.NGÔ VĨNH BÌNH
Trung tướng Phùng Khắc Đăng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị những năm 2001-2007, được phân công theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa - văn nghệ, là thủ trưởng cấp trên trực tiếp luôn gần gũi với các nhà văn quân đội một thời. Ông là người bạn thực sự của các nhà văn ở “phố nhà binh”. Một lần, tôi viết cái tin “Thủ trưởng Tổng cục Chính trị ra thăm Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam...”. Ông đọc và cười bảo: “Ra với” chứ! Một lần, hình như vào dịp kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông “ra với” anh em “nhà số 4”, nhà văn Chu Lai nhìn chằm chằm vào ve áo “hai sao, ba viền vàng” của ông, nói: “Ông tuổi như tôi mà quân hàm cứ sáng lòa lên thế này”. Biết tác giả của Ăn mày dĩ vãng trêu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị bảo: “Cũng chả bằng những trang văn lấp lánh, để đời của ông”. Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, đại tá nhà văn Vũ Thị Hồng - vợ nhà văn Chu Lai - lần đầu gặp ông e thẹn nói: “Nghe nói anh cũng là lính chiến ở Khu 5 thời chống Mĩ, em cũng từng nhiều năm trong ấy, sao không biết anh nhỉ?”. Ông cười: “Vì lúc ấy, em còn bé mà”. Nói vậy vì ông hơn nữ nhà văn một nửa con giáp (sinh năm 1945), trai quê đất Trạng Bùng (Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhưng nhập ngũ từ năm 19 tuổi (1964), từng là chiến sĩ trinh sát pháo binh thuộc mặt trận Quảng - Đà (Khu 5) gần như suốt cả thời chiến tranh chống Mĩ ác liệt.
Tôi là sĩ quan dưới quyền suốt những năm ông ở Tổng cục Chính trị, nhưng chỉ đến khi tôi cùng các nhà văn Nam Hà (chủ biên), Dương Duy Ngữ, Phạm Hoa, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Như Trang tham gia ban biên soạn bộ sách Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỉ yếu và tác phẩm (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2000) tôi mới hay được “làm việc” cùng ông. Tôi có lần báo cáo với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam rằng trong số các chi hội nhà văn của Hội ta, chỉ có Chi hội Nhà văn quân đội là có bộ sách tổng tập bề thế, để đời! Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỉ yếu và tác phẩm là một bộ sách đồ sộ gồm 5 tập khổ 15cm x 22cm dài gần 4.700 trang giới thiệu 302 gương mặt nhà văn cùng những tác phẩm tiêu biểu của họ, trong đó có 128 nhà thơ, 174 nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học. Đây thực sự là một cuộc “diễu binh” cuối thế kỉ XX của đội ngũ nhà văn - chiến sĩ. Tổng tập Nhà văn quân đội không chỉ là một bộ sách lớn, một tổng tập tư liệu quý của văn học Việt Nam mà đồng thời là một hành trang cho những người lính trẻ bước vào thế kỉ mới - thế kỉ XXI. Tôi có thưa thêm với Chủ tịch Hữu Thỉnh rằng để ra được bộ sách này, phải kể tới quyết tâm của Chi hội Nhà văn quân đội lúc bấy giờ, mà người có tâm huyết và công sức nhiều nhất là nhà văn Nam Hà và đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Nghe vậy, nhà thơ Hữu Thỉnh nói như reo lên: “Tuyệt vời các nhà văn quân đội! Cám ơn các thủ trưởng Tổng cục, cám ơn anh Phùng Khắc Đăng”. Tôi cũng biết tướng Đăng yêu thơ từ thời trai trẻ và thuộc rất nhiều thơ (cả cổ, kim, đông, tây), đặc biệt là thơ bộ đội. Ông kể, hồi làm Phó Tư lệnh Quân khu I có một lần ông đến làm việc với Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng. Công việc xong xuôi chị em có nhã ý muốn mời ông ở lại ăn bữa cơm “rau dưa” cùng cơ quan Hội. Tuy “rau dưa” nhưng là cơm khách nên phải có rượu, mà rượu ở Cao Bằng thì “thôi rồi”… Nam nữ ai ai cũng hết mình. Uống bằng bát, uống chéo tay, uống không say không về. Là Phó Tư lệnh một quân khu, lại là quân khu sơn cước nhưng cái khoản rượu chè bia bọt đối với ông có phần “yếu kém”. Không biết được tạng ông như thế nên chị em thay nhau chuốc ông hết bát này đến bát khác. Biết tửu lượng của mình nên uống với chị nào ông cũng chỉ nhấp môi, bị lộ và bị phạt phải uống chéo tay, uống trăm phần trăm. Không uống được phải hát. Tình thế thật là nguy nan bởi khả năng hát hò với ông cũng không hơn gì rượu chè. Những bài hát mà ông thuộc chỉ là 12 bài do quân đội quy định. Những bài ấy hát ở chỗ ăn uống thì hát sao được? Tính đi tính lại mãi, Phùng tướng quân đành liều xin… đọc thơ. Từng là cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội ở một học viện nên ông rất yêu văn chương và có nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ. Ông đã từng làm thơ và cũng đọc, cũng thuộc khá nhiều bài, nhưng trong bối cảnh này thì đọc bài nào đây, phải có cái gì gắn với chị em, gần gũi với đất và người Cao Bằng chứ? Nghĩ một thoáng, sau mấy cái hắng giọng ông đọc luôn mấy câu: Lên Cao Bằng không sợ dốc/ Đèo Giàng, Đèo Gió đã lùi xa/ Lên Cao Bằng không sợ đói/ Nước trong, gạo trắng sẵn từ lâu/ Lên Cao Bằng không sợ ốm/ Chợ bày ngải cứu bán thay rau… Đọc đến đây thì quên béng mất câu cuối của bài thơ gốc, ngập ngừng một lúc ông quyết định phóng tác hai câu kết: Lên Cao Bằng anh rất sợ/ Em quên mất anh rồi, tối anh ngủ ở đâu? Thế là những đợt pháo tay vang lên cùng những trận cười nghiêng ngả… Chị em bắt ông đọc lại, có chị rút bút ghi lia lịa. Chờ cho vãn tiếng vỗ tay, dứt hẳn tiếng cười ông mới có mấy lời “đính chính” rằng đó không phải thơ của ông mà là thơ của nhà thơ Vương Trọng, rằng hai câu cuối là do ông quên mất nên tự nghĩ ra, và ông có lời xin lỗi tác giả bài thơ! Khi tôi được nghe kể lại chuyện này, ông cười và bảo: “Cho đến bây giờ tớ vẫn chưa được nhìn thấy văn bản bài thơ. Hôm ấy vô tình trên đường lên thị xã Cao Bằng, lúc xe qua chợ, vượt đèo chú lái xe cứ ngâm nga những vần thơ ấy, tớ thuộc và thế là… tương kế tựu kế”. Để kết thúc câu chuyện, xin phép nhà thơ Vương Trọng, tướng Phùng Khắc Đăng và bạn đọc được chép nguyên văn bài thơ Lên Cao Bằng của thi sĩ họ Vương: Lên Cao Bằng không sợ dốc/ Đèo Giàng, Đèo Gió đã lùi xa/ Lên Cao Bằng không sợ đói/ Nước trong, gạo trắng sẵn từ lâu/ Lên Cao Bằng không sợ ốm/ Chợ bày ngải cứu bán thay rau/ Lên đến Cao Bằng anh chỉ sợ/ Em không còn đó biết tìm đâu!
Mấy năm nay, cả tôi và ông đều đã nghỉ công tác, nhưng thi thoảng mấy anh em vẫn gặp nhau nơi chợ hoa Hoàng Hoa Thám, hoặc cà phê cà pháo ven hồ Tây. Lần nào anh em gặp nhau cũng vui như tết. Có hôm nhà thơ cựu chiến binh Ninh An cao hứng: Ngày xưa, ở khác chiến trường/ Về hưu, ta lại cùng phường với nhau. Tướng Đăng tiếp luôn: Chè sen, kẹo lạc, bạn hiền/ Thi thoảng tụ tập, túi tiền… bớt căng.
Có hôm vui bạn vui bè, ông kể đã có dịp đến Ghềnh Ráng (Bình Định) và được gặp ông phó bí thư tỉnh ủy. Ông này cho biết, xưa khi vua Bảo Đại công cán ra Bình Định thường cùng Nam Phương hoàng hậu ghé thăm Ghềnh Ráng. Thấy bãi biển có nhiều viên đá hình quả trứng xếp chồng, trải dài hàng cây số vừa lạ lại đẹp mắt, như có sự quyến rũ và ham muốn thi thố sắc đẹp với trời biển, hoàng hậu đã xuống tắm tiên rồi lên lạch nước ngọt ở bìa rừng gần đó ngâm mình cùng dòng suối trong veo mát rượi. Và khi ông dạo bước một vòng để cố tưởng tượng ra cảnh cũ, người xưa thì chỉ thấy Zũ Kha với cây bút lửa đang thả hồn và phóng bút đề thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử treo khắp mọi nơi, ông đã xúc cảm làm mấy vần thơ mà ông nói là “để thể hiện cái chất đàn ông”: Đến bến tắm xưa người chẳng thấy/ Chỉ còn vương lại mấy dòng thơ/ Trăm năm sóng cứ vỗ bờ/ Ngàn năm bãi trứng thẫn thờ đợi ai? Đọc xong mấy câu này, thấy những người bạn đi cùng cứ dùng dằng bên cái lạch nước trong mát, ông lại nhẩn nha đọc: Người xưa cũng giống người nay/ Tắm tiên là thú đắm say lòng người/ Nam Phương hoàng hậu đâu rồi/ Để cho giếng ngược ngàn đời nhớ mong? Ông kể tiếp: “Tôi cũng tin thêm để các bạn biết cách đây hai năm tôi có dịp ghé lại Bình Định, mấy ông bạn cựu chiến binh gặp tôi và nói rằng vì mấy câu thơ của tôi mà mấy anh em định góp tiền mua cái máy dò sóng âm vì nghe nói máy móc hiện đại có thể tìm dấu, tìm ra cả... hơi của người đẹp xưa. Và đùa, thương anh em cựu chiến binh nghèo, ngành du lịch đã hỗ trợ… 3,6 tỉ Việt Nam đồng để mua cái máy dò sóng”. Tướng Đăng nghe anh em đùa vậy nói tỉnh bơ: “Thế là mấy câu thơ ấy được trả 3,6 tỉ, hơn cả nhuận bút của Tạp chí Văn nghệ Quân đội”. Câu chuyện của viên tướng từng làm chính ủy với bạn bè đồng đội thật vui, thật đời thường!
Ông, trung tướng cựu chiến binh Phùng Khắc Đăng với anh em chúng tôi là vậy. Lúc nào cũng vậy, kể cả khi “mũ cao áo rộng một thời” cũng như khi cùng bầu bạn “chè sen, kẹo lạc, bạn hiền”. Đời ông đúng như câu thơ ông viết, “nhẹ tênh một cuộc chơi”
N.V.B
VNQD