Phản biện – Một nét tư duy Hồ Chí Minh!

Thứ Hai, 13/04/2020 10:05

.NGUYỄN HÀ THANH

 

Phản biện, phản biện xã hội là một hình thức tư duy hiện đại. Càng có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm mới, làm tốt cho con người thì càng giàu ý thức phản biện. Không phải ai cũng có ý thức phản biện và năng lực phản biện, phải là người có trách nhiệm sâu sắc với xã hội, có năng lực phát hiện vấn đề, có lòng dũng cảm dám nói và khả năng nói một cách tinh tế... mới có thể phản biện được. Phản biện là một hoạt động nhận thức nhằm đưa vấn đề tiến gần hơn tới chân lý. Trên tinh thần ấy chúng ta thấy Bác Hồ là một người luôn có tinh thần phản biện mà hôm nay chúng ta cần học tập về mọi phương diện, ý thức, cách thức, đề tài, nội dung…

Đầu thế kỷ XX không chỉ có một người thanh niên Nguyễn Tất Thành đi tìm con đường cứu nước mà còn nhiều người khác, nhưng với nhãn quan khoa học, chỉ có Nguyễn Tất Thành là tìm ra con đường đúng đắn nhất. Một trong những phương pháp cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc sử dụng là chỉ ra những mặt yếu kém của người dân thuộc địa. Ngày 25-5-1922 trên báo Nhân đạo có đăng bài Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo đưa ra mấy luận điểm quan trọng, đặc biệt ở luận điểm 3, tác giả đã chỉ ra một tình trạng thảm hại của người dân thuộc địa là không nhận thức được những vấn đề đơn giản nhất của tồn tại xã hội: “Trong tất cả các nước thuộc địa, ở cái xứ Đông Dương già cỗi kia cũng như ở xứ Đahômây trẻ trung này, người ta không hiểu đấu tranh giai cấp là gì, lực lượng giai cấp vô sản là gì cả…”. Sâu sắc hơn, tác giả đã vạch ra cái tâm lý cam chịu thân phận nô lệ ở họ: “giống như con chó trong truyện ngụ ngôn, họ lại thích đeo cái vòng cổ để kiếm miếng xương của chủ” (Tập 1, tr 64 – Những dẫn chứng trong bài đều lấy từ Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập, Nxb CTQG, 2000). Vạch ra nét tâm lý đau đớn này, trong truyện ngắn Động vật học được viết trước đó 24 ngày, ngày 1-5-1922 Nguyễn Ái Quốc đã dùng một hình tượng nghệ thuật đặc sắc là “động vật”: “Một vài đức tính thực dụng của nó còn cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài gia súc nữa kia. Một khi thuần thục rồi, thì tự nó để cho người ta hớt lông như một con cừu, chất đồ nặng lên lưng như một con lừa, và đưa vào lò sát sinh như một con bê” (Tập 1, tr 60).

Nếu tiếng cười là một sự phê phán thì đây là một sự phê phán đích đáng, một sự phê phán đau đớn vạch ra trạng thái thảm hại của con người nô lệ. Chúng ta hãy chú ý phép so sánh: …cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài gia súc nữa kia… Thế thì kiếp nô lệ còn nhục nhã hơn, xót xa hơn kiếp súc vật.

Đây không hề là sự coi thường hay khinh rẻ con người, mà ngược lại, phải có tấm lòng kính trọng, một tình yêu vô cùng sâu sắc con người mới có những câu văn đẫm nước mắt ấy. Bởi vì phải vạch ra trạng thái phi nhân tính thảm hại để con người hiểu, hiểu để mà đấu tranh đòi trả lại một cuộc sống đích thực nhân tính.

Mục đích tối thượng của Nguyễn Ái Quốc là giải phóng dân tộc mình, nhân dân mình nên Người dành nhiều tâm huyết hơn cả để thức tỉnh cả “dân tộc An Nam”, nhất là thanh niên. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp có phần Phụ lục Gửi thanh niên An Nam: “Người Airlan, Ai cập, Triều Tiên, Ấn Độ, tất cả những người chiến bại hôm qua và nô lệ hôm nay đó, đương đấu tranh dũng cảm cho nền độc lập ngày mai của họ. Riêng người An Nam, thì vẫn cứ thế: sẵn sàng làm nô lệ”. Những dòng cuối cùng tác giả đưa ra lời bình luận thức tỉnh:

“Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” (Tập 2, tr 129,133).

Tác phẩm Truyện ngụ ngôn được Người viết tại Quảng Châu năm 1925 (Tập 2, tr 444) là rất tiêu biểu cho tinh thần phản biện, một sự phản biện thông qua một hình thức nghệ thật trào phúng thâm thúy. Tác phẩm học tập hình thức truyện Lục súc tranh công trong ngụ ngôn dân gian. Có thể tóm tắt truyện thế này, con rồng tự hào là thủy tổ của người An Nam có nhiều bậc anh hùng cứu nước. Con tôm “phản biện” lại, nói tôm sướng hơn người An Nam vì thân nó cong là do ý trời còn người An Nam lưng còng là chịu sưu cao thuế nặng. Con cừu đồng tình nói, người An Nam giống loài thỏ, cừu bị cắt lông một năm một lần nhưng người An Nam bị Pháp bóc lột tứ thời. Rắn nói người Pháp “khẩu Phật tâm xà” mà người An Nam lại rước họ vào nước mình. Voi buồn cho người An Nam “rước voi về giày mả tổ”. Lươn chê người An Nam dễ để cho đồng tiền cám dỗ. Chuột mỉa mai người An Nam không nghĩ gì đến đất nước. Gà trống khinh người An Nam vì tiền mà bội bạc. Cá chép sung sướng là mình sẽ có ngày hóa rồng mà buồn thay cho dân An Nam suốt đời nô lệ mà không dám vùng lên…

