ sĩ. Có thể thấy rằng, mỹ học về cái bẩn đã ra đời để kịp thích ứng với những chuyển biến mạnh mẽ của nghệ thuật hiện đại. Nội dung của nó là một gợi ý trực tiếp cho cho sự ra đời của một khái niệm khá gần gũi - lý thuyết về cái bẩn (dirt theory). Cũng giống như mỹ học về cái bẩn, lý thuyết mới mẻ này được tạo ra để thách thức những thành kiến về cái bẩn, phân biệt cái bẩn thuộc về tự nhiên và cái bẩn hình thành do ô nhiễm. Nội dung của lý thuyết này hàm chứa những giá trị sinh thái nhân văn, đó thực sự là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển phê bình sinh thái.
Lý thuyết về cái bẩn có thể bao quát được nhiều vấn đề sinh thái của thời hiện đại, một trong những “vấn đề của thời hiện đại đó là việc sử dùng sản phẩm công nghiệp và ứng dụng các phương pháp công nghiệp vào trồng trọt và chăn nuôi truyền thống”[26]. Việc lạm dụng phân hóa học cũng như thuốc trừ sâu cũng như một loạt những hóa chất kích thích sinh trưởng, tạo mẫu mã đẹp mắt cho nông sản đã khiến cho thực phẩm ngày một trở nên không an toàn. Rất nhiều gia đình đã tìm cách tự trồng rau để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Nhiều ban công, sân thượng ở thành phố bây giờ biến thành vườn rau củ hữu cơ. Trong khi nhiều gia đình tự hào là đã gây dựng được những vườn rau sạch xanh tươi giữa đô thị thì nhiều người thành phố lại cho rằng đó là một dấu hiệu đầy bất ổn của một xã hội hiện đại.Sự bất ổn này chính là một trong những lý do khiến bạn đọc thích nội dung của Cẩm cù, và Chuyện ông Móng, chúng khiến họ nhớ lại những ký ức về canh tác nông nghiệp truyền thống, tuy bị coi là lạc hậu nhưng thực sự lại rất an toàn và hữudụng.Từ việc “đọc lại” Cẩm Cù, Chuyện ông Móngdưới góc nhìn sinh thái, mà cụ thể hơn là lý thuyết về cái bẩn , chúng ta có thể thấy mạch ngầm sinh thái trong những tác phẩm văn học là rất phong phú và đa dạng. Xét cho cùng, nhà văn cũng chính là con người, và con người dưới con mắt của các nhà khoa học cũng chính là những sinh thể thuộc về cả văn hóa và tự nhiên. Thậm chí, con người gắn kết với tự nhiên nhiều hơn chúng ta đã hình dung (đời sống sinh lý, bản năng sinh tồn, sự nhạy cảm với thời tiết, linh cảm..). Vì vậy, không có gì là khó giải thích khi trực giác nhạy bén của nhà văn (hay con người nhà văn) luôn sớm cảm nhận được những thương tổn của tự nhiên, những thương tổn mà đa phần do chính con người gây nên.
H.T.M
[1]KarenThornber, “Ecocritical and Literary Futures”, East Asian Ecocriticisms. A Critical Reader Literatures, Cultures, and the Environment), ed. by Simon C. Estok and Won-Chung Kim, NY: Palgrave MacMillan (2013), tr.237
[2]Heather I. Sullivan, “Dirt Theory and Material Ecocriticism”, Interdisciplinary Studies in Literature and Environment 19.3 (Summer 2012). Published by Oxford University Press on behalf of the Association for the Study of Literature and Environment, tr.515
[3]Heather I. Sullivan, “Dirt Theory and Material Ecocriticism”, Interdisciplinary Studies in Literature and Environment 19.3 (Summer 2012). Published by Oxford University Press on behalf of the Association for the Study of Literature and Environment, tr.515
[4]Y Ban, “Cẩm cù”, tập truyện vừa Thần cây đa và tôi, Nxb Hội nhà văn, 2005, tr. 122.
[5]Y Ban, “Cẩm cù”, tập truyện vừa Thần cây đa và tôi, Nxb Hội nhà văn, 2005, tr. 126.
[6]Y Ban, “Cẩm cù”, tập truyện vừa Thần cây đa và tôi, Nxb Hội nhà văn, 2005, tr. 129.
[7]Y Ban, “Cẩm cù”, tập truyện vừa Thần cây đa và tôi, Nxb Hội nhà văn, 2005, tr. 171
[8]Y Ban, “Cẩm cù”, tập truyện vừa Thần cây đa và tôi, Nxb Hội nhà văn, 2005, tr. 175
[9]Y Ban, “Cẩm cù”, tập truyện vừa Thần cây đa và tôi, Nxb Hội nhà văn, 2005, tr. 177.
[10]Câu đầy đủ là: “Liệu có phải những hòn đảo đông dân như Anh và Nhật dễ tạo ra những cảm giác thấm thía rằng thiên nhiên nhanh chóng bị văn hóa nuốt chửng”, nguồn Peter Barry (Eds), “Ecocriticism”, Beginning theory: An introduction to literary and cultural theory,. Manchester University Press, 2009, tr. 254.
[11]Richard Kerridge, “Environmentalism and ecocriticsim”, Writing the environment: ecocriticism and literature , Zed Books, Mar 15, 1998, tr.532/
[12]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 290.
[13]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 290.
[14]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 292.
[15]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 292.
[16]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 292.
[17]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 293.
[18]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 293.
[19]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 293.
[20]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 296.
[21]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 298.
[22]Đặng Việt Thủy biên soạn, “Vua Lê Thánh Tông vui Tết với dân”, 101 chuyện xưa – tích cũ , Nxb Quân đội 2005, tr. 43.
[23]Nguyễn Huy Thiệp (2011), “Chuyện ông Móng”, Tướng về hưu, Nxb. Văn hóa thông tin năm, tr. 295.
[24]Những câu thơ này được cho là ca ngợi đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Năm 1961, đại tướng được giao nhiệm vụ Phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Ông đã liên tục phát động các phong trào thi đua trong các hợp tác xã, giúp ổn định tình hình phát triển trong hoạt động sản xuất nông nghiệp miền Bắc.
[25]Hoàng Ngọc Hiến (2008), “Những ghi chú về hài hước”, Những tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội nhà văn, tr. 405.
[26]Richard Kerridge (1998), “Environmentalism and ecocriticsim”, Writing the environment: ecocriticism and literature, Zed Books, Mar 15, tr.533