. TÚ ANH
1.Bác Hồ là người lao động trồng cây, chăm cây.
Câu chuyện Bác gợi ý anh em giúp việc làm sống một cái rễ đa cũng cho thấy hiếm một nhà sinh học hay một bác nông dân nào nghĩ ra như thế: “Các chú thử làm thế này được không? Lấy một đoạn tre chẻ đôi ra, chọc thủng hết mắt tre, bỏ đầy bùn đất vào hai nửa đoạn tre, cho rễ đa nằm giữa, ép hai nửa đoạn tre, lấy dây buộc ngoài cho chắc. Rễ đa sẽ lần theo bùn đất trong ống tre mà cắm thẳng xuống mặt đất. Như vậy vừa bảo đảm được độ ẩm của đất cho rễ ăn xuống nhanh, vừa ngăn được nắng gió, và đề phòng có ai thiếu ý thức đi ngang “ngứa tay” vặt mất rễ”[1]. Đồng chí Dương Chí Uyển kể để chuẩn bị cho Lễ chào mừng ngày quốc khánh 2-9, ngày 1-9-1957 Ban Tổ chức cho duyệt binh thử tại Quảng trường Ba Đình. Anh em xin chặt một cây vì vướng đường đi. Xin Bác, Bác bảo: “- Các cô, các chú chịu khó khắc phục, cây ấy là do ông cha ta trồng chứ có phải Bác cháu ta trồng đâu mà đòi chặt”[2]. Chi tiết này cho thấy Bác rất yêu quý cây xanh và rất tôn trọng truyền thống.
Một năm, vào ngày giáp Tết, các cụ già xã Nhật Tân tặng Bác cây đào. Bác rất vui và dặn: “Sang năm các cụ và nhân dân trong xã không phải tặng tôi cây đào khác nữa. Tôi sẽ tự trồng cây đào này ngay tại vườn nhà và cố gắng chăm bón thật tốt để mùa xuân tiếp theo lại có hoa đào Nhật Tân để chơi xuân”[3]. Nhớ lại lời kể của đồng chí La Văn Cầu một lần được ăn cơm với Bác cho thấy Bác luôn là một người chủ động trong sinh hoạt: “Bác vui vẻ giới thiệu: “- Rau xanh Bác trồng, gà Bác nuôi, trứng gà nhà đẻ, chỉ có muối mắm là phải mua thôi. Hôm nay, thết cơm cháu nên bữa ăn có khá hơn mọi ngày. Ăn cơm với Bác, cháu đừng làm khách, cứ ăn cho thật no”[4].
Ngày 15-7-1946, Nhật ký ghi lại Người đến thăm nhà văn Lêô Pônđét, có rừng bao bọc xung quanh “Thanh vắng, mát mẻ. Cây tốt hoa thơm. Ăn cơm rồi, Cụ Chủ tịch kéo ghế nằm dưới gốc cây. Thật đúng câu:
Thảnh thơi vui thú yên hà,
Tùng là bạn cũ, hạc là người quen”[5].
Những điều ấy chứng minh con người Hồ Chí Minh rất gần với thiên nhiên. Mà thiên nhiên chính là cái đẹp vĩ đại nhất. Điều này hoàn toàn thống nhất với quan niệm thẩm mỹ của Người: cái đẹp nằm trong cuộc sống.
2. Bác dùng “cây cối” làm biểu tượng để giải thích nhiệm vụ, đường lối cách mạng.
Bác yêu cây xanh nên, ở cả trong lối dùng ẩn dụ. Ngay sau ngày tập kết ra Bắc, anh chị em Đoàn tuồng khu V nhiều lần được Bác cho gặp và biểu diễn cho khách quốc tế thưởng thức. Sau lần anh chị em biểu diễn vở Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Bác ân cần dặn: “...tuồng là vốn quý của cha ông. Các nghệ sỹ phải chăm lo gìn giữ và phát triển vốn quý ấy. Nhưng hãy cẩn thận, chớ có gieo vừng ra ngô...”[6]. Vốn là một thành ngữ nhưng Bác dùng đắc địa nên ai cũng hiểu: phát triển tuồng nhưng vẫn phải giữ đó là chính tuồng.
