Hoa - Biểu tượng đa nghĩa trong quan niệm của Bác Hồ

Thứ Ba, 11/02/2020 08:51

.THANH THƯ

 

1.Hoa là sứ giả của tình thân mật, của hoà bình, hữu nghị.

Hầu hết các vị khách nước ngoài là văn nghệ sỹ được gặp và nói chuyện với Bác Hồ, khi miêu tả lại nơi sinh hoạt của Người đều nhắc đến chi tiết bàn làm việc luôn có hoa tươi. Đây là lời nhà văn Bungari Blaga Đimitrôva: “Bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn lọ hoa hồng - Ở đây hoa hồng được coi là sự chúc mừng đối với Tổ quốc tôi - Người nói bằng lời nói dễ hiểu rằng trong mọi hoàn cảnh, Người vẫn được lọ hoa hồng đặt lên bàn làm việc. Chỉ có sự hà khắc trong nhà tù mới tước mất thói quen đó của Người. Lúc này tôi mới nhận thấy hết ý nghĩa những bông hoa hồng nảy nhuỵ, toả hương trên chiếc cầu nối liền hai nước xa xôi chúng ta như thế nào”[1].

Điều đặc biệt đến mức trở thành thông lệ là Bác luôn tặng hoa cho mỗi vị khách, vẫn theo lời của Mađơlen Ripphô: “…cứ sau mỗi cuộc gặp gỡ trong chốc lát…Người lại tặng khách một bông hoa hồng trước khi Người trở về với công việc hàng ngày. Cho nên chỉ cần nhìn thấy một đại biểu nào đó của nước bạn, trong khi trở về khách sạn ở gần Hồ Gươm- dành riêng cho khách nước ngoài – mà tay cầm một trong những đóa hoa hồng đó, là tôi có thể đoán biết rằng Hồ Chủ tịch đang có mặt ở Hà Nội”[2].

Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao của hoà bình. Văn hoá ngoại giao của Người dựa trên truyền thống hoà hiếu có từ lịch sử giữ nước của cha ông kết hợp với tinh thần của thời đại mới: vì một nền hoà bình hữu nghị của tất cả các nước. Người cùng cả dân tộc của Người miễn cưỡng phải cầm vũ khí một khi kẻ thù không từ bỏ dã tâm xâm lược.

Chúng ta cũng thấy cách diễn đạt này đều sử dụng những ẩn dụ ngụ ngôn nên giàu hình tượng và hàm súc. Trong giao tiếp thường ngày, Người cũng hay dùng phong cách này. Năm 1946, ở Pari có nhà báo hỏi Bác:

- Thưa Chủ tịch, Ngài có phải Cộng sản không?

Bác liền đi đến lẵng hoa bày trên bàn, vừa rút ra từng bông tặng mỗi người, vừa vui vẻ nói:

Tôi là người cộng sản như thế này này!(Je suis communist comme ca!)”[3].

Một hành động ý nhị, vừa thể hiện sự quan tâm quý mến với người đối thoại vừa mang tính ngụ ngôn: hoa luôn tượng trưng cho cái đẹp, cho tình yêu, hạnh phúc… Người cộng sản cũng như hoa vậy. Vừa không phải nói ra, mà nói ra có thể người ta không tin, vừa thu hút được sự chú ý của công luận, dư luận.

Ngày 11-11-1965 tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italia, Người nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ cút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi…Nhưng với Giônxơn và Macnamara thì hoặc là trải thảm đỏ hoặc là đá đít ra khỏi cửa”[4]. Ngày 5-7-1966 tiếp phái viên của Tổng thống Pháp G. Xanhtơny, Người nói: “Chỉ có một cách đi tới một giải pháp đó là Mỹ cút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích; nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: “ Qu’ils foutent camp” (Thì họ hãy cút đi)”[5].

2. Hoa là tình yêu cuộc sống.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét nhà sàn của Bác chỉ vài ba phòng nhưng tâm hồn Bác lộng gió thời đại. Nhà sàn của Bác cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một cuộc đời, một tâm hồn thật thanh bạch và tao nhã biết bao!

Mađơlen Ripphô, nữ nhà văn, nhà hoạt động xã hội Pháp nhớ lại: “Thời kỳ đó, Bác Hồ thường tiếp khách vào buổi sáng tinh sương trong những ngôi nhà nhỏ ở khu vườn Phủ Chủ tịch. Những cây hoa hồng trồng làm cảnh, được chăm sóc cẩn thận, nói lên rằng bất chấp bom đạn, Việt Nam vẫn thách thức (với kẻ thù) và tin chắc vào thắng lợi của mình”[6].

