(Trên cứ liệu tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh)
, NGUYỄN HẢI THANH
Sức mạnh của so sánh là nhận thức. Sức mạnh của ẩn dụ là tình cảm, là thuyết phục người đọc bằng các hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng tâm hồn của lòng yêu thương. Có thể có những ẩn dụ được kiến tạo bằng sự căm thù tột đỉnh, cũng có những ẩn dụ được hình thành bởi lòng yêu thương vô bờ. Với trường hợp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thì được tạo bởi cả hai: sự căm ghét cái ác, cái xấu và sự thương yêu rất mực con người, nhất là những con người bị bóc lột, bị hành hạ.
“Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên "Annamít" bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa "con yêu", những người "bạn hiền" của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa… Một số khác nữa thì đã anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mácnơ, hoặc trong bãi lầy miền Sămpanhơ, để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế”[1].
Ý nghĩa phổ quát từ hình thức tương phản này toát lên một sự thật: sự không thể dung hoà giữa chủ nghĩa thực dân và các dân tộc thuộc địa. Chủ nghĩa thực dân là chiến tranh, là dối trá, là sống trên máu xương của người dân thuộc địa. Còn chủ nghĩa thực dân thì các dân tộc thuộc địa còn chịu làm nô lệ!
“Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người Nêgrô lẫn người "Annamít" mặc nhiên trở lại "giống người bẩn thỉu".
Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ, v.v. trước khi đưa họ đến Mácxây xuống tàu về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!", đó sao?”[2].
Cái gốc của văn trào phúng vẫn là tình thương yêu con người sâu sắc, cháy bỏng, và như một hệ quả của tình yêu thương ấy là sự căm ghét cái ác, căm ghét đến tận cùng những gì đi ngược lại cái nhân tính của con người. Đoạn văn trên là một thí dụ rất tiêu biểu. Những phương tiện để biểu hiện cho sự mỉa mai là cảm hứng chủ đạo, rất phong phú các phép tu từ gây hài. Là ẩn dụ trào phúng: đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, tức là chiến tranh đã chấm dứt. Nếu chỉ nói ý mà không có ẩn dụ thì không thể nói được sự vô nghĩa của những cái chết của người dân thuộc địa châu Phi (thịt đen), châu Á (thịt vàng). Là phép lặp cú pháp kết hợp với câu hỏi tu từ: chẳng phải, chẳng phải…như đay đả, cật vấn về tội ác, về sự phản bội niềm tin của các ngài thực dân với các "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do". Là sự nói ngược, “để ghi nhớ công lao người lính An Nam” mà lại bằng cách “đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ”… Và nhất là phép tương phản. Tương phản trong hình tượng “các ngài cầm quyền nhà ta”, trước chiến tranh thì có“những lời tuyên bố tình tứ”, sau chiến tranh thì đúng là cả một lũ “cạn tàu ráo máng”: "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!"
Nguyễn Ái Quốc vạch trần chủ nghĩa thực dân bầng cách nêu ra hiện tượng có một vẻ bề ngoài hào nhoáng bóng bẩy nhưng thực chất bên trong lại là “vô liêm sỉ”:
“Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi ta thấy rằng văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau, như tự do, công lý, v.v. - được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ”[3].
Chế độ thực dân có bản chất xỏ lá nhưng lại khéo tạo ra một hiện tượng bề ngoài tốt đẹp. Đó là bản chất đạo đức giả. Tác giả mượn biểu tượng “ruột thịt, xương máu” để mỉa mai (nói ngược) làm bật ra bản chất vô nhân, đểu cáng của chủ nghĩa thực dân:
“Trong cuộc chiến tranh vì công lý để bảo vệ chính nghĩa, văn minh, v.v., người ta đã động viên 10 vạn người Tuynidi đi lính, và 60% trong số đó đã không trở về nữa. Thời đó, người Tuynidi được vuốt ve và trìu mến. Người ta đã ca ngợi rất là thắm thiết tình anh em ruột thịt giữa Pháp và Tuynidi, "mối tình ruột thịt đã đời đời gắn chặt vào trong xương máu và quang vinh". Người ta đã thực hành cả một chế độ kiểm duyệt để cấm báo chí dù thế nào cũng không được làm phật ý người bản xứ. ”[4].
Nói chuyện với đồng bào mình nhưng chẳng may hoặc bị lừa gạt hoặc vì nhẹ dạ mà theo địch, lời Bác thật thấm thía: “…tôi thiết tha kêu gọi những đồng bào vì một cớ gì mà lầm đường lạc lối hãy kịp trở về với Tổ quốc. Dù sao các người cùng là ruột thịt. Tôi tin rằng các người không thể nỡ lòng giúp địch làm cho đồng bào Việt Nam ta khổ nhục mãi; tôi rất đau lòng thấy cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn”[5]. Lời văn nặng tình, thuyết phục.
Ví dụ sau cho thấy chỉ biểu tượng “ruột” mới diễn tả được một cách chân thành, sâu sắc tấm lòng yêu thương lớn lao, nỗi đau xé ruột của người cha mất con: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”[6].
Ví dụ này là sự so sánh cái trừu tượng với cái cụ thể (là biểu tượng) làm cái ý yêu thương đoàn kết sinh động hơn, cụ thể hơn: “Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”[7].
Như vậy ta thấy có quy luật nghệ thuật này: cái gốc của hình tượng là tình cảm yêu ghét của con người. Cái quan trọng nhất không phải là tài năng, dĩ nhiên tài năng là rất quý, là phải có, mà là sự chân thành. Chân thành yêu ghét sẽ tạo ra những hình tượng mang tính chinh phục, thuyết phục độc giả.
NHT
[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 2, tr 23.
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập2, tr 29.
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập1, tr 96.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 1, tr 119.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 215.
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 40.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 11, tr 350.
VNQD