Làm rõ hơn vì sao phải trường kỳ kháng chiến, Người giải thích dựa trên một ngụ ngôn dân gian: “Giặc Pháp là "vỏ quýt dày", ta phải có thời gian để mà mài "móng tay nhọn", rồi mới xé toang xác chúng ra”[7]. Chúng tôi cho rằng sẽ không có cách diễn đạt nào dễ hiểu hơn bốn chữ “trường kỳ, gian khổ” của đường lối kháng chiến hơn ngụ ngôn này: “Thí dụ như một cây to, muốn hạ nó cũng phải lâu, không phải vài phút đồng hồ mà đẵn được gốc rễ của nó. Do đó kháng chiến phải trường kỳ, gian khổ. Nếu muốn đoản kỳ, không muốn gian khổ, không được, vì đây là cuộc chiến tranh lớn, chống một đế quốc mạnh là Pháp, có Mỹ - Anh giúp sức”[8].
Đây là sự giải thích về cách nhìn ra kẻ thù chính: “Dân ta như cái cây. Bọn tổng lý, kỳ hào như cái đinh mà bọn đế quốc như cái búa. Búa đập vào đinh thì đinh mới cắm được vào cây. Muốn cho đinh không cắm vào được cây nữa thì việc cốt yếu là phải giật cho được cái búa, đánh gẫy nó đi, vất bỏ nó đi. Bọn đế quốc mà bị đánh quỵ rồi thì những tổng lý, kỳ hào chẳng qua cũng là làng trên xóm dưới với ta cả, lo gì không uốn nắn được họ”[9].
“Đế quốc như gốc cây, tay sai như cành và ngọn cây. Nếu ta muốn chặt cây mà chỉ chặt cành, chặt ngọn thì nó lại mọc cành khác, ngọn khác. Phải chặt vào gốc, cây mới đổ. Đánh đổ đế quốc và tay sai cũng phải như thế. Cái chính là phải đánh đổ bọn đế quốc”[10].
Đây là cách giải thích không dùng con đường thủ tiêu cá nhân, mà phải biết nhìn xa thấy rộng, thấy cái đại cục, cái lớn: “Giết một hai thằng mật thám dễ nhưng không có lợi cho cách mạng, chỉ thêm rắc rối. Chặt cây thì phải chặt tận gốc, trốc tận rễ là bọn đế quốc. Đám mật thám chỉ là cành, lắm khi chỉ là những cành phụ chặt sao cho xuể, nhiều lại lộ xẩy ra nguy hiểm”[11]
Thành ngữ ngụ ngôn “đứng núi này, trông núi nọ” chỉ những người dao động không yên tâm làm một việc gì đã quen thuộc với mọi người. Nhưng nói với những người trong ngành trồng trọt thì hình tượng cây thông đang xanh tốt nhưng rễ và lá của nó lại đòi đổi chỗ cho nhau, thì thật thấm thía. Lời của các nhân vật ngụ ngôn đều là phi lý, trái với quy luật tự nhiên, trên cơ sở cái phi lý này thì câu hỏi “Kết quả, cây thông sẽ thế nào?” sẽ chẳng cần trả lời. Cũng về chủ đề này, một lần nói chuyện khác được Người nhắc lại, cũng là ngụ ngôn về cái cây trồng: “Có anh chị em chưa yên tâm công tác cho là làm việc này không vẻ vang, muốn xin đổi việc khác. Ví như một cái cây trồng chỗ này một thời gian, lại nhổ đi trồng chỗ khác thì cây không thể mọc tốt được. Cán bộ cũng vậy, đứng núi này trông núi nọ thì làm việc gì cũng không đạt kết quả”[12].
Cùng chủ đề, cùng dùng một hình tượng nhưng cấu trúc ngụ ngôn được Người dùng khác đi để không trùng lặp. Ở ngụ ngôn trên thì “lời quy châm” được lấy làm vị trí mở đầu nhưng ở ngụ ngôn sau thì lại được trả về cuối. Cùng hình tượng “cây” nhưng ở ngụ ngôn trên là sự “tranh nhau” của các chi tiết (rễ, lá), ở ngụ ngôn dưới là sự thay đổi vị trí của chính hình tượng “cây”. Cả hai đều nói về sự ngược đời trong tự nhiên để nói về sự ngược đời trong xã hội.