Câu chuyện không chỉ đáng đọc ở cái thời đất nước ta đắm chìm trong nô lệ mà cũng rất đáng đọc ở cái thời nay, đọc để tự ý thức về tinh thần vươn lên, về cởi bỏ những tâm lý xấu, tính cách xấu…

Một trong những cách phản biện mà Người hay dùng là mượn hình thức truyện ngụ ngôn mà tác phẩm trên là một trong nhiều ví dụ mà chúng tôi tìm thấy. Có thể kể thêm cách kể một truyện ngụ ngôn rồi đưa ra lời bình luận. Sau khi kể chuyện Hội đồng chuột, tác giả đưa ra lời bình luận đắt giá như thế này:

“Phải, không một con chuột nào của La Phôngten nói trong thơ ngụ ngôn dám buộc chuông lên cổ mèo; tuy vậy chúng đều căm ghét kẻ thù của chúng và đồng tình sẽ treo cổ nó lên. Những con chuột ấy thật là hơn hẳn “những con chuột An Nam” không biết căm thù “những con mèo Pháp”, vì những con chuột này không biết đoàn kết lại để bàn việc tiêu diệt những con mèo kia” (Tập 2, tr 164). Lời bình hướng tới hai sự phê phán đích đáng: tinh thần bạc nhược, đớn hèn và sự phản bội xấu xa. Toát lên một chân lý phổ quát: người An Nam phải biết đoàn kết lại thì mới sửa chữa được những thói xấu ấy.

Hôm nay người ta hay nói muốn thành công phải luôn có ý nghĩ khác người, khác với lẽ thông thường. Nhưng đối với Bác Hồ, điều ấy luôn thường trực trong tư duy. Đó là tư duy phản đề luôn đặt ngược lại vấn đề để bàn luận. Đây là một câu hỏi “móc máy” của một phóng viên nước ngoài:

“Hỏi: Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?

Trả lời: Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basques), người Brơtôn không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?” (Trả lời các nhà báo ngày 12-7-1946 tại biệt thự Roayan Môngxô- Tập 4, tr 272).

Câu trả lời lại là câu hỏi đặt ngược lại vấn đề của câu hỏi, đồng thời đưa ra một bằng chứng hiển nhiên: người Brơtôn không nói tiếng Pháp nhưng cũng là người Pháp thì hà cớ gì người Nam Kỳ nói tiếng Việt lại không phải là người Việt Nam. Ở đây còn nổi lên một quan niệm khoa học về khái niệm dân tộc, dân tộc trước hết là phải có chung tiếng nói.

Cũng thời gian Bác ở Pháp, một phóng viên Mỹ hỏi: “Nếu Chủ tịch cần phải quốc hữu hóa thì sẽ quốc hữu hóa những doanh nghiệp nào?

Trả lời: Những doanh nghiệp nào dùng vào việc chế tạo bom nguyên tử” (Tập 4, tr 273).

Sự thật là, thời đó (1946) và cho tận hôm nay chúng ta chưa hề có bom nguyên tử, câu trả lời tưởng đi thẳng vào vấn đề nhưng thực chất lại là một sự tố cáo đế quốc Mỹ, vì năm 1945 Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản làm hàng nghìn dân vô tội chết oan, hàng vạn người nhiễm độc. Với bản chất nhân đạo, vì hạnh phúc của dân, Chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ đi theo, làm theo Chính phủ Mỹ. Thế cho nên phải hiểu rộng ra câu trả lời là nếu Việt Nam “quốc hữu hóa” thì cũng chỉ là việc làm có lợi cho dân Việt Nam.

Trả lời một phụ nữ Pháp có con đi lính ở Việt Nam, Bác Hồ cũng dùng cách phản đề, một phản đề hết sức có lý, lại có tình, không chỉ trả lời một người mà là tuyên ngôn của cả một cuộc kháng chiến chính nghĩa với thế giới: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất. Nếu có kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và sự thống nhất ấy, thì tôi tin chắc rằng các bà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó. Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc chúng tôi độc lập và thống nhất. Liệu các bà có kết tội chúng tôi vì chúng tôi đã đấu tranh chống những kẻ tìm cách chinh phục và chia cắt Tổ quốc chúng tôi không?” (Tập 4, tr 302).

Có thể coi đây như một mẫu mực về cách lập luận phản đề “thấu lý đạt tình”. Người phản biện đòi hỏi vốn hiểu biết rộng, ứng đối sắc sảo, nhanh nhẹn, thông minh, dí dỏm.

Toát ra một bài học từ tinh thần phản biện của Bác Hồ: Phải có một tâm huyết, một tình yêu tha thiết với nước với dân, một trách nhiệm sâu nặng với cộng đồng, phải có một vốn học vấn, một tầm trí tuệ, một cách ứng xử linh hoạt… Phản biện không phải là phủ nhận mà là xem xét vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, có khi ngược hẳn lại với quan niệm thông thường, để phân tích tìm ra phương án phù hợp nhất.

N.H.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)