Bác thích hoa và Bác tự tay trồng, chăm bón cho hoa. Với tình yêu hoa thật sự cùng với trí nhớ siêu việt của mình nên chúng ta chẳng ngạc nhiên khi ai đó lại hái hoa từ chính vườn của Bác để tặng Bác. Câu chuyện của sau chứng minh điều này. Có mấy cán bộ đến tặng hoa Bác nhân một dịp sinh nhật: “Bác lại nhìn bó hoa, Người hỏi tiếp luôn câu nữa: - Hoa của Bác, sao các chú lại lấy tặng Bác? Bị câu hỏi đột ngột, chúng tôi mất hết thế chủ động. Đồng chí đại biểu cố gắng chữa thẹn: - Dạ, hoa…

Cháu này vụng chèo, lại khéo chống! Hoa của Bác là hoa đoàn kết nên nhiều màu sắc, bông đỏ, bông hồng, Bác trông thấy là Bác nhận ra ngay…”[7].

Nhà văn Sơn Tùng kể, hoa có ở xung quanh nhà Bác, có ở cả các đường xà ngoài vườn, “Những nhành hoa của loài hoa leo đã đan khắp các đường xà thành giàn hoa hình bán nguyệt”[8]. Nhưng sở thích cá nhân của Người cũng luôn điều chỉnh để phù hợp với cái chung, lợi ích chung. Tác giả Trần Lê Xuân kể, về thăm quê, Bác dặn: dọc đường nên trồng phượng, vì phượng có bóng mát, hoa đẹp, không nên trồng nhãn, vì trồng nhãn, các cháu trèo hái có thể ngã què”. Và Bác tặng một gói hạt giống phượng để xã gieo trồng. Nhưng trong vườn nhà ở Kim Liên, Bác dặn chỉ nên trồng hoa khoai hoa đậu[9]. Như vậy quan niệm về cái đẹp của Bác luôn hài hoà với vẻ đẹp chung. Ví như ở vườn nhà Bác cũng nên chỉ trồng “hoa khoai hoa đậu” vì vừa hợp với cảnh quê, bình dị, dân giã và lại khuyến khích tăng gia sản xuất.

Bác thường tặng hoa cho các văn nghệ sỹ, coi đó là một món quà nhiều ý nghĩa. Nghệ sỹ ngâm thơ Trần Thị Tuyết bồi hồi nhớ lại: “Bác đứng lên cầm những bông hồng bạch để ở đĩa trang trí trên bàn, tặng chúng tôi mỗi người một bông. Chúng tôi sung sướng quá! Đồng chí thư ký của Bác còn cho chúng tôi biết đấy là hoa trong vườn Bác, do tay Bác trồng và ngày ngày Bác tưới”[10]. Hình như Bác muốn các nghệ sỹ, nhất là các nữ nghệ sỹ đều đẹp qua cách Bác tự tay mình “trang điểm” cho họ. Nghệ sỹ ưu tú Tú Lệ kể: “Hôm đó là một chiều mùa xuân nắng ấm, hoa quanh nhà Bác đang nở rộ đủ sắc màu, mùi hoa tỏa ra thơm thoang thoảng, làm cho chúng tôi có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên. Bỗng chợt thấy Bác xuất hiện...Chúng tôi chạy lại ôm lấy Bác. Bác bảo anh Vũ Kỳ chọn hai bông hoa trắng đưa cho Bác cắm lên mái tóc chúng tôi...”[11].

Ngày 27-8, Bác đau. Bác muốn nghe một khúc dân ca. Chị Ngô Thị Oanh y tá hát bài Chiến sỹ quân y làm theo lời Bác và bài hát dân ca quan họ Người ơi người ở đừng về. Chị hát xong Bác bảo thư ký tặng chị một bông hoa hồng[12]. Sắp về với các cụ Các Mác, Lênin, về với tổ tiên, Bác vẫn không nghĩ về riêng mình, Bác lo nước sông Hồng dâng lên, Bác nhắc các đồng chí lãnh đạo bắn pháo hoa ngày Độc lập cho đồng bào vui...

