Biểu tượng cây/ gỗ trong tác phẩm Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 03/02/2020 00:11

. THANH NGUYÊN

  1. Cây- Biểu tượng đa nghĩa.

Bác Hồ dùng biểu tượng ”cây” để nói về sự đoàn kết, keo sơn, thống nhất:

Bắc Nam như cội với cành,

Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng [1].

Ca dao Hồ Chí Minh rất gần với ca dao xưa về hình thức, thi liệu nhưng mang nội dung mới, thời sự. “Cội” và “cành” làm nên “cây” cũng như miền Bắc và miền Nam thống nhất trong cơ thể Tổ quốc. Người cũng ví Đảng ta như cái cây xanh tốt thì gốc rễ của cái cây đó là các chi bộ: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ”[2], “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”[3].

Giáo sư Tôn Thất Bách kể: “Khi được tin cha tôi sinh con đầu lòng, Bác đã đặt tên cho tôi là Bách vì Bác có nói với cha tôi rằng Tùng là tên một loại có bộ mộc vì vậy tên con cũng chọn tên có bộ mộc...”[4]. “Tùng”, “Bách” đều là những loài cây quý mang tính biểu trưng cho sự bền vững, ý chí kiên định, tinh thần hiên ngang…Bác đặt tên như vậy cũng là hàm ý thế hệ con kế thừa, nối tiếp thế hệ cha.

Với quan niệm tổ chức cách mạng như cây xanh, nếu có sâu độc thì phải loại bỏ để cây xanh ấy tươi tốt mãi. Chuyện kể hôm đó đồng chí Trần Đăng Ninh lên gặp Bác xin ý kiến vụ án Trần Dụ Châu. Người kéo ông Ninh ra một góc rừng, chỉ lên ngọn cây xoan bị héo, hỏi:

- Chú có để ý ngọn cây kia không?

- Dạ, thưa, ngọn cây đã bị úa lá, nó sắp chết ạ!

- Thế chú có để ý vì sao không?

- Dạ, thân cây bị lỗ sâu đục rất to, làm cây chảy hết nhựa, đó là nguyên nhân làm cây xoan chết ạ!

- Theo chú, muốn cứu cây phải làm gì?

- Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu mọt ấy đi ạ!

Bác Hồ gật đầu và nói:

- Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây, thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo!

Đêm đó Bác thức trắng suy nghĩ và ký bác đơn chống án tử hình của Trần Dụ Châu”[5].

Bác Hồ dùng biểu tượng “giồng cây” để giải thích đường lối kháng chiến.

Khi Đảng ta đề ra đường lối trường kỳ, tất yếu sẽ có nhiều người sốt ruột, Bác Hồ giải thích qua một biểu tượng:

“Có người hỏi: Kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi?

Tôi trả lời: Giồng khoai 3 tháng mới có củ, giồng lúa 4 tháng mới được ăn. Giồng tự do độc lập, ít nhất cũng phải 1 năm, hoặc 5, 7 tháng. Thử xem Trung Quốc kháng chiến 8 năm mới thắng lợi. Nam Dương kháng chiến 2 năm chưa thành công.

Pháp cướp nước ta hơn 80 năm. Nếu ta cần phải kháng chiến 4 năm mà được hoàn toàn tự do độc lập, thì cũng sướng lắm rồi”[6].

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam mới tổ chức Tổng tuyển cử đầu tiên. Bác Hồ chủ động nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam bảy mươi ghế trong Quốc hội. Nhưng đối với bọn phản động này thì nhân dân lại rất khinh bỉ nên có người băn khoăn, thắc mắc, Bác Hồ giải thích: "Muốn giồng khoai giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn đi đến dân chủ mà tất cả chúng ta đều muốn, đôi khi chúng ta phải làm những việc chúng ta không vui lòng làm"[7].

Lời Bác thật hết sức giản dị qua một ngụ ngôn gần gũi, quen thuộc với đại đa số nhân dân ta đã làm mọi người yên lòng.

