Sau 60 năm vắng bóng, Sách Tết đã trở lại. Có lẽ chẳng phải do xu hướng hoài cổ, tìm về ngày xưa đang thịnh hành rầm rộ trong thời trang, kiến trúc, ẩm thực... mà Sách Tết trở lại như sự ôn cố tri tân.
Với chủ đề hướng đến là tết và mùa xuân, Sách Tết là hợp tuyển văn, thơ, nhạc, họa để làm nên một ấn phẩm sinh động, đặc sắc, mang đến cho bạn đọc không khí của những cái tết cổ truyền, vừa xa xôi vừa gần gũi, những cái tết như thể đã ở trong tiềm thức của mỗi chúng ta.
“Nhìn không khí trở về của con người, như chiếc lá rơi về cội ấy. Nơi quê nhà không cần phải đọc phải học mà cái gì cũng thuộc làu làu. Thuộc làu làu cái giếng đất có ao bèo. Thuộc làu làu cái giếng có gàu va đá ong... Quê hương, nơi mà con người sinh ra lớn lên để có ông bà cha mẹ vườn tược, hoa chanh hoa khế thi nhau đua nở. Tôi không rõ bao nhiêu lần đứng dưới mưa phùn nhòa nhạt ánh đèn đường để xem người ta lên tàu về quê ăn tết”. Cuốn sách được bắt đầu với Nhìn người về quê của Hoàng Việt Hằng, như sự sắp sửa, bắt đầu cho một không khí tết, cho sự trở về với những cái tết xa xăm. Trong cái nhìn diệu vợi, luyến tiếc của nhà văn Hoàng Việt Hằng, tết nhất thiết phải là sự trở về quê hương, cho dẫu không có quê hương để trở về thì con người vẫn có một cuộc trở về, đó là cái cúi đầu để nhớ cha mẹ, ông bà, tổ tiên mỗi khi tết đến.
Có lẽ trở về là tâm thức chung của mỗi người trong những ngày xuân gọi mời ước mong sum họp. Cho dẫu những người xa quê không thể trở về bằng một chuyến hành hương thì họ vẫn làm một cuộc trở về trong ý nghĩ:
Rồi ta về
mưa phùn lộc biếc
....
Ôi quê hương
quê hương
mắt trũng sâu chờ đợi
ta khóc ngập lòng trên lối về.
(Quê hương - Ý Nhi)
Vợi sự góp mặt của các nhà văn: Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Tham Thiện Kế, Trần Thùy Mai, Phan Thị Vàng Anh, Dạ Ngân; các nhà thơ: Yến Lan, Ý Nhi, Khương Hữu Dụng, Phạm Thị Ngọc Liên, Y Phương, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Thế Hoàng Linh; các nhạc sĩ: Trần Trung, Phạm Duy, Trần Tiến; các họa sĩ: Thành Chương, Đỗ Phấn, Lê Trí Dũng, Lương Xuân Đoàn, Hoàng Phượng Vỹ, Đặng Tiến, Ngô Xuân Khôi... Sách Tết đã mang đến những tác phẩm ấn tượng khắc họa những cái tết, những mùa xuân.
Đó là mùa xuân của những lứa đôi chớm yêu còn nhiều e thẹn, rụt rè, tiếng yêu cũng phải đợi xuân nói hộ. Đó là mùa xuân của những số phận, những cảnh đời. Nhưng đôi khi mùa xuân hay cái tết cũng chỉ là cớ để những câu chuyện, những thân phận được/bị phơi bày. Tết là bối cảnh vừa lãng mạn, trữ tình, mơ mộng nhưng cũng là bối cảnh làm hiện rõ lên cái thực của đời sống, không chỉ là đủ đầy, sum tụ mà có thể còn là nghèo nàn, xơ xác, chia li. Nhưng dù là trong hoàn cảnh nào thì các tác phẩm cũng hướng chúng ta đến sự bao dung, vị tha, mở lòng. Vì thế không khí tết trong các tác phẩm đều hướng đến sự sẻ chia, ấm áp.
Ta gặp lại những truyền thống xa xưa với tiếng chuông chùa thong thả ngân xa, với sắc đào chấm phá trong sương, với gái làng đào quần lụa xòa kín gót, áo nâu thắt eo, tung tẩy đôi sảo tre ra bãi sông kĩu kịt vớt váng phù sa, với những khách văn chương đất Bắc, và với những cảnh quê nghèo thủa nào xa xôi lắm. Ta gặp những cơn giông mùa xuân tưới tắm tâm hồn trong những xúc cảm đầy xao xuyến, mới lạ, bâng khuâng. Ngày xuân ấy có kẻ bỏ phồn hoa, bỏ phố thị lên miền Tây Bắc để được trưa uống rượu, tối tắm tiên, sáng ra nghe con họa mi trong trẻo hót giữa rừng. Cũng có những cái tết làm cho con người ta lớn lên, hay đổi khác đi, đó là những cái tết không thể quên trong những cái tết của một đời người. Những mùa xuân, những cái tết dù là nơi phố thị hay chốn thâm sơn, dù là của một thời xa lắm hay của hôm nay thì cũng đều hướng đến cái đẹp, cái nhân văn và sự vĩnh cửu.
Bên cạnh văn chương, nhạc và họa cũng góp phần làm nên sự đặc sắc cho Sách Tết. Những ca khúc đi cùng năm tháng, mỗi khi tết đến xuân về lại vang lên như Mùa xuân đến rồi đó của Trần Trung, Đêm xuân của Phạm Duy, Mùa hoa trở lại của Vũ Minh Tâm. Âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu trong những ngày xuân, đôi khi nghe một giai điệu quen thuộc cũng đủ để hình dung một mùa xuân mới đang ngập tràn. Lòng người cũng như đang ngân lên những cung bậc của mùa xuân. Đó là sức mạnh của âm nhạc, và đôi khi chỉ âm nhạc mới làm được điều đó. Tranh tết với những sắc màu dân gian truyền thống, hoặc trang nhã hiện đại cũng là yếu tố quan trọng mang đến không khí, màu sắc cho ngày tết.
Văn, thơ, nhạc, họa đã lưu giữ, khắc họa tết và mùa xuân bằng tất cả những rung cảm tuyệt vời nhất của người nghệ sĩ. Sách Tết hiện diện như một món quà năm mới, để dù là trong sự sum vầy hay xa vắng của tết nay lòng ta vẫn tĩnh tại để hiểu hơn nhưng giá trị của truyền thống, càng yêu, trân quý hơn hiện tại và tương lai.
TÙNG QUÂN
VNQD