Bản chất “hợp tác xã” là đoàn kết để phát triển. Bác dùng tục ngữ rất phù hợp: "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao". Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy”[13].
Ngày 23-12-1954 trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ nói: “Dù sao cũng không được chủ quan khinh địch, cây mục cũng phải xô mới đổ”[14]. Chỉ cần một hình tượng ngụ ngôn cây mục cũng phải xô mới đổ đã nói được bao điều về chiến lược: thế địch thua là rõ ràng; ta vẫn phải tập trung lực lượng; ... Đấy là cách nói siêu ngôn ngữ của vĩ nhân!
Ngày 15-7-1954 Báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch chấn chỉnh sai lầm chỉ biết đánh không chú ý đến ngoại giao:
“Những tư tưởng sai lầm có thể nảy ra như sau: "tả" khuynh, có người thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, đánh đến cùng, họ chỉ thấy cây không thấy rừng, chỉ thấy Pháp rút mà không thấy âm mưu của chúng; chỉ thấy Pháp không thấy Mỹ; thiên về tác chiến, xem khinh ngoại giao”[15].
Nhà thơ Nông Quốc Chấn ấn tượng sâu sắc một lần được nghe Bác nói chuyện. Một đồng chí người Dao, có tuổi, nói tiếng Kinh chưa thạo, đứng lên: “- Kính thưa Bác, tại sao Đảng lại không giữ tên Đảng Cộng sản mà lại đổi tên là Đảng Lao động?”.
Bác lướt nhanh qua những mảnh giấy trong tay. Chắc Bác xếp lại những câu hỏi.
Bác trả lời gọn: “- Tre già thì măng mọc!”. Mọi người nghe vỗ tay hồi lâu”[16]. Chỉ một thành ngữ nhưng được dùng đúng chỗ, đúng lúc thì phát huy ý nghĩa thật không ngờ: cách mạng là sự tiếp nối hết thế hệ này đến thế hệ khác, “tre già” vẫn là “tre”, “măng” cũng là “tre”, hình thức có thể khác nhưng bản chất thì vẫn vậy.
Nói về vai trò của quyết tâm trong làm việc Bác Hồ có một ngụ ngôn thật sinh động: “Mọi người phải có quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được, quyết tâm ví như nhựa trong cây, nếu nhựa đi từ trong cây ra cành cây thì cây xanh tốt, cành cây nào không có nhựa sẽ bị khô héo, không có lá, có quả”[17].
Chúng ta quyết tâm kháng chiến, chỉ có quyết tâm, bản lĩnh mới là tiền đề cho mọi thắng lợi: “Trong cơn gió bão, những cây cứng cáp thì đứng vững, những cây yếu ớt thì gẫy sập. Trèo núi, người gan góc bền bỉ thì lên đến đỉnh, rồi sang bên kia là thấy quê nhà, gặp bà con, vui sướng. Người lừng chừng thì trèo một đoạn, nghe mỏi mệt, không cố gắng nữa, lại trụt xuống”[18].
Phải là người hiểu và yêu cây cối mới có những cách nói trí tuệ mà tình cảm như vậy!
T.A
[1] Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005. tr 99.
[2] Nhiều tác giả - Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh. Nxb Nghệ Tĩnh, 1990, tr 35.
[3] Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 261.
[4] Nhiều tác giả - Avoóc Hồ (tập hồi ký) - Nxb Văn hoá Dân tộc, 1977. tr 151.
[5] Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010.tr 106.
[6] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ... Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr 288.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 6, tr 165
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 7, tr 127.
[9] Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 112.
[10] Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990.tr 174.
[11] Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 138.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 8, tr 173
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 2, tr 314.
[14] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd. 2006, Tập 5, tr 551.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập7, tr 318.
[16] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr 114
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 9, tr 246.
[18] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 6, tr 417.
VNQD