Biểu tượng con chim, cánh chim, tiếng gà trong tác phẩm Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 17/04/2020 09:15

.NGUYỄN THANH

 

Năm 1930, ngày 18-2, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nhận định về tình hình cách mạng trong nước qua một biểu tượng: Hội An Nam Thanh niên Cách mạng do chúng tôi tổ chức từ năm 1925. Có thể nói rằng, nó là quả trứng, mà từ đó, nở ra con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản). Con chim ra đời, cái vỏ bị phá huỷ gần hết do chính sách sai lầm của những người cộng sản. Phần còn lại của nó chịu ảnh hưởng và chịu sự lãnh đạo của chúng tôi trong công tác vận động quần chúng. Từ nay, với chính sách đúng và với sự thống nhất, chúng tôi có thể chắc rằng Đảng Cộng sản sẽ tiến bộ nhanh chóng”[1]. Hình tượng con chim mới nở và cái vỏ diễn tả một cách chính xác nhất, sinh động nhất sự kế tiếp của hai tổ chức và sự còn non bấy của Đảng Cộng sản khi vừa ra đời bất hợp pháp trong bối cảnh ngục tù khủng bố của kẻ thù đang chờ đón họ. Là người sáng lập, lãnh đạo và dìu dắt Đảng ta lãnh đạo thành công cuộc cách mạng vĩ đại giành độc lập, bảo vệ tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hơn ai hết Bác Hồ là người nhìn thấy rõ sự vĩ đại của Đảng.

Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc có tầm nhìn bao quát cả thời đại. Có vậy mới có khái quát này: “Cách mạng là con chim đại bàng có hai cánh, một cánh vỗ ở các nước thuộc địa, một cánh vỗ ở các nước chính quốc. Có hai cánh vỗ thì đại bàng mới bay được”[2]

Đống chí Hoàng Hữu Kháng, cận vệ của Bác Hồ kể: “Ở chiến khu công việc kháng chiến bận rộn. Tuy vậy, đôi lúc Bác cũng tìm được cho mình một chút thư giãn, đó là thả mình trong cảnh vật thiên nhiên của núi rừng. Bác nuôi một đôi chim bồ câu trắng. Bác cho chim ăn. Đôi chim quấn quýt cạnh Người, có khi đậu lên hai vai. Chúng tôi ngắm Bác, giữa khung cảnh núi rừng Việt Bắc trông Bác như một ông tiên, tạm thời quên hết mọi việc nhọc nhằn, khó khăn của những ngày kháng chiến”[3]. Chi tiết này, đúng như người chứng kiến nhận xét, Bác như “ông tiên”.

Tháng 7-1954 tại Việt Bắc Rôman Cácmen, nhà đạo diễn điện ảnh Nga hỏi Bác làm việc bao nhiêu tiếng một ngày, Người nói: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao”[4]. Thì ra Bác lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để đo thời gian cho cuộc sống của mình. Câu trả lời ý vị, vừa nói được khoảng thời gian làm việc, vừa nói về một sở thích, thói quen hoà mình vào thiên nhiên, muốn sống cùng cỏ cây, qua đó toát lên một thái độ sống: yêu hoà bình và trở về với thiên nhiên. Đây là cốt cách của một vị tiên, nói đúng hơn, thái độ sống của một triết nhân hiền minh, lão thực.

Nhà văn Nguyễn Xuân Xanh luôn nhớ câu nói của Bác ngày 30-5-1946 khi Người đến Bạch Mai thăm khu học xá sinh viên. Nhìn xung quanh, Bác cười nói: “Đang còn nhiều cây và nhiều chim”[5]. Chỉ một nhận xét nhưng cho thấy một tình yêu, một khát khao con người sống giữa thiên nhiên.

