.VĂN QUÂN
Những thập niên gần đây, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” trên nhiều lĩnh vực với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc công kích trực tiếp vào hệ thống chính trị của nước ta. Một trong những mục tiêu hàng đầu để thực hiện chiến lược này là tập trung xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hoá thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc. Từ hải ngoại, chúng cho lan truyền các thông tin cùng ấn phẩm, tài liệu văn học, nghệ thuật xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm làm suy giảm niềm tin và lòng tôn kính của nhân dân ta đối với lãnh tụ, rộng hơn là đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong gần một thế kỉ qua.
Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đối tượng xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm một số phần tử trí thức, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo… sống lưu vong ở nước ngoài. Sự xuyên tạc, phủ nhận này không chỉ tập trung ở các phương diện đời tư, nhân cách, sự nghiệp cứu nước và giải phóng dân tộc… của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn nhằm vào cả tác phẩm của Người. Trong bài viết này, chúng tôi xin nhận diện một số luận điệu xuyên tạc nội dung thơ Hồ Chí Minh và phủ nhận quyền tác giả của Người đối với tập thơ Nhật kí trong tù (Ngục trung nhật kí).
1. Xuyên tạc nội dung thơ
Hồ Chí Minh - nhận định tổng hợp (Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản tại Virginia, Hoa Kì, 2003) là cuốn sách biên khảo gồm hai tập của Minh Võ(1) nghiên cứu về Hồ Chí Minh, trong đó Minh Võ giới thiệu một số “công trình” của những kẻ chống cộng ở hải ngoại như Hoàng Quốc Kỳ, Nguyễn Thuyên, Việt Thường, tán đồng với những luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh của họ. Minh Võ quy kết Hồ Chí Minh là con người đầy tham vọng, sẵn sàng hi sinh xương máu cả dân tộc để duy trì quyền lực của bản thân và vô cảm, độc ác với chính nhân dân, đồng bào mình. Bên cạnh những nhận định, bình luận về chính trị, Minh Võ cũng đề cập đến các tác phẩm văn, thơ của Hồ Chủ tịch với dụng ý xuyên tạc. Ở chương 1 của cuốn sách này, ông ta viết:
“Trong khi toàn miền Nam chìm trong máu lửa tóc tang, Hồ Chí Minh đã hào hứng sáng tác hai bài thơ Vô đề được Đảng lưu lại như di sản quý báu:
I
Đã lâu chưa làm bài thơ nào
Đến nay thử làm xem ra sao
Lục mãi giấy tờ vần chưa thấy,
Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao.
II
Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm
Không bệnh là tiên, sướng tuyệt trần
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa xuân.
Một người lấy cảnh chết chóc đau khổ của đồng bào mình làm nguồn hứng sáng tác thơ, trong khi chính người đó từng tuyên bố với báo chí “gộp tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi” liệu có thể là con người nhân ái và trung thực, chân thành không?”.
(Hồ Chí Minh - nhận định tổng hợp, Tủ sách Tiếng Quê Hương, bản tái bản năm 2006, tập 1, trang 65)
Cứ theo lập luận của Minh Võ thì những người “nhân ái và trung thực” không thể “lấy cảnh chết chóc đau khổ của đồng bào mình làm nguồn hứng sáng tác thơ”. Nếu vậy thì Đỗ Phủ, Tagor, Nguyễn Du… những thi hào từ những điều trông thấy mà đau đớn lòng đã viết nên những áng thơ nặng nỗi thương dân, thấm đẫm giá trị nhân đạo đều không xứng đáng là nhà thơ, đều không phải là con người nhân ái? Ở đây Minh Võ đã dùng thủ thuật đánh tráo khái niệm. Sự thật thì hai bài thơ trên không hề có “nguồn hứng sáng tác” từ “cảnh chết chóc đau khổ của đồng bào mình”, mà cảm hứng được khơi nguồn từ chiến thắng. Chiến thắng chính là để đi đến kết thúc chiến tranh, để chấm dứt mọi cảnh chết chóc đau khổ. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, từ lãnh tụ cho đến người dân, có ai lại không muốn chiến thắng? Trên thế giới xưa nay đã có biết bao tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện niềm vui chiến thắng, ca ngợi chiến công, phải chăng đều được gợi hứng từ cảnh chết chóc khổ đau? Việc bóp méo, xuyên tạc cảm hứng nghệ thuật trong hai bài thơ với ý đồ xấu xa của Minh Võ ở đây thực lộ liễu và khiên cưỡng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người vô cùng giản dị, thanh bạch, không màng tư lợi công danh. Năm 1946, trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận vậy. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi sẽ làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” (Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946).
