. NGUYỄN THANH
Ngày này việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới đang được xúc tiến, thì gần một trăm năm trước, Bác Hồ chính là một trong những người Việt Nam đầu tiên quảng bá, giới thiệu văn hoá, văn học Việt Nam ra thế giới, nhất là ở châu Âu; đồng thời Người cũng quảng bá, giới thiệu các nền văn hoá đặc sắc khác về Việt Nam cũng như ra toàn thế giới. Bác Hồ luôn đi trước thời đại.
Dĩ nhiên việc quảng bá, giới thiệu ấy phải bằng tiếng nước ngoài. Chúng ta cùng điểm lại một vài tác phẩm văn học Người viết bằng tiếng Pháp. Đây là mấy đoạn văn ngắn trong Lời than vãn của bà Trưng Trắc:
"Giở sử đất nước ra mà xem, mi sẽ thấy tổ tiên đã treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn. Lý Bôn (544), với một nhúm nghĩa sĩ, đã nổi dậy và bẻ gãy ách đô hộ của Hán tộc. Ngô Quyền (938) đã phá tan đạo quân nước ngoài kéo vào đánh chiếm đất đai Tổ quốc ta.
Dân ta sống trong hạnh phúc và thịnh vượng dưới triều nhà Đinh. Năm 980, Lê Đại Hành đã dũng cảm không chịu khuất phục trước yêu sách của láng giềng hùng mạnh hơn mình gấp bội, ông đã đánh thắng địch, giết chết tướng địch. Do đó đã giải thoát được đồng bào khỏi nạn nô dịch…".
Lời văn là lời của bà Trưng Trắc: "một trong những người khai sáng nước Nam tươi đẹp" nói với "đứa con khốn khổ" là vua Khải Định. Các câu văn đều hừng hực một niềm tự hào, như làm sống lại các thời kỳ lịch sử oai hùng lẫm liệt của dân tộc. Truyện ngắn là cả một đối cực giữa quá khứ vẻ vang của các bậc tiên liệt với thực tại thảm hại của vua Khải Định đớn hèn cam chịu phận bề tôi cho ngoại bang. Bác viết không chỉ nhằm mục đích hạ bệ, vạch trần chân tướng nô lệ của Khải Định, mà còn một mục đích khác: vinh danh, quảng bá, giới thiệu lịch sử văn hoá Việt Nam - một lịch sử anh hùng, một nền văn hoá lâu đời với một hằng số văn hoá bất biến là tinh thần tự chủ, tự tôn dân tộc, không cam chịu làm nô lệ - với người dân Pháp, với thế giới. Không ngẫu nhiên mà tác phẩm dành một lượng ngôn từ không nhỏ điểm lại các mốc son lịch sử, từ thời Lý Bôn, Ngô Quyền… đến Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân…
Trên Báo Le Pariasố 36, 37, tháng 9 và 10 năm 1925 bạn đọc nước Pháp và cả thế giới hả hê được đọc truyện ngắn Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc. Với một phong cách châm biếm đả kích vỗ mặt không che giấu, tác giả đã xây dựng hai hình tượng đối lập nhau gay gắt để làm nổi lên một hình tượng Phan Bội Châu toả sáng cao thượng và Varen tăm tối thấp hèn:
"Ôi thật là một tấn kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán! Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình, lúc này mặt đối mặt với người kia, con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai đày đoạ trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ.
Giữa kẻ phản bội nhục nhã và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng…".
Kẻ phản bội nhục nhã đó là Varen - vị Toàn quyền Đông Dương; bậc anh hùng, vị thiên sứ là Phan Bội Châu. Bạn đọc càng thấy ghê tởm Varen bao nhiêu thì càng khâm phục yêu quý, kính trọng Phan Bội Châu - nhà yêu nước Việt Nam vĩ đại bấy nhiêu.
