. NGUYỄN THANH
Bác Hồ sinh ra từ xứ Nghệ, những nét đặc trưng của quê hương theo Người đi suốt cuộc đời. Bác rất thích ăn các món ăn dân giã như mắm, cà dầm tương, canh cua ăn với rau chuối thái ghém... Đó là những món ăn dân giã xứ Nghệ. Đồng chí Vũ Kỳ kể trong các món ăn mang hương vị quê hương, Bác thích nhất món cá bống kho lá gừng… Có lần đi thăm Liên Xô, bỗng một hôm Bác bảo: “Mình nhớ món cá bống kho lá gừng quá!”[1]. Tháng 6-1957, về thăm quê, khi trò chuyện với cán bộ Tỉnh ủy, Bác nói: “Về quê mà không được ăn tương cà”[2]. Cuối tháng 10-1946 các anh Nguyễn Sinh Thọ, Hồ Quang Chính đưa bà Nguyễn Thị Thanh vào thăm Bác. Bác nói với các cháu: “Tuy xa quê hương lâu, nhưng ông vẫn nhớ hàng cây râm bụt, chè mạn hảo, nhớ đến tương, món cá kho khô, nhớ đến hát dặm Nghệ Tĩnh”[3].
Những món ăn ấy, những hình ảnh gần gũi, thân thương ấy trở thành biểu tượng của quê hương trong Bác, trong mỗi con người xứ Nghệ!
Ngày 28-1-1966 họp Bộ Chính trị về mở mặt trận ngoại giao chống Mỹ, về việc Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam cũng lên tiếng về đấu tranh ngoại giao Người nói phải chờ điều kiện chín muồi cũng như “ăn cơm phải chờ cơm chín mới ăn”[4]. Chỉ 8 âm tiết nhưng là một ngụ ngôn mang tầm chiến lược. Có nghĩa là Người coi ngoại giao cũng như việc nấu cơm vậy, phải biết nấu, biết chờ cơm, và dĩ nhiên cả ăn cơm. “Mặt trận” chưa nên đấu tranh ngoại giao vì chưa có điều kiện chín mùi. Cũng câu chuyện “nấu cơm”, một lần khác Người nhắc lại. Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 18-10-1966 bàn cách làm cho địch ngưng ném bom miền Bắc, Người nói: “đây như kỹ thuật nấu cơm, nếu sớm quá thì cơm sống, muộn quá thì cơm cháy” ”[5].
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng kể có lần xin Bác thay khẩu hiệu: “Thưa Cụ... Mấy khẩu hiệu “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ...
- Cổ! Lạ quá, thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ mình ăn cũng cổ à?”[6] .
Hình như Bác cũng đề phòng sợ bạn đọc không hiểu ý nghĩa của khẩu hiệu này mà ngày 19-5-1946, Bác nói về khẩu hiệu “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, “Chí công vô tư” với Ban vận động Trung ương Đời sống mới bằng một ngụ ngôn: “Hàng ngày ta phải ăn cơm, uống nước, phải thở khí trời mà sống. Những việc đó, ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước và thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả”[7].
Tháng 7-1949 Hội đồng Chính phủ họp, Người nói: “Giặc Pháp mù quáng về chính trị, thoái bộ về quân sự. Cả hai cánh của họ đã yếu và chỉ có thể đưa nó đến thất bại. Bên ta: chính trị rõ ràng, quân sự tiến bộ mãi. Hai cái cánh của ta rất mạnh, ngày càng mạnh thêm, cho nên ta nhất định thắng lợi. Thêm vào đó, tình hình thế giới rất có lợi cho ta. Cánh ta đã vững, gió lại thuận chiều, quân và dân ta hãy cố gắng lên. Thắng lợi vẻ vang đã gần trước mắt”[8]. Một ngụ ngôn chỉ có 6 câu nhưng diễn tả tình hình hai phe ta và Pháp và cả thế giới một cách hết sức chính xác mà dễ tưởng tượng vì có hình ảnh cụ thể. Nhưng ở đây còn toát lên một quan điểm đối ngoại: thực lực phải mạnh, tình hình quốc tế phải có lợi cho mình. Thực lực có thể hiểu như cánh diều, tình hình quốc tế như gió. Gió mạnh thì diều bay càng cao.
Nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1-9-1961 Người hết sức thành thật, khiêm tốn: “Về văn hoá:Tôi chỉ học hết lớp tiểu học…
Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên ...”[9]. Thế nhưng với cố gắng và nghị lực phi thường tư tưởng của Người đã trở thành tư tưởng cho cả thời đại.
Ngọn đèn điện, rađiô là biểu tượng cho văn minh!
Đây là cách giải thích tình hình cách mạng thế giới và nước ta qua một vài hình ảnh cụ thể: “...Người lấy cái thúng và lấy cái đèn dầu để nói về hoàn cảnh tối tăm của đất nước ta hiện nay. Người ví cái thúng là quả đất, cái đèn là mặt trời. Người đặt cái đèn vào phía bên kia cái thúng và nói: bây giờ phía bên chúng ta mặt trời còn khuất, tổ chức còn chìm ngập trong bóng đêm của chủ nghĩa đế quốc. Nhưng chẳng bao lâu nữa (Người chuyển cái đèn sang phía bên này thúng) mặt trời sẽ về với đất nước Việt Nam ta, chúng ta sẽ chấm dứt cảnh tối tăm khổ cực”[10].
Có thể nói không có tầm trí kiệt xuất, thiên tài không thể có những cách giải thích cực kỳ giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc như vậy!
Là nhà quân sự thiên tài, Hồ Chí Minh có khả năng mô tả một trận chiến lớn trong một vài hình ảnh nhỏ. Tháng 4-1954 tại Việt Bắc, Bác tiếp nhà báo Úc Bơcsét. Mô tả vị trí Điện Biên Phủ, “Người lật ngửa chiếc mũ cát trên chiếc bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh mũ, giải thích: đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được”[11].
Ngày 8-10-1947 Người viết thư cho bộ đội và nhân dân sau khi nghe tin Pháp tấn công Việt Bắc, đại ý:…ý đồ của địch là muốn hội quân ở Bắc Cạn, tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc rồi khép chặt vòng vây, dưới đánh lên, trên đánh xuống, để tiêu diệt chủ lực ta và phá cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Người chỉ rõ: chúng mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách [12]. Cách diễn đạt này không phải ai cũng có được. Phải là người hiểu biết sâu sắc ý đồ đối phương, nắm rõ địa hình Việt bắc, và đặc biệt là sự liên tưởng, liên tưởng thế trận của giặc như là cái ô. Nếu ta bẽ gãy gọng ô thì thế địch tự tan. Đúng là sự vĩ đại luôn đi đôi với sự giản dị!
Cũng với hình ảnh ngụ ngôn này, một lần khác Bác nhắc lại. Câu chuyện do đồng chí Triệu Hồng Thắng kể. Pháp nhảy dù xuống Việt Bắc. Nhiều người hỏi về tình hình, Bác nói :
“Cái ô mạnh ở những cái gọng, gọng mà gãy thì cái ô sẽ cụp xuống. Chỉ tiếc là ta chưa đủ lực lượng để thò tay vào bấm chốt trong ô nê Bác cháu ta phải vất vả một thời gian nữa. Ta trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”[13].
Quan điểm của Hồ Chí Minh về phê bình là biện chứng, hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển và quy luật vận động của sự vật: “Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm…?"[14].
Bài thơ Nghe tiếng giã gạo là một ngụ ngôn hoàn chỉnh:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công”[15].