Nhưng Minh Võ và những người như ông ta đã phủ nhận sự thật ấy. Cùng quan điểm với Minh Võ cho rằng Hồ Chí Minh là con người đầy tham vọng, bằng mọi cách để giành được đỉnh cao quyền lực, trong cuốn hồi kí Đêm giữa ban ngày (1997), Vũ Thư Hiên(2) cũng có sự xuyên tạc ý thơ trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh nhằm minh họa cho quan điểm này. Dựa vào câu Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới (Mộng kiến thừa long thiên thượng khứ) trong bài Ngọ (Buổi trưa) và câu Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh (Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh) trong bài Thụy bất trước (Không ngủ được), Vũ Thư Hiên nhận định theo lối chủ quan, gán ghép, suy diễn mà không căn cứ vào đặc trưng hình tượng thơ: “Bây giờ tôi mới hiểu: thì ra con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì. Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta. Than ôi, lũ dân thường chúng ta làm gì có những giấc mơ như thế. Chúng ta chỉ mơ thấy cưỡi trâu, cưỡi bò, cưỡi ngựa… Bác Hồ của tôi từ lúc đang phải sống lẩn lút để làm cách mạng đã ôm ấp mộng ước làm vua. Ông có chí lớn để thực hiện nó. Và ông đã thực hiện được” (Đêm giữa ban ngày, bản pdf, trang 341).
Ở đây Vũ Thư Hiên đã áp đặt cách hiểu để suy diễn Hồ Chí Minh là con người đầy tham vọng về quyền lực cá nhân. Nên nhớ rằng con rồng trong văn hoá Việt Nam là một hình tượng đa nghĩa. Trong tục ngữ, ca dao, con rồng không chỉ là biểu tượng của nhà vua hay dòng giống sang trọng, phú quý (Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn một kiếp ở trong thuyền chài; Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu) mà còn tượng trưng cho người con trai, con gái trong tình yêu (Mấy khi rồng gặp mây đây/ Để rồng than thở với mây vài lời/ Nửa mai rồng ngược mây xuôi/ Biết bao giờ lại nối lời rồng mây; Khi xưa thì đắp chiếu chung/ Vì ai ném gạch cho rồng xa mây). Là con vật linh thiêng hội tụ năng lượng trời đất, một trong “tứ linh” theo quan niệm phong thủy Á Đông, rồng còn là biểu tượng của người quân tử, tượng trưng cho sức mạnh, cho sự may mắn, tốt lành, thịnh vượng… Một hình tượng đa nghĩa mà chỉ quy chiếu vào “mộng làm vua” như Vũ Thư Hiên rõ ràng là áp đặt. Còn ở bài Không ngủ được, thì Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh lại là một giấc mơ bình thường, đúng quy luật tâm lí, tình cảm và khát vọng, ý chí của một người cách mạng. Có người chiến sĩ cách mạng nào không ngày đêm hướng về ngọn cờ đấu tranh, ngọn cờ chính nghĩa? Cũng như Bác, trong một đêm giao thừa trên bước đường hoạt động gian truân, Tố Hữu đã Nép lưng vào miếu tranh nghèo/ Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng (Một điều đặc biệt là bài thơ Đêm giao thừa này được Tố Hữu sáng tác vào năm 1943, đúng vào thời gian Bác viết Nhật kí trong tù. Ở hai đất nước, hai hoàn cảnh khác nhau, hai người chiến sĩ cộng sản đều cùng hướng về một ngọn cờ cách mạng).
