.NGUYỄN THANH TÚ
1. Phê phán, lên án bọn sâu mọt, đục khoét, tham ô.
Bác Hồ đọc nhiều kinh điển, một lần Người trích Xtalin: “Xtalin đã có lần ví bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn. Đó là thứ cặn bã còn rớt lại của xã hội cũ - cái xã hội thối nát, trong đó bọn ăn cắp, bọn sống bám... lại được coi là những kẻ "khôn ngoan nhất đời"[1]. Ở ngày hôm nay chúng ta vẫn thấy những lời nói trên của Xtalin không hề cũ, ở một số khía cạnh nào đó vẫn đúng với hoàn cảnh nước ta hôm nay.
Ở một dịp khác, đối tượng khác vẫn mượn hình ảnh “con lợn” tham ăn này, Bác Hồ phê phán lối chủ nghĩa cá nhân thì sinh ra tham ô, tư lợi: “có đôi đảng viên như những con lợn, (xin lỗi tiếng đó), họ rúc vào vườn rau của Nhà nước, chén một bữa no say, hoặc họ hy sinh lợi ích của nước nhà, để lên mặt mình là khảng khái”[2]. Thực tiễn hôm nay cho thấy lời Bác dạy là sự thật: có những kẻ quyền cao chức trọng hay lên mặt dạy đời nhưng tham ô, tham nhũng…còn hơn “lợn”…!!!
Quan niệm của Bác về tăng gia sản xuất, bên cạnh công việc lao động trồng cấy để tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội còn phải biết ngăn chặn các căn bệnh tiêu cực khác để bảo vệ thành quả: “Bây giờ Chính phủ, Đoàn thể, nhân dân, bộ đội đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng như đang vun trồng một rừng cây. Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả; nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Chúng ta phải tiêu diệt các con sâu mọt ấy: ấy là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí”[3]. Qua đấy chúng ta càng thấy tầm nhìn, suy nghĩ của Bác thật rộng rãi, sâu sắc, rất thời sự với hôm nay!
Đảng, Nhà nước, Pháp luật của ta đang làm như Bác dạy: “Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh "con sâu làm rầu nồi canh"[4].
2. Chế giễu lối nói, viết “lúng túng như gà mắc tóc”.
Bài học Bác dạy về cách viết dành cho mọi người chứ không riêng một nghề viết: “Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói"[5]. Và “Tục ngữ nói: "Đo bò làm chuồng, đo người may áo". Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy”[6].Người phê bình những người nói mà không chuẩn bị chu đáo thì “Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai”[7]. Người dạy cán bộ nói và viết hay tuyên truyền đường lối chính sách phải thật hiểu, thật rõ hãy nói, hãy viết: “Tục ngữ nói "gẩy đờn tai trâu" là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là "trâu"[8].
Thực tế hôm nay cho thấy còn nhiều “gà”, nhiều “trâu” mà chúng ta đang cố gắng ngày một giảm bớt.
3.Hài hước lối dạy và học theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước”.
Lời dạy của Bác thật đúng với tình trạng giáo dục đang được xem là bất cập hiện nay: “Khuyết điểm chung là tham làm nhiều mà làm không chu đáo, không biết "quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Rõ ràng nhất là trong việc mở lớp huấn luyện”:
Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi "bắt phu", vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như "chuồn chuồn đạp nước", dạy không được chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải "bịt lỗ", người "bịt lỗ" năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho Đoàn thể”[9].Lời Bác như nói với hôm nay. Chúng ta mở ra quá nhiều trường đại học, quá nhiều loại hình, và đang khắc phục hậu quả. Điều này cho thấy tư tưởng cũng như triết lý giáo dục của ta phải bám sát, làm theo quan niệm của Bác Hồ về giáo dục.
Mục đích giáo dục của Người vừa đúng với bản chất sáng tạo vừa phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi: “Khi giáo dục phải thiết thực không được làm cho các cháu thành những "con vẹt", làm sao cho các cháu khi chơi là được học, mà trong khi học vui vẻ như được chơi”[10]. Đây là Bác giễu lối học nhồi sọ, về bản chất chính là kiểu dạy “chuồn chuồn đạp nước”, vì thầy không chịu nghiên cứu, tìm hiểu, chỉ biết bắt trò học thuộc. Thậm chí có cô, ở ngày hôm nay, như báo chí nêu, đến lớp không thèm nói chỉ viết lên bảng...!