Bài Ca sợi chỉ miêu tả quá trình bắt đầu từ ”hoa” của cây bông: ”Mẹ tôi là một đoá hoa/ Thân tôi trong sạch, tôi là cái bông” rồi dệt thành sợi chỉ, các sợi chỉ dệt nên tấm vải. Từ ”yếu ớt vô cùng” đến sức mạnh ”Đố ai bứt xé cho ra”. Tấm vải trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết lực lượng, từ những thành tố đơn lẻ, bấy bất nhưng đoàn kết sẽ thành sức mạnh vô địch[8].

2. Gỗ - Biểu tượng cho việc dùng người.

Về cách dùng cán bộ, Bác cũng thể hiện qua biểu tượng: “Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được”[9]. Ví dụ này Bác phát triển từ châm ngôn của người xưa: “Dụng nhân như dụng mộc”.

Biểu tượng gỗ này được một lần khác Bác nhắc lại. Câu chuyện do Hoàng Mỹ Đức kể, Nguyễn Quân ghi trong Hai lần gặp Bác: “Cổ nhân có câu: “Gỗ cong dùng vào việc cong, gỗ thẳng dùng vào việc thẳng”. Không có gỗ nào bỏ đi trừ gỗ mục - thì cũng không có người nào mà không dùng được trong một số việc ích nước lợi dân nào đó trừ khi người đó là kẻ thù của giai cấp, kiên quyết chống đối cách mạng đến cùng”[10].

Từ biểu tượng “gỗ” bác quan niệm rất thực tiễn, khoa học trong việc dùng người sai vừa lãng phí chất xám, công sức lao động vừa hỏng việc: “Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”[11].

3. Gỗ - Biểu tượng cho thế lực phản động, lạc hậu cản trở cách mạng.

Đồng chí Vũ Kỳ là người giúp việc Bác, trong hoàn cảnh giặc Tưởng nghênh ngang, cũng muốn đánh. Đồng chí kể:

“Có lần tôi hỏi Bác:

- Thưa Bác, quân Tưởng sách nhiễu nhân dân, khi có điều kiện ta thủ tiêu kẻ làm càn, sao Chính phủ lại cấm?

Bác nhìn tôi hỏi lại:

- Chú đã từng ở chiến khu rồi phải không?

- Dạ, rồi ạ!

- Chú đã từng đi qua suối?

- Dạ, vâng.

- Có khi nào chú gặp cây gỗ mục đổ chắn ngang dòng suối chưa?

-Dạ, có!

- Thế chú có thấy rác rưởi từ trên nguồn chảy theo dòng suối bị cây gỗ đó chặn lại không?

- Dạ, thấy!

- Chú cứ ngồi nhặt từng cái rác thì đến bao giờ mới hết. Nhặt cái này thì cái khác lại đến. Chú phải hô hào mọi người lật cây gỗ đó thì rác rưởi mới trôi hết. Vấn đề là ở chỗ đó. Đối với quân Tưởng cũng vậy, ta cứ thủ tiêu từng người một thì bao giờ mới hết”[12] .

Một ví dụ tuyệt vời cho tầm nhìn chiến lược cách mạng biện chứng nhìn, sâu sắc, tinh tế; cho tinh thần nhân văn sâu đậm. Bác nhìn thấy cái gốc, bản chất của vấn đề tức ”cây gỗ đổ” kia. ”Giải quyết” nó thì rác rưởi ăn theo cũng tự trôi hết.

Ngày 23-12-1954 trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh nói: “Dù sao cũng không được chủ quan khinh địch, cây mục cũng phải xô mới đổ”[13].

Chỉ mấy con chữ mà thể hiện cả một tầm chiến lược, một ý chí, một quyết tâm lớn.

TN


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tậpTập 11, tr187.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập7, tr 240.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập7, tr 242.

[4]. Trần Đương - Ánh mắt Bác Hồ. Nxb Thanh niên,1999 tr 172.

[5]Nguyễn Chí Thắng, Nguyễn Ngọc Đào, Lê Kim Dung (Biên soạn và tuyển chọn) - Bác là Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2004, tr 72, 73.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tậpTập 4, tr 485.

[7]Trần Dân Tiên- Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. NXb Văn học. 1970, tr 121.

[8]Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh. Nxb Quân đội, 2008, tr 562.

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập5, tr 72.

[10]Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990, tr 279.

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 633, 634.

[12]Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2010, tr 33.

[13]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 5, tr 551.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)