Như trên đã dẫn, Vũ Thư Hiên suy diễn ý thơ nhằm chứng minh “con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì”. Kết luận này mâu thuẫn với chính quan điểm của Vũ Thư Hiên khi ở ngay cùng một trang (trang 341 trong Đêm giữa ban ngày), ông viết: “Tôi được đọc khá nhiều về Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Ceaucescu… Mới thấy chúng ta còn may lắm - Hồ Chí Minh của ta hơn hẳn họ về lòng nhân ái”. Ở trang 353, Vũ Thư Hiên đã dẫn ra mẩu chuyện sau làm ví dụ cho lòng nhân ái cách mạng của Hồ Chủ tịch: “Trong kháng chiến chống Pháp, ông Hồ gặp một tù binh co ro trong cái rét cắt da của rừng Việt Bắc. Ông cởi tấm áo trấn thủ của ông cho anh ta, và câu chuyện lan truyền trong tù binh như một huyền thoại”. Một người giàu lòng nhân ái mà lại chỉ mộng ước làm vua và coi con người “chẳng là cái gì” thì rõ ràng là mâu thuẫn, không logic. Công bằng mà nói, trong Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên có khá nhiều đánh giá khách quan và thể hiện lòng kính trọng (ở một giới hạn nào đó) đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do xuất phát từ lòng oán hận của cá nhân và gia đình (cuối thập niên 1960, cả Vũ Thư Hiên và cụ thân sinh Vũ Đình Huỳnh đều phải đi tù bởi lí do chính trị) mà ông đã có những “đổ vỡ” trong cách nhìn đối với lãnh tụ và chế độ, từ đó có những phát ngôn lệch lạc, thiếu tỉnh táo.
2. Phủ nhận quyền tác giả
Tháng 3 năm 1989, trên tạp chí Làng Văn (Canada) xuất hiện công trình Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật kí” của Lê Hữu Mục(3), đăng từ số 67 đến 70 (tháng 11 năm 1990, Trung tâm Văn bút Việt Nam hải ngoại in thành sách). Trong công trình khá công phu này, Lê Hữu Mục phủ nhận quyền tác giả của Hồ Chí Minh đối với Nhật kí trong tù, và chứng minh tập thơ đó là của “già Lý”- một người Hán bị giam cùng với Hồ Chí Minh trong nhà lao Victoria ở Hồng Kông những năm 1932-1933.
Trong công trình ấy, Lê Hữu Mục đã nói gì?
Lập luận của Lê Hữu Mục bắt đầu từ vấn đề tuổi đời của tác giả Ngục trung nhật kí: “Đầu tiên, ta thử hỏi về tên tuổi của người viết. Người viết thường tự xưng là ta, tôi một cách chung chung, nhưng có hơn một lần anh xưng là lão phu. Lão phu nguyên bất ái ngâm thi (bài 2, Khai quyển), Lão phu hòa lệ tả tù thi (bài 110, Thu dạ)”. Lê Hữu Mục đưa ra cách giải thích theo văn hoá phương Đông: “Lão nghĩa là già nói chung, nghĩa là từ 50 tuổi trở lên, 60 tuổi thì gọi là kỳ như nói kỳ mục, 70 đến 80 là điệt, 80 đến 90 là mạo, nhưng ta chỉ được tự xưng là lão phu khi ta đi quá tuổi kỳ để đến tuổi điệt. Như vậy, người viết Ngục trung nhật kí là một ông già”. Phải thừa nhận Lê Hữu Mục đọc kĩ tác phẩm, nắm vững thế giới hình tượng và ý nghĩa từng chi tiết: “Vì ông già nên răng ông rụng (bài số 46), vì ông già nên ông rất hận cái thằng lính nào đó đã đánh cắp mất cái sĩ đích của