. NGUYỄN HẢI THANH
1.“Mùa xuân” biểu tượng cho sự sống, sức sống, cho sự phát triển.
Trong Thư mừng năm mới Bác viết: “Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh”[1]. Từ “xuân xanh” mang ý nghĩa biểu cảm: trẻ trung, khoẻ khoắn, mạnh mẽ, đầy tương lai… rõ và sâu sắc hơn nhiều các từ trung tính “tuổi” hay “năm”…
“Sau mùa đông lạnh lẽo, muôn vật tiêu điều. Và tạo hoá lại cho mùa Xuân mang đến cho thế gian những vẻ tốt tươi ấm áp, muôn hoa tươi thắm, ngàn lá đua xanh. Loài động vật cũng nhờ Xuân mà khôi phục lại sinh khí. Vậy nên gọi là Xuân sinh.
Loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hoá, chẳng những hưởng thụ cái hạnh phúc khoái lạc của mùa Xuân, và lại nhận cái không khí phồn vinh của ngày Xuân để sắp đặt cái kế hoạch hoạt động và sống còn cho cả năm, nên tục ngữ có câu "Nhất niên chi kế thuỷ ư Xuân"[2]. Ở đây Bác giải thích biểu tượng mùa Xuân có các nghĩa là “cái hạnh phúc khoái lạc” và “cái không khí phồn vinh”. Cho nên một năm kế hoạch đặt ra từ mùa xuân, cũng là một biểu tượng nhắc nhở mọi người làm bất cứ việc gì phải có kế hoạch từ sớm, phải có niềm tin vào kế hoạch ấy.
Mùa xuân là sức sống, sự sống, sức trẻ, tuổi trẻ. Khi sáu mươi tuổi Bác làm thơ: “Sáu mươi tuổi còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ/ Trần mà như thế kém gì tiên” (Sáu mươi tuổi). Đặt vào quan niệm phương Đông về tuổi tác “chưa năm mươi đã kêu già” mới thấy cái nhận xét “sáu mươi tuổi còn xuân chán” này vừa hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, lạc quan vừa là sự khẳng định số lượng tuổi không quy định sức sống, sức trẻ. Cái tạo nên chất trẻ, sức trẻ là ở chính mỗi người: “Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ”. Câu thơ ngắt ra ba mệnh đề, ba yếu tố như ba nguyên nhân tạo thành kết quả “xuân”.
Đúng là chữ “xuân” trong quan niệm của Bác là sự nảy nở, phát triển những gì tinh hoa, tốt đẹp của cuộc đời: “Là người theo dõi tổ chức thanh niên từ bước đầu hiếm hoi chỉ có tám cháu, ngày nay trông thấy có hàng triệu đoàn viên thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng, phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân”[3]. “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”[4].
2. “Mùa xuân” biểu tượng cho niềm tin, hy vọng, tương lai.
Ngày 16-7-1947 Người gửi thư cho đồng bào vùng địch tạm chiếm nêu ra quy luật của cuộc đời, của tự nhiên để động viên đồng bào: “trải qua bước cực khổ, thì chúng ta nhất định thành công, cũng như qua khỏi mùa đông, thì chắc chắn mùa xuân sẽ đến”[5]
Mùa xuân là tín hiệu thẩm mỹ chiếm một vị trí đặc biệt trong thơ Người. Mùa xuân là niềm vui, niềm tin, lạc quan: Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân; chỉ cuộc sống đang đà sinh sôi phát triển, là hy vọng và tương lai: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân…Ngày xuân nhưng bộ đội ta vẫn phải ngoài mặt trận đuổi giặc thù, Bác gửi áo cho chiến sĩ cũng là gửi niềm tin yêu, hy vọng: “Khoái tống hàn sam cấp chiến sĩ/ Dương quang hồ noãn báo tân xuân – Tư chiến sĩ” (Mau gửi áo rét cho chiến sĩ/ Ánh nắng ấm áp báo tin xuân sắp về). Xuân 1967 Bác làm thơ chúc Tết: “Xuân về xin có một bài ca/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”. Cả bài thơ là một bài ca hân hoan, tin tưởng vào chiến thắng. Xuân 1968 trong thơ chúc của Người còn vui hơn, chắc chắn một niềm tin hơn bao giờ hết vào thắng lợi: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”
Trong Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác Hồ trích hai câu thơ của hai nhà thơ cộng sản Pháp và Nga để động viên, khích lệ thanh niên phấn đấu vươn lên xây dựng chủ nghĩa xã hội:
“Nhà thơ Pháp, đồng chí Vayăng Cutuyariê viết: "Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của loài người".