4. Chế giễu những thói hư tật xấu của cán bộ.
Trong một trường hợp Bác Hồ dùng ẩn dụ vật hoá “con ma rượu lậu” để phê phán thói hư tật xấu trong nội bộ cán bộ nhân dân, nhưng đó là sự phê phán thẳng thắn, đích đáng nhằm mục đích vạch ra cái xấu để cán bộ tốt hơn:
“Nói tóm lại, cán bộ xã L.T. đã bị con ma rượu lậu làm cho lu mờ tinh thần cách mạng, ...Công việc đồng áng bị lơ là. Nhân dân xem thường cán bộ”[11].
So sánh vật hoá dưới đây Người nói về những kẻ thiếu tiến bộ trong Đảng ứng xử “đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối với hổ mang, thuồng luồng”, nghĩa là coi những người có khuyết điểm dữ như rắn độc, thuồng luồng. Tại sao lại thế? Người phân tích, đó là do căn bệnh chủ quan mà ra: “Đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi! Do đó, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh "chủ quan"[12]. Qua cách phê phán những kẻ có bệnh chủ quan này đã toát lên tinh thần nhân ái của Người: phải biết nâng đỡ, dìu dắt những người “có khuyết điểm và sai lầm” để cùng nhau tiến bộ!
Một lần Bác Hồ đến thăm lớp chỉnh huấn khoá I dành cho cán bộ cao cấp trong kháng chiến chống Pháp. Do chưa có kinh nghiệm nên tình hình học tập căng thẳng về cách giải quyết, nhất là quan hệ trí thức/tiểu tư sản. Người đến không hề nói lý luận mà kể chuyện Tây du ký:
“Một lần, thầy trò Đường Tăng đi đến một khu rừng thì trời vừa tối. Bỗng thấy trước mặt có một lâu đài nguy nga, tráng lệ với bốn cây cột cao to, mái và tường hoa rực rỡ, sau nhà có một cột cờ đang phấp phới…Thì ra, đó là cạm bẫy của Hầu tinh: bốn cột là bốn cái chân, mái tường là da thịt, chỉ có cái đuôi là không giấu vào đâu được, nó bèn biến thành cái cột cờ. Muốn diệt nó phải chặt cái đuôi của nó đi”. Người rút ra kết luận: “Thế thì trong chỉnh huấn, các cô các chú cũng hay nói: phải cắt cái đuôi tiểu tư sản đi, có phải thế không?”.
Lớp chỉnh huấn sôi nổi hẳn lên”[13].
Câu chuyện hài hước, ý vị, giàu chất biểu cảm mà chính xác: sự dao động, sự thích hưởng thụ, lười lao động trực tiếp… trong tư tưởng là những biểu hiện của “cái đuôi tiểu tư sản”. Nếu cán bộ nào mà có “cái đuôi này” có giỏi che đến mấy cũng như “Hầu tinh” thì cũng “không giấu vào đâu được”. Thế nên để trở thành cán bộ kiểu mẫu, phải “cắt” cái đuôi ấy.
Chế giễu những kẻ bàng quan không thiết tha với một việc gì, Bác Hồ dùng biểu tượng “con ốc tù” và khẳng định đó cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: “Cán bộ trong Đảng cũng như ngoài Đảng, có một số người giữ thái độ bàng quan. Họ như con ốc tù, chui vào vỏ rồi mặc. Cái đó là chủ nghĩa cá nhân,…”[14].
Đặc điểm “con ốc tù” là luôn chui phần thịt vào trong vỏ cứng, chỉ khi ăn (hưởng thụ) mới đưa miệng ra. Bác ví người “bàng quan” với con ốc tù là chính xác cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Rõ ràng nhờ vận dụng những biểu tượng cụ thể ấy mà vấn đề trở nên giản dị, dễ hiểu hơn nhiều.
N.T.T
[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 10, tr 58
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 6, tr 500
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 6,tr 435.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập7, tr 575
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 306
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 300
[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 302
[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 300
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập6, tr 52
[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 9, tr 331
[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập12, tr 170
[12]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 264
[13]Theo Hồi ký của đồng chí Trần Cung. Chuyển dẫn từ GS Song Thành- Hồ Chí Minh, Nhà văn hoá kiệt xuất. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr 60.
[14]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 9, tr 491.
VNQD