Sinh thời, Bác Hồ rất quý trọng Picátxô. Năm 1961, nhân dịp Picátxô tròn 80 tuổi, Bác đã viết một bức thư bằng tiếng Pháp, gửi chúc mừng nhà danh họa nhân ngày vui trọng đại. Chúng tôi xin trích đoạn Bác nhận xét về tầm cỡ tác giả và ý nghĩa tác phẩm của ông “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với hòa bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa Cộng sản, và vì thế họa sĩ giữ mãi được tuổi xuân.

Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc”[6]. Lời của Bác là sự giải thích tinh tế nhất về biểu tượng “con chim bồ câu hòa bình” của cả nhân loại.

Câu chuyện Bác qua cầu Bắc Luân là sinh động hơn cả. Sáng ngày 20-2-1960 Bác đến thị xã Móng Cái và vào thăm một lò sứ: “Theo sự hướng dẫn của một cán bộ kỹ thuật, Bác đi vào phân xưởng vẽ bát, tới một hàng bát lớn, một nữ công nhân đang ngồi vẽ, Người đứng xem rồi chợt bảo người nữ công nhân:

- Cháu đứng lên để Bác thử vẽ xem…

- Dạ, nhưng đất làm bát còn mềm lắm, lại rất dễ hỏng ạ!

Người nữ công nhân vừa nói lễ phép đứng dậy, vẻ lo lắng Bác làm hỏng mất hàng của cô.

- Được để Bác thử vẽ xem.

Bác ngồi ngay ngắn vào ghế người thợ làm bát, lặng ngắm mẫu: Đôi chim tung cánh trên bầu trời xanh trong, dưới là đồi núi, mặt biển, hệt như bầu trời của sông Bắc Luân, chân trời, mây ửng hồng báo hiệu một ngày đẹp trời sắp tới. Người vẽ rất nhanh và trả bát vào vị trí.

Cả đoàn ngạc nhiên về sự thành thạo vẽ trên bát sứ của Bác.

Nhìn nét vẽ, người nữ công nhân kêu lên:

- Vẫn mẫu ấy nhưng nét vẽ của Bác sao sống động vậy. Đây mới là nét vẽ của người nghệ sỹ, còn cháu chỉ là vẽ theo nghề nghiệp… Nói đến đây, cô ta vội nói to lên: - Dạ mẫu là đôi chim đang chắp cánh bay, sao Bác chỉ vẽ có một con?

Bác mỉm cười trả lời rất tự nhiên:

- Ừ nhỉ… nhưng Bác chỉ có một mình mà, vẽ hai sao được!

Mọi người đều cười vang và tiếp tục sang các bộ phận khác”[7].

Đó chỉ là câu chuyện nhưng ý nghĩa của nó thì cao hơn nhiều: Bác Hồ là một họa sĩ đích thực. Bác là người yêu động vật, có vậy mới vẽ nhanh và sinh động như vậy. Bác là người yêu hòa bình nên vẽ biểu tượng mới “sống động” như vậy (lưu ý mẫu vẽ là hai con chim nhưng Bác vẽ theo mô hình chim hòa bình của Pi-cát-xô chỉ có một con).

Tiếng gà trong Nhật ký, ngoài nghĩa đen còn mang nghĩa biểu tượng: cái gì đóng vai trò làm thức tỉnh “toàn dân” thì cũng được đánh giá cao là.

“Ngươi tuy chỉ một chú gà thường,

Báo sáng, ngày ngày tiếng gáy vang;

Một tiếng, toàn dân bừng tỉnh mộng,

Công ngươi đâu có phải là xoàng”[8].

Với những ví nhân thì một hình tượng bình thường cũng phát sáng những ý nghĩa mới mẻ!

N.T

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 3, tr 13

[2] Lời Bác Hồ nói với đồng chí Hà Huy Giáp. Trích từ cuốn Từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng của Trình Quang Phú – Nxb Thanh niên, in lần thứ 12, 2012, tr 193.

[3] Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 522.

[4] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 5, tr 482.

[5] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 171.

[6] Hồ Chí Minh với nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 3, tr 303, 308.

[7] Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007tr 217.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 3, tr 337.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)