.HOÀI NAM
Từ một bức tranh chung
Năm 2019, có lẽ cũng giống như nhiều năm trở lại đây, không ghi nhận được những trường hợp xuất sắc có tính “đột biến” của tiểu thuyết Việt Nam. Một vài tác phẩm cụ thể, ở một vài phương diện nhất định, có thể gây cho người đọc sự thích thú, thậm chí thán phục, bất ngờ, nhưng một sự thay đổi nhãn quan về thế giới, về lịch sử, về bản chất của tồn tại nhân sinh, hoặc có khi chỉ là sự thay đổi quan niệm về một thể loại vốn rất uyển chuyển, chưa hề bị “đông cứng lại” như thể loại tiểu thuyết thì chưa có cuốn nào làm được.
Tiểu thuyết Việt Nam năm 2019 cũng không ghi nhận được sự xuất hiện của các tác giả trẻ (mặc định từ bốn mươi tuổi trở xuống). Dường như sau những cú ra mắt khá ấn tượng trong những năm trước, các tác giả trẻ như Đinh Phương (Nhụy khúc), Huỳnh Trọng Khang (Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ), Nguyễn Khắc Ngân Vy (Đàn bà hư ảo, Phúc âm cho một người), Nguyễn Thị Kim Hòa (Cửa sổ phía đông), An Hạ (Rơi trong chơi vơi)… đang ở giai đoạn nạp nhiên liệu cho lần xuất hiện tiếp theo. Nhưng ở chiều ngược lại, các tác giả tiểu thuyết đã “hết trẻ” từ lâu lại viết khá đều tay, có thể kể vài ví dụ: Vũ Ngọc Tiến với Kẻ sĩ thời loạn, Trần Thùy Mai với Từ Dụ thái hậu, Bùi Việt Sỹ với Trăng không in bóng, Hồ Anh Thái với Năm lá quốc thư, Đỗ Phấn với Mùi trần, Nguyễn Việt Hà với Thị dân tiểu thuyết, Thùy Dương với Lạc lối, và gần nhất là một tác giả… vừa mới hết trẻ: Uông Triều với Cô độc.
Không có xuất sắc đột biến, nhưng lại có thừa sự đa dạng phong phú, thừa đến mức độ khiến người viết bài này phải ngại và đành ngừng ý muốn mô tả, phân tích bức tranh tiểu thuyết Việt Nam năm 2019. Thay vào đó, tôi sẽ chọn con đường dễ dàng hơn nhưng cũng “nguy hiểm” hơn, vì nó thuần túy thuộc về sở thích và ý chí chủ quan của người viết. Tôi sẽ “đọc” tác phẩm mà mình cho là tiểu thuyết đáng chú ý nhất của năm 2019: Thư gửi Mina của Thuận.
Đến một tác phẩm cụ thể
Triết gia Đức F. Nietzsche vốn là người không ưa những gì chỉ xuất hiện một lần rồi tan biến. Cái có giá trị với ông là cái phải được lặp lại vô số lần (sự quy hồi vĩnh cửu). Bởi thế, có thể giả định, nếu đọc Thư gửi Mina (Nxb Phụ Nữ & Phanbook, 2019), tiểu thuyết mới nhất và dày nhất trong số những tiểu thuyết đã công bố của Thuận, hẳn ông sẽ thấy có đôi chút thú vị. Ở cuốn tiểu thuyết này, về cơ bản, Thuận tái sử dụng hình thức tiểu thuyết bằng thư, một trong những hình thức xuất hiện rất sớm trong lịch sử tiểu thuyết châu Âu, nhưng sau đó gần như bị bỏ quên. Những bức thư được Th, nhân vật chính/ người kể chuyện, một nhà văn nữ gốc Việt, viết tại khu Pigalle, Paris, bắt đầu từ ngày 19 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11 năm 2016 cho Mina, một người bạn gái gốc Afghanistan mà cô đã mất liên lạc sau ngày cả hai tốt nghiệp đại học ở Nga. Những bức thư ấy không bao giờ được gửi đi, nhưng chúng đã làm nên trục chính của tiểu thuyết.