ông, tức là cái gậy chống mà vì tuổi già sức yếu ông mới mang được vào trong tù. Nếu ông trẻ hơn, vào khoảng 40-50 thì sức mấy bọn công an cho ông mang gậy vào nhà tù! Cũng nhờ tuổi già mà ông tương đối được tự do đi lại trong nhà tù, và đã quan sát được nhiều chuyện thích thú. Cũng nhờ ông già mà bọn lính cho ông tự do làm thơ, miễn là đừng mạt sát nhà tù của chúng. Cũng vì thế mà trong Ngục trung nhật kí, không có bài thơ nào công kích chế độ lao tù của Tưởng Giới Thạch...”. Từ cách đọc khá tinh tường ấy, Lê Hữu Mục đi đến kết luận: “Con người tự xưng là lão phu ấy không thể là Hồ Chí Minh vì tính đến năm 32-33 Hồ mới khoảng ngoài 40, nếu có tính đến 42 - 43 chăng nữa, Hồ cũng mới chỉ ngoài 50, chưa có quyền xưng với người khác là lão phu” (Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật kí”, bản pdf, trang 53, 54, 55).
Phải thừa nhận những lí lẽ của Lê Hữu Mục khá hiểm hóc. Nhưng nó chỉ thuyết phục được những người ít hiểu về Hán học và văn hoá phương Đông. Năm 1993, công trình của ông ta đã bị học giả Phan Ngọc vạch trần đích đáng trong bài viết Câu chuyện tác giả “Ngục trung nhật kí” (in trong sách Suy nghĩ mới về “Nhật kí trong tù”). Trong phản biện sắc sảo của mình, Phan Ngọc đã chứng minh Đỗ Phủ (thi hào Trung Quốc) từng xưng “lão” những năm 38 tuổi, 45 tuổi, 51 tuổi trong một số bài thơ cụ thể, và khẳng định: “Đỗ Phủ chính là vị thầy về thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh… Ông Đỗ này luôn luôn tự xưng mình là lão (già)” (Suy nghĩ mới về “Nhật kí trong tù”, Nxb Giáo dục, 1993, trang 620-621).
Vấn đề quốc tịch của tác giả Ngục trung nhật kí được Lê Hữu Mục đặt ra xem xét, vẫn nhằm mục đích chứng minh Hồ Chí Minh không phải là tác giả của tập thơ này. Căn cứ vào khổ thơ cuối của bài Thế lộ nan (Đường đời khó khăn) với những câu “Trung thành ngã bản vô tâm cứu/ Khước bị hiềm nghi tố Hán gian/ Xử thế nguyên lai phi dị dị/ Nhi kim xử thế cánh nan nan” (Trung thành, ta vốn lòng không thẹn/ Lại bị hiềm nghi làm Hán gian/ Vốn biết là đời không dễ xử/ Đến nay càng khó xử muôn vàn - Lê Hữu Mục dịch), ông ta chất vấn: “Muốn làm Hán gian thì đầu tiên phải là người Hán đã chứ, làm sao một người Việt Nam có thể làm Hán gian, dù anh hoạt động trong nước Trung Hoa?”. Từ đó Lê Hữu Mục khẳng định tác giả cuốn Ngục trung nhật kí chắc chắn là một người Hán (tức “già Lý”) vốn trung thành với quốc gia, đất nước Trung Hoa, chứ không phải người Việt (tức Hồ Chí Minh).
Lập luận này của Lê Hữu Mục dễ bị bóc mẽ. Lại bị hiềm nghi làm Hán gian - Ai nghi? Bọn lính, bọn cai ngục nghi ngờ “ta” như thế chứ không phải “ta” nhận thế. “Ta” là người Việt, nhưng họ nghi “ta” là Hán gian, đó là việc của họ. Lê Hữu Mục đã tách hai chữ “Hán gian” ra khỏi câu thơ, bài thơ, chỉ căn cứ vào nghĩa của hai chữ ấy mà xác định quốc tịch của tác giả một cách gò ép.