3. Hoa là biểu tượng cho tấm lòng yêu thương, kính trọng.

Con người nghệ sỹ Hồ Chí Minh nặng ân tình. Ngày 19-5-1947, các đồng chí phục vụ tặng bó hoa rừng nhân ngày sinh nhật, Người cảm động, nói dành bó hoa này đi viếng mộ đồng chí Lộc, cùng cơ quan, vừa mất vì bệnh sốt rét[13].

Ngày 31-3-1959 thăm trận địa pháo Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng (Bãi Cháy - Quảng Ninh), nhận trứng và bí của đơn vị tặng, Bác nói: “Bác rất quý quà này, vì các chú tự làm ra”[14]. Một câu nói nhưng toát lên sự trân trọng những tấm lòng thành thực, trân trọng thành quả lao động của con người.

Con người nghệ sỹ Hồ Chí Minh thật tinh tế. Ngày 25-6-1946, Chủ tịch mời các phóng viên dự tiệc trà tại Khách sạn Roay Môngxơ. Người cầm những bông hoa trên bàn tiệc tặng mỗi nữ phóng viên một bông, còn lại một bông, Người tặng cho nam phóng viên nhiều tuổi nhất[15].

Ông Ô-brắc kể lại trong thiên hồi ký của mình: “Khi dạo chơi, Chủ tịch thường tiếp xúc với một ông lão làm vườn, chuyên trồng hoa trong làng. Theo ông lão, Chủ tịch rất thích hoa thược dược đỏ và vàng, vì, như Người nói, đó là “màu cờ của nước tôi”... Từ đó, hàng ngày, trong phòng tiếp khách của Chủ tịch luôn có những bông hoa thược dược vàng và đỏ...)”[16].

Theo nhiều người gần gũi với Bác thì Bác thích nhất hoa hồng và hoa huệ. Bà Rô-da Lô-dơ-bai (vợ Luật sư Lô-dơ-bai đã cứu Bác hồi ở Hồng Kông) kể hai loài hoa Bác yêu thích là hoa huệ và hoa hồng: “Chúng tôi lưu ý thấy Người rất thích hoa huệ. Nhưng khi tặng hoa cho ai thì Người thường tặng hoa hồng… Hôm chúng tôi tiễn Người đi khỏi Hồng Kông bằng con đường đặc biệt, hiểu ý Người, vợ chồng chúng tôi đã sắm bó hoa huệ để tiễn đưa Người và Người cũng tặng lại chúng tôi một bó hoa hồng”[17]. Nhà văn Sơn Tùng trong “Búp sen xanh” ngầm một sự giải thích là trước khi xuống tàu tìm đường cứu nước Nguyễn Tất Thành có yêu một người tên Huệ. Về sau do chiến tranh, do xa cách, do công việc mà hai người không lấy được nhau nhưng Bác vẫn giữ trong tim mình hình ảnh người yêu duy nhất của mình. Lại có người nói do mẹ Bác an táng trên núi Đại Huệ…Tất cả những giải thích này đều không có căn cứ cụ thể. Chỉ biết, với tâm hồn nghệ sỹ Bác rất yêu hoa. Hoa hồng, đỏ biểu tượng cho tình yêu, cho hoà bình. Hoa huệ thơm tượng trưng cho những điều cao cả, thánh thiện!

T.T


[1] Nguyễn Thị Kiều Anh- Nguyễn Thị Tuyết Minh (Tuyển chọn và giới thiệu) - Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Nxb Công an Nhân dân, 2008. tr 647.

[2] Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 213.

[3] Bác Hồ- con người và phongcách. NXB Lao động, 1993, tr 1

[4] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, tập 9, tr 311

[5] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, tập 9, tr 424.

[6] Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 213.

[7] Nguyễn Ngọc Châu - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007tr 150.

[8] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 84.

[9] Nhiều tác giả - Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh. Nxb Nghệ Tĩnh, 1990, tr 372, 375

[10] Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) – Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 328

[11] Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 113.

[12] Nguyễn Văn Dương (2012), Chuyện kể Bác Hồ với phụ nữ, Nxb. Hồng Bàng, Gia Lai, tr. 250-251.

[13] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 4, tr 83.

[14] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 7, tr 265.

[15] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 3, tr 258.

[16] Trần Đương - Ấnh mắt Bác Hồ. Nxb Thanh niên,1999. tr 18.

[17] Sơn Tùng (2007), Hoa râm bụt, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, tr.259.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)