Chính xác hơn nhà văn Th không chỉ có một câu chuyện để kể với bạn mình, bởi cô đã kể rất nhiều câu chuyện: chuyện ở Hà Nội thời bao cấp, chuyện ở Nga đêm trước cải tổ, chuyện ở Pháp thời hiện tại, chuyện đời sống gia đình chật chội và trống rỗng, chuyện mối tình xưa tuyệt vọng và lặp lại đến nhàm tẻ, đặc biệt là chuyện về cuộc sống tha hương khốn khổ đủ kiểu bi hài của những người Việt Nam nhập cư thuộc nhiều thế hệ, nhiều xuất phát điểm xã hội khác nhau. Những câu chuyện ấy nối vào nhau, chồng lên nhau, xáo trộn. Đó có thể là những chuyện đã thực sự xảy ra hoặc chỉ nằm trong trí tưởng tượng, sự phỏng đoán, đồ chừng, giả định của một người kể chuyện đang đối thoại mà thực chất là độc thoại. Chính tại phương diện này, có thể thấy Thuận khá nhuyễn trong thực hành kĩ thuật mà các nhà tự sự học gọi là trò chơi “mặt nạ tác giả”, khi chị tạo ra một “tác giả hiển thị”, một “người kể chuyện không đáng tin”, một cái “Tao” đang kéo cái “Mày” - cô bạn gốc Afghanistan- và độc giả nói chung vào tâm thế “bất tín nhận thức”. Có tiếng nói ngầm, tựa như một khuyến cáo cất lên ở đây: Đừng tin rằng những chuyện này có thật, nhưng cũng đừng không tin rằng những chuyện này chưa từng hoặc sẽ không bao giờ diễn ra trong cuộc đời này - một dấu hiệu đặc trưng của văn chương hậu hiện đại. Một cái viết khước từ sự cả quyết chắc chắn của chủ thể viết, thế nhưng trong Thư gửi Mina, nó đồng thời là một cái viết xoáy vào và làm bật lên những chủ đề nhức buốt của thời đại đầy biến động chúng ta đang sống: chiến tranh, di dân cùng những thân phận nhập cư. Ai đó có thể thấy lạ khi tôi nói đến chủ đề chiến tranh, vì ở trục chính của cuốn tiểu thuyết này, tức những bức thư nhà văn Th viết gửi Mina, chiến tranh hoàn toàn vắng bóng. Có chăng, nó nằm ở những “Tin Afghanistan” tác giả cài xen kẽ giữa các bức thư. Những “Tin Afghanistan” ấy có thể là một bài báo, một bản báo cáo, một ghi chép, một nghiên cứu… nhưng ghép lại, nó mang đến cho người tiếp nhận hình ảnh tổng thể về một đất nước Afghanistan bị giày xéo, xé nát suốt mấy chục năm trường bởi chiến tranh. Người dân Afghanistan phải triền miên sống trong đau khổ, sợ hãi, chết chóc. Nhiều người đã chọn con đường rời bỏ đất nước, trở thành những di dân, chấp nhận đối diện với những biến chuyển chóng mặt của cuộc sinh tồn cùng những thách thức lớn lao của sự đối kháng văn hóa. Ở điểm tột cùng, họ chấp nhận khoác lên số phận cuộc đời mình chiếc áo rách tướp thảm thương và đầy tủi nhục của những kẻ nhập cư, nỗi phiền toái đáng ghét đối với các chính trị gia và người dân ở những nước mà họ đã và đang ào đến như những làn sóng. Đây là một thực tế đang diễn ra, không chỉ với người Afghanistan, trong cái thế giới chưa từng một ngày yên ổn này. Thực tế ấy đã tạo một kết nối ngay ở bức thư đầu tiên, khi nhà văn Th nghe đài phát thanh đưa tin mới nhất về làn sóng tị nạn từ Trung Cận Đông và tưởng tượng ra cô bạn mình đang “vạ vật tại một cửa ô nào đó của vành đai, nơi dân Paris chỉ ghé để đổ rác, còn dân không Paris chỉ ghé để cất tạm những chiếc xe tải xấu xí, thay một bộ cánh đẹp, trước khi bước chân vào thành phố ánh sáng”; cô ấy có thể “một tay ôm túi, một tay ôm bị, miệng phì phèo thuốc lá… mặt mũi rúm ró, áo váy nhàu nhĩ như tất cả những người phụ nữ đang ngồi trong lều nhựa ngó mưa rơi”.