Rất tiếc văn bản vở kịch Con rồng tre (Le dragon en bamboo) chúng ta chưa tìm được nhưng qua lời tóm lược cô đọng của chính tác giả: "Có những cây tre thân hình quặt quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre, nhưng lại hãnh diện có tên và hình dáng con rồng"(1), chúng tôi đoán vở kịch cùng chủ đề, cùng mục đích với truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc. Và rất có thể tiếng cười trào phúng ở vở kịch này là sự kế thừa, tiếp nối tiếng cười trào phúng của Nguyễn Khuyến trong bài thơ "Tiếnsĩ giấy": Cũng cờ cũng biển cũng cân đai/ Cũng gọi ông nghè có kém ai/… thế mà lại Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi!. Bạn đọc người Pháp, dĩ nhiên, và bạn đọc quốc tế chắc hẳn đã ngạc nhiên bởi một tiếng cười khi thâm thuý, nhẹ nhàng, lúc mát mẻ, chua cay… trong Động vật học, Pari, Vi hành, Sở thích đặc biệt…
Như vậy, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, ngay trong những ngày đầu tiên ở nước Pháp đã có công giới thiệu văn hoá Việt Nam - có thể gọi chung đó là văn hoá yêu nước và văn hoá trào phúng đặc sắc của người Việt.
Bác Hồ là người đầu tiên giới thiệu với thế giới thể thơ lục bát độc đáo của người Việt qua tác phẩm Đồng tâm nhất trí. Xin chép lại nguyên văn lời thơ:
Kon - mèo trèo lên cây cAU
Hỏi thăm Kon - chuột đi đÂU vắng nhà
Thưa rằng đi chợ đường xA
Mua đồ vật liệu giỗ chA Kon - mèo.
…
Trông lên hòn núi Thiên ThAI
Thấy bầy chim quạ ăn xoàI chín cây.
Bản phiên âm tiếng Pháp có in nguyên bản lời thơ bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Pháp. Những ký tự in hoa là dụng ý của tác giả để giới thiệu cách gieo vần của thể thơ lục bát, chữ cuối ở câu lục ăn vần với chữ thứ sáu của câu bát, chữ cuối của câu bát lại ăn vần với chữ cuối của câu lục. Có lẽ tác giả muốn cải tiến âm C bằng âm K (trong chữ quốc ngữ) nên ký tự này luôn được in hoa, nhưng rất có thể là để tránh sự hiểu nhầm của độc giả Pháp vì chữ con trong tiếng Pháp có nghĩa tục, vì thế mà các chữ Kon - mèo, Kon - chuột luôn có gạch nối để phân biệt.
Nhật ký trong tù, một tác phẩm văn học lớn được Người viết khi ở trong lao tù của chế độ phản động Tưởng Giới Thạch, chắc có một mục đích là viết để đánh lạc hướng bọn cai ngục, và cũng có thể là để họ hiểu hơn con người tù nhân đặc biệt ấy. Qua tác phẩm mà tác giả không hề có ý xuất bản ấy, lại rất may cho chúng ta được hiểu thêm về một tâm hồn Việt Nam, một trí tuệ Việt Nam vĩ đại. Thế là Nhật ký trong tù lại là một cách gián tiếp giới thiệu văn hoá, văn học Việt Nam ra thế giới mà Hồ Chí Minh là một sự kết tinh cao đẹp nhất.