Thực ra, việc phản bác lập luận của Lê Hữu Mục ở đây thật dễ dàng, khi ở ngay khổ thơ trước đó của bài thơ này (Thế lộ nan), tác giả đã xưng rõ:
Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân
Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân
Vô nại phong ba bình địa khởi
Tống dư nhập ngụ tác gia tân.
Dịch thơ:
Ta là đại biểu dân Việt Nam
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm
Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió
Phải làm “khách quý” tại nhà giam.
(Nghĩa của Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân là “Định đến Trung Hoa để gặp nhân vật trọng yếu”)
Lê Hữu Mục đã cố tình nhắm mắt làm ngơ trước khổ thơ này. Chẳng lẽ một người Hán (“già Lý”, vốn là một tướng cướp) lại làm đại biểu cho nhân dân Việt Nam?
Chưa hết, trong Nhật kí trong tù còn một bài thơ khác - bài Bệnh trọng (Ốm nặng) có hai câu đầu:
Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt
Nội thương Việt địa cựu sơn hà
Dịch thơ:
Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh
Nội thương đất Việt cảnh lầm than
Với hai câu trên, Lê Hữu Mục nói gì? Chẳng lẽ ông già Lý người Hán đang ở tù tại Hồng Kông lại ngồi thương cho nước Việt? Cũng cần nói thêm, là hai câu này có nguồn gốc từ hai câu Ngoại cảm Hán gia tân vũ lộ/ Nội thương Hàn quốc cựu sơn hà (“Ngoài, cảm ơn mưa móc mới nhà Hán/ Trong, thương tình núi sông cũ nước Hàn”) trong bài Trương Lương tố đa bệnh của Hoàng Phan Thái, một nhà nho ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An), chống triều đình phong kiến nhà Nguyễn, bị xử tử thời Tự Đức. Một tướng cướp người Hán như “già Lý” khó lòng biết đến thơ của ông nhà nho đất Việt này để mượn tứ mà làm thơ.
Trong công trình của mình, Lê Hữu Mục còn đi sâu vào từng bài trong Ngục trung nhật kí, tìm ra từng chi tiết để bắt bẻ một cách vô lối. Với dụng ý phá vỡ tính chỉnh thể của hình tượng thơ vốn lung linh trong sự mơ hồ đa nghĩa, ông ta đã xuyên tạc và đổ vấy cho người dịch: “Các nhà biên tập Ngục trung nhật kí đã tìm mọi cách để lái câu thơ vào quỹ đạo mà họ đã định trước, điển hình là trong bài 62 nhan đề là Thụy bất trước (Không ngủ được), họ đã tô thêm màu vàng vào ngôi sao năm cánh để giải thích rằng ngay trong giấc ngủ, Bác cũng chỉ nhìn thấy Tổ quốc được tượng trưng bằng ngôi sao vàng. Nguyên văn chỉ nói: “Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh”, nghĩa là hồn mộng cứ luẩn quẩn loanh quanh ở chỗ ngôi sao năm cánh, trong giấc mơ, lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên châu tức là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà lâu ngày mình đã xa. Vì Hồ không có gia đình, họ đã tài tình lái câu này sang màu cờ của Việt Minh…”. Ở đây, Lê Hữu Mục đã thêm thắt ý nghĩa một cách tùy tiện (“lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên châu tức là hướng về đoàn tụ gia đình…”) để lái vấn đề sang nghĩa khác.