Hai câu đầu là câu chuyện giã gạo: để có gạo trắng thì phải đem vào giã chịu “bao đau đớn”. Hai câu sau là “lời quy châm” bài học về rèn luyện: con người ta muốn thành công phải qua gian nan thử thách
Thật dễ hiểu quan điểm đối ngoại của Hồ Chí Minh là: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”[16]. Không vô tình mà Người dùng ngụ ngôn này, “cái tiếng” của “chiêng” thì bao giờ cũng vang, “chiêng” càng to, càng tốt “tiếng” vang vọng càng xa. Rất đúng với đặc điểm ngoại giao của bất kỳ thời nào, bất kỳ nước nào: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”.
Quan điểm của Bác là làm việc có đầu có đũa, có ngọn ngành, gốc rễ, xem xét vấn đề một cách hệ thống, khoa học: “Có khi phê bình, thì cũng "đánh trống bỏ dùi", không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy?”[17]. Bác phê phán cán bộ làm việc “được chăng hay chớ”, “các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào”[18].
Hơn ai hết, với tầm nhìn chiến lược mà tinh tế, cụ thể, ngay từ khi mới bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp Bác Hồ đã yêu cầu “phải quân sự hoá” để thống nhất tư tưởng, hành động trong toàn đảng: “Đoàn thể phải quân sự hoá, tư tưởng và hành động phải tuyệt đối nhất trí. Đoàn thể là đạo quân tiên phong. Nếu lúc xung phong mà người nói thế này, kẻ nói thế kia, kèn thổi ngược, trống đánh xuôi thì còn mong gì thắng trận”[19].
“Vì bàng quan mà không chú ý gì đến đấu tranh chính trị và tư tưởng, ai cứ mặc ai. Ăn xôi chùa thì đánh chuông, hết xôi chùa thì không đánh chuông. Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài. Trước hết phải dạy trẻ yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu đồng bào và yêu chủ nghĩa xã hội…” [20]. Bác yêu cầu cán bộ rèn luyện cả trong tư tưởng và thể hiện ở hành động: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”[21].
Nhân dịp lễ Nôen 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi đồng bào, lá thư có đoạn: “Ngày lễ Nôen lần thứ hai đến trong hoàn cảnh hòa bình. Miền Bắc của ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta ở miền Bắc được vui sống tự do, làm ăn yên ổn, đồng bào công giáo thì được tự do thờ Chúa, không còn bị địch đóng chiếm nhà thờ, tàn sát dân lành, gây ra bao nhiêu khổ nhục.
Tiếng chuông nhà thờ năm nay mừng sinh nhật Chúa là tiếng chuông hòa bình, tự do, hạnh phúc trong lòng của mọi đồng bào công giáo ở miền Bắc ta”[22].
Những câu văn được cấu trúc đều đặn, ngắt mệnh đề đều đặn tạo âm hưởng êm đềm như tiếng chuông nhà thờ ngân nga của cảnh hòa bình. Bác Hồ đã giải thích biểu tượng tiếng chuông của đạo Công giáo một cách ngắn gọn mà dễ hiểu nhất.
NT
[1]. Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 59.
[2]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh. Nxb Nghệ Tĩnh, 1990, tr 248.
[3]. Trần Đình Việt, Trần Đương... (Sưu tầm, biên soạn) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, 1985.tr 206.
[4]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, tập 9, tr 366.
[5]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, tập 9, tr 468.
[6]Nhiều tác giả - Người là Hồ Chí Minh, NXB Hội Nhà văn, 1995, tr 109.
[7]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 3, tr 222.
[8]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 4, tr 332.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 389.
[10]Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990, tr 143.
[11]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 5, tr 445.
[12]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 4, tr 129
[13]Nhiều tác giả - Avoóc Hồ (tập hồi ký) – Nxb Văn hoá Dân tộc, 1977, tr 109.
[14]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 262.
15]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 3, tr 350.
[16]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, tr 126.
[17]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 271.
[18]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 659.
[19]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 75.
[20]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tậpTập 9, tr 491, 492.
[21]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 288.
[22]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 99.
VNQD