Đầu thế kỷ XX, Cách mạng tháng Mười Nga đã làm thay đổi thế giới vốn đang chìm trong bóng tối của chủ nghĩa tư bản: Nước Nga có chuyện lạ đời/ Biến người nô lệ thành người tự do. Với các tác phẩm Lênin và các dân tộc thuộc địa (1924 - tiếng Nga) và Nhật ký chìm tàu (1930- chữ quốc ngữ), tác giả Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nồng nhiệt giới thiệu Lênin - vị thầy của giai cấp vô sản, với thế giới của những người bị bóc lột trên mọi châu lục: "…Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta… Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội". Đặc biệt với Nhật ký chìm tàu, Bác Hồ đã giới thiệu Nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới về Việt Nam. Cách giới thiệu của Bác cũng rất đặc biệt, dưới hình thức hồi ký du lịch câu chuyện kể về một chiếc tàu thuỷ của Pháp bị chìm ngoài đại dương. Có ba người: anh Pôn (người châu Âu), Zô (người châu Phi) và Râu (người Việt) là những người làm công trên tàu dạt vào một hoang đảo. May mắn cho họ, một chiếc tàu Nga đi qua, họ được cứu thoát và đưa về nước Nga. ở đó họ được đối xử rất mực tử tế, được tham quan đây đó. Lần đầu tiên trong đời, họ được chứng kiến thiên đường có thật, chỉ có nơi đây mới có thể "biến người nô lệ thành người tự do". Câu chuyện mượn hình thức không có thật để nói về một chuyện có thật đã hấp dẫn, lôi cuốn người đọc đi theo bước chân cùng với những tâm trạng sững sờ, ngạc nhiên, phấn khởi, tin tưởng của nhân vật (và cũng là của bạn đọc) về một tiền đồ tươi sáng từ nước Nga sẽ đến với chính họ.
Hôm nay chúng ta rút ra được bài học gì từ công việc này của Bác?
Trước hết là lý tưởng, là mục đích. Mọi việc Bác làm đều vì một mục đích: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu… Ngày hôm nay, chúng ta quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, hãy học theo Bác, vì mục đích tôn vinh giá trị văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam.
Phải giỏi ngoại ngữ. Ngoại ngữ là cái chìa khoá để chúng ta mở cánh cửa thông thương với thế giới. Ngôn ngữ văn học khác với ngôn ngữ giao tiếp thông thường, tinh tế hơn, hàm súc hơn, đa nghĩa và bóng bẩy… Do vậy những người làm công tác chuyển ngữ văn học không chỉ phải giỏi ngôn ngữ thông thường mà còn phải giỏi ngôn ngữ văn học. Chúng ta cũng học theo Bác: "Về văn học, ông Nguyễn thích đọc Sếchxpia và Đíchken bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Hugô, Zôla bằng tiếng Pháp. A.Frăngxơ và L.Tônxtôi có thể nói là những người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn"(2). Có như vậy Bác Hồ mới có thể viết được những truyện ngắn bằng tiếng Pháp rất Pháp, viết báo tiếng Nga, làm thơ bằng tiếng Hán…
Phải am hiểu sâu sắc văn hoá nước nhà cũng như văn hoá nước ngoài. Xét đến cùng, dịch thuật, chuyển ngữ văn học là chuyển mã văn hoá. Mỗi con chữ không chỉ là ký tự, là vỏ âm thanh đơn thuần, mà tích tụ trong nó những nét nghĩa, những biểu tượng văn hoá của cả một cộng đồng dân tộc. Phải tìm ra những con chữ, lời văn đích đáng nhất tương đương nhau về mặt ý nghĩa của cả hai ngôn ngữ, đấy không chỉ là sự hiểu biết, đấy là tài năng, đấy là trách nhiệm, là tình yêu, là tâm huyết. Chúng tôi cũng cho rằng nhận xét của nhà thơ Nga Ôxip Manđenxtam từ năm 1923 về Nguyễn Ái Quốc là phần nào nói tới sự hiểu biết, tài năng, tâm huyết, tình yêu, trách nhiệm của Bác Hồ thời trẻ: "Đồng chí nói tiếng Pháp, nói bằng cái thứ tiếng của bọn áp bức, nhưng những lời bằng tiếng Pháp vang lên một cách mờ nhạt tựa như tiếng chuông bị nén lại của tiếng mẹ đẻ"(3).
N.T
--------------------
(1) Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch- Nhà xuất bản Sự Thật, tr.5.
(2) Sđd, tr.36.
(3) Chuyển dẫn từ Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế - Nhà xuất bản Giáo dục, 2000, tr.579.
VNQD