Lê Hữu Mục còn chứng minh chỉ “già Lý” mới làm được những bài thơ trong Ngục trung nhật kí như Phu làm đường, Nghe gà gáy, Cột cây số… Sự chứng minh của ông ta không có sức thuyết phục nào, vì nếu chứng minh theo kiểu đối sánh hình tượng nhân vật trong thơ với hình tượng tác giả thì có thể gán ghép cho bất cứ ai là tác giả - miễn là có sự tương đồng nào đó giữa một người ở ngoài đời với hình tượng nhân vật trong thơ - chứ không chỉ riêng “già Lý”. Vậy nhưng Lê Hữu Mục vẫn cố sức trao quyền tác giả cho “già Lý”, người mà ông ta chưa biết mặt bao giờ: “Con người có quốc tịch Trung Hoa này là ai, ông từ đâu lạc vào Ngục trung nhật kí? Làm thế nào mà thơ của ông đã lọt vào tay Hồ Chí Minh? Về điểm này, ta phải hỏi chính Hồ Chí Minh, chỉ có mình họ Hồ biết già Lý, chỉ có mình Hồ bị giam với già Lý trong khám lớn Victoria ở Hồng Kông năm 1932-1933…”.
Gần đây lại có bài viết Câu chuyện tác giả “Ngục trung nhật kí” (cùng tên với bài của Phan Ngọc) của Phan Khả Minh tiếp tục phản bác các luận điểm của Lê Hữu Mục. Về thời gian sáng tác tập thơ, Lê Hữu Mục cho rằng Ngục trung nhật kí được viết vào những năm 1932-1933 (nhằm gán tập thơ cho “tác giả già Lý”), nhưng căn cứ vào nội dung của nhiều bài trong tập Phan Khả Minh đã khẳng định Ngục trung nhật kí được sáng tác trong hai năm 1942-1943. Về địa điểm sáng tác tập thơ, căn cứ vào các địa danh được nói đến trong nhiều bài (Túc Vinh, Tĩnh Tây, Thiên Bảo, Lai Tân…), Phan Khả Minh khẳng định Hồ Chí Minh đã trải qua các nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây ở Trung Hoa, không có bài thơ nào nói tới nhà tù Victoria ở Hồng Kông như Lê Hữu Mục gán ghép. Về vấn đề quốc tịch của tác giả tập thơ, căn cứ trên một tài liệu đáng tin cậy cho biết Hồ Chí Minh đã sử dụng danh thiếp bằng chữ Hán trong chuyến đi sang Trung Quốc với danh xưng “nhà báo người Trung Hoa”, Phan Khả Minh khẳng định khi bị bắt ở Túc Vinh (8-1942) Hồ Chí Minh đã xuất trình danh thiếp này nên nhà cầm quyền Quảng Tây tình nghi đây là người Trung Hoa làm gián điệp cho Nhật, Pháp và gọi là “Hán gian”. Về vấn đề tuổi đời của tác giả tập thơ, Phan Khả Minh khẳng định “Ngày trước, khi tuổi thọ bình quân ở châu Á còn thấp, người khoảng 50 tuổi đã được xem là già” và đó chính là lí do Hồ Chí Minh tự xưng là “lão phu” trong Ngục trung nhật kí…
Bằng những chứng cứ thuyết phục trên, Phan Khả Minh chỉ rõ sự sai lầm, ngụy biện trong cuốn sách của Lê Hữu Mục: “Ông kết luận Ngục trung nhật kí được sáng tác tại Hồng Kông trong khi những địa danh từ đầu đến cuối tập thơ đều nằm ở Quảng Tây. Ông kết luận Ngục trung nhật kí được làm trong những năm 1932-1933, nhưng tập thơ đề cập đến nhiều sự kiện và nhân vật của thời chiến tranh thế giới II. Ông quả quyết tác giả của Ngục trung nhật kí là “ông già Lý”- một tướng cướp Tàu mà bản thân ông không hề biết tên tuổi, quê quán, sự nghiệp…”. Và do đó, “Chuyện ông già Lý là tác giả chỉ là chuyện suy diễn, không căn cứ trên thực tế, không đáng tin và không thuyết phục” (Tạp chí Hồn Việt số 142&143, tháng 11&12-2019).
Động cơ nào đã thúc đẩy Lê Hữu Mục viết cuốn Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật kí” ba mươi năm trước?