Tuy nhiên đấy chỉ là khởi điểm, là “đề-pa”, thành phần phụ mang chức năng tương hỗ cho dòng chủ lưu trong “cái được viết” của Thuận. Điều quan trọng đối với Thuận, hay đối với nhân vật nhà văn Th/ người kể chuyện, chính là người nhập cư Việt Nam cùng tất cả những vấn đề thuộc về tồn tại nhân sinh của họ. Qua những mô tả đậm nhạt khác nhau, hàng loạt chân dung người Việt nhập cư thuộc nhiều thế hệ, nhiều xuất phát điểm của sự di dân và nhiều cảnh huống sống nơi xứ người, đã hiện lên và làm thành bức tranh tổng thể về một cộng đồng vừa khốn khổ vừa nực cười, bên lề và dưới đáy. Một thiếu nữ xứ Nghệ làm công nhân dệt may ở Ba Lan, sau ngày phá tường Berlin đã “chạy một mạch từ Đông sang Tây, vượt không biết bao nhiêu biên giới, bị hiếp không biết bao nhiêu lần, tốn không biết bao nhiêu tiền cho cảnh sát biên phòng và mafia buôn người, tới đúng chân tháp Eiffel thì dừng, rồi ra đứng ở khu đèn đỏ Saint-Denis”. Những đứa con trai con gái Móng Cái, Cà Mau mới lớn, “mặt mày xám ngoét, tóc highlight, toàn thân bốc mùi rượu nặng và nước hoa rẻ tiền”, những công dân của khu ăn chơi Pigalle khét tiếng ấy chỉ chịu đi ngủ vào lúc 6 giờ sáng, sau một đêm cật lực hành nghề mua vui và “không thấy tương lai nào vẫy gọi”. Một bà luống tuổi đang hồi tàn tạ, dường như xuất thân vũ nữ Saigon Maxim’s trước 1975, chủ tiệm may mang tên Saigon Cali Tailor, “bé nhỏ nhất trong các tiệm may mang tên Sài Gòn, không ở Sài Gòn, cũng không ở Cali, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, mà ở đại lộ Choisy, dưới tầng hầm một ngôi nhà cũ và vô vị như phần lớn các ngôi nhà ở Chinatown Paris”. Một trung niên thi sĩ Nam Định, chủ quán ăn Asia Royal Food, đầy đủ lệ bộ complet mũ nồi, luôn miệng đọc thơ tình ái sướt mướt cùng lúc với phục vụ khách hàng món canh bánh đa nấu với thịt băm viên… Được mô tả chi tiết hơn cả, là cặp nhân vật ma-đam Chiến và me-xừ Chắt. (Chiến và Chắt, nếu phát âm theo kiểu Pháp thì có nghĩa là chó và mèo). Nghiệt ngã đến mức không thể nghiệt ngã hơn được nữa khi - như thể chứng minh cho lời của nhà văn Th: “Có lẽ mày bắt đầu hiểu phải làm nhân vật của tao là một điều không may, Mina” - tác giả đẩy cặp nhân vật nhập cư của mình xuống ngang hàng loài vật, bằng cái tên, và bằng cả cách bắt họ phải sống với những nhân thân lắt léo trá hình, mượn danh, chỉ làm những công việc hạ tiện, chỉ tồn tại trong những khuất lấp và bóng đêm tăm tối. Cái cách thế tồn tại ấy có thể ít gây sốc với ma-đam Chiến - xuất thân giáo viên tiểu học nghèo ở Sài Gòn, bị chồng bỏ rơi, một mình nuôi hai con nhỏ, đời sống vô cùng khó khăn - nhưng với me-xừ Chắt - cựu cán bộ ngoại giao Hà Nội, tác giả của loạt ba mươi bài báo phê phán chủ nghĩa tư bản từng được dịch và đăng trên tạp chí của Đảng Cộng sản Pháp- thì nó là cả một sự lộn trái thân phận. Trong lời kể của nhà văn Th, cuộc đào thoát của bác Chắt là cả một thiên anh hùng ca, nơi mà mọi sắc độ của cái bi và cái hài được trộn