Nhà thơ Xôviết, đồng chí Maiacốpxki viết: "Chủ nghĩa cộng sản là tuổi trẻ của thế giới do những người trẻ tuổi xây dựng nên"[6].
Có lẽ từ hai câu nói này Hồ Chí Minh đã khái quát thành một quy luật biện chứng của tự nhiên vừa là niềm tin vào thế hệ trẻ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[7].
“Đồng chí Titốp chúc Tết chúng ta không những đưa cái Xuân của quả đất đến cho chúng ta mà còn đưa mùa Xuân từ hơn 70 vạn cây số đến với chúng ta”[8]. “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”[9]. Mùa xuân không còn là thời gian vật lý đơn thuần mà là niềm vui, hy vọng: “Tết bây giờ khác trước rồi. Mùa xuân của chúng ta không phải là ba tháng mà dài hơn. Gia đình, họ hàng của ta cũng đông hơn trước rất nhiều vì gia đình ta là gia đình cộng sản chủ nghĩa”[10]. “các nước anh em… đều tiến bộ rực rỡ như hoa nở mùa Xuân. Phe đế quốc, nhất là tên trùm đế quốc Mỹ thì chẳng Xuân chút nào”[11].
Trong Di chúc, Người cũng dùng từ “xuân” với nghĩa vừa chỉ thời gian vừa nói về về sức trẻ, niềm yêu đời: “Khi người ta đã ngoài 70 xuân…”.
3. “Mùa xuân” biểu tượng cho quy luật tự nhiên và xã hội.
Bác Hồ có cách nói vòng khá đặc biệt với đặc điểm luôn tựa vào một điểm vững chắc là những bằng chứng mang tính hiển nhiên, có thể đó là một quy luật khoa học tự nhiên, có thể đó là một quy luật xã hội mà ai cũng biết, cũng hiểu. Trong thơ cũng có cách diễn đạt kiểu này: “Sự vật đã xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. Trong văn xuôi cách nói vòng này xuất hiện nhiều hơn:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”[12].
Lấy điểm tựa là quy luật trời, đất để nói tới quy luật của con người phải đầy đủ cả bốn đức cần, kiệm, liêm, chính. Nếu bỏ qua quy luật trời đất mà nói ngay tới con người thì sức thuyết phục giảm hẳn. Văn Bác ngắn gọn nhưng ngắn gọn mà sâu sắc, đủ ý.
“Trong ngày trời xuân tươi ấm, Tết nhất vui vẻ, đại gia đình Việt Nam ở vùng tự do sum họp vui vầy, để tưởng nhớ đến tổ tiên và hân hoan cùng con cháu, tôi ngậm ngùi nghĩ đến đồng bào…”[13]. Đây là đoạn mở đầu trong Thư chúc Tết đồng bào trong vùng tạm bị địch chiếm (Báo Cứu quốc số 6, ngày 02/02/1949). Mấy dòng đầu là không khí ngày Tết nơi tự do nhưng có hai chữ “ngậm ngùi” mạch văn như bị gãy làm đôi, hướng người đọc liên tưởng ngay đến một không gian tương phản, nơi đó đồng bào đang bị giặc Pháp đè nén, áp bức.
Thơ Hồ Chí Minh cũng thường có những tương phản không gian để làm bật ra một quy luật:
“Một hữu đông tàn tiều tuỵ cảnh
Tương vô xuân noãn đích huy hoàng - Tự miễn”
(Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân).
Vì xuân là biểu tượng cho niềm tin, cho chiến thắng nên “Xuân này kháng chiến đã năm xuân/ Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công” (Thơ Chúc Tết 1951). Thế nên “nhiều xuân” không phải là số lượng mà là chất lượng, là nhiều hơn niềm tin, hy vọng. Đây cũng là quy luật: một con người, một dân tộc giàu niềm tin chắc chắn sẽ sớm tiến tới thắng lợi, thành công!
N.H.T
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập10, tr 1.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập3, tr 445.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập12, tr 66.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập12, tr 558.
[5] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 4, tr 100.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 10, tr 305.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 4, tr 167.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập10, tr 502.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập10, tr 39.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập9, tr 329.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập10, tr 46.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập5, tr 631.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 560.
VNQD