Đó là vì trong phiên họp thứ 24 tại Paris năm 1987, Đại hội đồng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc) đã thông qua quyết định về kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1990. Quyết định này khiến cho những người chống đối Việt Nam ở hải ngoại rất tức tối. Chính Lê Hữu Mục cho biết, “Anh em ở hải ngoại bảo nhau phải tìm mọi cách để xóa bỏ cái huyền thoại Hồ Chí Minh, chuyện Hồ Chí Minh sẽ được tôn vinh là nhà văn hóa lớn quốc tế do UNESCO công nhận”. Họ giục giã Lê Hữu Mục viết để “nói lên sự thật”, và “Tôi cố gắng viết, chỉ nội trong một tháng là xong”, bởi “Hồ Chí Minh không biết làm thơ, cũng chẳng phải là nhà văn học, văn hóa gì cả”(4).
Khi tìm cơ sở, điểm tựa để chứng minh Hồ Chí Minh “đạo văn”, đọc cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (Trần Dân Tiên), Lê Hữu Mục bắt gặp thông tin về ông già Lý, người Trung Quốc, ở tù cùng với Hồ Chí Minh trong nhà lao Victoria tại Hồng Kông; đó là “một tướng cướp già, bị bắt vì bị bạn tố giác. Người này độ sáu mươi tuổi, hòa nhã, mưu trí và gan góc, giỏi chữ Hán, làm được thơ”. Thế là, mặc dù không biết gì thêm về ông già Lý này, ông Mục đã khẳng định luôn: đây chính là tác giả Ngục trung nhật kí.
Không chỉ trong cuốn sách của Lê Hữu Mục, mà trong bộ phim tài liệu Sự thật về Hồ Chí Minh (ra đời tại cộng đồng người Việt ở Mĩ năm 2009), một số nhân vật được phỏng vấn trong phim cũng cho rằng Nhật kí trong tù không phải là của Hồ Chí Minh. Họ giễu cợt: Suốt những năm ở Hồng Kông, ở Nga không thấy ông Hồ làm bài thơ nào, tại sao sau này khi ông làm Chủ tịch nước người ta lại khám phá ra ông “có làm thơ thời gian tù ở Trung Quốc”? Họ không biết, hay cố tình quên rằng ngoài Nhật kí trong tù, Hồ Chí Minh còn có nhiều thơ tiếng Việt và thơ chữ Hán viết trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc, thể hiện sự nhất quán về tư tưởng và phong cách với Nhật kí trong tù?
Có thể khẳng định, tiếng nói của Lê Hữu Mục cũng như của Minh Võ, Vũ Thư Hiên và những kẻ làm phim kia về tác phẩm thơ Hồ Chí Minh đều không nhằm mục đích đóng góp cho khoa học, cho chân lí mà chỉ xuất phát từ những thiên kiến chính trị, phục vụ cho ý đồ chính trị đen tối nên không thuyết phục được ai. Những luận điệu này đã cũ, nhưng việc nhận diện lại chúng là cần thiết để chúng ta nâng cao ý thức cảnh giác hơn trước những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật
V.Q
--------
1. Minh Võ (tên thật là Vũ Đức Minh) từng phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu, Nha Chiến tranh tâm lí, Nha Vô tuyến truyền thanh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1991 định cư tại Hoa Kì.
2. Vũ Thư Hiên là nhà văn, nhà báo, dịch giả hiện sống lưu vong tại Pháp. Ông là con trai của cụ Vũ Đình Huỳnh - thư kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Lê Hữu Mục là giáo sư, tiến sĩ từng giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Huế và Sài Gòn trước 1975, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hán -Nôm, Giám đốc Nha Sư phạm của Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Sau 1975 định cư tại Canada.
4. Lê Hữu Mục trả lời phỏng vấn chương trình phát thanh của Hội Văn hóa Việt ngày 8-6-2003 tại California, Hoa Kì .
VNQD