lẫn và liên tục chuyển tiếp. Trong thư của nhà văn Th viết: “Mày biết tao luôn thèm có dịp được cho nhân vật tới Berlin, nơi vẫn giữ dấu tích của bức tường ngăn cách Đông - Tây mà mỗi khi nhìn, tao không thể không nghĩ tới Bến Hải. Sông Bến Hải đã một thời chia đôi đất nước chúng tao”. Ấy chính là quá khứ chiến tranh. Chính chiến tranh chết chóc cùng cuộc sống cơ hàn kéo dài, như một hệ quả tồi tệ của nó, có thể nói, đã trở thành cái bóng ma phủ trùm lên tất cả và tham gia vào sự cắt nghĩa cho tất cả nỗi khốn khổ tủi nhục của những di dân Việt, những kẻ nhập cư thuộc vào hạng bét bên các trời Âu - Mĩ. Xác quyết điều này về chiến tranh, ta sẽ thấy có liên kết nội văn bản, khi trong một bức thư nhà văn Th đã kể cho Mina nghe về nỗi ghê tởm chiến tranh tột cùng kì lạ của một cô bạn gái khác, tên Pema: Pema ngửi thấy mùi chiến tranh trên cơ thể của anh người yêu là phóng viên chiến trường trở về từ Kabul, cái mùi bốc ra từ mọi ngóc ngách da thịt, mọi đồ đạc cá nhân, mọi câu chữ, bức ảnh về chiến tranh của anh, và cô không thể làm tình với một người đã sống ba tháng liền ở Kabul, cái nhà xác vĩ đại ấy.
Những dấu hiệu hậu hiện đại đặc trưng khác, như giễu và nhại - nhại văn phong, nhại thể loại, nhại phong cách - cũng xuất hiện tràn ngập trong Thư gửi Mina. Cũng không thể không nói tới “siêu hư cấu”, tức sự hư cấu đang tự ý thức về chính nó như một hình thức hư cấu. Trong các bức thư nhà văn Th gửi Mina, ta luôn bắt gặp sự chia sẻ những băn khoăn, những giả thiết của người viết (Th) với người đọc (Mina) về hành động của nhân vật và cách câu chuyện diễn tiến: “tao hình dung là”, “tao ngờ rằng”… Nghĩa là, câu chuyện không phải đã xảy ra, mà nó xảy ra cùng lúc với hành động viết của người kể chuyện. Nghĩa là, đây là một trò chơi, đúng như nhà văn Th từng có lần xác nhận với bạn: “Tao chỉ viết về những điều tao chưa biết”. Ở bức thư cuối cùng, viết ngày 20 tháng 12 năm 2017 - nằm cách quãng thời gian hai tuần liên tục kể trên hơn một năm, do đó có thể coi như một lần ngoái lại “công cuộc” viết thư - nhân vật chính/ người kể chuyện Th, mà cũng chính là tác giả Thuận, đã công khai tính chất “trò chơi ngôn ngữ” của việc viết thư nói riêng và tiểu thuyết nói chung, khi tâm sự với bạn: “Tự thâm tâm, tao muốn mày đọc chúng. Có lẽ đó là lí do tao sẽ cho xuất bản mà không chỉnh sửa. Đây có thể được coi là một tác phẩm văn chương không, tao không biết. Nhưng thế nào là một tác phẩm văn chương, tao cũng có biết đâu”.
Viết như thực hành một trò chơi ngôn ngữ, chính là điều mà Thuận đã làm rất tốt trong cuốn tiểu thuyết này. Nhưng ở bên dưới và ở bên trong trò chơi ấy lại không hề là một tâm thế chơi, giỡn để cho vui: Thuận đã lách vào được một số khía cạnh thâm thiết nhất của đất nước mình, cộng đồng mình và thời đại chị đang sống. Và đó chính là lí do khiến tôi nghĩ rằng Thư gửi Mina là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đáng chú ý nhất của năm 2019.
H.N
VNQD